Thơ là loại sáng tác văn học có vần điệu, ngắn gọn, cô đọng, mang nhiều ý nghĩa. Khi đọc một bài thơ hay, cảm xúc chúng ta dâng tràn, và do vậy với tâm hồn nhạc sĩ thì tự dưng các nốt nhạc theo từng chữ thơ bắt đầu reo vang bàng bạc, từ đó… ca khúc đã bắt đầu thai nghén và hình thành. Có thể cho rằng, thơ phổ nhạc là nét đặc thù của nền tân nhạc Việt Nam, vì có đến hàng trăm bài thơ của nhiều thi sĩ lừng danh với nhiều thể dạng thơ đã trở thành ca khúc, mãi cho đến bây giờ vẫn hay, vẫn mới, vẫn nồng nàn như bài thơ Ngậm Ngùi được phổ nhạc bởi nhạc sĩ Phạm Duy. Và không chối cãi nếu không có tài phổ nhạc của Phạm Duy thì khó ai biết đến thành phố Pleiku “Còn Chút Gì Để Nhớ” qua thơ của thi sĩ Vũ Hữu Định.
Theo tôi, nếu không có âm nhạc thì có lẽ, những bài thơ khó có cơ hội trở thành quen thuộc và bất tử với người nghe. Những khuôn mặt thi sĩ tiền chiến Bàng Bá Lân, Bích Khê, Đông Hồ, Nguyễn Nhược Pháp, Thế Lữ, Hoàng Cầm, Nguyễn Bính, Quang Dũng, Hàn Mặc Tử, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Vũ Hoàng Chương, Xuân Diệu, Nguyễn Nhược Pháp… (còn nhiều nhưng tôi không nhớ hết) cho đến thi sĩ Nguyên Sa, Du Tử Lê, Đỗ Quý Toàn, Tô Thuỳ Yên, Thanh Tâm Tuyền, Viên Linh, Phạm Thiên Thư, Cung Trầm Tưởng, Đinh Hùng, Huyền Chi, Trần Dạ Từ, Trần Mộng Tú, Nguyễn Tất Nhiên, Mường Mán, Hoàng Ngọc Ẩn, Trần Vấn Lệ, Ngu Yên… và còn nhiều thi sĩ khác không kể hết ra đây.
Tôi chỉ viết tên những nhà thơ có thi phẩm được soạn thành ca khúc qua các nhạc sĩ của các thời kỳ trong nền tân nhạc Việt Nam, và không thể không nhìn nhận nếu không có sự phổ nhạc vào thơ thì những bài thơ và tên tuổi của các thi sĩ cũng khó trở thành quen thuộc và được đông đảo độc giả mến mộ tìm đọc thơ của họ.
Áo lụa Hà Đông của thi sĩ Nguyên Sa qua tài phổ nhạc của nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên đã trở thành kinh điển cho tình yêu của giới trẻ sinh viên học sinh Việt Nam. Tiễn Em của thi sĩ Cung Trầm Tưởng sẽ mờ ánh đèn vàng ga Lyon nếu không có tài phổ nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy. Chiều Trên Phá Tam Giang của Tô Thuỳ Yên sẽ không bi thương tuyệt đẹp nếu không qua nét nhạc phổ thơ của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Đêm nhớ trăng Saigon của thi sĩ Du Tử Lê thật tuyệt vời và toả sáng như vầng trăng qua tài phổ nhạc của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Nếu không qua tài phổ nhạc của nhạc sĩ Anh Bằng thì chúng ta sẽ không biết thi sĩ Phạm Thành Tài là ai? Đó là bài “Anh còn nợ em”.
Thuyền Viễn Xứ của Huyền Chi sẽ không lênh đênh trên mặt trùng dương nếu không qua phổ nhạc của Phạm Duy và Ngày Xưa Hoàng Thị của thi sĩ Phạm Thiên Thư cũng sẽ là một bài thơ hay nhưng chỉ dừng lại ở một khoảng trời chứ không thể lan toả cả bầu trời thi ca nếu không trở thành bài nhạc qua tay của Phạm Duy. Cũng chính vì tài phổ nhạc, và phổ bài nhạc vào bài thơ nào cũng thành công, do vậy có những khi ta nghe “Phạm Duy là phù thuỷ âm thanh” ý nói là ông Phạm Duy đụng vào bài thơ nào là bài thơ đó toả sáng!
Đó là những dẫn chứng cho chúng ta thấy việc đem nhạc vào thơ và ngược lại bổ sung cho nhau rất cần thiết và cũng rất cẩn trọng. Bởi vì bên cạnh những bài thơ thành công sau khi phổ nhạc, thì cũng có tình cảnh ngược lại, nghĩa là không đạt được sự đồng cảm của người nghe, và bài thơ đó, bài nhạc đó bị vào quên lãng.
Tôi yêu thơ từ bé, lúc ngồi ghế nhà trường, đã thuộc nhiều bài thơ của Nguyễn Bính, Huy Cận, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư… kể cả những bài thơ yêu nước của cụ chí sĩ Phan Bội Châu mà tôi học được trong lớp Việt văn. Theo tôi, thơ khó hơn văn, bởi vì thơ cô động ngắn gọn mà thông điệp và ý nghĩa thì bao la. Không những thế, thơ có chữ nghĩa làm cho người đọc phải chiêm nghiệm, càng suy tưởng, ta càng nhận ra sự tự khám phá của trí tuệ mình. Nó thích thú như trò chơi đi tìm kiếm nhau, ẩn núp đâu đó và vận dụng trí thông minh để tìm cho ra nhau. Bài thơ hay là có so sánh và ẩn dụ, nhưng không có nghĩa là làm cho người đọc phải nhức đầu và sẽ không đồng cảm.
Thi sĩ Du Tử Lê viết:
“đêm về theo bánh xe lăn
tôi trăng viễn xứ hồn thanh niên vàng
tìm tôi đèn thắp hai hàng
lạc nhau cuối phố sương quàng cổ cây”
Chỉ hai câu mở đầu cho ta nhìn ngắm một bức tranh tuyệt đẹp lãng tử của giang hồ về đêm theo ánh trăng vàng, và đọc lên thấy mình là nhân vật trong thơ. Trăng đã vàng mà hồn thanh niên của ta đã úa vàng về chiều đấy. Chưa kể tưởng tượng, sương mù quàng khăn trên cổ những hàng cây dọc hai bên đường khuya vắng lặng.
Thi sĩ là phải tưởng tượng, không những tưởng tượng mà còn phải giàu có sự tưởng tượng để biến cái thực thành cái mộng. Biến cái xấu thành cái đẹp. Biến cái ác thành cái thiện và cao siêu nữa, cuối cùng là biến mình mất đi… Đó mới là thi sĩ.
Bài thơ hay chưa chắc phổ nhạc đã hay, ngược lại có những bài thơ bình thường, nhưng lại hay, khi trở thành ca khúc. Ta gọi đó là duyên thi nhạc. Trước khi trở thành người sáng tác nhạc, tôi đã phổ bài thơ của thầy giáo dạy tôi (đã viết trong kỳ 1), do vậy tôi hiểu vì sao bài thơ trở thành bài nhạc. Khi người nhạc sĩ đồng cảm với bài thơ, tự dưng con chữ hiện ra và nhảy múa trong đầu.
Đọc từng chữ thơ đến đâu, là từng nốt nhạc bật ra lúc ấy. Đó là hiện tượng đồng cảm và ứng dụng thơ nhạc hoà nhập biến dạng thành một. Tuy nhiên, đối với kỹ thuật âm nhạc, nhiều khi người nhạc sĩ cũng phải thay đổi chữ trong thơ, hoặc thêm vào chữ của mình để cho bài nhạc không bị nhàm khi nghe. Bởi vì thơ là vần điệu. Nếu lục bát là thể thơ sáu tám, hoặc thơ 7 chữ, thơ 8 chữ, thơ 5 chữ, thơ 4 chữ… lúc nào đọc cũng nghe vần điệu đều đều như nghe tiếng nhỏ giọt của nước thì sẽ nhàm tai.
Do vậy phổ thơ là một nghệ thuật, cộng với tài năng thiên phú của người sáng tác. Tôi đã học cách phổ nhạc vào bài thơ như thế nào. Chưa kể khi bài nhạc luôn có mở đầu phân khúc 1 rồi quay lại phân khúc 2, kế đến là điệp khúc rồi mới phân khúc 3 và kết thúc. Bài thơ thì chắc chắn không có phần đấy như bài nhạc. Do vậy có những bài thơ hay đi một đường suốt luôn, và khi vào nhạc nếu nguyên con thì không thể thành bài nhạc thành công được.
Người nhạc sĩ phải cấu trúc lại theo mô hình của phương pháp viết nhạc mà tôi vừa nêu từng phân khúc và điệp khúc cho đến kết thúc. Cho nên có nhiều bài thơ phải đổi chữ, phải cắt ra, phải bỏ đi đoạn này mà lấy đoạn kia, rồi người nhạc sĩ phổ thơ phải nối kết nó lại sao cho xuyên suốt mà không mất ý của thi sĩ. Cái đó là cái khó, và phải vận dụng kinh nghiệm như nhạc sĩ Phạm Duy đã làm. Do vậy, khi một bài thơ hay, người phổ nhạc không nỡ bỏ đoạn này, lấy đoạn nọ, vì bài thơ hay quá mà cắt ráp như thế sẽ tiếc lắm. Thế thì phải làm sao. Phải dùng nguyên vẹn bài thơ với sự sáng tạo của mình sao cho vần thơ khi trở thành nhạc không bị nhàm chán.
Tôi đã rút kinh nghiệm về việc phổ nhạc vào thơ dạng này bằng cách chú trọng đến hoà âm khi phổ xong bài thơ và thu âm cho ca khúc. Tôi sẽ nói về việc hoà âm sau này cho các bạn nghe.
Phổ thơ trong đời viết nhạc của tôi là bài thơ thứ nhất Lệ Thu của thầy giáo tôi được phổ nhạc mang đến hệ luỵ đã kể trong bài trước.
Rất lâu, tôi mới phổ nhạc bài thơ thứ 2. Đó là bài thơ “Chăn Vịt Ở Phương Nam” của thi sĩ Mường Mán, cho đến khi viết bài này, tôi chưa bao giờ biết mặt hoặc nói chuyện với ông Mường Mán. Nhưng tôi yêu câu thơ của Mường Mán:
“vịt tôi chăn trăm con
ngày lùa đi trăm ngã
bạn tôi trăm tim nhỏ
bạn tôi trăm linh hồn
theo tôi qua thời khó”
Có 4 câu mà dùng đến 4 chữ “trăm” vẫn không chán,
“Em buồn sợi tóc mai
Dài bằng cơn nắng sớm
Em buồn cây nhang ngún
Cháy khuya sầu mênh mang”
Đọc đến các câu vừa viết của thi sĩ Mường Mán, tôi thấy các nốt nhạc hiện lên trên các câu thơ 5 chữ (5 chữ khó phổ nhạc vì không khéo sẽ dễ nhàm tai), tôi viết ngay nhịp 6/8 để bay nhảy theo dòng thơ của Mường Mán. Khi phổ xong bài thơ này, tôi tâm đắc và đưa cho ca sĩ Khánh Ly, chị đọc xong và thích ngay, thế là tôi ôm đàn cùng hát với Khánh Ly, tôi và chị hát cùng nhau, không hiểu sao hai tiếng hát của chị và tôi quyện vào nhau và trở thành một bài thơ hay, ý nghĩa được soạn thành ca khúc và song ca như giãi bày tâm sự cho thi sĩ vậy.
Xem ra, thơ phổ nhạc là một cái duyên không định trước, tự dưng nó đến, bất ngờ. Theo tôi, thơ là hình ảnh, là mầu sắc, là không gian, là thời gian, là kỷ niệm, là tiên tri, và sau hết là thông điệp nhắn gửi đến cuộc đời về sự cao đẹp của tình yêu, xã hội, và con người.
Cuối cùng, thi sĩ đích thực, là những kẻ điên, và những kẻ đem nhạc mình phổ vào thơ, là những tên đồng loã với nỗi điên ấy.
Chỉ có, người chịu đọc thơ và mê nghe nhạc, mới cảm nhận sâu thẳm về cơn điên này.
(xem tiếp kỳ 8)
Châu Đình An
Nguồn: Trang FB của CĐA