Soạn giả Viễn Châu, ngôi sao sáng trên vòm trời nghệ thuật sân khấu cải lương

Thanh Quang
8.1.2006

Soạn giả Viễn Châu, ngôi sao sáng trên vòm trời nghệ thuật sân khấu cải lương

Trong liên tiếp nhiều thập niên kể từ cuối thập niên 1940, có một soạn giả sáng chói trên vòm trời nghệ thuật sân khấu cải lương, từng viết khoảng 50 vở tuồng được xem là ăn khách hàng đầu, như Sau Bức Màn Nhung, Đời Cô Nga, Hoa Mộc Lan, Hàn Mạc Tử, Nợ Tình, Qua Cơn Ác Mộng…


Từng sáng tác hơn 2 ngàn bản vọng cổ độc chiếc với lời văn mượt mà, bay bướm, nhẹ nhàng đầy chất thơ khiến ông được tôn vinh là “Vua Viết Lời Ca Vọng Cổ”, góp phần làm rạng rỡ tên tuổi của các tài danh sân khấu cải lương trong giai đoạn trước và cả sau năm 1975. Thưa quý vị, chúng tôi muốn nói đến soạn giả Viễn Châu.

Tuấn Anh vừa trình bày một trích đoạn trong bản Tần Quỳnh Khóc Bạn của soạn giả Viễn Châu, với lời lẽ bi hùng pha lẫn nỗi nghẹn ngào, uất hận…tuôn chảy dập dồn hối hả của TẦN QUỲNH- TỨC TẦN THÚC BẢO – ĐỂ RA SỨC CẢN NGĂN LA THÀNH THEO LỆNH VUA MÀ TRẢM NHỊ CA ĐƠN HÙNG TÍN. Nhưng đã quá trễ. Qua lời văn mượt mà của Viễn Châu, Tần Quỳnh than rằng “chén rượu năm xưa kết tình bằng hữu, chén rượu ngày nay đứt đoạn nghĩa kim bằng”.

Thưa quý thính giả, người ta biết tới Viễn Châu như là một soạn giả lớn của cải lương, vọng cổ; như là một nhạc sĩ có nghệ danh Bảy Bá với ngón đàn tranh tươi mướt, như một nhạc sư am tường về tân và cổ nhạc, như người khởi xướng bản vọng cổ Tân Cổ Giao Duyên. Nhưng có lẽ ít người để ý rằng ông cũng chính là một nhà thơ lớn.

Mặc dù không phải là nhà thơ thuần túy, soạn giả Viễn Châu đã chứng tỏ tài làm thơ xuất sắc của ông ngay từ lúc 16 tuổi, khi bài thơ Thoi Mộng đầu tiên của ông được đăng trên nhật báo Dân Mới và Tổng Xã Báo.

Hồn thơ nhẹ nhàng, bay bướm, lai láng của Viễn Châu đã bay lượn đó đây qua khắp cõi nhạc của ông, xuất hiện từ các vở tuồng cải lương cho tới những bản vọng cổ độc chiếc, chất chứa mọi nỗi niềm tâm sự trong mọi cảnh huống cuộc đời. Qua cõi nhạc ấy, “nhà thơ” Viễn Châu – xin phép quý vị cho chúng tôi gọi soạn giả, nhạc sư Viễn Châu là nhà thơ – đã bày tỏ những vần thơ nói chung thấp thóang tình cảm nhẹ nhàng, lãng mạn, hoài niệm…hay ray rức cảm thông trước nghịch cảnh của người đời.

Thưa quý vị, lượng thơ trong nhạc của soạn giả Viễn Châu thì nhiều vô kể, nên chúng tôi chỉ xin trích vài vần thơ tiêu biểu của ông mà thôi.

CHẲNG HẠN NHƯ, Khi qua Bắc Cần Thơ, tiếng đàn độc huyền buồn thảm của 2 vợ chồng hành khất đã khiến Viễn Châu buồn cho thân phận của đôi nghệ sĩ kém may mắn này, nên ông cảm khái làm thơ dẫn vào bản vọng cổ tựa đề Tiếng Độc Huyền Trên Bắc Cần Thơ.

Xa xa sóng biếc, bao la trời nước Bến sông xanh lặng lẽ xuôi giòng Ai đã gieo bao cung đàn tha thiết Cho kẻ ly hương ray rức tơ lòng

Rồi vào mùa lá vàng rơi, tác giả cảm khái đề thơ để gởi chút tâm sự qua bản vọng cổ Lá Bàng Rơi.

Đây có phải quán hàng năm cũ Sương mờ giăng bao phủ một phương trời Lá bàng rơi, lá bàng rơi Chiều nay có kẻ nghẹn lời nhớ thương

Khi soạn bản vọng cổ Hồi Chuông Thiên Mụ, tác giả Viễn Châu cũng “xúc cảnh” Đế Đô, nơi có Chùa Thiên Mụ bên dòng sông Hương lặng lẽ trong sương mờ qua bao thăng trầm lịch sử, để sáng tác bốn câu thơ:

Vài khóm trúc nghiêng mình soi mặt nước Dưới sương mờ xuôi ngược chiếc thuyền nan Đế Đô xưa qua những phút kinh hoàng Chùa Thiên Mộ vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt.

Mời quý vị tham gia mục Cổ Nhạc do Thanh Quang phụ trách. Xin email về [email protected]

Nhắc tới Đế Đô, chúng ta không khỏi liên tưởng tới những thời xa xưa, để cảm thông và buồn theo những mối tình dang dỡ của người xưa. Có lẽ cũng ngậm ngùi trước những tình cảnh ấy, soạn giả Viễn Châu đã sáng tác bài vọng cổ Võ Đông Sơ với mấy vần thơ tuyệt mạng của kiếm khách gởi lại cho người yêu Bạch Thu Hà.

Ta cảm thấy máu ngừng trong nhịp thở Rút gươm Thiêng mà dòng lệ tuôn sa. Khắc vào cây ba chữ “Bạch Thu Hà” Để kỷ niệm ngày ta không gặp nữa

Hay trong bài Khóc Bàng Phi

Nàng bỏ ta rồi hởi ái khanh Đem ân tình trả nợ ân tình Gục đầu ta khóc câu tương biệt Người ngọc bây giờ gọi cố nhân

Những mối tình dang dở thời xưa – cũng như thời nay – luôn làm cho soạn giả Viễn Châu xúc động. Qua bản vọng cổ Tình Lan và Điệp, soạn giả Viễn Châu đã gieo những vần thơ làm người nghe không cầm được nước mắt.

Điệp ơi ! Lan xa Điệp để âm thầm đau khổ Điệp hiểu dùm cảnh ngộ của Lan không ? Muôn đắng cay với tâm sự não nùng Ai giữ được tim lòng không rạn, vỡ.

Rồi những chuyện tình chơn chất, mộc mạc ở miền quê của những người chân lắm tay bùn, dù đó là Tình Anh Bán Chiếu hay tình chàng trai quê bình dị dành cho cô thôn nữ trong Gánh Nước Đêm Trăng cũng được soạn giả Viễn Châu gởi gấm mấy vần thơ mở đầu cho những bài vọng cổ, như trong bản Gánh Nước Đêm Trăng.

Sương thu lạnh bao trùm khắp nẻo Trăng Đêm nay dìu dịu cả không gian Tôi với em đi gánh nước cạnh đình làng Mùi cỏ dại mơ màng trong đêm vắng.

Thưa quý thính giả, chương trình Cổ Nhạc xin tạm dừng ở đây. Thanh Quang xin cảm ơn những vần thơ GÂY NHIỀU CẢM XÚC của soạn giả Viễn Châu, và xin cảm ơn tất cả quý vị vừa theo dõi chương trình hôm nay.

Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/TraditionalMusic/FamousCaiLuongWriterVienChau_TQuang-20060108.html-09102007123416.html

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây