Những giọng ca vàng của sân khấu cải lương Sài Gòn trước đây

Thanh Quang
10.9.2005

Những giọng ca vàng của sân khấu cải lương Sài Gòn trước đây
Thanh Nga

Kể từ khi nghệ thuật cải lương bắt đầu hình thành qua vở “Kim Vân Kiều” của thầy tuồng Trương Duy Toản được trình diễn tại rạp hát Mỹ Tho hồi tháng Ba năm 1918, ngành ca kịch này ngày càng phát triển – mà thời vàng son của sân khấu cải lương ở Sai gòn có thể nói là trong giai đoạn từ giữa thập niên 50 cho tới những năm 60, và bước sang giữa thập niên 70.



Nhất là vào những năm đầu của thập niên 60, có nhiều giọng ca vàng xuất hiện và dễ trở thành các đào, kép chánh trên những sân khấu cải lương đại ban lúc bấy giờ, khiến làm lu mờ các tài năng đàn anh, đàn chú vốn có lối diễn xuất độc đáo, điêu luyện và đầy kinh nghiệm nhưng lại thiếu làn hơi dài, tươi trẻ, ngọt ngào, phong phú.

Đó là giai đoạn huy hoàng của các tài danh nổi bật với giọng tốt, có biệt tài ca vọng cổ như Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Được, Hùng Cường, Tấn Tài, Dũng Thanh Lâm, Minh Cảnh, Minh Vương, Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Thanh Nga, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Bạch Tuyết, Phượng Liên, Thanh Kim Huệ.v.v…

Trước những giọng ca vàng đó, giới mến mộ cải lương vọng cổ hẳn khó mà khẳng định ai ca hay hơn ai, vì thực ra – xin mượn lời thi hào tiên sinh Nguyễn Du “Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười” – mỗi giọng ca có nét độc đáo, có sắc thái riêng.

Trong khi giọng ca Út Trà Ôn, như quý vị vừa nghe, vang ngân, ấm, ngọt ngào, chân phương và mộc mạc như luôn thấm đượm tình quê – mà hay nhất là khi Vua Vọng Cổ này ca các câu 1, 2 va 9, thì giọng ca Hữu Phước, Thành Được, Hùng Cường, Dũng Thanh Lâm là một làn hơi êm dịu, tươi mát tuông chảy, nhất là đàn anh Hữu Phước xem chừng như trội hơn về lối sắp chữ, nhồi chữ, chạy chữ và luyến lái giọng ca.

Soạn giả cổ nhạc hàng đầu của Việt Nam, ông Nguyễn Phương, nhận xét về những nét độc đáo của giọng ca Hữu Phước như sau:

“Hữu Phước ca câu 5, câu 6 xuống Xề thật êm dịu, lời ca như chìm vào tiếng đàn, quyện vào nhau, mà khi nhạc và lời của Hữu Phước đã dứt rồi, người nghe còn tiếc nuối ngẩn ngơ. Các câu Vọng cổ 5, 6, mỗi khung nhịp, viết cho người khác ca thì từ 6 tới 8 chữ là tối đa.

Viết cho Hữu Phước phải 10, 12 chữ, viết như làm thơ mới để Hữu Phước ca như ngâm thơ, như trò chuyện tâm tình, các chữ, các câu dồn dập như từng đợt sóng thủy triều xô đuổi nhau cuồn cuộn vô bờ…”

Thưa quý vị, trong khi làn hơi của Út Bạch Lan, Thanh Nga và cả Mỹ Châu nói chung nghe trầm buồn ray rức tha thiết, riêng tiếng hát Thanh Nga như lộng lẫy kiêu sa pha lẫn nét chơn chất bình bị và nhất là hầu như gắn liền với một nỗi thảm sầu theo định mệnh, thì giọng ca Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Phượng Liên ngọt ngào réo rắt, trong suốt, và tùy theo nội dung bài hát mà chất chứa niềm vui phơi phới hay nỗi buồn man mác.

Riêng Phương Liên, thậm chí cho tới bây giờ, giọng ca vẫn còn vang, khỏe chứa chan, có một âm hưởng rất riêng, làn hơi ngân dài khiến gợi lên một nỗi niềm mông lung, xa vắng…

Thưa quý vị, trong khi giọng ca Minh Vương nghe cao vút réo rắc, ngọt ngào, truyền cảm, với ca từ rõ ràng tuôn chảy dập dồn, thì giọng ca Minh Cảnh có phần trầm ấm hơn, và thật mượt mà điêu luyện, đặc biệt trở nên bi thảm, thống thiết hơn khi bộc lộ nội tâm của một vị chân tu, hay thể hiện lòng trung kiên của một dũng tướng sẵn sàng chết theo thành.

Vừa rồi là giọng ca Minh Cảnh qua một trích đoạn trong bài “Trống Loạn Thăng Long Thành” của soạn giả Thu An.

Thưa quý vị, biệt tài ca diễn của nghệ sĩ cần phải hoà quyện ăn ý với tiếng đờn điêu luyện thì mới thu hút được người nghe. Và nhất là các soạn giả phải biết khai thác giọng ca của từng nghệ sĩ để soạn bài ca, hay soạn tuồng, và rồi phân vai cho thích hợp, như soạn giả Nguyễn Phương giải thích:

“Soạn giả viết nhắm vào diễn viên nào để trao vai, chỉ là để khai thác tài năng sẵn có của diễn viên đó, phù hợp với chất giọng và cung cách diễn xuất của diễn viên đó. Nếu bỏ vai đã định sẵn như vậy e sẽ không đạt được như ý ban đầu của chính tác giả.”

Chương trình Cổ Nhạc tuần này tới đây là hết. Thanh Quang cảm ơn quý thính giả vừa theo dõi chương trình hôm nay. Kính chào tạm biệt quý vị.

Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/TraditionalMusic/TraditionalMusic_TQuang-20050910.html-09102007123346.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây