Làn sóng ồ ạt bán Catalogue Âm nhạc: Nhân tố nào quyết định?

Gia Trình
13/3/2021

Làn sóng ồ ạt bán Catalogue Âm nhạc: Nhân tố nào quyết định?
Ca sĩ người Mỹ Bob Dylan đã bán lại toàn bộ catalogue âm nhạc cho hãng Universal Musics với khoản tiền 300 triệu đô la Mỹ vào tháng 12/2020. Ảnh minh họa chụp tại Los Angeles, ngày 15/02/1974. AP – Jeff Robbins

Giá trị thương mại của catalogue âm nhạc, cơ cấu doanh thu, giá trị theo thời gian đã được đề cập trong tạp chí Âm nhạc của RFI kỳ trước. Xu hướng streaming music đã đem đến sức hấp dẫn kỳ lạ cho catalogue âm nhạc trong mắt nhà đầu tư tài chính. Phải chăng vì thế các nghệ sỹ lớn ồ ạt chuyển nhượng catalogue âm nhạc từ đầu năm 2020 đến nay? Đâu là những yếu tố quan trọng phía sau các thương vụ âm nhạc này?


Sôi động thị trường chuyển nhượng catalogue âm nhạc

Nhạc sỹ folk-rock kỳ cựu người Mỹ Bob Dylan quyết định bán lại toàn bộ catalogue âm nhạc cho hãng Universal Musics với khoản tiền kếch xù 300 triệu đô la Mỹ trong tháng 12 năm 2020. Gia tài âm nhạc trải dài hơn 60 năm của Bob Dylan khiến cho các nghệ sỹ lớn phải ghen tỵ lẫn ngưỡng mộ. Họa chăng chỉ có nhóm The Beatles mới xứng đáng là đối thủ của Bob Dylan về tầm ảnh hưởng, giá trị thương mại âm nhạc? Giờ đây, Universal music sở hữu toàn bộ catalogue gồm hơn 600 ca khúc của Bob Dylan gồm các bản hit để đời như Blowing in the wind (Trôi dạt trong gió) hay Knocking on Heaven’s Door (Gõ cửa thiên đàng).

Tương tự, rocker Neil Young cũng bán đi một nửa catalogue âm nhạc, thu về hơn 100 triệu đô la Mỹ cho 1.180 ca khúc do ông sáng tác. Ngôi sao giọng khàn được yêu thích của nhóm Fleetwood Mac, Stevie Nicks quyết định bán 80% danh mục ca khúc của bà để hưởng món tiền không nhỏ, 100 triệu đô la Mỹ.

Nếu nói rằng catalogue như cuốn sổ tiết kiệm để dưỡng già, các ngôi sao U70-80 này bán đi để “về hưu” non thì không có gì sai. Tuy nhiên, các ngôi sao trẻ cũng nhập cuộc vào làn sóng bán catalogue như Shakira, Imagine Dragon. Yếu tố nào khiến cho các nghệ sỹ chuyển nhượng catalogue âm nhạc khi họ vẫn sung sức?

Về phía người mua, quỹ Hipgnosis Songs Fund đã tiêu tốn khoảng 670 triệu đô từ tháng 3 đến tháng 9 năm 2020 để mua lại catalogue của hơn 44.000 ca khúc. Hầu hết các tác giả ca khúc đều là những tên tuổi sáng giá thập niên 1970, 80 như Blondie, Barry Manilow, Chrissie Hynde của nhóm The Pretenders.

Quỹ Hipgnosis được thành lập bởi nhà sản xuất âm nhạc huyền thoại Nile Rodgers vào năm 2018. Ông Rodgers đã huy động hơn 1,2 tỷ đô la từ các nhà đầu tư để sở hữu hơn 120 catalogue âm nhạc.

Tại sao cả người mua và người bán catalogue âm nhạc lại tỏ ra nhiệt huyết đến vậy? Hãy cùng tìm hiểu một số yếu tố quan trọng.

Yếu tố 1: Kỷ nguyên của streaming music

Quả thực catalogue là tài sản tạo ra thu nhập đều đặn hàng năm cho nghệ sỹ. Nó được coi như một trái phiếu sinh lãi đều đặn mà nghệ sỹ không phải trả tiền để mua, vì họ sáng tạo nên nó. Kênh phát Streaming là nhân tố tạo nên sự hấp dẫn nguồn thu nhập đều đặn này. Thu nhập từ xuất bản (publishing) được tạo ra 24/7, không ngưng nghỉ trên các múi giờ khác nhau ở phạm vi toàn cầu. Chúng ta chỉ cần điện thoại thông minh kết nối Internet là có thể nghe nhạc thoải mái trên Apple Music hay Spotify. Rào càn kết nối với hệ thống streaming gần như không tồn tại trong thế giới phẳng.

Thống kê Spotify cho thấy thời gian nghe nhạc bình quân trong 1 tháng của người nghe là khoảng 25 giờ, tức là xấp xỉ 50 phút/ngày. Thêm vào đó, các danh sách phát nhạc (playlist) đa dạng khiến cho 1 bản hit có thể được nghe đi, nghe lại thường xuyên. Mức độ đa dạng này giúp cho một bài hát ít bị bão hòa hơn trên kênh streaming, so với tải nhạc. Các yếu tố đó sẽ tạo ra cơ sở vững chắc cho nguồn thu từ streaming của catalogue.

Yếu tố 2: Lãi suất và giá trị theo thời gian của catalogue âm nhạc

Thu nhập đo, đếm được từ streaming music là điều kiện cần nhưng chưa phải là điều kiện đủ để nhà đầu tư hay nghệ sỹ đưa ra quyết định mua bán. Chúng ta phải cân nhắc cả yếu tố lãi suất vì catalogue âm nhạc được xem như một trái phiếu. Một đô la nhận được ở hiện tại luôn thấp hơn một đô la nhận được tương lai vì chúng ta được hưởng lãi suất (theo lý thuyết giá trị thời gian của đồng tiền). Nếu lãi suất càng cao thì giá trị hiện tại sẽ thấp hơn nhiều so với giá trị tương lai và ngược lại.

Ở thời điểm hiện tại, lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ rất thấp, nên một đô la hiện tại xấp xỉ bằng một đô la ở tương lai. Do đó, việc chuyển nhượng catalogue tỏ ra hấp dẫn. Trước đây, giá bán catalogue nhạc thường được trả gấp 8 đến 13 lần so với thu nhập hàng năm. Giờ đây, mức định giá vọt lên gấp 18 lần so với thu nhập hàng năm do lãi suất giảm. Đây quả là mức giá hời cho người bán, khiến cho nghệ sỹ thấy hấp dẫn.

Về phía người mua, họ đánh giá cả thu nhập hàng năm lẫn giá giá trị catalogue thời gian. Ví dụ như một catalogue tạo ra thu nhập đều đặn 500.000 đôla/năm. Nếu nhà đầu tư trả giá 10 triệu đô la, tương đương mua 1 trái phiếu có lãi suất 5%/năm(500k/10 triệu), trong vòng 20 năm. Nếu nhà đầu tư nắm giữ catalogue đấy trong vòng 20 năm, mỗi năm có thu nhập 500.000/năm, sau 20 năm họ sẽ thu hồi vốn đầu tư ban đầu.

Tuy nhiên, điểm khác biệt catalogue so với trái phiếu là họ có thể bán lại cao hơn nhiều so với số tiền đầu tư 10 triệu đô la đó. Hai tình huống có thể xảy ra là lãi suất tiếp tục giảm và bài hát được nghe nhiều hơn trước. Tình huống đó sẽ khiến cho giá trị catalogue vẫn tăng lên nhờ yếu tố nội tại (nghe nhiều hơn) và khách quan (lãi suất giảm).

Yếu tố 3: Tên tuổi các nghệ sỹ “gừng già càng cay”

Hầu hết các thương vụ chuyển nhượng catalogue đều gắn với các nghệ sỹ có tên tuổi với kho bài hát đồ sộ được ưa chuộng. Khá dễ hiểu, nhà đầu tư có thể đánh giá được dữ liệu quá khứ về số lượt nghe, mức tiêu thụ album để đưa ra quyết định. Đồng thời, các nghệ sỹ tên tuổi có nhiều lý do để bán nếu họ cần khoản tiền lớn để đầu tư (bất động sản hay kinh doanh đa ngành nghề). Ví dụ như rapper Jay Z và Dr.Dre, Rihanna là các ngôi sao năng nổ trong việc kinh doanh âm nhạc, đầu tư nhiều ngành nghề.

Thật sai lầm khi cho rằng catalogue các nghệ sỹ già nua sẽ kém hiệu quả hơn catalogue các nghệ sỹ trẻ. Thực tế chỉ ra rằng các bản hit cũ, trường tồn với thời gian lại an toàn hơn so với các ca khúc mới. Đơn cử như bản hit Dreams (Giấc mơ) của nhóm Fleetwood Mac sáng tác từ năm 1977 được thịnh hành trở lại. Sau một video trên TikTok về một người đàn ông trượt ván trên nền nhạc Dreams, ngay lập tức bài hát nhảy lên hạng 21 trong Bảng xếp hạng Billboard top 100 vào tháng 10 năm 2020. Ca khúc có tuổi đời hơn 40 năm, Dreams vẫn được nghe đi nghe lại với tần suất đáng kinh ngạc trên kênh streaming. Như vậy, “gừng càng già càng cay” là yếu tố quan trọng để đưa ra quyết định mua/bán các catalogue âm nhạc.

Yếu tố 4: Đại dịch và thuế

Đại dịch Covid-19 khiến cho nền công nghiệp biểu diễn ngấm đòn nặng nề. Vì thế, các nghệ sỹ mất đi nguồn thu nhập đáng kể từ các chuyến lưu diễn. Ví dụ nhóm rock kỳ cựu U2 của Ailen có 95% thu nhập từ các tour lưu diễn, trong khi chỉ có 4% từ streaming và bán album. Biểu diễn tại nhà hay trên các kênh Youtube không giúp họ có nguồn tài chính dư dả như đi lưu diễn. Do đó, bán catalogue trở thành giải pháp hiệu quả giúp họ giảm nhẹ áp lực tài chính trong đại dịch.

Hơn thế, các nghệ sỹ như David Crosby hay The Byrds “kết tội” công nghiệp streaming đã cướp đi thu nhập của họ, khiến họ không thể lao động như trước. Họ buộc phải bán catalogue để trang trải tiền nợ mua nhà cũng như nuôi sống gia đình.

Bên cạnh việc mất đi nguồn thu nhập, các nghệ sỹ còn phải lưu tâm tới việc tăng thuế của chính quyền tổng thống Biden. Lãi từ thu nhập chuyển nhượng tài sản dự kiến tăng từ 20% lên mức 39,6% đối với người có thu nhập trên 1 triệu đô la. Trong đó, bang California, nơi tập trung đông nhất các nghệ sỹ là nơi đánh thuế cao nhất nước Mỹ, so với New York (8,8%) hay Florida (0%). Tất nhiên, vấn đề thuế khá phức tạp, thay đổi tùy từng tình huống khác nhau, nhưng vô hình chung sẽ tác động đến quyết định bán tài sản giá trị như catalogue âm nhạc.

Yếu tố 5: Tranh chấp pháp lý

Các ngôi sao tên tuổi như Prince hay Aretha Franklin đều qua đời mà không để lại di chúc quản lý tài sản vô hình của họ ra sao. Do vậy, việc tranh chấp quyền xuất bản các ca khúc đều phải dàn xếp tại các tòa án.

Ngoài ra, đời sống các nghệ sỹ rất phức tạp, đan xen cả chuyện tình cảm hay trong sự nghiệp. Hơn thế, nước Mỹ là thiên đường cho các vụ kiện tụng liên quan tới tranh chấp quyền tác giả, đạo nhạc. Việc bán catalogue âm nhạc là một giải pháp hữu hiệu để bảo vệ quyền tác giả. Có lẽ vì thế ngôi sao country, Dolly Parton, chủ nhân bản hit lừng lẫy I will always love you cũng tính đến bán catalogue âm nhạc để tránh xảy ra kiện tụng về quyền tác giả.

Xét cho cùng, chuyển nhượng catalogue có vẻ là giải pháp cuối cùng khi nghệ sỹ cân nhắc vấn đề tài chính. Bên cạnh yếu tố khách quan như công nghệ hay lãi suất, giá trị tác phẩm hay thương hiệu nghệ sỹ vẫn là yếu tố cốt lõi tạo nên thành công cho thương vụ chuyển nhượng. Công nghệ hiện đại như streaming music không giết chết được âm nhạc đích thực mà nó tạo ra cơ hội để họ sinh tồn và tỏa sáng kể cả khi lỗi thời.

Gia Trình

(Theo Billboard, Forbes, The Guardian, MarketWatch, Variety)

Nguồn: https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-%C3%A2m-nh%E1%BA%A1c/20210313-lan-song-o-at-ban-catalogue-am-nhac-nhan-to-nao-quyet-dinh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây