Tuấn Khanh
20/4/2021
Ngày 14/4/2021 vừa rồi, là kỷ niệm 5 năm ngày mất của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, một trong những tác giả lừng danh của âm nhạc Việt Nam, nằm trong danh sách số ít những nhạc sĩ miền Nam Việt Nam ở lại sau 1975, vẫn tỏa sáng với tài năng của mình.
Các sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tuy không rầm rộ về số lượng nhưng rất biểu trưng cho phong cách sáng tác của ông, không thể lẫn với ai.
Vài năm trước khi mất, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tạo nên một làn sóng dư luận, khi lên tiếng thẳng thắn nhận xét về việc khác biệt âm nhạc cũng như cách trình bày của hai miền nam-bắc, dù được gọi là một quốc gia thống nhất.
Ý kiến của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 lúc đó mở ra một cánh cửa mà lâu nay nhiều người nghĩ đến, nhưng không ai dám nói: Văn hóa âm nhạc miền Nam qua thời kỳ 2 nền Cộng hòa, đòi hỏi sự thể hiện bằng thấu cảm và tâm hồn-rất khác, chứ không phải bằng kỹ thuật và bắt chước lại, và đó là thứ khó đạt được nhất. Từ đó, ông gọi thẳng tên nhiều ca sĩ đương thời gọi là thành danh sau năm 1975, thời đại Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vẫn không có khả năng trình diễn thuyết phục. Thậm chí gọi là ca sĩ hạng B, so với thời trước của ông.
Có thể quan điểm này của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tạo nên sự khó chịu không ít với thị trường âm nhạc giai đoạn mới, nhưng ông cũng nhận được vô số những lời tán thưởng và xác nhận đồng điệu với suy nghĩ trực diện này.
Sau năm 1975, rất nhiều bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 được giới thiệu trên sân khấu, báo chí và truyền hình. Nhưng cũng có bài hát không bao giờ được nhắc đến, xem như là một điều tối kỵ. Đó là bài hát “Mẹ Việt nam ơi, chúng con vẫn còn đây”, phổ thơ của Hoàng Phong Linh. Đây là một trong những bài hát thường được sử dụng cho thể loại hợp ca, các phong trào sinh hoạt… cũng như được các ca sĩ lừng danh như Thái Thanh, Khánh Ly trình bày với giá trị biểu đạt như một dạng tâm ca.
Bài hát được nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cho ra mắt công chúng vào 20 tháng 1 năm 1975, trong bối cảnh lúc đó người dân miền Nam đang loay hoay với tình hình cuộc chiến đang có những chiều hướng xấu đi cho chính quyền miền Nam. Vào thời điểm đó hầu như các hoạt động âm nhạc đều đình trệ, nhưng nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 vẫn chọn cách tự mình in và phát hành bài nhạc này đến với công chúng.
Bài “Mẹ Việt nam ơi, chúng con vẫn còn đây” được phổ từ thơ của Hoàng Phong Linh. Tác giả này là ai?
Tên thật của nhà thơ Hoàng Phong Linh là Võ Đại Tôn, vốn là sĩ quan cấp tá trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đã từng được biệt phái ngoại ngạch sang nhiều công vụ dân chính tại miền Nam trước 1975 (Phụ Tá Tổng Trưởng Bộ Thông Tin, – Giám Đốc Công Tác Bộ Chiêu Hồi).
Sau năm 1975, ông vượt biển đến định cư tại Úc Châu. Năm 1981, ông bí mật trở lại Việt Nam để tham gia Kháng Chiến Phục Quốc (qua đường rừng Thái-Lào) nhưng rồi bị nhà cầm quyền mới bắt giữ vào tháng 10, 1981, tại biên giới Lào-Việt.
Trong cuộc họp báo với giới phóng viên quốc tế về trường hợp của mình, do Hà Nội tổ chức, mà trước đó tưởng chừng như đã thuyết phục được ông công khai nhận tội và xin khoan hồng, nhưng Võ Đại Tôn đã bất ngờ cầm micro tuyên bố giữ vững lập trường “không đầu hàng Cộng Sản” trong cuộc họp báo quốc tế ngày 13.7.1982 tại Hà Nội. Cuộc họp báo bị hủy bỏ ngay lập tức và sau đó, ông Võ Đại Tôn đã bị nhà cầm quyền mới biệt giam hơn 10 năm tại trại tù Thanh Liệt (B-14), ngoại thành Hà Nội.
Nhờ sự vận động của Quốc Tế, ông được trả tự do trở lại Úc Châu ngày 11.12.1991.
Câu chuyện nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và bài hát này, là một món nợ rất lâu rồi, chưa có dịp trả được. Bởi đã có một số bạn yêu âm nhạc nhắn tin và thắc mắc về những chi tiết này. Hy vọng những thông tin không có gì mới này, sẽ giúp làm đầy thêm về cuộc đời, sự nghiệp và con người nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9.
Nhân tiện, cũng xin nói thêm là nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, có họ hàng với nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm, tác giả lừng danh với những ca khúc Tháng sáu trời mưa, Lời Tình Buồn… hiện đang sinh sống tại Úc Đại Lợi. Nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm gọi nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, là cậu.
Tuấn Khanh
Nguồn: https://www.rfavietnam.com/node/6768