Châu Đình An
Đây là một trong những khuôn mặt nổi tiếng nhất của nhà thơ hiện đại Việt Nam. Không những ông là thi sĩ có nhiều bài thơ sâu sắc đi sát với những thăng trầm của quê hương và cuộc đời chúng ta, mà ông còn là một nhà văn, nhà báo tài ba. Như nhận xét của nhà báo Du Miên có lần nói với tôi về nhà thơ Du Tử Lê, đó là “cái đầu của anh Du Tử Lê lớn”. Nghĩa là bộ não của ông suy nghĩ sự sáng tạo khác thường, nó khác ở chỗ rất đặc biệt, rất riêng của nhà thơ họ Lê.
Nếu ta nhìn vào cách dùng chữ trong văn, và đặc biệt là trong thi ca của riêng ông, chúng ta sẽ khám phá một Du Tử Lê đi trước với ngôn ngữ thừa, dư, giàu có và đầy tưởng tượng. Trong bài trước tôi viết về ý nghĩa thi sĩ đích thực, đó là mình cần phải biến mình mất đi. Khi bài thơ được độc giả, công chúng đón nhận thì nó không còn là thơ riêng của thi sĩ nữa. Du Tử Lê đã có những bài thơ không còn sở hữu của riêng ông, mà là của văn học Việt Nam. Cách biến mình mất đi cao siêu là ở chỗ đó.
Ở đây, tôi không bàn đến việc thơ của ông hay như thế nào nữa. Bởi vì nói điều này cũng thừa thãi quá phải không bạn. Tôi chỉ muốn nói về nhạc và con người trong thơ Du Tử Lê. Đó là… thơ của Du Tử Lê được nhiều nhạc sĩ phổ thành ca khúc nhất.
Nếu phải kể ra đây ta sẽ thấy từ các nhạc sĩ lừng danh gạo cội Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Anh Bằng, Từ Công Phụng, đến các nhạc sĩ khác như Trần Duy Đức, Việt Dzũng, Trúc Hồ, Phạm Anh Dũng, Vĩnh Điện, Đình Nguyên, Hoàng Quốc Bảo, Phan Nguyên Anh, Mai Trường, Nguyên Bích, Đỗ Vi Hạ, Nguyễn Phạm Đăng Khoa, Hoàng Song Nhi, Trần Thảo Lư, Đăng Khánh, Hoàng Thanh Tâm, Phạm Gia Cổn, Khoa Nguyễn, Tịnh Hiếu, Nguyễn Mạnh Cường, Nguyễn Linh Quang, Tú Nguyễn, Lưu Nguyễn, Phan Vân Hùng, Chơn Nhân, Đào Nguyên, Vi Trần, Trần Hữu Trung.
Tại sao lại có hiện tượng thơ Du Tử Lê được quá nhiều các nhạc sĩ của các thế hệ già và trẻ phổ nhạc như thế? Mà không phải chỉ một lần, Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Từ Công Phụng phổ thơ ông nhiều lần. Điều này cho chúng ta thấy, không chỉ thơ ông hay, mà mỗi một bài thơ là tâm sự, là thông điệp, là câu chuyện mà bỗng dưng chúng ta thấy hình ảnh mình trong đó. Đây là trường hợp có một trong thi ca và âm nhạc biến hình để thành một trong thơ Du Tử Lê.
Tôi không là người quá thân với nhà thơ Du Tử Lê, phải nói có nhiều người gần gũi thân quen với ông hơn là tôi. Chẳng hạn như nhạc sĩ Trần Duy Đức (tác giả ca khúc Nếu có yêu tôi), và ca nhạc sĩ Việt Dzũng, đó là những người em thân thiết gắn bó với ông từ nghề nghiệp làm báo văn nghệ, văn học. Chưa kể những người em văn học khác của ông như Đỗ Vẫn Trọn, Lê Giang Trần, Lữ Mộc Sinh… là những người có thể biết ông nhiều hơn tôi ở một góc cạnh nào khác, bởi tình thân như ruột thịt của họ. Nhưng giữa nhà thơ Du Tử Lê và tôi luôn có mối cảm nhận thiêng liêng. Và mỗi lần ông với tôi gặp nhau là cứ như quấn quít, không nói nhiều, ngồi uống một ly cà phê, nhìn nhau là đủ.
Khoảng cách tuổi tác và sinh hoạt văn học nghệ thuật của tôi chỉ là người em nhỏ thôi. Nhưng tôi thấy những người em khi ông thương, thì ông thương chân thành, chân tình và không bao giờ nói “Không” với họ khi hỏi ông một điều gì. Ông có tấm lòng bao dung, độ lượng đúng nghĩa, và tôi nghĩ xa hơn nữa cách đối xử, hành xử của ông như “quân tử Tàu” của thời nay. Đó là ông không hề đố kị, ganh tị, không nhỏ nhen, không tiểu nhân. Ông sống đúng nghĩa là một nhà thơ có nhân cách lớn và hiểu rằng, lời Đức Phật dạy “danh lớn là hoạ lớn”. Và vì thế cung cách sống của ông đã tránh đi cái “hoạ lớn” mà danh lớn vẫn còn mãi.
Tôi học được nơi nhà thơ Du Tử Lê điều này. Khi bạn sống chân tình và có tâm, là lúc bạn tự tin vào chính khả năng của mình. Không ai lấy phần của mình cả, và có muốn lấy cũng không được. Tôi cũng học được một quan niệm sống bình an, bằng lòng với những gì mình đang có, đó là hãy múc cho đầy chén nhỏ của bạn, không nên ngóng qua cái bát của người khác, bởi vì tuy chén bạn nhỏ, nhưng bạn múc đầy, và bát họ lớn, nhưng họ múc vơi.
Nhớ lại, một hôm trong tháng 5, năm 1985 nhà thơ Du Tử Lê gặp và nói với tôi “An à, tạp chí Tay Phải và tạp chí Văn của anh Mai Thảo muốn tổ chức cho em một đêm nhạc. Em nghĩ sao?”.
Thoáng ngần ngại thì ông bảo: “Vui lắm, em sẽ gặp nhiều bạn trong giới sáng tác và mọi người sẽ yêu quí em lắm đấy”. Thế là ông vẽ ra một chương trình đêm tình ca Châu Đình An. Tôi thấy ông nhiệt tình, gọi điện, in giấy mời, mỗi sáng ra quán cà phê là ông đưa giấy mời cho những anh chị trong giới làm báo, giới viết văn, và bỗng nhiên nhà thơ Du Tử Lê “trở thành” ông bầu show cho tôi một cách lạ lùng.
Chưa hết, ông là người sáng lập và điều hành tạp chí Tay Phải, là báo ra mỗi tuần tại Quận Cam, Little Saigon. Tạp chí Tay Phải và Tạp chí Văn viết bài thông tin đêm nhạc tình ca Châu Đình An tại quán LUP, là chữ tắt của anh chị ca nhạc sĩ Lê Uyên Phương. Đây là quán cà phê ca nhạc dễ thương, ấm cúng mà anh chị em văn nghệ sĩ thời ấy thường xuyên đến tụ tập cà phê cà pháo.
Khi báo lên khuôn và in ra, tôi ngạc nhiên vì đọc thấy nhà thơ Du Tử Lê, ông bầu bất dắc dĩ của tôi lại cho in hàng chữ “Tuần Lễ Tình Khúc Châu Đình An”. Như thế chỉ trình diễn có một đêm cuối tuần thì bây giờ ông chơi luôn một tuần cho nó hách. Tôi bảo, nguyên tuần sẽ nhàm đó anh, thì ông nói là “tuần lễ của Châu Đình An đó, em trình diễn hai đêm thứ sáu và thứ bảy tại quán LUP, nhưng tuần lễ âm nhạc của em mà. Và anh báo em một tin vui, đó là anh Mai Thảo, sẽ là người giới thiệu em đấy”.
Thế đó, ông lúc nào cũng muốn vinh danh các em của mình hết cỡ. Mà rõ là như vậy, sau cái ngày mà ông gọi “tuần lễ Châu Đình An” đó, thì hậu chấn của nó còn ‘dữ quá!”. Đó là nhà thơ Du Tử Lê cho in hình của tôi với ảnh chụp của nhiếp ảnh gia Trần Đình Thục lên trang bìa lớn của tạp chí Tay Phải, lúc này anh Trần Đình Thục từ Pháp sang định cư Mỹ và là người “lay out” trang trí trình bày cho tạp chí Tay Phải của nhà thơ Du Tử Lê.
Chưa kể, tôi suýt rơi nước mắt khi thấy ông phát hành báo với hàng chữ số 136 ngày 30-5-85, ngày này là ngày sinh nhật tôi. Nhà thơ Du Tử Lê làm điều này trong lặng lẽ mà không hề nói với tôi. Đó là những kỷ niệm và những gì tôi biết về cá tính cao thượng từ một nhà thơ lừng lẫy của văn học Việt Nam. Làm cho người khác vui, cho dù nhỏ, nhưng là điều khiến họ hạnh phúc. Lời nói đau, làm họ tổn thương là ta đánh mất hay tước đoạt niềm vui và hạnh phúc của họ.
Rất lâu, từ khi lập gia đình năm 1993. Tôi giã từ Little Saigon, California về Florida lập nghiệp, gặp lại ông hai lần, một lần ở Houston, Texas và một lần khi ông ghé Florida chơi thăm. Ông hỏi tôi có sáng tác thêm không? Tôi hát cho ông nghe ca khúc tựa đề “Tình Em Vẽ Một Chân Dung” ở nhà hoạ sĩ Vũ Đức Thanh (một người em và học trò văn nghệ khác của ông). Đây là ca khúc tôi viết khi còn ở quận Cam California mà chưa có dịp thu âm đưa ra. Nghe xong, ông lặng người giây lát và thốt lên “hay quá”. Trước khi về lại California, nhà thơ Du Tử Lê bảo: “cho anh xin ca khúc này nhé”.
Tình Em Vẽ Một Chân Dung
Đời vẽ con thuyền
Vẽ thêm con người
Tôi ngồi trên sóng
Lướt gió ra khơi
Đời vẽ thân phận
Vẽ thêm định mệnh
Duyên tình em đến
Biết bao ngộ nhận
Đời vẽ mặt tôi cười, đời cho tôi khóc
Đời vẽ mặt tôi cười, một tiếng bi ai
Ôi! Con mắt đêm dài, trong trái tim này
Những tình cờ lại thành thiên thu
Tôi thân thế lưu đày
Em đến bao ngày
Cũng chỉ một lần thôi
Đời vẽ tôi cười
Vẽ sân khấu buồn
Tôi cười hay khóc
Nước mắt cô đơn
Tình vẽ lên tình
Những câu nghi ngờ
Em từ đâu đến
Vẽ tim tôi sầu
(CDA)
Rồi một hôm, tình cờ tôi lang thang trên mạng thì thấy hàng chữ “Châu Đình An trở lại sân chơi”. Ủa, ai viết cái gì vậy ta? Sân chơi gì thế? Ngạc nhiên và nhấn đường dẫn
thì đến trang nhà của thi sĩ Du Tử Lê. Tôi đọc bài của ông viết về tôi. Xin trích ra đây để bạn cùng đọc và chia sẻ:
Châu Đình An, trở lại sân chơi
Du Tử Lê
“Dạt vào bến bờ tự do, với ca khúc “Đêm Chôn Dầu Vượt Biển,” vào giữa thập niên 80, một ca của dòng tân nhạc Việt tỵ nạn, mô tả cụ thể những bước chuẩn bị tối thiểu của tình cảnh người vượt biên, chỉ một sớm một chiều, Châu Đình An, một người trẻ xa lạ, bỗng trở thành nổi tiếng như một hiện tượng bất ngờ hiếm hoi trong sinh hoạt nghệ thuật của tập thể Việt nơi quê người.
Sự nổi tiếng, tuổi trẻ và, nguồn sức năng động thanh niên, đã mang lại cho Châu Đình An, một người con gái, từng là một trong những hoa hậu áo dài Long Beach.
Họ Châu xây dựng tương lai mình, trên những tốt đẹp, như ý mà, định mệnh hào phóng, dành riêng cho anh.
Nhưng, hạnh phúc thường được ví như hơi men, nên dù chén rượu hạnh ngộ, to lớn mức nào, hơi men dù ngây ngất đến đâu, cũng sẽ có giờ tan, nhạt. Và, mọi người, ngay chính Châu Đình An, cũng không ngờ, chỉ sau một thời gian ngắn, ly ruợu hạnh ngộ, hơi men tình yêu lại nhạt, tan quá nhanh.
Lần này, đổ vỡ, chia ly, dường là lối ngõ duy nhất, định mệnh để dành, riêng cho họ Châu.
Lần này, số phận đã cất đi nụ cười rói tươi điều may mắn, để thay vào đó, là chiếc mặt nạ tối tăm với ít nhiều giọt lệ, lẩn quất, đâu đó…
Và, Châu Đình An lìa bỏ quận Cam. Và, Châu Đình An, dời bỏ miền Nam California.
Không cần trữ dầu, cũng chẳng cần la bàn, chẳng cần lương thực, bởi trong thân, tâm họ Châu đã dư thừa cay đắng, dư thừa nỗi chết…
Lên đường, ném mình vào cuộc phiêu lưu tử sinh, biên giới, lý tưởng, quê hương… một thời gian, cuối cùng, tác giả “Đêm Chôn Dầu Vượt Biển” lại cũng quay về, tìm một bến đỗ.
Lắng tâm, nguôi hồn sóng gió, thời gian này là thời gian Châu Đình An, khép cửa, đoạn giao, để sống với sáng tác, sống với và, sống cho, chính mình. Những chiều New Orleans, những đêm Florida, trở thành dưỡng chất cho hành chục ca khúc mới, mang tên Châu Đình An.
Những ca khúc, còn chở nặng mây đen định mệnh, trước, nên chúng không được thấy ánh sáng mặt trời, không được may mắn, tìm đến người nghe.
Nhưng, thật bất ngờ, trong những ngày vừa qua, họ Châu đã gửi tới những người yêu nhạc anh, đĩa nhạc “Tình Em Vẽ Một Chân Dung.”
Không cần phải có lời giải thích của tác giả, người nghe cũng hiểu rằng, chẳng phải vô tình mà Châu Đình An chọn ca khúc “Tình Em Vẽ Một Chân Dung,” để làm nhan dề chung,” cho CD mới nhất của mình.
Cũng chẳng cần phải viện dẫn những giải thích của tác giả, chỉ cần lắng nghe những ca từ, trong ca khúc này, thính giả cũng hiểu, đó là tâm sự, là nỗ lực vẽ lại chân dung cuộc tình của tác giả với người con gái từng đoạt giải Hoa hậu áo dài do Hội Sinh Viên VN đại học Long Beach, tổ chức, từ nhưng năm đầu thập niên 80.
Dù chủ thể và, khách thể trong ca khúc “Tình Em Vẽ Một Chân Dung” có ở vị trí nghịch đảo, dù họ Châu có cố gắng thu nhỏ tới mức tối đa sự hiện diện của chính mình, trong ca khúc, thì, người nghe vẫn cảm nhận được, hình bóng Châu Đình An ở cùng khắp mỗi nốt nhạc, mỗi hợp âm, mỗi dấu thăng, giảm. Người nghe vẫn cảm nhận được, hình ảnh Châu Đình An trong mỗi con chữ, như hình ảnh của con thuyền, chiếc tầu, gập ghềnh, lênh đênh, giữa biển đời sống tới,.
Cụ thể, như những ca từ sau đây, dẫn đưa người nghe vào sâu, cuộc tình, đã mau chóng, trở thành quá khứ:
“Đời vẽ con thuyền, vẽ thêm con người, em ngồi trên sóng, lướt gió ra khơi
“Đời vẽ thân phận, vẽ thêm định mệnh, duyên tình anh đến, biết bao ngộ nhận
“Đời vẽ mặt em cười, đời cho em khóc, đời vẽ mặt em buồn, một tiếng bi ai
“Ôi con mắt đêm dài, trong trái tim này, những tình cờ lại thành thiên thu
“Em thân thế lưu đầy, anh đến bao ngày cũng chỉ một lần thôi
“Đời vẽ em cười, vẽ thêm nỗi buồn, em cười hay khóc, nước mắt cô đơn
“Tình vẽ lên tình, vẽ thêm nghi ngờ, anh từ đâu đến, vẽ tim em buồn!…
Đó là chân dung cuộc tình Châu Đình An qua ca khúc, hay một tỏ tình khác, của họ Châu, với dĩ vãng, với thinh không, nhạt lạnh, chẳng buồn, vui?
Cách gì, trường hợp nào, thì, điều đáng nói hơn cả, cũng vẫn là sự kiện tác giả “Đêm Chôn Dầu Vượt Biển” cũng đã trở lại với sân chơi mưa, nắng cuộc đời.
Cách gì, trường hợp nào, thì, điều đáng nói hơn cả, vẫn là tác phẩm. Vẫn là đĩa nhạc với 10 ca khúc chọn lọc, với những tiếng hát hàng đầu, như Tuấn Ngọc, như Ý Lan, như Thái Hiền, ở quê người, như Mỹ Linh, như Bằng Kiều, như Thu Phương, quê nhà, và, nhất là, sự có mặt của tiếng hát Duyên Hằng, người bạn đời của Châu Đình An hôm nay.
1998
—————
Đọc xong bài viết của nhà thơ Du Tử Lê về tôi với ca khúc Tình Em Vẽ Một Chân Dung. Tôi biết có những chi tiết không đúng. Nhưng tôi im lặng và không nói gì với ông, bởi vì tôi tôn trọng cách nhìn và suy nghĩ của ông khi nghe ca khúc này. Lòng muốn nói cảm ơn nhà thơ Du Tử Lê đã có một bài viết về Châu Đình An.
Thực ra, khi thu âm tôi mời ca sĩ Ý Lan, tôi còn nhớ cô Ý Lan trước khi vào phòng thu tiếng hát mình với ca khúc tôi, thì cô bỗng nhìn tôi và nói “xin phép anh cho Ý Lan được đổi lại chữ “tôi” thành chữ “em” ạ. Bởi vì Ý Lan yêu bài này quá, nó hợp với tâm trạng của mình, anh nhé?”.
Thoáng bất ngờ và có chút ngập ngừng. Lòng tôi không muốn lời hát mình thay đổi, mà thay đổi nhân vật chủ thể là “tôi” trong đó thành ra một “em” khác, thì ca khúc sẽ đi ra một hướng mất nghĩa nhiều lắm, và điều này làm tôi bối rối. Nhưng, tôi không muốn làm Ý Lan cụt hứng trước khi thâu âm. Do vậy tôi đồng ý trước sự ngỡ ngàng của nhạc sĩ Duy Cường là người soạn hoà âm cho bài hát này cũng có mặt trong buổi thu âm đó.
Và cũng vì cái đồng ý thay chủ thể nhân vật như thế, cho nên khi nhà thơ Du Tử Lê nghe Ý Lan hát ca khúc này, thì ông có nhận xét là, tôi viết về cuộc tình tôi với cô KV, là người yêu cũ trong ca khúc Tình em vẽ một chân dung. Tôi rất ít khi muốn giải thích cặn kẽ về lý do hay chi tiết tại sao viết thế này, viết thế nọ cho một bài hát. Bởi vì tôi tin rằng khán giả khi họ nghe, họ sẽ thẩm thấu hơn là mình giải thích. Giống như một bức tranh trừu tượng ta nhìn ngắm và tìm kiếm khám phá qua mầu sắc hội hoạ, để thấy cuối cùng tác giả gửi gấm thông điệp gì trong tác phẩm của họ.
Nhưng thôi thì nhân đây tôi cũng nói về ca khúc Tình Em Vẽ Một Chân Dung, tôi viết cho ai? Và vì sao tôi viết. Là người nghệ sĩ, tôi hiểu vinh quang bao phủ mình qua tác phẩm âm nhạc được đồng cảm từ khán giả yêu mến, nhưng đi vào thực tế là các gia đình nề nếp họ không muốn con gái họ lấy một tấm chồng như tôi. Do vậy, tôi đã bị khước từ một lần khi gặp và yêu T. (con của một cụ nhà giáo) ở quận Cam California. Rồi đến khi tôi gặp DH. Tôi yêu và muốn lấy nhau, tôi đã bị sự chống đối của gia đình cô. Gia đình của DH là người Huế, và cô nhỏ hơn tôi gần 15 tuổi, công giáo truyền thống, cô có người anh ruột là một linh mục nổi tiếng về giảng thuyết, đó là linh mục Nguyễn Khắc Hy.
Tôi đã viết ca khúc này và gửi gấm tâm sự mình cho nhà tôi là DH bây giờ. Do vậy mới có câu “Đời vẽ tôi hề. Vẽ sân khấu buồn. Tôi cười hay khóc. Nước mắt cô đơn”.
Bởi vì tôi thấy người nghệ sĩ Việt Nam xem ra khi yêu và tiến đến hôn nhân thường hay bị sóng gió bởi cái quan niệm “sợ” khổ con gái mình vì lấy một anh nhạc sĩ hay là cái tính nghệ sĩ thì lấy gì mà sống?. Mà tôi nghĩ điều này cũng đúng thôi.
Do vậy tôi kết thúc ca khúc với 4 câu:
“Tình vẽ lên tình. Những câu nghi ngờ. Em từ đâu đến. Vẽ tim tôi sầu!”.
Châu Đình An
Nguồn: Trang FB của CĐA