Nguyễn Phương
16.4.2006
Ngọc Huyền & Kim Tử Long
Nhắc đến những diễn viên đẹp đôi trên sân khấu, khán giả ái mộ cải lương trong hơn nữa thế kỷ qua có thể còn nhớ đến những diễn viên tài danh qua những vai tuồng gọi là để đời của họ trong nhiều kịch bản bất hủ. Có thể kể như:
– Cô Năm Phỉ trong vai Bàng Quí Phi, nghệ sĩ Bảy Nhiêu trong vai Tống Nhơn Tông tuồng Xử án Bàng Qúi Phi.
– Cô Phùng Há trong vai Lữ Bố, nữ nghệ sĩ Thanh Nga trong vai Ðiêu Thuyền, tuồng Phụng Nghi Ðình. Nghệ sĩ Năm Châu trong vai Ðường Minh Hoàng, nữ nghệ sĩ Phùng Há trong vai Dương Thái Chân tuồng Trường Hận
– Nữ nghệ sĩ Thanh Nga trong vai Loan, Thành Ðược trong vai Dũng tuồng Ðoạn Tuyệt.
– Hùng Cường trong vai Kim Trọng, Bạch Tuyết trong vai Thúy Kiều, tuồng Trăng Thề Vườn Thúy.
– Út Trà Ôn trong vai ông cò quận 9, Bạch Tuyết trong vai Lê thị Trường An, tuồng Tuyệt Tình Ca.
Mời các bạn tham gia mục Cổ nhạc do Soạn giả Nguyễn Phương phụ trách. Mọi email xin gửi về [email protected]
Và còn rất nhiều đôi diễn viên như Kim Lan – Từ Anh, Hữu Phước – Út Bạch Lan, Việt Hùng – Ngọc Nuôi, Minh Cảnh – Mỹ Châu, Thanh Tòng – Ngọc Ðáng, Thanh Bạch – Bạch Lê, Bữu Truyện – Thanh Thế, Vũ Linh – Phượng Mai, Tài Linh – Vũ Linh, Kim Tử Long – Ngọc Huyền, Kim Tiểu Long – Thanh Ngân…vân vân…
Mỗi đôi diễn viên đẹp gợi lại trong ký ức của khách mộ điệu sân khấu những lớp tuồng hay, những pha diễn đẹp, những bài ca khó quên, những hình ảnh xứng đào xứng kép, thinh sắc lưỡng toàn.
Buổi đầu khó khăn
Nghệ sĩ Kim Tử Long tên thật là Hoàng Kim Long, sanh năm 1966 tại Saigon, quận 8. Thân phụ của anh là ông Hoàng Sinh, hành nghề đông y, mẹ là bà Châu Thanh Nguyên, buôn bán nhỏ.
Năm 1975 đã làm đảo lộn cuộc sống của mọi người, mọi gia đình. Cha của Kim Tử Long không được hành nghề đông y vì phải chờ sự cấp giấy phép hành nghề của Bộ Y Tế và Hội đông y miền Bắc, tiệm thuốc Bắc của ông ở quận 8 bị tịch thu vì bị “đánh tư sản”. Mẹ của Hoàng Kim Long cũng bị dẹp sạp bán hàng chạp phô trong chợ quận, cuộc sống lâm vào cảnh túng hụt khó khăn.
Các anh em của Hoàng Kim Long phải bỏ học, mỗi đứa phải kiếm một nghề mới để khỏi bị đưa đi vùng kinh tế mới. Người anh cả Hoàng Kim Hoàng học nghề điêu khắc tượng Phật, đúc hình bằng thạch cao, học của ông Nguyễn Thành Ý, giáo sư trường Mỹ Thuật Gia định, ông nầy vừa bị chế độ mới sa thải nên dạy học trò ở địa phương để kiếm sống. Hoàng Kim Long lúc đó mới có 10 tuổi, để giúp cho gia đình qua cơn túng ngặt, Hoàng Kim Long đi bán bánh in ở vùng cầu chữ Y.
Do thuật gia Z27 dạy nghề ảo thuật miễn phí cho Hoàng Kim Long để đền ơn cha cậu đã trị bịnh cho ông. Từ đó Hoàng Kim Long theo ảo thuật gia Z27 đi diễn ảo thuật trong chương trình tạp kỷ của đoàn Hương Miền Nam do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết làm trưởng đoàn.
Từ năm 1978, Kim Long gia nhập đoàn cải lương Tuổi Trẻ của Sở Thương Nghiệp thành phố, biểu diễn ảo thuật trước khi đoàn mở màn hát cải lương. Kim Long cũng bắt đầu học ca cổ nhạc, học các vai tuồng của các diễn viên trong đoàn để thế vai khi các diễn viên nầy bịnh hay vắng mặt.
Gia nhập đoàn hát
Sau đó Kim Long theo đoàn hát Tiếng Hát Quê Hương của Phường 2 quận 8, tiếng ca vọng cổ rất ngọt của em được nhà hát Trần Hữu Trang chú ý, nhà hát thu nhận em vào Ðoàn Tuổi Trẻ Xung Kích Trần Hữu Trang.
Năm 1982, Hoàng Kim Long học trường nghệ thuật sân khấu của nhà hát Trần Hữu Trang, khóa 2 , một lượt với các bạn : Viết Chánh, Hồng Dào, Thủy Trang, Thoại Mỹ, Bích Thu, Hồng Hoa, Linh Sơn…Kim Long đã thụ giáo qua các thầy Phùng Há, Kim Cúc, Tấn Ðạt, Ngô Thị Hồng. Năm 1985, Kim Long thi ra trường qua vai Y Mây, tuồng Y Ban và nàng tiên. Nghệ sĩ Phùng Há đặt cho em tên Kim Tử Long mà em xử dụng cho tới ngày nay.
Minh hoạ một đoạn hát Hồ Quảng và vọng cổ của Kim Tử Long và Ngọc Huyền hát trong tuồng Chiếc Hổ Phù. Thưa quí thính giả, vừa rồi là trích đoạn trong tuồng Chiếc Hổ Phù do Kim Tử Long trong vai Tín Lăng Quân và Ngọc Huyền trong vai Nàng Như Cơ.
Từ năm 1987, Kim Tử Long đã là kép chánh, đóng tuồng cặp với nhiều nữ nghệ sĩ tài danh như Tài Linh, Ngọc Huyền, Thanh Ngân, Thanh Thanh Tâm, Thoại Mỹ, Tố Loan, Phượng Mai, Mỹ Châu …trên các sân khấu Minh Tơ, Huỳnh Long, đoàn cải lương Saigon 1, đoàn Sông Bé 2.
Kim Tử Long đoạt huy chương vàng giải Trần Hữu Trang, giải diễn viên xuất sắc năm 1992 và được đọc giả qua trưng cầu ý kiến của các báo, bầu Kim Tử Long và Ngọc Huyền là đôi diễn viên được ưa thích nhất trong năm 1992 và liên tiếp ba năm liền sau đó.
Kim Tử Long và các diễn viên tài danh vừa kể có thu nhiều băng video rất hay, đặc biệt, Kim Tử Long và Ngọc Huyền, rất thành công qua các băng video tuồng như Chiếc Hổ Phù, Dương Quí Phi – An Lộc Sơn, Con Ma nhà họ Hứa, Xử án Phi Giao, Mạnh Lệ Quân… và ca tân cổ giao duyên.
Minh họa câu vọng cổ Rượu cưới ngày xuân Kim Tử Long ca. Thưa quí thính giả, tiếng ca của nghệ sĩ Kim Tử Long kết thúc chương trình cổ nhạc hôm nay.
Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/TraditionalMusic/ActorKimTuLongActressNgocHuyen_NPhuong-20060416.html