Nguyễn Phương
25.6.2006
Khắc Chí & Ngọc Bích
Trong những năm gần đây, cộng đồng người Việt định cư tại Montréal, Toronto, Vancouver và người bản xứ Canada được thưởng thức các buỗi trình diễn rất đặc sắc và độc đáo về các nhạc khí dân tộc Việt Nam của đôi ngôi sao nghệ sĩ Khắc Chí và Ngọc Bích.
Năm 1997, tại nhà Văn Hóa Frontenac Montréal, tôi được dự khán và quây film buỗi trình diễn nhạc dân tộc Việt Nam của đôi nghệ sĩ tài danh Khắc Chí – Ngọc Bích. Hôm đó có hơn 500 khán giả người Canada và chỉ có độ chừng 20 khán giả Việt Nam. Có lẽ vì việc tổ chức buỗi trình diễn đó là do bà Mary Thauberger tổ chức trong khuôn khổ giới thiệu âm nhạc theo thể loại ” World music ” trong cộng đồng đa văn hóa của Canada, quảng cáo được đăng trên báo Pháp và Anh Ngử, khán giả Việt Nam không được thông báo.
Tôi có ghi hình ảnh và âm thanh ra DVD tặng cho các bạn già của tôi ở Montréal và chiếu cho nhiều bạn khác xem nhân các buỗi sinh hoạt thân hữu. Tất cả những người được xem và nghe đôi nghệ sĩ Khắc Chí – Ngọc Bích trình diễn qua dĩa DVD đó đều rất thích thú và hâm mộ tài nghệ độc đáo của đôi nhạc sĩ thiên tài này.
Đến tháng 7 năm 2005, trong khuôn khổ của đại hội nhạc Jazz Quốc Tế tổ chức tại Montréal, hơn 200 khán giả Việt Nam và hàng ngàn khán giả Canada và cộng đồng đa sắc tộc định cư tại Montréal đã say mê theo dõi nghệ thuật trình diễn linh động của đôi vợ chồng nhạc sĩ Khắc Chí và Ngọc Bích qua phần sử dụng trên 12 nhạc khí dân tộc, phần lớn là những nhạc cụ làm bằng ống tre, ống nứa của các vùng cao nguyên Việt Nam.
Đến tháng 4 năm 2006, hàng trăm khán giả Việt Nam và hàng ngàn khán giả Canada thuộc nhiều sắc tộc lại một lần nữa được thưởng thức tài nghệ hiếm có của đôi nhạc sĩ Khắc Chí và Ngọc Bích tại các sân khấu của bốn trung tâm Văn Hóa lớn tại thành phố Montréal.
Các loại nhạc cụ dân tộc
Mời quý thính giả nghe song tấu đàn Tr ‘ưng nhạc bản Suối đàn Tr’ưng của đôi uyên ương nhạc sĩ Khắc Chí và Ngọc Bích. (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Mời các bạn tham gia chương trình Cổ Nhạc do Soạn giả Nguyễn Phương phụ trách. Mọi email xin gửi về [email protected]
Đàn Tr’ưng là cây đàn gồm các ống tre nhỏ xếp theo hình những thuở ruộng bực thang ở cao nguyên, nhạc sĩ đánh đàn bằng hai thanh tre, âm thanh đàn Tr’ưng gợi nhớ núi rừng Đàlạt những đêm trăng sáng, trong ánh lửa bập bùng bên cạnh bờ suối, chúng tôi đã từng say mê thưởng thức tài nghệ đàn trưng của các bạn nghệ sĩ dân tộc thiểu số.
Giữa thành phố Montréal văn minh và hiện đại, giữa một rừng người đủ mọi sắc tộc của xã hội đa văn hóa của Canada, bất ngờ nghe lại được tiếng đàn Tr’ưng, chúng tôi ngây ngất tưởng chừng như được nghe lại suối âm thanh vừa xa xôi huyền bí vừa có âm hưởng của dân tộc thiếu số Việt Nam, những âm thanh bập bùng xa vắng đó đã chuyên chở tâm hồn chúng tôi bay bổng, vượt qua hàng vạn cây số để trở về khung cảnh hoang sơ của miền núi rừng nhiệt đới Việt Nam. Xin mời quí thính giả thưởng thức thêm một đoạn nhạc của tiếng đàn Kơ ní.
Đàn kơ ní là cây đàn giống như cây đàn nhị, cây đàn cò của miền Nam nhưng không có bầu cộng hưởng. Đàn Kơ Ní có hai dây, người nhạc sĩ dùng vĩ đàn miết vào hai sợi dây đàn, âm thanh truyền theo hai sợi dây, chỉ được nối với một miếng lam nhỏ bằng nhựa nằm trong khoang miệng của người nghệ sĩ. Khi đàn, người nghệ sĩ dùng khoang miệng của mình làm bầu cộng hưởng để khuếch đại âm thanh của tiếng đàn Kơ Ní. Âm thanh Kơ Ní có tiếng vang vọng tự nhiên, mang vẻ thần bí. Xin mời quí thính giả nghe nữ nghệ sĩ Ngọc Bích diễn tấu đàn Kơ Ní. (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Trên sân khấu, ngoài cây đàn bầu, vợ chồng nhạc sĩ Khắc Chí- Ngọc Bích thường sử dụng từ 12 đến 14 nhạc khí, phần lớn làm từ ống tre, ống nứa. Trong số nhạc cụ nầy, nghệ sĩ Khắc Chí giới thiệu 3 nhạc cụ hoàn toàn có nguồn gốc Việt là đàn Bầu, đàn Klong Pút và đàn Kơ Ní. Ngoài ra họ còn sử dụng các nhạc cụ bắt nguồn từ một các dân tộc thiểu số Thái. Mèo, Ba Na, và một số quốc gia Đông Nam Á. Đó là đàn Tr’ưng, đàn Đinh Pá. Tre Lắc, cồng chiêng, sáo tre, sáo trúc, khèn, sáo Mèo cùng những nhạc cụ gỏ.
Nhạc cụ tự tạo
Thêm vào những chương trình trình bày các loại nhạc cụ truyền thống đã kể, Khắc Chí và Ngọc Bích còn khiến cho khán giả rất thích thú với 4 loại nhạc cụ do họ chế tạo ra, gọi là nhạc cụ tự tạo, như cây Sáo Dài cho hai, ba người thổi cùng một lúc. Đây là cây sáo bắt nguồn từ dân tộc Khơ Mú ở vùng Bình Trị Thiên dùng cho những cặp tình nhân thổi để tỏ tình với nhau trong những đêm trăng sáng bên bờ suối.
Tư cây sáo tình tự của dân tộc Khơ Mú, Khắc Chí Ngọc Bích chế ra cây sáo dài có thể dùng cho 2, 3 người thổi cùng một lúc, hai người thổi ở hai đầu và một người thổi ở giữa. Một nhạc cụ tự tạo khác được gọi là Sáo Bóp. và hai nhạc cụ tự tạo khác là Đàn Quạt và hai ống tre để thẳng đứng được gọi là Bằng Bu.
Thưa quí thính giả, Nguyễn Phương xin mời quí vị thưởng thức âm thanh của cây đàn Klong Pút. Cây đàn Klong Pút là một nhạc cụ kết hợp bằng một số ống nứa rỗng. Người nghệ sĩ dùng hai tay vỗ như kiểu vỗ tay, trước miệng ống nứa để tạo ra một luồng hơi phát ra những âm thanh trầm ấm mô phỏng theo tiếng vọng của thiên nhiên.
Nhạc sĩ Khắc Chí và Nữ nghệ sĩ Ngọc Bích
Nhạc sĩ Khắc Chí sinh ngày 7 tháng 3 năm 1950 tại Nghệ An trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Khi lên 4, anh theo gia đình gồm có cha mẹ và hai em ra Hà Nội. Khắc Chí theo học nhạc từ khi lên 8 tại trường âm nhạc Việt Nam theo hệ sơ trung dài hạn 11 năm và tốt nghiệp vào năm 1969. Sau đó anh được lưu lại làm giảng viên âm nhạc ở trường. Cùng lúc anh học thêm về kiến thức âm nhạc Tây Phương, hòa thanh, phối khí và học về bộ môn âm nhạc và nhạc cũ cổ truyền ở một nhạc viện nước ngoài.
Trong suốt nhiều năm, Khắc Chí là giảng viên đàn bầu và cũng là người được đánh giá là đã sữ dụng đàn bầu lảo luyện nhất Việt Nam. Khắc Chí đoạt được nhiều giải thưởng âm nhạc ở trong nước cũng như quốc tế và được cử làm chỉ đạo nghệ thuật cho các dàn nhạc dân tộc đi trình diễn ở nhiều nước trên thế giới.
Nữ nghệ sĩ Ngọc Bích chào đời ngày 19 tháng 12 năm 1964 tại Hà Nội, là con út của một gia đình có 3 người con. Tuy ở trong một gia đình không có truyền thống văn nghệ nhưng Ngọc Bích đã tỏ ra có một năng khiếu đặc biệt về âm nhạc khi cô theo học lớp đàn bầu lúc được 8 tuổi.
Ngọc Bích đã học trong 14 năm, hết bậc sơ cấp ở trường Nghệ Thuật Hà Nội, rồi bậc trung cấp ở Nhạc Viện Hà Nội và sau khi tốt nghiệp cô được mời làm giảng viên ở Viện m Nhạc Hà Nội. Tại bậc Trung Cấp, Ngọc Bích học với thầy Khắc Chí. Trong một thời gian dài sau đó, một thầy một trò hiểu nhau, cảm phục tài năng và cùng yêu mến tánh tình của nhau, Khắc Chí và Ngọc Bích đã chính thức thành hôn ngày 24 tháng năm năm 1988 tại Hà Nội.
Từ năm 1988 đến năm 1992, Ngọc Bích đã theo chồng trong đoàn nghệ thuật nhạc dân tộc đi trình diễn ở nhiều nước ngoài trong đó có Hoa Kỳ, Canada, Singapore, Thái Lan, Nam Hàn. Trong những chuyến lưu diễn đó, ngoài cây đàn bầu, cặp ngôi sao nhạc sĩ Khắc Chí và Ngọc Bích thu hút đuợc cảm tình và sự tán thưởng nhiệt liệt của khán giả các nước qua tài sử dụng đàn Trưng, đàn Klong Pút, đàn Kơ Ní và nhiều loại đàn với âm thanh lạ đối với khách thưởng ngoạn Tây Phương.
Sau cuộc trình diễn của đôi danh tài Khắc Chí – Ngọc Bích, khán giả Canada và khán giả Việt Nam tranh nhau bước lên sân khấu để quan sát các nhạc cụ lạ và hiếm thấy, nhiều người han hỏi hai nhạc sĩ, xin chụp hình chung lưu niệm và hỏi mua nhiều CD và kèn môi của nhạc sĩ Khắc Chí. Tôi cũng mua được hai CD nhạc Khac Chi Ensemble.
Một số đông bạn trong hội Tuổi Vàng Rồng Vàng Montréal nói lần sau khi hai nhạc sĩ thiên tài Khắc Chí Ngọc Bích đến Montréal trình diễn thì ngoài các thông báo trên báo, xin anh em nào biết tin trước thì báo với nhau đi nghe nhạc cho thỏa lòng thương nhớ quê hương.
Thưa quí thính giả, vì thời lương phát thanh có hạn, Nguyễn Phương xin dừng chương trình giới thiệu đôi tài năng âm nhạc Khắc Chí và Ngọc Bích nơi đây.
Nguyễn Phương sẽ tiếp tục giới thiệu vì sao hai nghệ sĩ nầy đã xin định cư tại Canada trong dịp Khắc Chí dẫn đoàn dân nhạc đi biểu diễn ở nước ngoài và đặc biệt giới thiệu sau hơn mười năm định cư tại Canada, Khắc Chí và Ngọc Bích đã đem lại những thành quả âm nhạc dân tộc Việt góp phần làm giàu âm nhạc thể loại World Music của thế giới và mang lại niềm hãnh diện cho người Việt Nam định cư nước ngoài.
Nguyễn Phương xin cám ơn quí thính giả đã chịu khó lắng nghe chương trình nầy. Xin hẹn tái ngộ vào giờ nầy tuần sau.
Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/TraditionalMusic/MusiciansKhacChiNgocBich_NPhuong-20060625.html