Giai thoại về nghệ danh của nghệ sĩ cải lương

Nguyễn Phương
26.3.2006

Giai thoại về nghệ danh của nghệ sĩ cải lương
Thanh Nga

Chương trình cổ nhạc do Nguyễn Phương thực hiện xin kính chào quí thính giả. Tập tục của người Việt Nam khi đặt tên cho con cái, người ta thường kiêng cử, tránh vô tình đặt tên trùng với tên của những người trưởng thượng trong gia đình. Họ chọn một cái tên tốt, có ý nghĩa để gởi gấm một chút niềm tin và hy vọng.


Thân sinh của hai nữ nghệ sĩ tài danh Năm Phỉ và Bảy Nam đã đặt tên các con như sau: Công, Thành, Danh, Toại, Phỉ, Chí, Nam, Nhi, Bia, Truyền, Tạc, Để. Trong số 12 người con thì Phỉ là Năm Phỉ; Nam là Bảy Nam, Bia là Chín Bia, Truyền là Mười Truyền, đó là bốn nữ nghệ sĩ tiền phong tài danh của nghệ thuật sân khấu cải lương trong thập niên 1950, bà Bảy Nam chín là thân mẫu của nữ nghệ sĩ Kim Cương.

Khi tôi mới gia nhập làng hia mão, tôi cũng muốn chọn một cái tên nào nghe cho nó xôm xôm một chút, nhưng tôi thấy tên của các nghệ sĩ mà tôi quen biết đều có những chỗ giông giống nhau.

Ví dụ vợ của nam danh ca Thanh Cao, có nghệ danh là Lệ Thơ. Trong đoàn hát Tiếng Chuông lúc bấy giờ cũng có nhiều nữ nghệ sĩ mang chữ Lệ trước tên của mình như Lệ Tuyền, Lệ Thẳm, đào ca, Lệ My, Lệ Hoa, đào lẵng, Thúy Lệ, Mỹ Lệ; Ngọc Lệ, Thanh Lệ là vũ nữ, đào con.

Tinh thần tôn sư trọng đạo

Trong đoàn hát, thường thì các nghệ sĩ đàn em lấy tên chữ đầu của người thầy hay nghệ sĩ đàn anh mà họ muốn bắt chước theo lối hát hay giọng ca để mà đặt thành chữ đầu của tên họ. Ví dụ các đệ tử của đào chánh Lệ Thơ thì lấy chữ Lệ đứng đầu tên như Lệ Thắm, Lệ Tuyền, Lệ My, Lệ Hoa…Nghệ sĩ Tám Cao học theo cách ca vọng cổ, luyến láy của danh ca Tư Thanh Tao nên lấy nghệ danh Thanh Cao.

Mời bạn tham gia mục Cổ Nhạc do soạn giả Nguyễn Phương phụ trách. Mọi email xin gửi về [email protected]

Sau đó các nghệ sĩ đàn em và học trò của Thanh Cao thì lấy tên là Thanh Sơn, Thanh Ngàn, Thanh Minh, Thanh Tùng, Thanh Trúc, Thanh Tuyền, Thanh Việt, Thanh Thanh… Nói một cách nôm na là những người có chữ Thanh đứng đầu đều cùng một lò nghệ sĩ, một kỷ thuật ca.

Như nghệ sĩ Út Trà Ôn thì các nghệ sĩ học ca theo lối ca của anh là Út Hiền, Út Hậu, Út Thôi, Út Bạch Lan, Út Trà Vinh…Nghệ sĩ Kim Chưởng thì có các đệ tử Kim Nga, Kim Hoàng, Kim Ngân, Kim Ngọc, Kim Lành…

Việc chọn chữ đầu của tên nghệ sĩ biểu lộ một tinh thần tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn. Người sau học của người đi trước cách ca, cách luyến láy, cách diễn nên dùng cái tên chữ lót của thầy làm tên chữ lót của mình là để tỏ lòng biết ơn, để biểu lộ ý muốn noi theo con đường nghệ thuật của thầy.

Theo lời của nghệ sĩ Năm Châu thì tên nghệ sĩ là do ông Bầu gánh hát đặt cho. Thầy Năm Tú nói: kép hát, đào hát cũng là người sống trong giang hồ, nên lấy quy củ của giang hồ mà đặt tên: để cái thứ trong gia đình trước cái tên là xong.

Ví dụ: Hắc Công tử thì tên là Cậu Ba Quy, Bạch Công Tử tên là Hai Phước, Cậu Hai Miêng, thầy Sáu Trọng; du côn, anh chị bự thì có Bảy Búa, Tám Thẹo, Tư Xe, Mười Bữu… nghệ sĩ thì có Ba Vân, Năm Châu, Phùng Há, Tư Chơi, Hai Nữ, Năm Thiên, Ba Thâu, Năm Nở, Tám Mẹo, Hai Ðá, Năm Sadec, Năm Cần Thơ, Ba Trà Vinh, nhạc sĩ thì có Sáu Tửng, Năm Cơ, Bảy Phải, Bảy Hàm, Tư Hiệu, Tư Huyện, Sáu Quí…vân vân… …

Có một giai thoại về việc đặt tên của nghệ sĩ tiền phong Ba Du. Anh Ba Du tên thật là Phan Văn Hai, lúc đầu ông Bầu Cương đặt cho anh tên là Ba Hai,( anh thứ ba, tên Hai).

Hồi đó lính mã tà rất ngại việc va chạm với bọn đâm thuê chém mướn, nên thường ngoảnh mặt làm ngơ trước hành động côn đồ của bọn nầy để tránh khỏi bị trả thù. Lính biện Tây và biện Chà cũng vậy, nên đoàn hát Phước Cương phải mướn hai võ sĩ Tư Xum và Sáu Mẹo để canh gác cửa rạp hát, bảo vệ việc làm ăn của mình và sự an toàn cho nghệ sĩ.

Khi đoàn Phước Cương hát ở rạp Quảng Lạc Hà Nội năm 1938, bọn du côn ở ngã Tư Sở đến quấy phá, chúng bị hai võ sĩ Tư Xum và Sáu Mẹo đánh cho một trận bể đầu xứt trán.

Một hôm, nhân không có vai tuồng hát trong đêm, hai nghệ sĩ Năm Thiên và Ba Hai đi xe kéo xuống xóm Khâm Thiên để ca cô đầu chơi. Bọn du côn ngã Tư Sở chận xe kéo lại, đánh nghệ sĩ đoàn Phước Cương để trả thù. Hai nghệ sĩ Ba Hai và Năm Thiên khi đi chơi thì cũng mang theo võ khí phòng thân.

Võ khí của hai anh là chiếc vớ laine đựng hàng trăm đồng xu, cột chặt lại như một quả chùy bằng đồng. Khi tự vệ thì anh cầm chiếc vớ, quật mạnh quả chùy đồng vào mặt, vào đầu địch thủ. Hai anh Ba Hai và Năm Thiên đều giỏi võ, từng đấu võ đài ở Saigon nên khi có võ khí trong tay và lợi dụng thế bất ngờ, hai anh đánh bể đẩu bọn du côn và được bình yên chạy về tới đoàn hát. Ông Bầu Cương bèn đổi tên Ba Hai của anh thành tên Ba Du tức là Ba của mấy thằng du côn.

Gắn liền với tài danh của các nghệ sĩ

Cũng trong thời gian nầy thì nghệ sĩ miền Bắc lại có những nghệ danh rất đẹp như nữ nghệ sĩ Ái Liên, Kim Chung., Bích Họp, Bích Thuận, Bích Châu, Khánh Hợi, Túy Ðịnh, Ánh Tuyết, Mộng Ðiệp, Thúy Liểu, Ánh Tuệ, Anh Thư… Các nam nghệ sĩ có tên Huỳnh Thái, Anh Ðệ, Sĩ Hùng, Tuấn Sữu, Phúc Lai, Thành Hội, Mộng Long, Ngọc Thạch, Mộng Hùng, Sĩ Tiến…

Trong miền Nam, khoản năm 1921, gánh hát Tập Ích Ban do chủ nhân Vương Có, người Tiều Châu nên đặt tên cho nghệ sĩ như những nghệ nhân Trung Hoa. Anh Bảy Nhiêu được đặt tên là Lâm Sinh, Tư Thới tên Dương Hòa, Năm Chuông tên Dại Dồng, Năm Hí tên Song Hỉ, Sáu Tị thành Tần Vân, Sáu Trâm thành Ngọc Xoa, Hai Hiển thành Kiềy Mỵ. Khi gánh hát Tập Ích Ban rã, các nghệ sĩ đó lấy lại tên Việt Nam cũ của mình.

Từ năm 1954 đến năm 1970, thời kỳ hoàng kim của sân khấu cải lương, nhờ ảnh hưởng của một nền văn hóa mới và báo chí thời đại, nghệ sĩ cũng được tự do chọn nghệ danh của mình nên mới có những tên Hữu Phước, Thành Ðược, Hùng Cường, Văn Hường, Út Trà Ôn, Hoàng Giang, Kim Giác, Việt Hùng, Ngọc Nuôi,, Minh Chí, Ánh Hoa, Út Hiền, Út Hậu, Minh Vương, Minh Cảnh, Minh Phụng, Thanh Nga, Bạch Tuyết, Mỹ Châu, Lệ Thủy, Kim Nga, Hồng Nga, Kim Ngọc, Thanh Hằng, Thanh Ngân… gắn liền với lối ca đặc sắc và lối diễn tinh tế, những tên nghệ sĩ đã trở thành những tên gọi thân thương của khán giả ái mộ cải lương.

Từ giữa những năm 1960 đến năm 1975, những nghệ sĩ mới lên muốn có một cái nghệ danh khác lạ hơn các nghệ sĩ đàn anh hoặc họ nhại theo kỹ thuật ca của bậc đàn anh, đàn chị, trở thành cái bản sao của nghệ sĩ đi trước nên họ lấy nghệ danh có ba chữ như Thanh Thanh Nga, Thanh Thanh Hoa, Thanh Thanh Tâm, Thanh Kim Huệ, Dũng Thanh Lâm, Dũng Minh Sang, Minh Minh Cảnh, Minh Minh Vương, Minh Minh Tâm, Kiều Lệ Mai, Kiều Phượng Loan, Kiều Mai Lý, Kiều Trúc Phượng, Kiều Lệ Tâm, Phương Trúc Bình, Phương Hồng Thủy, Phương Hồng Hạnh, Kim Tử Long, Ðiền Tử Long, Kim Tiểu Long, Hoài Trúc Phương, Lý Cẩm Hồng, Kim Lệ Thủy, Tất My Loan, Trương Ánh Loan…

Thưa quí thính giả, quí vị vừa nghe kể về tên của các nghệ sĩ cải lương. Thông qua các nghệ danh đó, các vị cũng mườn tượng được phần nào cái quá trình phát triển của nghệ thuật cải lương.

Chương trình cổ nhạc do Nguyễn Phương thực hiện đến đây xin dứt. Nguyễn Phương xin cám ơn qúi thính giả đã theo dõi chương trình nầy, xin tái ngộ quí thính giả vào giờ nầy tuần sau.

Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/TraditionalMusic/StoriesAboutCaiLuongArtistsNickName_NPhuong-20060326.html

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây