Châu Đình An
6/9/2021
Năm 13 tuổi, tôi làm quen với cây đàn guitar. Các đầu ngón tay tôi sau vài ngày sưng lên ê ẩm vì bấm vào dây đàn bằng thép nhiều quá. Vậy mà tôi “sướng” tê và hãnh diện vì tưởng tượng mình đã trở thành “nghệ sĩ”. Cho dù biết rằng, tiếng âm thanh phát ra từ tiếng đàn tửng từng tưng chẳng giống bài ca nào. Tôi ghiền cây đàn guitar đến nỗi khi cả nhà ngủ rồi, khoảng 10 hay là 11 giờ đêm tôi vẫn áp lỗ tai phải vào thùng đàn và gẫy nhẹ để tự mình nghe âm thanh từ đàn do mình gẫy ra.
Cũng vì ghiền guitar mà tôi bị một trận roi đòn từ bác tôi, vì ngày mai còn phải đi học mà giờ này còn “rượng” với đàn địch. Đó là ngôn ngữ của bác mà tôi còn nhớ. Người lớn thời ấy cho là “ăn chưa no lo chưa tới” mà đàn với hát là chướng tai gai mắt lắm, bởi thế mỗi khi có dịp ôm đàn là vừa sung sướng, vừa lo lắng.
Con nhà nghèo mà bày đặt đàn với địch làm gì thì sao mà có thầy chỉ giáo. Nhưng phải tầm sư học đạo thôi, mà trong xóm nghèo không có ánh điện, chỉ có đèn dầu thắp mỗi đêm thì cách vui thích nhất là vác đàn đi gặp bạn hiền tụm năm tụm ba. Xóm tôi lúc đó có vài tên cũng có đàn guitar, và tôi nể lắm khi thấy bọn nó đàn hát vây quanh bởi một đám con gái ái mộ.
Năm 17 tuổi là lúc tôi đã biết đàn gọi là khá, nhưng mà đàn mò. Nhìn và đọc nốt nhạc đau đầu quá nên thôi… nghe băng nhạc đàn theo là OK. Được cái trí nhớ và đam mê cho tôi học lóm nhanh về khoản này. Rồi trong lớp học vài tên bạn đứa đàn, đứa trống, rủ tôi làm ban nhạc. Tiền đâu mà mua nhạc cụ? Đó là một khoản xa xỉ khó rờ đến được. Nhưng được có thằng bạn nhà nó khá, và là con trai một nên bố mẹ cưng chiều cho nó tiền mua một bộ trống.
Ngày bộ trống mới cáo cạnh mở ra và trịnh trọng đặt giữa nhà thằng P. là ngày tôi nhớ mãi cái cảm giác ngây ngất và la đà như uống rựơu đầu tiên, dù là bộ trống của nó mà tôi nhìn ké. Mẹ ôi! bộ trống mầu xanh đậm sang trọng quý phái không thể tả. Hai cái mâm vàng (Cymbal) to như hai cái mâm đựng cơm trong các bữa ăn long lanh dưới ánh đèn. Thằng P. suốt ngày cầm giẻ và chổi lông gà lau mãi bộ trống. Không ai được đụng đến ngoài nó. Thế là nó gõ tùng xèng cả ngày và tôi nghĩ chắc là cả xóm đau cái lỗ tai.
Đã thế còn thằng H. là con nhà giàu được bố mẹ cho mua cái guitar Amplifier mới hách. Trong “ban nhạc” mới tượng hình có hai thằng nghèo là tôi chỉ có cây guitar quèn và thằng T. thì có cây guitar Bass cũ mèm. Chúng tôi xáp lại và tập các bài hát của The Beatles như Don’t Let Me Down, Let It Be, rồi tập thêm nhạc của CCR các bài Who stop the rain? Have you ever seen the rain? Chưa dừng lại chúng tôi chơi luôn nhạc của Grand Funk Railroad là ban nhạc rock lừng danh hiện đại thập niên 60, 70.
Mỗi khi thấy bố thằng P. đi làm về là chúng tôi biết thân phận ôm đàn rút lui tháo chạy cửa sau cho yên thân…
Trời cho tôi có giọng nên trở thành “ca sĩ chính” của ban nhạc mang tên “Bốn sợi tóc” mới oai chứ. Nghệ danh của tôi lúc bấy giờ do bạn học đặt mang tên An Cà Rem (vì sau giờ học tôi phải mang thùng cà rem đi bán dạo quanh xóm). Nhưng khi giới thiệu tiếng hát của Ancarem nói liền nhau nghe cứ tưởng ca sĩ Tây nào mới ghê chứ. Và ban nhạc chơi trong Xóm trước, sau đó ngày mãn khoá học của Trường Trung Học chúng tôi được mời chơi nhạc trên sân khấu ngoài trời của nhà trường. Nhớ lại cảm giác “oai phong” ghê gớm khi vai mang đàn guitar đứng trên bục một mình một cõi ta bà… và nhìn khán giả hoan hô với bao cặp mắt ngưỡng mộ của mấy cô bạn học trong lớp. Ban nhạc muốn ngầu thì phải để tóc dài. Thời ấy phải có thẻ để tóc do chính quyền cấp mới được. Và tôi cùng mấy thằng bạn thuộc ban nhạc “làng” thì làm quái gì với tới cái thẻ để tóc đó? Hơn nữa tóc tôi vừa lú nhú ra thì ông bác nhắc “đi cắt tóc đi, tóc dài rồi”.
Đó là cả trời kỷ niệm thuở chập chững làm quen với cây đàn guitar và âm nhạc. Thế rồi mấy thằng bạn sau khi rớt tú tài 2 thì phải đi lính. Nhà bác tôi vì kế sinh nhai phải di dời từ Cam Ranh đi vào Phan Rang. Và ban nhạc rã đám chỉ còn tôi lúc ấy được miễn dịch ôm theo cây đàn đi theo chương trình “khẩn hoang lập Ấp” của chính quyền.
Làm ruộng làm rẫy ban ngày, và đêm đến là tôi ôm guitar hát nghêu ngao… Thế rồi khi Mỹ bỏ miền Nam năm 1975, tôi bị nhà cầm quyền mới bắt vào tù cải tạo. Đến năm 1978 được thả ra tù và trở về làng xưa. Trời nắng như thiêu đốt, cây cỏ trước sân nhà héo hắt. Hai bàn chân tôi phù thủng lết về trên con đường đất nhỏ trong làng. Cây đàn guitar cũ mèm vẫn nằm trong góc nhà. Đêm đến vắng lặng, tôi ôm đàn và rưng rung xúc động bật lên hát nho nhỏ:
Ta về trong hư hao
Thân phận ta lao đao
Bao cây vườn trước ngõ
Nghiêng ngả gửi lời chào
Mái nhà xưa mờ mờ
Ta thân xác bơ vơ
Chúa ở trong nhà thờ
Thương xót ta dại khờ
Từ đằng xa ngoài ngõ
Con thú sủa quen hơi
Bao nhiêu ngày xa vắng
Ôi làng ta tơi bời
Họ nhìn ta xa lạ
Như chưa thấy lần nào
Ta ôm lòng buốt giá
Như vừa rời tiếng ca
Em yêu ra đứng nhìn
Xa cách như chuyện tình
Thôi bây giờ một chỗ
Vì yêu em một mình
Lê đôi chân nạng gỗ
Nghe nước mắt lưa thưa
Một vài giọt rơi xuống
Như mồ hôi ban trưa
Ôi nỗi buồn chất chứa
Biết dấu đâu cho vừa
Vì ai vừa thở dài
Bầu trời chợt đổ mưa
Ta buồn nên bật khóc
Ướt hết cả một đời
Ta thương từng sợi tóc
Trong ngày nỗi chơi vơi
Ngày trở về hấp hối
Ta ngất ngưởng xa xa
Như chim về tổ ấm
Bao giờ hết bôn ba?
(CDA 1978)
Và tôi đặt bút xuống ghi thành ca khúc với tựa bài nhạc “Ta về trong hư hao”. Mà lúc này tôi đã biết ký âm nhạc. Trong thời gian khẩn hoang lập ấp. Tôi đã mua một vài bài nhạc trong hiệu sách của ông Phạm Duy và ông Trịnh Công Sơn, tôi xem cách viết nhạc của hai ông trong các bài nhạc in sẵn. Tìm hiểu tại sao nốt đen, nốt trắng, nốt có 1 móc, nốt có 2 móc, nốt có 3 móc, nốt có chấm là cái gì. Tôi xem mỗi đoạn gọi là Bar, đó là từng đoạn khung nhạc, rồi trước khung nhạc ghi 4/4 có khi 2/4 rồi lại có cái ¾… và thực ra cũng đau đầu lắm khi tự mình tìm hiểu mà…
Đó là nói chuyện tự học nhạc hay rõ hơn là nói việc tìm hiểu nhạc lý nó ra làm sao. Mà thiệt tình là tôi rất dốt toán. Khi học các lớp hoá học hay đại số với “sin, cô sin, tăng cô tăng” là tôi chết tiệt luôn. Bù lại lớp Việt văn thì học rất chiến, có lẽ anh nào chị nào có máu văn chương cũng né toán vì thẩm thấu không đến chốn chăng? Mà các nốt nhạc thì đen hay trắng, móc hay không móc… cũng là các phân số không hề thích hợp với tôi.
Nhưng sau khi đi tù về thì tôi học được cái tính là “kiên trì” vì ở đời không có cái gì dễ mà cũng không có cái gì khó. Chỉ có lòng ta khó hay dễ mà thôi. Nghĩ thế nên tôi quyết chí tự học cho ra trò trống. Ngày qua ngày, tháng qua tháng, thế rồi có lúc tôi bật cười khoái chí vì có một ít khám phá sự hiểu biết của mình được đền đáp.
Tôi lại mua thêm sách nhạc lý. Thiệt tình mà nói đọc sách có khi còn khó hiểu hơn là tự mò đấy. Phách, nhịp sen cốp và cách giải thích sao tôi thấy xa lạ và vượt tầm hiểu biết của mình. Tôi tìm kiếm phân số 4/4, 3/4/ 2/4 là cái quái gì? Rồi thỉnh thoảng thấy chữ C và hiểu là 2/2 có khi thấy 6/8 ngẩn ngơ con tò te. Ôi nhạc lý sao cao siêu quá với thằng dốt toán như tôi.
Chắc ai cầm đàn và học lấy thì hai cái “gam” dễ nhất là La thứ (Am) và Mi thứ (Em) là lúc nào cũng bấm đầu tiên. Thứ nhất là dễ bấm, thứ hai là nghe tình cảm. Hai âm này cho ta nguồn cảm hứng lạ lùng. Thời ấy tôi cứ Mi thứ và hát Giọt Mưa Thu của nhạc sĩ Đặng Thế Phong, và bài hát này nghe buồn ghê gớm nhưng tôi thích nhạc buồn. Hơn nữa đệm bài này theo cách rải guitar cũng dễ không cầu kỳ gì cả. Cho đến khi nhớ lại lúc tôi hát bài Sound of Silence của Simon và Garfunkel cũng gam Mi thứ nghe thật là tê tái và từ gam Mi thứ (Em) xuống La thứ (Am) xong đến Si thứ 7 Bm7) là xong bài hát…
Nói như thế để thấy con đường viết nhạc của tôi đi lúc đầu tiên với bước chân dẫm lên nhạc ngoại quốc trước với các ban nhạc và ca khúc của CCR, của The Beatles, của Simon & Garfunkel, sau này tôi lại mê thêm Janis Joplin, Carol King. Đó là những nét nhạc và hồn nhạc đã ảnh hưởng sáng tác của tôi sau này với cách chuyển hợp âm phong phú, đa dạng và sáng tạo. Bởi vì nhạc Mỹ hay Anh Quốc có hợp âm và luôn có Harmony (đa điệu), không đơn âm Monopoly như nhạc Việt Nam và nhạc Á Châu.
Mỗi khi nghe nhạc của Tây Phương là tôi để ý và nghe các hợp âm (gam hay là accord) của các nhạc sĩ Tây Phương họ đặt rất hay, phải nói là siêu nữa. Ví dụ ca khúc “Have you ever seen the rain?”. Đó là một ca khúc lừng lẫy với cách chuyển hợp âm nghe đến bây giờ vẫn không chán. Bởi vì sự giản dị và chân thành của nó. Chẳng hạn ca khúc Imagine của John Lennon trở thành ca khúc của mọi thời đại, cũng bởi vì tính giản dị chân thành. Tuy nhiên, chiều sâu của các hợp âm trong ca khúc mà tôi nêu đan cử ví dụ cho thấy đó là sự sáng tạo tinh vi đến từ thiên tài và nguồn cảm hứng có thật của họ. Do đó, tôi nghĩ mình cần lưu ý điểm này và cố gắng học cái này cho cách viết nhạc của mình. Nhớ lại tôi áp dụng cách này trong bài thơ của Thầy dạy lớp Viêt văn mà tôi theo học lúc còn lớp đệ Tam.
Thầy Thanh của tôi khoái cô học trò tên là Lệ Thu. Khoảng cách Thầy trò nam nữ thời bấy giờ khó lắm, lạng quạng ló mòi thầy “dzê” trò là mất việc và nhục như chơi. Nhưng Lệ Thu đẹp quá. Trong lớp bọn con trai nào cũng nhìn lén, ngắm liếc cô nàng, và trong số đó có tôi chứ. Nào phải thánh đâu mà né được. Tôi khá văn chương được thầy chọn làm trưởng ban bích báo là báo viết trong tấm Poster rồi dán vào vách tường nhà trường ấy mà, gọi là bích báo. Dù là trang của học sinh trong lớp, nhưng thầy có quyền đóng góp bài vở. Thầy Thanh đưa tôi bài thơ thầy viết và bảo tôi “lay out” sắp đặt sao cho đàng hoàng nhé.
Tôi liếc qua thấy bài thơ tựa Lệ Thu, và tựa Lệ Thu này thật là bay bướm với nét chữ của thầy. Đã thế, thầy còn dặn tôi phải kiếm đâu đó lá mùa thu vàng ép vào trên bài thơ cho nó đã! Hiểu không? Thầy dặn tới dặn lui và tôi chỉ dạ dạ… Bài thơ được tôi cho vào trên trang cao nhất của bích báo là báo tường với viền khung bay bướm của tôi, lại kèm theo một xương lá vàng thật lãng mạn.
Xuân đã qua rồi nghe Lệ Thu
Tròn đêm ta khóc với sương mù
Ta ôm nỗi nhớ trong hồn nhỏ
Để gặp em về lúc mộng du
Gót ngọc nở hoa thắm vệ đường
Em đi cây cỏ cũng đều thương
Âm thầm ta đếm em từng bước
Ai biết lòng ta đã vấn vương
Ta lạc vào trong tà áo em
Mùi da thịt đó đắm hương chìm
Ta say quên cả vòng tay khép
Mà lạy thời gian mãi bóng đêm
Rực rỡ môi run mắt ảo huyền
Nụ cười rạng rỡ ẩn tình duyên
Tuyết trinh vẫn giữ lòng trung ái
Ta nắm tay em thật diệu hiền
Phải công nhận bài thơ Lệ Thu tán gái học trò của Thầy Thanh hay thật. Em Lệ Thu chắc sướng mê tơi khi đọc bài này. Mà nghĩ thầy mê quá hoá dại nên công khai cho bài thơ này lên bích báo. Nhưng tôi nghĩ tình yêu thì ai mà cấm cản được, do vậy đã có câu chuyện bên Anh không thèm làm Vua kế vị mà theo tình yêu bị Hoàng gia cấm cản. Nhưng câu chuyện thơ Lệ Thu không dừng ở đấy. Tôi lại ngứa “nghề” va chạm vào với thầy Thanh. Đó là ai cho phép em phổ nhạc? Hả? Ai cho phép? Mẹ ơi! Thi sĩ khi được nhạc sĩ phổ nhạc là vui mừng chứ, vì bài thơ sẽ bay xa bay rộng và vào tình sử âm nhạc như Em hiền như Ma sơ của Nguyễn Tất Nhiên được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc trở thành bất tử. Hay Cuối cùng cho một tình yêu của ông Trịnh Cung được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phổ thành ca khúc trở thành giai thoại một câu chuyện tình sướt mướt đến bây giờ.
Vậy mà tôi bị thầy Thanh “đì” chết bỏ khi dám phổ nhạc bài Lệ Thu. Bài thơ này tôi ngứa tay bấm gam Mi thứ (Em) và soạn thành ca khúc. Thầy đếch thèm nghe tôi trình bày và kể từ đó, điểm Việt văn của tôi bị đánh xuống thấp kém quá trời cũng vì dám chạm đến Lệ Thu của thầy. Mà thật vậy, em Lệ Thu không hiểu sao khi nghe tôi soạn nhạc bài thơ này, lại nũng nịu xin tôi đến nhà nàng chơi và hát cho em nghe. Em hẹn mùa xoài chín, đó là có cây xoài trước ngõ nhà nàng vàng trái và em muốn tôi đến ăn xoài để hát ca khúc Lệ Thu cho em nghe. Cái vụ này hơi kẹt đó à nhe, vì Thầy biết thì chắc tôi bị đuổi ra khỏi lớp luôn. Tôi bảo em đừng nói với ai nghen, chỉ mình anh với em biết thôi. Cha mẹ ơi! Làm như là bí mật quốc phòng cấm tiết lộ. Em Lệ Thu vì muốn nghe tôi hát nên đồng ý sẽ không bao giờ nói cho ai biết, và hai đứa làm buổi thề bằng cách ngoéo tay. Ôi bây giờ tôi còn nhớ ngón tay út của Lệ Thu thon dài mềm mại thật là rung động.
Việc phải đến là tới nhà nàng bằng chiếc xe gắn máy hiệu Gobel. Đó là xe của Đức đã cũ mà bác tôi hay dùng di chuyển. Mỗi lần máy nổ là xịt cái rầm một tiếng nổ nhỏ với khói đen bay tua tủa hôi rình mùi xăng dầu. Tôi lái xe đến nhà nàng. Chắc là biết tôi đến khi nghe tiếng máy xe nên Lệ Thu đã đứng trước ngõ nhà. Tôi dựng xe trước sân gạch nhà nàng, và cảm thấy hãnh diện trên vai mình chiếc guitar mang theo. Chứ sao, dù gì đi nữa cũng vì chiếc guitar cũ mèm và ngón đàn với giọng hát mà thằng tôi được cả trường chú ý. Nhất là bọn con gái, đến nỗi trong sân trường có căng tin là nơi bán bánh mì thịt và nước mía mà mỗi khi ra lớp đến xếp hàng mua ăn, tôi hay gặp em Đức (em này cũng xinh lắm) luôn tặng cho tôi ly nước mía khi tôi mua ổ bánh mì thịt, nàng không tính tiền ly nước mía, và tôi thấy ánh mắt hơi bực bội của mẹ nàng khi nàng cứ cho tôi mãi ly nước mía mỗi lần mua.
Trở lại em Lệ Thu, thiệt là dễ thương, em nhẹ nhàng cười một cái và nói trỏng “tưởng hổng tới chứ?” Nói xong em đưa tôi cây sào cao và bảo hái xoài trước khi vào nhà. Tôi hái vài quả xoài chín trên cây xong là ngồi xuống sân nhà nàng. Trước khoảng sân nhiều bóng mát vì có đủ loại cây trồng. Nàng mang cho tôi ly nước lọc xong thì mắt cứ liếc cây guitar. Tôi hiểu ý nàng có lẽ đang chờ thằng tôi hát bài Lệ Thu nghe làm sao. Cẩn thận tôi còn mang bài nhạc chép tay cho Lệ Thu và ký tặng nàng.
Tôi viết “với tất cả tâm tình, xin trao về Lệ Thu”, chép xong tôi ký tên và thấy nàng cảm động. Thiệt là cải lương và tuồng tích khi tôi viết thế. Mà tôi nghĩ bài thơ là sáng tác của Thầy Thanh chứ nào phải của tôi đâu nhỉ?. Vừa xong ngụm nước thì nàng bảo “hát đi anh”. Thế là tôi bắt đầu gẫy đàn. Mới dạo gam Mi thứ xong qua La thứ thì có chuyện thiệt cà chớn. Một con gà trống sau khi gáy nó nhào lên lưng con gà mái và nó đạp mái trước mặt nàng và tôi. Gà ơi! Sao nỡ thế hả khi mà ca khúc chuẩn bi bắt đầu hát. Đã thế chị gà mái sau đó chạy cuống cuồng và kêu toang toác.
Mẹ kiếp! Âm nhạc chưa bắt đầu mà bị phá đám hả?
Châu Đình An
Nguồn: Trang FB của Châu Đình An