Chuyện viết nhạc – Bỏ Nước Ra Đi

Châu Đình An

6.9.2021

Ngày 16 tháng 5 năm 1980, tôi xuống thuyền vượt biển vào một đêm tối tại cầu xóm Bóng Nha Trang. Sau 3 ngày 4 đêm lênh đênh trên biển, cuối cùng tàu Tây Đức đã vớt chúng tôi giữa biển khơi. Bây giờ tôi đứng trên boong tàu Melbourne Express của Tây Đức (West Germany) nhìn từng đợt sóng nhấp nhô. Kể từ khi được vớt, hôm nay là ngày thứ hai tôi có mặt trên chiếc tầu buôn này. Cuộc vượt biển thành công, chúng tôi khoảng 50 người đi từ thành phố Nha Trang và sau 3 ngày 4 đêm thì được gặp con tàu cứu tinh này. Bây giờ tôi nhớ lại rất rõ khoảnh khắc tự do thực sự khi được tàu Tây Đức vớt giữa biển khơi. Đó là một cảm giác như chạm đến ngưỡng cửa Thiên Đàng. Thuở bé trò chơi ở làng quê:
 
“Thiên đàng hoả ngục
ai khôn thì dại
ai dại thì khôn
đêm nằm nhớ Chúa nhớ cha
đọc kinh cầu nguyện kẻo sa linh hồn…”
 
Chỉ biết hoả ngục là nơi khổ luỵ vì mình bị đoạ đày. Thiên Đàng là nơi ánh sáng và hạnh phúc chói loà sung sướng quá chừng. Đó là ý nghĩ khi còn bé như thế, do vậy tôi đang sống với cảm giác khi nghĩ đến Thiên Đàng là đây. Đó là không ai có thể tưởng tượng được có ngày mình sẽ thoát ra khỏi đất nước khổ sở tăm tối sau năm 1975, ngày mà Mỹ đã bỏ rơi miền Nam Việt Nam một cách không thương tiếc! Tôi đã có 5 năm sống với chế độ mới với 3 năm tù và 2 năm trôi nổi thân dâu biển từ thể xác đến tinh thần.
 
Đứng trên cao của boong tầu như đứng trên một toà nhà 10 tầng nhìn xuống thăm thẳm màu xanh của biển khơi. Nhìn xa tít vẫn là một mầu nước trùng điệp, và tôi biết chúng tôi đã xa rời đất nước và bỏ lại quê hương rồi. Tàu rẽ sóng phăng phăng đi ào ào như một toà nhà khổng lồ di động. Lúc còn kẹt lại Việt Nam, mỗi đêm tôi đã nghe Radio Đài VOA (Voice of American) là đài Tiếng nói Hoa Kỳ phát thanh từ Hoa Thịnh Đốn, tôi đã ước ao mình có mặt trên các bản tin về các con thuyền tị nạn được vớt giữa biển khơi, và tôi thầm nghĩ giá mình là một trong số những người may mắn đó.
 
Thế nhưng bây giờ những ước mơ đó đã thành hiện thực. Tôi đã sống, đã còn sống và sống tự do, không còn phải lo sợ, không còn phải lo thiếu ăn sót mặc như trước đây mấy ngày nữa. Vui tràn ngập, nhưng nỗi buồn cũng nằng nặng trong tâm trí mình. Tôi nghĩ ai ra đi một thân một mình cũng mang tâm trạng như tôi, đó là bỏ lại sau lưng tất cả những kỷ niệm, bạn bè, xóm làng và người thân yêu của mình.
 
Qua ngày hôm sau, tàu cập bến Hồng Kong. Chúng tôi buộc phải rời tàu Tây Đức và tạm trú trại tị nạn để thanh lọc trước khi cho phép định cư ở nước chấp nhận mình. Trại tị nạn HongKong là dãy trại lớn dài san sát và bao quanh bởi những rào kẽm gai cao vút. Nó giống như một trại tù lớn và các con tàu khi vớt người thường mang thuyền nhân vào đây sống một thời gian trước khi họ nhận cho vào nước mình. Do vậy người Việt tị nạn may mắn sống sót sau chuyến hải hành trong trại tị nạn rất đông và họ sống theo từng vùng, từng trại được xây cất trên mảnh đất tạm trú của HongKong.
 
Vài ngày sau khi nhập trại, đêm đến thật là buồn. Nhất là những ai ra đi một thân một mình như tôi. Trong trại, người đến trước đây đêm về cũng có những sinh hoạt với nhau, nhóm này tụm lại ca hát, nhóm kia thì đánh cờ tướng và có những người lang thang trên con đường nhỏ trong trại cho đỡ buồn. Tôi nhập bọn vào nhóm có đàn guitar. Đó là một nhóm người Việt tàu vớt ngang Vũng Tàu, và không biết cách nào họ lại có cây đàn guitar mang theo. Hò hát đàn vang, và tiếng hát, tiếng cười vui rộn rã như tạm quên đi nỗi buồn viễn xứ bắt đầu trong đời sống mình.
 
Tôi làm quen và sau đó tình nguyện đàn cho một vài người hát. Thế là họ cảm tình ngay với sinh hoạt của tôi, vì ai hát tôi cũng đệm đàn, và khi họ nghe tôi hát thì cảm tình của họ lại nhiều hơn, anh chàng thanh niên chủ cây đàn quấn lấy tôi và xin chỉ giáo vài đường guitar. Như thế tôi cũng có thể mượn cây đàn để đêm đến là mình khuây khoả nỗi buồn. Nhớ lại những lúc lo âu trước sóng to gió lớn, cái chết cầm chắc trong tay một nửa rồi. Nhớ lại những lúc đêm tôi phải đón xe bộ đội trên quốc lộ 1 từ Saigon chạy ra Hà nội để mua từng can dầu.
Khi nhà cầm quyền mới lấy được miền Nam Việt Nam. Chính sách kinh tế tập trung trong tay Đảng Cộng sản, do vậy tất cả xăng dầu bị tịch thu và quản lý, các cửa khẩu ra biển bị đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ, ngành ngư nghiệp đánh bắt cá bị quốc doanh và các thuyền bè phải vào tổ chức gọi là hợp tác xã, mỗi lần ngư dân ra biển để đánh bắt cá, phải khai trình và số lượng nhiên liệu được kiểm soát vừa đủ cho thời gian tàu thuyền chạy ra bao nhiêu hải lý, và vừa đủ để chạy trở vào sau bao nhiêu ngày được phép. Việc kiểm soát chặt chẽ này nhằm khống chế sự vượt biển tìm tự do của người dân Việt Nam.
 
Tôi đã tìm cách vượt biển sau khi từ trại cải tạo trở về. Vượt biển khó lắm, vì cần có ít nhất là 3 đến 5 lượng vàng, có chỗ còn phải trả cao hơn nữa. Nhưng tôi đã lấy công sức bằng cách tình nguyện mua dầu để đổi được chuyến đi. Dầu là nhiên liệu cần thiết cho chuyến hải hành, ít ai dám nhận việc mua dầu, vì nguy hiểm. Mua từ các tài xế bộ đội cộng sản, và mua phải vào ban đêm. Vì các tổ hợp có ghe thuyền bị quản lý chặt chẽ, nhưng vẫn có những móc nối để chuyến vượt biển ra đi. Và cần nhất là nhiên liệu, dầu không thể chứa dưới khoang thuyền, vì ra cửa khẩu sẽ bị kiểm soát tìm thấy và bị bắt ngay, do vậy, dầu phải có và chứa ở một nơi, đó là chôn dưới lớp cát dọc bãi biển, và ban đêm, khi tàu đánh cá được phép ra khơi sẽ quay thuyền ngược lại vào bờ bãi đào cát lên là nơi chôn dấu nhiên liệu dầu, lấy số dầu và ra đi.
 
Vì không có vàng, tôi xin nhận làm công mua dầu, gánh dầu ra bãi để chôn dấu. Qua sự giới thiệu của một người quen, tôi đến nhà ông Hai Khi, là chủ ghe của một hợp tác xã, vì bị trưng thu vào hợp tác xã, nhưng chủ ghe vẫn được dùng lại như là công nhân của nhà nước cộng sản để điều hành chiếc ghe đánh cá của mình. Ông Hai Khi là dân Nghệ An, di cư vào Nam năm 1954, hành nghề biển suốt cả đời mình. Tôi được ông giao tiền chỉ đủ mua cho từng đêm số dầu cần phải có. Và ông hứa là, tôi sẽ được có mặt trên chiếc ghe của ông khi có đủ dầu.
 
Mỗi đêm, tôi nằm thoai thoải dưới quốc lộ 1, (con đường từ Nam ra Bắc) ở làng Hộ Diêm, thị xã Phan Rang Tỉnh Ninh Thuận. Mỗi khi có ánh đèn xe Molotova (loại quân xa của quân đội miền Bắc) chiếu từ xa, là tôi nhảy lên đứng cạnh lề đường, tay phải đưa can dầu bằng nhựa lên cao, tay trái kia đưa ống hút dầu vẫy lia lịa để tài xế xe thấy mình muốn mua dầu. Các tài xế cán binh cộng sản rất thích bán dầu để lấy thêm tiền tiêu xài, vì lương lính của họ rất ít.
Dừng lại, nhảy xuống xe họ hét lớn: “tiền đâu”, trao tiền nhanh, họ lấy can đựng dầu đặt xuống đất, thọc ống hút vào bình xăng dầu của xe, và tôi kê mồm hút cho dầu chảy vào can đựng. Vì lo bị bắt gặp, người mua và kẻ bán đều sợ, do vậy họ thường hối thúc “nhanh lên, đủ rồi”. Mỗi lần hút dầu từ thùng xe, dầu bắn đầy mặt tôi, áo quần hôi mùi dầu nồng nặc, đã thế dầu còn vào cuống họng làm tôi muốn ói mửa, lảo đảo vì bị nhức đầu.
 
Cứ như thế suốt đêm, từ 12 giờ khuya “hành nghề” cho đến 3 giờ sáng, là tôi và một người bạn thân (tên L.) phải gánh dầu ra bãi biển để chôn dấu. Mỗi can dầu chứa được 20 lít, gánh hai can là 40 lít, và hai người gánh được 80 lít cho mỗi đêm. Một chiếc ghe muốn đi từ cửa biển Tân An, Phan Rang đến đảo Palawan Phi Luật Tân, cần phải có đủ 600 lít dầu, và mua khoảng 10 ngày là có đủ dầu để bắt đầu cho chuyến vượt biển. Nhưng bạn ơi! Nhiều lúc mua dầu, chôn dầu xong thì phải chờ ghe, và xui xẻo, bãi dầu của mình bị phát hiện, bị đánh cắp, bị tịch thu. Rồi phải làm lại từ đầu.
 
Nhớ lại gánh dầu ra biển, tôi đã phải gánh 40 lít dầu nặng trĩu trên thân thể ốm yếu, còm cõi để băng qua một đám ruộng dài. Hộ Diêm là một làng nông, đa phần dân công giáo, và các thửa ruộng nằm sát quốc lộ 1. Tôi phải chật vật, khéo léo để các thùng dầu không bị vỡ mỗi lần té xuống, chỉ vì đường bờ ruộng quanh co, nhỏ bé, vừa đủ cho một người đi, mà lại đi trong đêm tối đen, thỉnh thoảng bị sụp lỗ ruộng, là cái lỗ thông qua các ruộng lúa với nhau. Con đường ruộng khó đi trong đêm tối, lại phải đi thật nhẹ để không gây tiếng động, vì sợ bất trắc xảy ra, nếu có ánh đèn pin quét lên là họ sẽ tri hô mình đi ăn trộm lúa, và mình sẽ bị bắt, tống giam trong tù ngục xã hội chủ nghĩa vì âm mưu vượt biển.
 
Nhưng cuộc vượt biển lại bất thành, vì dầu bị ai đó lấy mất. Sau này, tôi được Thái Thu Cúc, một cô bạn gái quen trong các chuyến vượt biển trước bất thành, dù thời gian ngắn gặp nhau, nhưng Cúc và tôi đã yêu nhau. Cúc đã nhắn tin cho tôi đến nhà nàng ở Nha Trang và giới thiệu với bố mẹ nàng bảo đảm cho tôi có một chỗ ngồi trong chuyến ghe vượt biển sắp khởi hành nay mai. Tình yêu trên hết, nàng đã giúp tôi ra đi từ cầu Xóm Bóng Nha Trang ngày 16 tháng 5, 1980.
 
Tôi nghĩ đến Cúc, và viết cho nàng, dù Cúc giúp tôi thành công vượt biển, nhưng Cúc đã không may mắn, nàng kẹt lại từ đó cho đến bây giờ
 
“đêm nay anh gánh dầu ra biển anh chôn
anh chôn, chôn hết cả những gì của yêu thương
anh chôn, chôn mối tình chúng mình
gởi lại em trăm nhớ ngàn thương
hò ơi tạm biệt nước non
đêm nay, đêm tối trời anh bỏ quê hương
ra đi trên chiếc thuyền hy vọng vượt trùng dương
em đâu, đâu có ngờ đêm buồn
bỏ lại em cay đắng thật thương
hò ơi tạm biệt nước non
anh phải bỏ đi thắp lên ngọn lửa hy vọng
anh phải bỏ đi để em còn sống
anh phải rời xa Mẹ Việt Nam đau đớn
quê mình giờ đây em gắng đợi chờ
anh tạm rời xa nước non mình yêu kiều
phố phường thân yêu người quen hàng xóm
mong vượt biển đông mà lòng anh tan nát
núi rạng mờ xa ôi ngon núi ở quê hương
đêm nay anh gánh dầu ra biển anh đi
ghe đi trên sóng cuồng thấy gì ở quê hương
xa xa ôi núi mờ xa dần
giọt nước mắt khóc cho phận thân
hò ơi phận kẻ lưu vong
đêm nay trên bản đồ có một thuyền ra đi
hiên ngang trên sóng gào tự do đón chào
xin chào tự do với nỗi niềm cay đắng
nhìn lại nước non mình
môi mặn khóc nghẹn ngào
hò ơi tạm biệt nước non”
 
 
Khi viết bài hát này là tôi thả hết nỗi lòng của mình ra trong nước mắt đêm khuya ở trại tị nạn. Ca khúc viết theo thể loại ngũ cung. Nhạc ngũ cung không chỉ riêng Việt Nam mình mà nó cũng phổ quát ở nét dân ca vùng Celtic, ở Hungary và một vài nét trong dân ca Hoa Kỳ nữa. Nói một chút để bạn hiểu sao lại là ngũ cung.
 
Tân nhạc nguồn từ Tây phương với 7 nốt nhạc : “đồ, rê, mi, fa, sol, la, si”. Ngũ cung là 5 nốt nhạc “đồ rề fa, sol, la”. Dân ca Việt Nam từ miền Trung, nhất là Huế trở ra ngoài Nghệ An Hà Tĩnh là các câu hò mang âm hưởng ngũ cung hồn nhạc quê hương. Nó bắt nguồn từng giọng nói đặc thù của vùng miền qua đến ca dao và các điệu hò ru.
 
Tôi đã chêm vào câu hò ơi là tiếng hò vang vọng của mẹ ru con. Tiếng hò của mái chèo khua nước trên giòng Hương Giang. Tiếng hò gọi nhau của thanh niên thiếu nữ trong mùa gặt rộn rã thứ hạnh phúc dân quê trong câu hò điệu nhạc ngày mùa.
 
Trong ca khúc “Cay Đắng Bờ Môi” của tôi cũng thế, nét ngũ cung bàng bạc khi tôi viết ca khúc này. “Ra đi tôi nhớ thương người. Nghẹn ngào cay đắng bờ môi...” Là tiếng lòng tôi nhắn gửi đến Cúc.
 
Tôi có 4 ca khúc ngũ cung viết ra, nhưng hai ca khúc Đêm Chôn Dầu Vượt BiểnCay Đắng Bờ Môi là hai bản ngũ cung được hát trước và được biết đến.
 
Trở lại câu chuyện viết ca khúc Đêm Chôn Dầu Vượt Biển là tôi viết câu chuyện thật của đời mình, mà cũng là câu chuyện đồng cảm số phận của rất nhiều thuyền nhân tị nạn bỏ nước ra đi. Lạ một cái là khi viết xong bài hát này, tôi đã không hề hát cho ai nghe tại HongKong. Tôi không muốn phải khóc khổ luỵ vì mỗi khi hát bài hát này. Vì tôi biết nỗi niềm rưng rưng sẽ tràn ngập khi số phận tôi và ca khúc gắn liền với nhau trong những giờ khắc sinh tử biệt ly.
Tôi đã cất giữ bài hát Đêm Chôn Dầu Vượt BiểnCay Đắng Bờ Môi cho đến khi định cư tại Mỹ.
 
(xem tiếp kỳ 6)
 

Châu Đình An

Nguồn: Trang FB của Châu Đình An

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây