Hương vị ngày Tết xưa và nay trong âm nhạc

Gia Trình
13/2/2021

Hương vị ngày Tết xưa và nay trong âm nhạc
Chợ hoa đào ngày Tết, Hà Nội, Việt Nam, ngày 04/02/2021. REUTERS – KHAM

Ngày Tết nghe nhạc gì? Một câu hỏi vừa khó, vừa dễ trả lời. Đã qua cái thời, chúng ta chỉ biết đến một ca khúc muôn thuở do ABBA trình bày “Happy New year” để chào đón không khí Tết rộn ràng. Giờ đây nhạc Việt có nhiều điểm sáng tự hào hơn để đón cái Tết ấm cúng và sum họp.


Hương vị Tết xưa : Ký ức đẹp và lời ca hoa mỹ

Hương vị của ngày Tết, ngày xuân luôn thổn thức, dịu dàng như trong câu hát của nhạc sỹ Đoàn Chuẩn – Từ Linh trong bài ca đi cùng năm tháng Gửi người em gái. Đó là một ca khúc đượm buồn vì mối tình rơi vào vô vọng giữa nhạc sỹ tài hoa và ca sỹ xinh đẹp tên Mộc Lan.

Bài hát ra đời từ năm 1956, mở ra một không gian mang đậm chất Hà Nội,  phản chiếu một không khí Tết truyền thống : “Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng. Đượm đà phong kín cánh mong manh tấm hoa lòng. Hà Nội chờ đón Tết vắng bóng người đi liễu rũ mà chi. Đêm tân xuân Hồ Gươm sao long lanh”.


Không ai phủ nhận được màu sắc, hương vị Tết Hà thành quyện trong từng lời ca, giai điệu. Âm nhạc Đoàn Chuẩn – Từ Linh luôn sang trọng và lịch lãm. Nhưng khó ai cho rằng đây là một ca khúc đón Tết vì lời ca gắn với chuyện tình buồn đơn phương.

Gần nửa thế kỷ sau, thập niên 1990-2000 chứng kiến sự hồi sinh ngoạn mục của nhạc pop Việt trước làn sóng áp đảo của nhạc nước ngoài. Không khí xuân về và hương vị Tết không thể bỏ qua của các sáng tác của nhạc sỹ Dương Thụ.

Trong đó, ca khúc Lắng Nghe Mùa Xuân Về do nhạc sỹ Dương Thụ sáng tác vẫn là một tác phẩm tiêu biểu, được thể hiện nhiều nhất vào thời khắc chuyển giao năm mới. Sở hữu giai điệu mạnh mẽ, bài hát từng được thể hiện bởi nhiều giọng ca tên tuổi như Hồng Nhung, Bằng Kiều, Mỹ Linh : “Và chúng ta lại đón giao thừa. Phút giây lặng lẽ mong chờ. Lắng nghe mùa xuân về”.


Hai nhạc sỹ ban nhạc Anh & Em, Anh Quân và Huy Tuấn cũng thổi cảm hứng bất tận của âm hưởng Tết bằng bằng ca khúc Phút Giao Thừa Lặng Lẽ do ca sỹ Mỹ Linh thể hiện : “Mùa xuân để ta hái đem trao tặng nhau. Lòng tin yêu mãi xanh rờn sống trong ta mãi muôn đời. Kìa mùa xuân về giao thừa đã qua”.

Hương vị Tết ngày nay : Nhịp sống hiện đại

Sau gần 20 năm, nhạc trẻ Việt chứng kiến sự đổi mới không ngừng như tốc độ thay da đổi thịt của đô thị và cuộc sống vật chất. Hương vị Tết trong âm nhạc giờ đã phản ánh cuộc sống hối hả, năng động, đôi khi còn khắc nghiệt hơn so với Tết xưa.

Khác với ca khúc xuân của thế kỷ trước, những ca khúc đón Tết không quá coi trọng ca từ hoa mỹ, mà tìm kiếm cảm xúc chân thực, gần gũi hơn. Sự đơn giản của Tết chính là được về nhà, sum họp, tìm lại cảm giác thân quen mà Justa Tee và Đen Vâu truyền tải qua bản hit Đi về nhà.

Trước đó, ca sỹ Ái Phương và SooBin Hoàng Sơn cùng tung ra các bản hit dịp Tết có nội dung tương tự. Họ đều tìm kiếm một mẫu số chung : đoàn tụ, sum họp dịp Tết của những người con lăn lộn kiếm sống, hay xa nhà lâu ngày.

Về ăn cơm mẹ nấu, về mặc áo mẹ may. Về đưa ba ra chợ, mua cây đào cây mai về bày. Cả năm trời làm việc, nhiều khi rã rời như cái máy. Về nhà thấy áp lực nhẹ như bấc thổi cái là bay. Ấm êm hơn bếp lửa, ngọt bùi hơn lúa non” (Đen Vâu, JustaTee – Đi về nhà).


Ở góc nhìn trực diện hơn, một số ca khúc phản ánh được mặt trái của cái Tết hiện đại. Cuộc sống vật chất tạo ra áp lực tinh thần, đồng thời, khiến con người mất đi cảm nhận vẻ đẹp của Tết hay cảm hứng sắm sửa đón Năm mới.

Nhạc Việt có sự tiến bộ đáng kể nhờ việc phổ cập, kết hợp nhiều thể loại rap, pop, funk tạo nên bản hit dễ nghe, video clip vui nhộn. Có lẽ đây là điểm mạnh của thế hệ X trong thời đại phát triển vũ bão của công nghệ thông tin và âm nhạc số.

Lương thì chưa kịp tăng. Xe thì hết cả xăng. Mong chờ bao mùa trăng, trăng mà mút mùa “cò không tiến” (Tiền không có). Ăn còn không đủ no. Trăm ngàn thứ phải lo. Đang bình yên tự do mà chưa về mo đã lo sốt vó.

…Mong chị kế toán ở bên đó, luôn mạnh khoẻ và luôn vui. Chuyển tiền em sớm cho em còn tính, plan em đã lên xong xuôi.

…Làm gì phải hốt? Làm, làm gì mà phải hốt? Việc của mình là đón Tết đến không lo toan” (JustaTee, Hoàng Thùy Linh, Đen Vâu – Làm gì mà phải Hốt).


Mặt trái của Tết hiện đại không chỉ là sức ép vật chất, mà còn là nỗi sợ trước việc soi mói đời sống cá nhân bằng những câu hỏi xã giao. Ca sỹ Bích Phương là một trong số ca sỹ trẻ thổi được mối quan tâm này vào ca khúc Tết. Ngay lập tức, ca khúc được giới trẻ đón nhận tích cực vì luồng tư tưởng thực tế này.

“Em chào Tết. Tết ơi có biết không là Em mệt lắm. Mỗi khi Tết đến ghé thăm, Trăm việc khó, Chỉ một tay em phải lo. Nhưng dẫu thế Em vẫn yêu Tết, thích mê…

Là con gái thời 4.0, em sợ Tết như sợ mẹ chồng; Phải gói quà biếu ra sao, và mâm cỗ thì phải thế nào” (Bích Phương, Em chào Tết).


Quả thực Tết bây giờ khác xưa rất nhiều, khi giới trẻ đối mặt với nhiều thách thức của cuộc sống hiện đại. Ví dụ như sống độc lập với cha mẹ, làm cha/mẹ đơn thân, sống thử trước hôn nhân.

Đầu năm cùng cha mẹ đi mừng Tết ông bà. Cô chú ai nấy đều hỏi con ế rồi à. Bạn trai đã có chưa sao chẳng dắt về nhà. Trời ơi một câu mà ai cũng hỏi vậy ta !” (Bích Phương, Bao giờ lấy chồng). 

Bóng dáng nhà tài trợ và xu hướng liên kết

Khác với các ca khúc Tết xưa, các bài hát mang âm hưởng Tết ngày này đều cần truyền tải qua video clip phát trên mạng xã hội hoặc Youtube. Không khó nhận ra các đơn vị tài trợ “cài cắm” logo thương hiệu của mình trong video clip ca nhạc. Ví dụ, Đi về nhà thấp thoáng bóng dáng xe máy Honda, Đi đi để trở về được coi là ẩn dụ cho hãng giày dép Bitis, Làm gì mà phải hốt như thông điệp cho tiện ích Viettel Pay. Hơn 20 năm trước, nhóm nhạc Spice Girl, Anh quốc, từng bị chỉ trích vì đưa ca khúc quảng cáo Pepsi vào album Spice World của họ.

Cũng dễ hiểu, nếu không có tài trợ thì các nghệ sỹ phải dốc hầu bao ra để sản xuất video clip ngốn tiền. Cho dù kiếm được tiền nhờ số lượng người xem trên Youtube thì họ vẫn chịu rủi ro. Nhờ có tài trợ, chất lượng video ca nhạc khá chỉn chu, tạo được hiệu ứng mạnh về thị giác nhất là cảnh đẹp thiên nhiên Việt Nam.

Một điểm thú vị khác là thời điểm phát hành video hầu hết rơi vào tháng 1 sát Tết. Nhà tài trợ cũng tính toán đây là đòn bẩy để kích thích doanh số cho sản phẩm của họ. Vậy là lợi ích chia đều cho cả các bên, nghệ sỹ, nhà tài trợ, khán giả.

Ở một góc nhìn khác, xu hướng “ba cây chụm lại nên hòn núi cao” đang chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ. Sự kết hợp nhiều ngôi sao trong một ca khúc chắc chắn sẽ thu hút khán giả hơn một ngôi sao đơn lẻ. Xu hướng này ngày càng nở rộ trong những năm qua. Đây cũng có thể là chiêu trò và quyền lực của nhà tài trợ thương mại cho từng ca khúc. Nhưng cũng không phủ nhận được sự dí dỏm, hài hước mà các ngôi sao tập hợp lại được.

Xuân về con cũng về do ba ngôi sao Phạm Quỳnh Anh, Lam Trường và Ưng Hoàng Phúc thể hiện, đều thấp thoáng bóng hình của trang web thương mại điện tử Tiki. Hay như bộ ba, Hòa Minzy, Lăng LD, Huỳnh Hiền Năng cùng kết hợp trong ca khúc Tết Nhà Mình.


Cho dù Tết hiện đại hay Tết ngày xưa, khán giả vẫn chờ đợi món ăn tinh thần đặc sắc nhất trong năm. Chúng ta tự hào rằng người Việt giờ có thể đón Tết không cần nghe ca khúc Happy New year của ABBA vì kho nhạc Tết Việt giờ đã đa dạng, phong phú.

Gia Trình

Nguồn: https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-%C3%A2m-nh%E1%BA%A1c/20210213-tet-trong-nhac-viet

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây