Kalynh Ngô
29/9/2021
Nếu ai chơi nhiếp ảnh, sẽ hiểu cảm giác hối tiếc như thế nào nếu lỡ bắt không kịp một ánh nắng đẹp xuyên qua khe cửa. Đơn giản vì ánh nắng đó, màu vàng đó, góc độ đó, sẽ không xuất hiện lần thứ hai. Nhưng với người cầm máy, họ sẽ có nhiều cơ hội khác để tìm đến những vẻ đẹp thay thế. Khả năng sáng tạo của họ mau chóng “đền bù” cho họ cái đẹp khác.
Tuy nhiên, cuộc đời không phải là nhiếp ảnh. Có một thứ mà nó muôn đời không cho người ta cơ hội để tìm sự thay thế, đó là sự sống.
Hai ngày nay, các trang mạng xã hội, báo chí trong và ngoài nước phủ sóng hình ảnh của cô – cố ca sĩ Phi Nhung. Các “nhà đài” trên YouTube cùng phát lại những bài hát, MV, game show có sự tham dự của cô. Người ngồi đó, mới hôm qua, nay thành thiên cổ.
Lang thang một vòng, tôi xem được một đoạn ngắn của Game Show Siêu Bất Ngờ, tập phát sóng vào Tháng Tám, 2019 mà cô là khách mời. Cô ca sĩ với nét đẹp lai chân phương, hoà bài vọng cổ với nghệ sĩ hài Lê Giang ngọt như nước mưa. Tôi cảm nhận (chủ quan) sự thành thật, mộc mạc trong tâm hồn, tiếng nói của cô. Tôi nhìn thấy được lòng chân tình của cô dành cho những người đồng nghiệp, qua cái ôm với nghệ sĩ Lê Giang, qua những lời trao đổi trên sân khấu. Có thể những lời nói, tình tiết đó là kịch bản, nhưng bản chất của con người thì không kịch bản nào tạo ra được.
Từ lâu, tôi đã có nhiều thiện cảm với tiếng hát thuần chất miền Tây (dù cô là người con của Pleiku) thật thà, chân chất của cô – ca sĩ Phi Nhung. Trong cái thật thà ấy lại nghe như chứa đựng một sự cam chịu gai góc. Người đời nói cuộc đời Phi Nhung vốn đã thế rồi. Những bài dân ca, quê hương truyền thống trữ tình, mộc mạc trở nên “cay đắng sự đời” qua cách cô thể hiện. Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam chịu thương chịu khó, chịu tất cả cái hỉ, nộ, ái, ố của cuộc đời hiển hiện ra tròn vẹn từ tiếng hát của cô.
“Trách ai vô tình” là bài hát một thời tôi hay tìm nghe nhất, và phải là Phi Nhung hát. Thú thật, tôi không hiểu tâm tư của nhạc sĩ Nhật Ngân khi viết lời của ca khúc ấy là gì, vì bài hát và hoạt cảnh hoàn toàn không trùng khớp. Phi Nhung đóng vai người con gái bị phụ tình, trách bậu “quên tình bao ngày chạy theo duyên mới.” Cô nức nở “Lỡ yêu thương người nên giờ dang dở đời ta.” Tiếng hát Phi Nhung trong veo, thổn thức giữa những thây ma vật vờ xung quanh. Tôi nhớ, suy nghĩ đầu tiên vụt qua trong đầu mình khi xem video này là hai chữ “cõi âm”. Giờ thì, người hát ca khúc ấy cũng đã bước xuống tuyền đài. Ngỡ như định mệnh…
Cố ca sĩ Phi Nhung trong bữa nấu ăn từ thiện ở Chùa Vĩnh Nghiêm, Sài Gòn (Hình: Facebook Phi Nhung Phạm)
Trang cá nhân của cô vẫn còn sống động những hình ảnh cô lăn xả cùng mọi người cứu giúp những ai cần giúp đỡ trong đại dịch. Những bữa nấu ăn từ thiện ở Chùa Vĩnh Nghiêm, những ngày đi phát thực phẩm, những lời động viên bà con vượt qua khó khăn…tất cả những điều đó, dù với bất kỳ lý do nào, thì với tôi, vẫn là một ngọn đuốc sáng. Cô đã làm được những điều tưởng như bình thường nhưng không đơn giản chút nào cả. Riêng tôi, tôi không cần biết bất kỳ nguyên nhân nào khác của những việc làm gọi là từ thiện. Đơn giản vì tôi nghĩ rằng, sự giúp đỡ mà tha nhân nhận được trong lúc hoạn nạn, là điều lớn lao hơn bất kỳ nguyên nhân nào (nếu có) trên đời này.
Tôi trân trọng những gì cô và những cá nhân, tổ chức khác đã làm để dang rộng vòng tay ôm lấy Sài Gòn. Tôi ghi nhận tấm lòng của cô cũng như tôi ghi nhận tấm lòng của hàng trăm cá nhân khác ở quê nhà. Bằng nhiều cách khác nhau, họ đã san sẻ với Sài Gòn trong thời gian qua. Mọi người đã làm được những điều mà tôi không làm được.
Để tiếp tục công việc, hầu như các nhóm thiện nguyện đã kêu gọi nhau phải đi chích vaccine. Tất cả những cá nhân thiện nguyện viên tôi biết đều đã chích vaccine. Họ chích, vì họ, và vì điều tốt đẹp họ đang làm. Tôi tự hỏi, tại sao cô không làm như thế? Tại sao??? Cô có thể làm điều đó, cho cô; cho 23 đứa con của cô; cho sự hoan hỉ mà cô đang gánh vác được tiếp tục; cho hàng triệu khán giả của cô đang chờ ngày cô trở lại sân khấu; cho tôi được tiếp tục nghe cái câu “Bậu qua phà Rạch Miễu…” ngọt ngào. Chúng tôi, khán giả của cô, phải tìm câu trả lời thế nào cho xứng đáng đây?
Hôm nay, đất nước này, nơi đã đón cô về hơn 20 năm trước, áp dụng hàng loạt những biện pháp mạnh mẽ để bắt buộc người dân chích vaccine. Một hệ thống bệnh viện lớn ở North Carolina quyết định sa thải gần 200 nhân viên vì những người này không thực hiện đúng quy định chích vaccine. Bác Sĩ David H. Priest, Trưởng khoa hồi sức của hệ thống bệnh viện Novant Health nói với NBCNews: “Quyết định không chích vaccine là cách họ tự nguyện nghỉ việc.”
Còn nữa, cũng trong hôm nay, Thứ Tư, 29 Tháng Chín, hãng máy bay United Airlines sa thải 593 nhân viên vì không chích vaccine. United Airlines là hãng máy bay đầu tiên ở Mỹ áp dụng luật bắt buộc tất cả nhân viên của họ phải chích vaccine Covid-19 đầy đủ (hai liều) kể từ đầu Tháng Tám, cho dù hãng phải đối diện với ít nhất hai đơn kiện chống lại luật này.
Và cũng trong hôm nay, YouTube đang gỡ bỏ các kênh video liên quan đến những người bài trừ vaccine nổi tiếng, đó là Joseph Mercola và Robert F. Kennedy Jr., đây là những người mà YouTube kết luận rằng có một phần trách nhiệm trong việc gieo rắc sự hoài nghi vào vaccine, làm chậm tỷ lệ tiêm chủng của nước Mỹ. Chính sách mới của YouTube nhắm vào việc cắt giảm nội dung phản đối vaccine. YouTube sẽ cấm bất kỳ video nào cho rằng những loại vaccine đã được phê duyệt là không hiệu quả hoặc nguy hiểm.
Chỉ hai tuần trước thôi, ngay tại thủ đô Washington, D.C, bà Thị Trưởng Muriel Bowser đã nhắc lại khoảng thời gian người dân Mỹ đã chờ đợi (có người gần như tuyệt vọng) để được ghi danh chích vaccine. Cũng theo lời bà kể, có những người đã đi hàng ngàn dặm để được tiêm mũi vaccine đầu tiên.
Ngay lúc này, thủ đô nước Mỹ vẫn còn đó hơn 600 ngàn lá cờ trắng đại diện cho 617.032 người đã chết vì Covid-19. Chắc chắn hơn 600 ngàn người chết đó, là những người không may mắn chờ được đến lúc nhân loại tìm ra vaccine để khống chế “kẻ thù thế kỷ” này. Nhưng, tôi cũng nghĩ rằng, trong số đó, cũng có những người đã từ bỏ “quyền được tự do” của chính họ, như cô đã từ bỏ, vì một lý do nào đó chăng?
Tôi tự hỏi, liệu có ai sẽ đến đó, ghi vào một lá cờ trắng nhỏ nhoi, tên của cô – người nữ ca sĩ đã đi vào lòng khán thính giả Việt Nam bởi giọng hát và bởi chính tấm lòng thiện lương, hoan hỉ của cô?
Là người con của Phật – con đường cô đã chọn, sự ra đi này với cô chỉ là rời cõi tạm. Nếu có bước qua sông Nại Hà, hãy nhớ uống chén nước Mạnh Bà, để vĩnh viễn bỏ lại thị phi sau lưng, bắt đầu một kiếp mới, đừng trầm luân trong cõi ta bà này nữa.
Kalynh Ngô
Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/tuong-nho/tieng-hat-phi-nhung-bau-da-qua-pha-rach-mieu/