Chuyện viết nhạc – Trở Thành Nhạc Sĩ Sáng Tác Là Sự Tình Cờ

Châu Đình An

13.9.2021

Tháng 4 năm 1981 tôi bước chân xuống phi trường Los Angeles, California trong bỡ ngỡ của một “dân giả quê mùa” lần đầu tiên đặt chân đến thành phố sầm uất nổi tiếng của Hoa Kỳ. Dù kinh qua sóng gió nổi trôi cuộc đời trước đây, nhưng trong lòng tôi cũng hồi hộp vì lần đầu tiên đến California, không những là tiểu bang nổi tiếng của Mỹ mà còn là nơi có đông người Việt tị nạn cư ngụ. Đang lóng ngóng thì có tiếng reo “A! đây rồi…”. Một người đàn ông ăn bận giản dị, chân đi dép và mái tóc hoa râm đến bên tôi “Phải An không?”.
 
Chuyện viết nhạc – Trở Thành Nhạc Sĩ Sáng Tác Là Sự Tình Cờ
Phạm Duy & Châu Đình An
Tôi nhận ra nhạc sĩ Phạm Duy, đi cùng ông còn có một thanh niên mà ông giới thiệu là Duy Minh người con trai thứ hai sau người con cả là ca sĩ Duy Quang. Ông dẫn tôi đến bên chiếc xe Buick cũ đời 1977 màu xám nhạt, cất hành lý vào khoang xe và trực chỉ về nhà ông ở Midway City, Quận Cam Cali.
 
Trên đường đi từ Los Angeles đến Midway City vào khoảng gần 1 tiếng lái xe, ông hỏi thăm tôi về cuộc sống mới đến Mỹ ra sao, và một vài chi tiết thân thế long đong của tôi. Biết ông qua sự giới thiệu của cựu dân biểu VNCH Nguyễn Văn Cội, và khi tôi gửi đến ông 10 ca khúc để nhờ ông xem có thể giúp thực hiện một băng nhạc Cassettes gồm những bài nhạc của tôi. Đó là các bài nhạc tôi viết từ trại tỵ nạn Hồng Kông cho đến khi qua định cư ở Kenosha, tiểu bang Wisconsin Hoa Kỳ vào tháng 10 năm 1980. Trong đó có những bài như Đêm Chôn Dầu Vượt Biển, Tâm Động Ca, Như Những Lời Ca Thép, Trại Tù Chữ S, Sẽ Có Sáng Mai Này, Như Một Lời Thề Nguyền…
 
Khi nhận được 10 bài nhạc, ông đã nhanh chóng hồi âm sau hai tuần lễ và một cuộc gọi điện thoại nói chuyện với ông dẫn tôi đến Los Angeles, mà tôi đâu biết đã bắt đầu đưa tôi bước chân vào sinh hoạt của giới nghệ thuật Việt Nam. Qua các thư trao đổi, ông khen nhạc tôi có nét lạ của một người vừa vượt thoát từ Việt Nam sau 5 năm dưới chế độ cộng sản, và ông nhận lời đứng ra làm “Producer”, nghĩa là nhà thực hiện và sản xuất cho băng nhạc đầu tay trong đời sáng tác của tôi. Quả là may mắn khi tôi được ông, một cây cổ thụ to lớn của nền tân nhạc nước Việt Nam nâng đỡ.
 
Bước chân vào căn nhà xinh xắn ở thành phố Midway City mà ông dịch là “thị trấn giữa đàng”, tôi được chào đón bởi bà Thái Hằng, phu nhân của ông với một nụ cười hiền hậu, bà vui vẻ, dễ thương lắm, bà ân cần hỏi han và chỉ tay trên vách phòng ăn một bức hình tôi treo ở đấy. Ngạc nhiên thì bà bảo là “bác trai dán hình cháu để nhận diện đi đón cho dễ, mấy em ở nhà cứ thì thầm với bác là, có lẽ đây là con rơi hay sao mà bố lo lắng ân cần quá!”
 
Bà nghĩ thế cũng đúng, vì khuôn mặt tôi và Duy Minh có phần hao hao giống nhau. Tôi cười và cảm thấy gần gũi ngay với không khí gia đình ông bà Phạm Duy tuy trên dưới ngăn nắp lịch thiệp nhưng sinh hoạt rất là đúng hiệu một gia đình nghệ sĩ thuần tuý. Đến chiều Duy Quang đi làm về, lịch thiệp trong quần Jean xanh đậm và áo sơ mi trắng trông đẹp trai và rất là thư sinh, lần đầu tiên gặp chàng ca sĩ lừng danh với giọng mềm buồn của Hai Năm Tình Lận Đận, Em hiền như Ma Sơ, Cô Bắc Kỳ nho nhỏ… tôi thấy anh có nụ cười hiền, dễ gây thiện cảm với người đối diện.
 
Duy Quang niềm nở và vui vẻ chào tôi, anh nói đã xem qua mấy bài hát bố Phạm Duy đưa anh để tập hát và khen là tôi viết nhạc hay lắm. Chúng tôi bắt tay nhau và Duy Quang hỏi tôi tuổi con gì, tôi đáp “An tuổi Dần” và anh ồ lên nói “Quang cũng tuổi Dần đây này”. Thế rồi tôi chưa kịp nói thì Quang hỏi tôi đã ăn uống gì chưa? Rồi không đợi tôi trả lời anh đưa tôi ra xe bảo là đi uống cà phê và thăm phố Bolsa cho biết cộng đồng mình. Mặc cho bà Thái Hằng căn dặn là “đừng ăn gì no nhé, chiều về ăn cơm cả nhà”.
 
Đó là những kỷ niệm đầu tiên của tôi với gia đình nhạc sĩ Phạm Duy mà tôi còn nhớ. Đến chiều về, cả nhà đông đủ, lần đầu tiên tôi dự bữa cơm gia đình gồm có ông bà Phạm Duy và các con Quang, Minh, Hùng, Cường, Hiền, Thảo, Đức, Hạnh, 10 người ăn và thêm một miệng mới nữa là tôi. Bữa cơm rất ngon vì vui, và từ lâu tôi chưa hề có được không khí cơm tối gia đình, thân mật, ấm cúng như thế này.
 
Là một gia đình nghệ sĩ, các con của nhạc sĩ Phạm Duy nói chuyện thoải mái, đùa cợt với bố mẹ, nhưng vẫn có sự kính trọng bố mẹ. Đây là một gia đình miền Bắc văn hoá chính hiệu có truyền thống và nề nếp. Cho dù 4 chàng con trai (Duy Quang, Duy Minh, Duy Hùng, Duy Cường) và 2 cô con gái (Thái Hiền, Thái Thảo) đã trưởng thành, nhưng vẫn ở chung với cha mẹ mình là ông bà Phạm Duy. Nhà tuy không lớn lắm, nhưng ngăn chia nhiều phòng, có phòng thì hai người, chỉ riêng Duy Quang có riêng một phòng lớn là cái gara để xe được trưng dụng biến thành phòng ngủ đẹp và ngăn nắp, riêng Duy Cường có một phòng nhỏ riêng để làm hoà âm cho nhạc của bố và của khách hàng. Ngoài công việc đi làm thường ngày, nhạc sĩ Phạm Duy và các con vẫn dựng lại ban nhạc The Dreamer và mỗi cuối tuần chơi nhạc tối thứ sáu, thứ bảy tại vũ trường ở Quận Cam thời bấy giờ.
 
Tôi ngụ lại nhà nhạc sĩ Phạm Duy suốt thời gian hai tuần lễ thực hiện thu âm cho dĩa nhạc, phải nói là ông rất chu đáo về tổ chức, ngày nào thu thanh ai hát, xem lại bài nhạc, xem lại hoà âm, và cuối cùng, trong tay chúng tôi có dĩa master nhạc Châu Đình An, và thời bấy giờ Master băng rất to, đến hai dĩa băng nhựa nặng tay. Ông cũng dành thì giờ với tôi, đến nỗi cuối tuần ông chở tôi ra vũ trường ở góc thương xá có quán Thành Mỹ để giao du với mọi người và xem các con trình diễn.
 
Tôi còn nhớ Duy Quang khi biết bố chở An ra chơi bèn cho mượn nguyên bộ com lê cà vạt, vì tôi đâu có loại quần áo đó. Đã thế Quang còn bảo tối nay An lên hát chơi cho vui với Ban nhạc Dreamer. Đây là ban nhạc nổi tiếng thời nhạc trẻ tại Việt Nam với Duy Cường chơi Piano, Keyboard, Duy Minh đánh trống, Duy Hùng Guitar, Duy Quang chơi Bass guitar và hát chính thêm hai giọng nữ là ca sĩ Thái Hiền và Thái Thảo. Tôi còn nhớ nhạc sĩ Phạm Duy bảo tôi là “cháu hát được đấy, tuy giọng còn cứng nhưng nếu muốn phát triển âm nhạc của mình thì nên ở lại đây, là nơi giống như Saigon mình ngày xưa đó”.
 
Nhạc sĩ Phạm Duy liên lạc với hoạ sĩ Hồ Đắc Ngọc vẽ cho tôi cái bìa băng Cassettes, chở tôi đến nhà in An Nam của ông Lê Ngọc Ngoạn để xem giá cả và ấn loát, những buổi đi làm việc như thế chỉ có ông và tôi trên chiếc xe cũ của ông băng qua những con đường trong sương mù buổi sáng, và trong xe thì luôn phát ra các ca khúc mới toanh của tôi. Thật sự tôi hạnh phúc và vui mừng tựa một giấc mơ bên một nhạc sĩ lừng lẫy của tân nhạc Việt Nam, và nhạc sĩ Phạm Duy vừa lái xe, vừa nghe nhạc của tôi mới ra lò trong băng cassettes.
 
Ông còn thủ bút viết cho tôi những lời sau:
 
“Nhạc Châu Đình An vì có nội dung rất tích cực, hy vọng sẽ là người đại diện cho những ai vừa vượt thoát từ Trại Tù Chữ S, sẽ có ngày trở về dựng cờ Quốc Gia trên đất nước thân yêu”.
Ký tên Phạm Duy.
 
Ông không ngần ngại khen ngợi nhạc tôi viết hay, và ca khúc của tôi nhan đề “Tâm Động Ca” do Thái Hiền trình bày đã làm ông xúc động rưng rưng khoé mắt.
 
“Khóc cho người ở lại Việt Nam
Một tiếng khóc thương cho đồng loại
Một tiếng khóc thương em khờ dại
Một tiếng khóc nhăn nheo mẹ già
Có tổ quốc, mà không có quê hương
Có đồng bào mà sao xa lạ
Có Việt Nam mà tôi mất đâu rồi
Có giòng sông mà con nước khô cạn
Có tình yêu mà không có bè bạn
Đứng bên này bờ biển đại dương
Nhìn chẳng thấy quê hương chỗ nào
Nhìn chỉ thấy thêm thương đồng bào
Lời tổ quốc trong tim dạt dào
Và nghe tiếng trong tôi thì thào
Giọt nước mắt lưu vong chợt trào
Tạm biệt
Tổ quốc thương yêu…
của tôi”
(CDA 1980)
 
Ông xúc động và thốt lên “hay lắm!” không những vì giòng nhạc tôi, mà còn bởi vì giọng con gái ông là Thái Hiền cao vút kết thúc câu “tạm biệt tổ quốc thương yêu của tôi”.
 
Mãi đến bây giờ, khi viết bài này là năm 2021 đã tròn 40 năm, tôi vẫn còn nhớ hình ảnh nhạc sĩ Phạm Duy ngồi sau tay lái chiếc xe và nỗi rung động của ông thiết tha với âm nhạc và cuộc đời. Cứ thế, hằng ngày, những câu chuyện ông kể, từ đời sống sáng tác âm nhạc của ông bắt đầu ngoài Bắc như thế nào, tôi còn nhớ ông kể có lần ông Hồ Chí Minh gọi ông lên, tay ông Hồ mân mê nút áo của ông Phạm Duy và ân cần muốn gởi ông đi học nhạc ở Liên Sô, nhưng ông không muốn đi và tìm cách di cư vào Nam. Rồi 30 tháng 4 với lộ trình vượt thoát đến Mỹ, và nỗi đau đớn dày vò suốt bao năm tháng dài khi 4 người con trai còn kẹt lại quê hương.
 
Ông cũng kể là cả hai ông bà in roneo, loại giấy copy để đóng thành tập nhạc dạy đàn guitar do Phạm Duy biên soạn để bán kiếm tiền sinh sống, và nhận lời đi hát cho cộng đồng người Việt phôi thai hình thành.
 
Nhạc sĩ Phạm Duy hỏi tôi học nhạc ở đâu, tôi thưa “cháu tự học ạ”.
 
“Bác biết khi đọc nhạc cháu. Vậy là tốt lắm, tuy nhiên nếu có dịp thì cháu cố tìm cách học nhạc thêm tại trường để phát triển sự nghiệp nhạc của mình. Ở Mỹ nhiều college nó dạy hay mà rẻ lắm”.
 
Tôi nhớ mãi lời dạy chân tình của ông. Cứ thế, cuộc nói chuyện với ông mà tôi học được những kỹ thuật sáng tác nhạc, mà theo tôi ít bạn nào để ý. Ông bảo:
 
“nhạc có luật, thơ có luật, do vậy cháu cần lưu ý một ca khúc hình thành bởi nhạc và lời. Viết lời phải có văn phạm dấu hỏi ngã cho đúng và nhớ đừng theo âm của nốt nhạc sẽ sai chính tả văn phạm”.
 
Nhạc sĩ Phạm Duy đưa ra những ví dụ của vài nhạc sĩ cũng nổi tiếng (tôi không tiện nêu tên nơi đây) và ông bảo vì dựa theo âm của nốt nhạc nên lời viết sai chính tả. Ông nhấn mạnh cho tôi hiểu ví dụ chữ “tất cả” là phải dấu hỏi, chứ không thể là dấu ngã được. Vì nếu chữ “CÔ thì nó hoàn toàn vô nghĩa. Cho nên “còn gì buồn cho em hơn tất cã” (là là là, đô đô, đô, rề, mí, mí) là tối nghĩa và làm giảm đi văn phạm của ngôn ngữ Việt. Hay là “ra BIỂN” chiều nay thấy màu máu đỏ”. Không thể theo nốt nhạc để thành “ra Biễn” là hỏng.
 
Điểm thứ hai là ca khúc như một bài luận văn. Có mở bài, thân bài rồi kết luận. Cần nắm vững luật này và phải có không gian, thời gian trong câu chuyện. Khi có thời gian ví von qua nắng, qua mưa, qua sáng tối thì nhớ đừng đưa bình minh lên quá nhanh và kéo hoàng hôn xuống cái rầm là hỏng.
 
Điểm thứ ba là tránh tối nghĩa và vô lý không “make sence”, vì có những ca khúc tuy nhạc hay nhưng lời tối nghĩa và không hợp lý thì ca khúc đó thất bại” vì chẳng ai nhớ được.
Đó là ba điểm ông nói với tôi thật là quý hoá và tôi thật là may mắn khi được ông chỉ giáo. Tôi đã giữ công thức này suốt trong các sáng tác của tôi sau này.
 
Ông hỏi tôi sinh quán ở đâu? Tôi thưa “cháu sinh quán ở Quảng Bình”. “Thế nguyên quán?” “dạ nguyên quán Hà Nội ạ, đó là quê ngoại”. Ông nghe xong liền bảo “khi nghe Đêm Chôn Dầu Vượt Biển với giai điệu ngũ cung là bác đã nghĩ cháu phải là người miền Trung mới viết nên giai điệu này, nhưng bàng bạc nét nhạc trong các ca khúc của cháu phải là người miền Bắc, bác nghĩ đúng đấy, quan trọng là mình cần đi nhiều, sống nhiều, sẽ viết nên các tác phẩm giá trị”.
 
Nhạc sĩ Phạm Duy đã là người thầy dạy tôi một cách tình cờ. Không bái môn để là đệ tử học sư phụ, nhưng quả là một cái duyên khi tôi có những giây phút quý báu với ông, để rồi tôi tiếp nhận chỉ giáo một cách chân tình mà ông đã cho tôi.
 
(xem tiếp kỳ 7)
 
Châu Đình An

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây