Thanh Quang
19.11.2005
Những đào kép, thầy tuồng cải lương bị chánh quyền “hốt hồn” sau 1975
Sau năm 1975, từ khi định cư ở Hoa Kỳ, nghệ sĩ Việt Hùng lúc còn sinh thời đã bày tỏ nỗi trăn trở cho số phận của nghệ thuật ca kịch cải lương ở quê nhà:
“Anh em bên Việt Nam nói rằng ngành nghề bên đó, dầu người ta không cho phát triển nữa, nhưng anh em nghệ sĩ bên đó quay những cuốn video phát hành khắp thế giới, tôi thấy thiệt là…tôi tưởng là tụi tôi mất nguồn gốc luôn rồi. Không ngờ xem mấy video đó thuơng quá. Những anh chị em nhỏ đó ca hay hát hay lắm.”
Vừa rồi là giọng ca dài hơi cao vút, luyến lái khá điêu luyện của Cẩm Tiên và Vương Linh qua một trích đọan trong bản Chiếc Áo Bà Ba.
Thưa quý vị, trong 30 năm qua kể từ 1975, nhiều giọng ca trẻ rất hay đã xuất hiện trên sân khấu cải lương trong nước, qua những tuồng hát hoặc những bản vọng cổ độc chiếc.
Phong cách ca riêng
Nhưng theo nhận xét của nhiều chuyên gia cổ nhạc và cả giới mến mộ cải lương, thì những giọng ca trẻ này – một trong những yếu tố chủ chốt của nghệ thuật ca kịch cải lương – không tạo được phong cách ca riêng, độc đáo cho mình.
Một bài tựa đề “Vai diễn để đời: Không có lớp trẻ” của tác giả Thanh Hiệp đăng trong báo Người Lao Động vào thời gian gần đây có đọan viết rằng: “Nghệ sĩ cải lương hôm nay hiếm có giọng ca độc đáo, riêng biệt, phần lớn đều bắt chước hoặc lẫn vào nhau. Thoạt nghe ít ai phân biệt được đó là giọng Kim Tử long hay Kim Tiểu Long, Vũ Linh hay Vũ Luân…”
Nghệ sĩ cải lương hôm nay hiếm có giọng ca độc đáo, riêng biệt, phần lớn đều bắt chước hoặc lẫn vào nhau. Thoạt nghe ít ai phân biệt được đó là giọng Kim Tử long hay Kim Tiểu Long, Vũ Linh hay Vũ Luân…
Chưa nói tới nghệ thuật diễn xuất cùng nhiều yếu tố khác nữa vốn góp phần làm rực rở vòm trời sân khấu cải lương, tình trạng những giọng hát hiện giờ thiếu phong cách riêng biệt, độc đáo cho thấy một sự tương phản với những giọng ca vàng của những thập niên 60, 70.
Như giọng hát vang ngân, ấm, ngọt ngào, chân phương và mộc mạc thấm đượm tình quê của Vua vọng cổ Út Trà Ôn, và cả “Cậu ấm Thân” Việt Hùng, rồi những làn hơi êm dịu, tươi mát tuông chải mượt mà trầm bổng theo cung đàn của Hữu Phước, Thành Được, Hùng Cường, Tấn Tài, Dũng Thanh Lâm cho tới các giọng ca buồn ray rức thiết tha của sầu nữ Út Bạch Lan, của nữ hoàng sân khấu Thanh Nga, giọng hát liêu trai Mỹ Châu, tiếng ca ngọt ngào réo rắt, trong như pha lê của Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Phượng Liên…
Đó là chưa kể những giọng hài độc đáo để đời của Quái kiệt Ba Vân, Vua vọng cổ hài Văn Hường, hề té Văn Chung, hề râu Thanh Việt, hề nhựa Thanh Hoài.
Một trong những giọng ca vàng của thời trước, nghệ sĩ Minh Cảnh, cho biết cảm nghĩ như sau: “Giọng ca nào cũng đều có sự đặc biệt riêng của giọng ca đó. Theo tôi nghĩ thì các em đó có những giọng ca rất tốt, rất hay. Chỉ có mỗi một yêu cầu – ở riêng tôi thôi – là các em đó chịu khó nghiên cứu cho thật kỹ, từ lối ca, cách ca, hành văn cũng như là nói về nghệ thuật thì trong lúc trình bày, làm sao để cho khán thính giả hiểu rằng mình đang làm gì. Nếu như vậy tôi thấy kết quả sẽ tốt hơn. Chớ còn nói riêng về giọng ca thì tôi thấy em nào ca cũng hay.”
Số phận bấp bênh
Kết quả của giải “ Ấn tượng sân khấu cải lương 30 năm” do Hội Sân khấu TPHCM và Tuần báo Sân khấu TPHCM tổ chức là một bằng chứng rõ nét về số phận tiếp tục bấp bênh của nghệ thuật sân khấu cải lương trong nước hiện nay, khi 2 phần 3 nghệ sĩ đoạt giải này thuộc thế hệ “những gịong ca vàng” của ngày trước.
Còn các diễn viên trẻ, mặc dù có được giọng ca hay, nói chung diễn không nhập được vai nào khả dĩ để đời.
Bài “Vai diễn để đời: Không có lớp trẻ” của tác giả Thanh Hiệp mở đầu với tiểu tựa “Hội chứng bắt chước”, và viết rằng:
“Điều mà các nghệ sĩ có tâm huyết với sân khấu cải lương luôn bức xúc trong những lần hội thảo về sân khấu cải lương là chất lượng đào tạo diễn viên cải lương ngày càng bị ‘khuôn mẫu hóa’. Sẽ không có vai diễn hay, khi các sinh viên khoa cải lương cứ diễn rập khuôn phong cách diễn của các nghệ sĩ đi trước, dẫn tới vai diễn của một số diễn viên trẻ na ná nhau.”
Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, đạo diễn Nguyễn Hồng Dung, có nhận xét như sau: “Các diễn viên trẻ đã chưa thoát khỏi những cái bóng của đàn anh, đàn chị, chưa dám liều mình cho những nhân vật và bứt phá cho nghề. Các bạn cũng chưa thấm sâu ý thức xem sân khấu là thánh đường, xem vai diễn như máu thịt của mình để vun đắp.”
Qua một cuộc phỏng vấn cách đây không lâu của báo Người Lao Động, đạo diễn Doãn Hoàng Giang, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam lưu ý rằng: “Không cây nào sống dưới bóng râm của cây khác mà khá lên được. Cải lương nếu vẫn sống trong bóng râm của nền cải lương xa xưa thì không thể lớn.”
Loanh quanh trong vòng quá khứ
Qua Báo Sân Khấu, tác giả Võ Tuấn Thiện của bài “Nâng cấp cải cải lương: Cải lương lẩn quẩn trong mê cung quá khứ” nhận xét rằng: “Bên cạnh sự thành công mang ý nghĩa tích cực…, người xem vẫn có cảm giác như những người lam nghệ thuật vẫn loanh quanh trong các vòng mê cung của quá khứ, không thoát ra được, hay nói đúng hơn là họ vẫn chưa tìm được một hướng đi mang tính khả thi cao để có thể tiếp cận được với khán giả bây giờ.”
Đạo diễn Văn Thành thì bày tỏ nỗi lo âu như sau: “Điều quan trọng là diễn viên cải lương trẻ hôm nay thiếu khát vọng nên cứ bằng lòng với hiện tại. Tôi hay tin các HCV Giải Trần Hữu Trang hiện nay đang dựng lại vở Thanh Xà-Bạch Xà, tự dưng lại thấy buồn. Sao không dựng một kịch bản mới với hơi thở cuộc sống thời đại ? Cải lương không cần phải nâng cấp cao siêu gì cả, chỉ cần nâng cấp con người, nâng cấp ý thức làm nghề là sẽ có nhiều vai diễn để đời.”
Cũng liên quan đến vấn đề kịch bản, đạo diễn Doãn Hoàng Giang cho biết ý kiến: “Vấn đề đặt ra ở đây là các tác giả không còn chăm chút kịch bản để có những vở diễn hay như một thời đã có: Đời Cô Lựu, Thái Hậu Dương Vân Nga, Bên Cầu Dệt Lụa, Tiếng Trống Mê Linh, Hòn Đảo Thần Vệ Nữ, Cây Sầu Riêng Trổ Bông, Tô Hiến Thành Xử Án… Từ khâu yếu kém kịch bản mà dẫn tới hiệu quả vở diễn không cao, vai diễn của lực lượng trẻ ít nhiều bị ảnh hưởng.”
Cũng liên quan tới lãnh vực chuyên môn của cải lương, hồi tháng Tư vừa rồi, ký giả Hoài Hương có bài nhận xét nhân dịp Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2005, quy tụ gần 400 diễn viên của trên 20 đoàn hát khắp nước về hát tại rạp Hưng Đạo, Saigon, có đọan như sau:
“Hội diễn sân khấu cải lương toàn quốc 2005 như một bữa tiệc thời trang phô diễn rất nhiều bộ cánh màu sắc từ hình thức, âm nhạc, các vở diễn. Với quyết tâm đổi mới cải lương, nhiều đạo diễn đưa nhạc mới, cả các làn điệu của quan họ, hát chèo, ca trù, chầu văn vào, kết quả là rất phong phú và cũng là rất ít chất cải lương.”
Vẫn theo ký giả Hoài Hương, vấn đề gọi là “làm vừa lòng tiêu chí”, như “thẳng tay lọai tuồng dã sử, huyền thọai, truyền thuyết khỏi cải lương…”, hay nói cách khác, phải làm đúng theo những quy định của Ban Văn Hóa-Tư Tưởng, đã gây ảnh hưởng đáng kể cho sự phát triển nghệ thuật sân khấu cải lương.
Tôi hay tin các HCV Giải Trần Hữu Trang hiện nay đang dựng lại vở Thanh Xà-Bạch Xà, tự dưng lại thấy buồn. Sao không dựng một kịch bản mới với hơi thở cuộc sống thời đại ? Cải lương không cần phải nâng cấp cao siêu gì cả, chỉ cần nâng cấp con người, nâng cấp ý thức làm nghề là sẽ có nhiều vai diễn để đời.
Rồi tình trạng rất “ăn nên làm ra” hiện giờ là “nghe rõ tiếng người nhắc tuồng át cả tiếng diễn viên mà thấy thất vọng vô cùng”, như lời của Phó chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM Trần Ngọc Giàu, cũng góp phần lu mờ cho vòm trời sân khấu cải lương.
Nguy cơ tắt lịm
Vòm trời từng rực sáng một thời đó – trong các thập niên 50, 60, 70, có nguy cơ tắt lịm nếu lời yêu cầu “trả mặt bằng cho sàn diễn” của Hội Sân Khấu không được đáp ứng, sau khi nhiều rạp hát cải lương có từ trước hiện bị biến thành vũ trường, tụ điểm karaoké, quán nhậu, siêu thị…
Báo Người Lao Động có một bài tựa đề “Đào cải lương hát ở quán bia ôm”, với đọan mở đầu rằng “Đời sống nghệ sĩ cải lương càng trở nên khó khăn khi đất biểu diễn thu hẹp. Không ít đào trẻ phải tìm chốn mưu sinh trong các quán bia ôm. Nhiều người còn bị thực khách ‘nài hoa, ép liễu’.”
Gần đây, một nhóm phóng viên Văn Học Nghệ Thuật trong nước có viết rằng: “So với kịch nói, điện ảnh, số sinh viên sân khấu cải lương tốt nghiệp ra trường hiếm có cơ hội theo hát chuyên nghiệp. Có sinh viên sân khấu cải lương mê nghề, không ngần ngại xin biểu diễn ở một số quán nhậu hát cải lương. Nhưng ở môi trường như thế thì thử hỏi làm sao họ có thể phát triển nghề nghiệp ?”
Trước thực trạng không sáng sủa như vậy, qua một cuộc phỏng vấn của báo Người Lao Động, đạo diễn Doãn Hoàng Giang, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phát biểu:
“Cải lương đừng tự ái, phải thẳng thắn nhìn ra thảm cảnh của mình. Về miền Nam, đi đâu tôi cũng nghe hát vọng cổ. Vậy thì sao người ta lại quay lưng với cải lương ngay trên mảnh đất vốn mệnh danh là cái nôi cải lương ? Khán giả đã quay lưng, đó là sự thật, đừng nói khác để ve vãn nhau, đừng dối lòng nhau.”
Mời các bạn tham gia mục Cổ Nhạc do Thanh Quang phụ trách. Mọi email xin gửi về [email protected]
Thưa quý vị, tiếng hát Trọng Phúc-Phương Hồng Thủy qua bản Chợ Đêm Miền Tây đã kết thúc chương trình Cổ Nhạc hôm nay. Thanh Quang xin hẹn gặp lại tất cả quý thính giả trong chương trình tuần tới.
Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/TraditionalMusic/TheArtOfCaiLuongVietnamAfter1975_TQuang-20051119.html-09102007123410.html