Tại sao người ta có thành kiến với cải lương?

Nguyễn Phương
11.3.2006

Tại sao người ta có thành kiến với cải lương?
Nói tới cải lương thì phải có ca cổ nhạc và diễn xuất

Thưa quí thính giả, trong chương trình cổ nhạc hôm nay, Nguyễn Phương xin trả lời câu hỏi của ông Hồ Hoa Nguyên ở Virginia một vấn đề liên quan tới nghệ thuật sân khấu cải lương.


Ông Nguyên hỏi: Thưa ông Nguyễn Phương, tôi là Hồ Hoa Nguyên ở Virginia. Tôi được biết ông là một soạn giả cải lương kỳ cựu, tôi có một điều thắc mắc liên quan tới nghệ thuật và nghệ sĩ cải lương. Thưa ông, tại sao người mình thích xem hát cải lương, ái mộ nghệ sĩ cải lương mà cũng có người có thành kiến không tốt đối với nghệ thuật và một số nghệ sĩ cải lương. Ông có thể lý giải cho tôi hiểu tại sao vậy không?

Thưa ông Nguyên, trước hết Nguyễn Phương xin cám ơn ông đã hỏi một câu hỏi rất hay. Hồi còn ở Việt Nam, có khán giả cũng đã nói với tôi là họ cảm thấy khó chịu khi thấy người nghệ sĩ đang nói bỗng ca, bị đâm một vết thương trí mạng mà còn ráng ca mấy câu vọng cổ rồi mới chịu chết.

Nếu biết tính cách đặc trưng của nghệ thuật sân khấu cải lương thì người ta sẽ không còn thắc mắc nữa. Hát cải lương thì phải có ca cổ nhạc, nói câu thoại và diễn xuất. Nếu chỉ có nói và diễn xuất không thôi thì đó là thoại kịch, là kịch nói chớ không phải cải lương. Ca tân nhạc và diễn có cốt truyện thì đó là nhạc kịch. Ngâm thơ và diễn thì đó là kịch thơ. Bởi vậy, nói tới cải lương thì phải có ca cổ nhạc và diễn xuất.

Hình tượng nhân vật

Ngay như nghệ thuật hát Opéra và Hí khúc Trung Quốc, nghệ sĩ Tàu hay Tây cũng ca liên tục, có khi nói thoại vài câu rồi họ lại ca tiếp như kiểu hát cải lương Việt Nam, khán giả xem hát Opéra hay Hí Khúc Trung quốc, không ai phàn nàn tại sao nghệ sĩ Tây hay Tàu vừa nói lại vừa ca, tại sao khi xem cải lương, thấy nghệ sĩ Việt Nam ca thì khán giả lại phàn nàn là không thực tế như khi họ đi xem kịch nói.

Nếu biết tính cách đặc trưng của nghệ thuật sân khấu cải lương thì người ta sẽ không còn thắc mắc nữa. Hát cải lương thì phải có ca cổ nhạc, nói câu thoại và diễn xuất. Nếu chỉ có nói và diễn xuất không thôi thì đó là thoại kịch, là kịch nói chớ không phải cải lương. Ca tân nhạc và diễn có cốt truyện thì đó là nhạc kịch. Ngâm thơ và diễn thì đó là kịch thơ. Bởi vậy, nói tới cải lương thì phải có ca cổ nhạc và diễn xuất.

Vừa rồi quí thính giả nghe nghệ sĩ Bạch Tuyết và Thanh Sang dùng hình thức ca bài xang xừ líu thay cho một đoạn đối thoại trong tuồng Mưa Rừng của Hà Triều Hoa Phượng.

Có khán giả thắc mắc cách mặc phục trang, hóa trang rực rỡ quá hay kiểu cách quá lố trên sân khấu cải lương, không giống như trong cuộc đời thường… người ta cho là ăn nói như cải lương, ăn mặc như cải lương. Chuyện tình nào rắc rối éo le, người ta cũng cho là chuyện tình giống như cải lương.

Người mê hát bội, trong câu chuyện thường ngày, họ dùng hình tượng nhân vật để mà so sánh, nói ví von với nhau như : Nóng tánh như Trương Phi, Gian manh như Tào Tháo, mưu kế như Khổng Minh, hay khóc như Lưu Bị… Trái lại nhân vật tuồng cải lương thì không đi vào thành ngữ, mà người ta dùng một danh từ chung, danh từ Cải lương để chỉ cái gì mà người ta cho là giả tạo, có vẻ phóng đại như kiểu mà khán giả đã thấy trên sân khấu cải lương.

Văn chương khẩu khí

Thưa quí thính giả, hồi xưa, chưa có micro, chưa có máy phóng thanh, sân khấu chỉ được chiếu sáng với dàn bóng đèn 100 watts, khán giả ngồi ở hàng ghế từ thứ 10 trở về sau, sẽ không nghe, không thấy nếu diễn viên ca hát nhỏ tiếng và làm điệu bộ bình thường như trong cuộc sống hàng ngày.

Bởi vậy, hồi đó, nghệ sĩ phải tập ca, tập nói thật lớn, luyện giọng bằng cách đút đầu vô lu mà gào thét, hoặc ra đồng trống hay ngồi trên mui ghe, gào to hát lớn, tập cách truyền giọng hát của mình đi cho thật xa. Ví dụ, nếu hát kêu “ Trời ơi ” như kiểu nói chuyện bình thường thì không bộc lộ được sự đau khổ vì khán giả không nghe, không đồng cảm với tình huống của tuồng. Bởi vậy nghệ sĩ phải gào thật to, hơi kéo dài ra để mà có trớn ca vô câu vọng cổ.

Ngoài đời nếu có ai đó bỗng nhiên gào to lên, kêu “ Trời ơi ” kiểu đó, người ta dám nói đó là điên! Nhưng cũng có những điệu ca, giọng hát thật là êm dịu quyến rũ, dù là nói chuyện yêu nước thương dân nhưng nhạc và lời như là lời nỉ non tâm sự của đôi tâm hồn cao thượng. Xin mời quí thính giả nghe nghệ sĩ Ngọc Giàu và Thanh Tuấn trong hai câu vọng cổ trong tuồng Tây Thi Gái nước Việt.

Văn chương của tuồng cải lương được viết theo thể văn tự sự kể chuyện, kể lể tâm tình, do đó bài ca và lời đối thoại dài dòng, có tính chất trữ tình. Ví dụ, để diễn tả một câu nói bình thường trong thoại kịch như quan niệm “ ở đời có vay có trả ” thì một nhân vật trong tuồng cải lương nói: “ Nếu mùa Xuân trời đã vay huyết mạch của sông dài biển cả thì từ Hạ sang Thu trời cũng trả mưa dầm… ”

Và đây một tên tướng cướp thất học, nghèo kiết xác, ở chòi lá ngoài hoàng thành, bất ngờ cướp được ngai vàng, lên ngôi vua, mời quí thính giả nghe lời khoe khoang của tên cướp :

Mời các bạn tham gia mục Cổ nhạc do Soạn giả Nguyễn Phương phụ trách. Mọi email đóng góp xin gửi về [email protected]

“ Ha ha…. Còn đâu nữa những chiều vàng trên sa mạc, con ngựa gầy thất thểu lỏng cương đi. Tay rời gươm dũng sĩ hạ đôi mi. Mơ máu chảy, chân trời ta cúi mặt. Còn đâu nữa, những bầy sao rét mướt, đứng rung rinh thoi thóp giữa rừng sương. Sa mạc buồn tênh, thở gió đại dương. Lửa phiêu lưu lập lòe trên bãi lạnh. Và giờ đây, những cột đá vươn mình kiêu hảnh, làm chứng nhân cho mấy cuộc tang thương. Từ một tên dân thường, ta lên địa vị một Quân Vương, trong khoảnh khắc rủi may kỳ thú! Bá quan đâu ?Bá quan giựt mình tung hô : Hoàng thượng vạn tuế…vạn vạn tuế! »

Lối diễn xuất

Thưa quí thính giả, ngoài hình tượng nhân vật, văn chương khẩu khí phóng đại, lối diễn xuất của nghệ thuật sân khấu còn sử dụng hình thức đang nói bỗng ca, nói trong câu ca, bị đâm đổ máu gần chết mà vẫn ca vài câu vọng cổ rồi mới chịu chết.

Có khán giả không thích như vậy nhưng đây chỉ là một hình thức trối trăn của kẻ sắp chết, trên phim ảnh, trên sân khấu kịch nói thì lời trối trăn chỉ là những lời nói thều thào, trong sân khấu cải lương thì lời trối đó thể hiện dưới hình thức ca cổ nhạc. Ðó là đặc trưng của cải lương, giống như lối hát riêng biệt của loại hình nghệ thuật hát Opéra hay Hí Khúc Trung Quốc.

Tóm lại sân khấu cải lương là một loại hình nghệ thuật kỳ diệu, có nhiều hình thức thể hiện độc đáo. Có thể nói cuộc sống phong phú bao nhiêu thì sân khấu đa dạng bấy nhiêu. Ï cải lương có đủ cả : Ca, Nhạc, Múa, Kịch, Hội họa, có tính ước lệ, tính tượng trưng, tả thực, tả tình, tả ý, nói chung tính tổng hợp các loại hình văn học nghệ thuật. Thời gian qua có rất nhiều tuồng được sự yêu mến của quí thính giả và khán giả như Chuyện tình Lan và Diệp, Nữa đời hương Phấn, Con Gái Chị Hằng, Ðôi Mắt Người Xưa, Sân khấu về khuya, Men rượu hương tình, Khi người điên biết yêu.…vân vân,…

Các bạn đã trải qua những cuộc tình thơ mộng, đã yêu, đang yêu hoặc có một lần ray rức trước một chuyện tình dang dở, hẳn là các bạn sẽ đồng cảm với tác giả và các nghệ sĩ đã thay các bạn mà diễn tả tâm trạng chung của những kẻ đang yêu.

Tôi hy vọng là các bạn nào chưa ưa thích cải lương, sẽ có dịp khám phá cái hay và êm dịu của những giọng ca vàng cổ nhạc để mà có thiện cảm với nghệ sĩ và nghệ thuật sân khấu cải lương, một loại hình nghệ thuật sân khấu độc đáo của dân tộc Việt Nam.

Thưa quí thính giả, chương trình cổ nhạc do Nguyễn Phươngt thực hiện đến đây xin dứt. Nguyễn phương xin cám ơn quí thính giả đã theo dõi chương trình nầy và xin hẹn tái ngộ giả vào giờ nầy tuần sau.

Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/TraditionalMusic/WhyPeoplePrejudiceWithCaiLuong_NPhuong-20060311.html

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây