Ca sỹ Lệ Thu, một trong những danh ca hàng đầu của miền Nam Việt Nam trước 1975, vừa qua đời ở miền Nam California sau gần hai tháng chống chọi với Covid-19 ở tuổi 78, VOA vừa được xác nhận.
Anh Jimmy Nhựt Hà, người dẫn chương trình truyền hình đồng thời là người gần gũi với gia đình Lệ Thu, cho VOA biết anh được con gái ca sỹ Lệ Thu thông báo mẹ cô qua đời vào lúc 7h tối ngày 15/1 tại bệnh viện Orange Coast Memorial, Quận Cam.
Bà ra đi khi đang trong tình trạng hôn mê suốt ba tuần qua kể từ khi được đặt ống thở.
“Vì cô Lệ Thu bị Covid, bệnh viện không cho đem về nhà mà để trong bệnh viện làm sạch hết virus, mấy tuần sau mới cho đưa ra nhà quàn cho thăm viếng,” anh Jimmy nói với VOA về việc chuẩn bị tang lễ.
Anh cũng cho biết là gia đình Lệ Thu đã liên lạc nhà quàn để đặt ngày làm tang lễ ‘nhưng nhà quàn không còn chỗ nữa mà phải đến cuối tháng Hai mới có’.
Miền Nam California đang trong đợt bùng phát dịch Covid-19 dữ dội với nhiều người Việt ở đây qua đời vì căn bệnh này.
Hôm 31/12, con gái lớn của ca sỹ Lệ Thu nói với VOA rằng khi nhập viện, tình hình của bà ‘rất khả quan’ và ca sỹ Lệ Thu còn chuẩn bị để xuất viện. Nhưng chỉ sau hai tuần thì tình hình bà đột ngột trở xấu, khó thở và được đặt ống thở từ hôm Giáng sinh đến nay.
Được biết, khi biết mình nhiễm Covid, ca sỹ Lệ Thu tự mình gọi cứu thương vì không muốn lây cho con cái. Kể từ khi nhập viện đến nay, các con của bà không thể vào thăm mà chỉ có thể nói chuyện và nhìn thấy mẹ qua màn hình điện thoại.
Tình cờ đi hát
Lệ Thu sinh tại Hải Phòng vào năm 1943 với tên thật là Bùi Thị Oanh. Thân phụ bà làm một chức quan nhỏ ở Hải Phòng trước 1945. Thuở nhỏ, bà sống ở Hà Đông và được gia đình cho đi học đàn piano. Đến năm 1953, khi 10 tuổi, hai mẹ con bà di cư vào Nam còn thân phụ ở lại và sau đó mất ở miền bắc.
Ở Sài Gòn, hai mẹ con Lệ Thu sống ở chợ Vườn Chuối, đường Phan Đình Phùng, nay là đường Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3. Bà theo học trường Pháp Les Lauriers ở Tân Định.
Lệ Thu đến với nghiệp ca hát một cách tình cờ nhưng lại hết sức suôn sẻ như bà kể lại với báo chí sau này. Vào năm 1960, khi đi dự sinh nhật một người bạn ở phòng trà Bồng Lai, bị bạn bè thúc lên hát góp vui, bà miễn cưỡng chọn hát bài Tà Áo Xanh của nhạc sỹ Đoàn Chuẩn. Tiếng hát của bà khi đó may mắn lọt vào tai ông chủ phòng trà Bồng Lai nên ông cố gắng thuyết phục bà đi hát. Trước lời đề nghị và mức cát sê hấp dẫn mà ông chủ phòng trà đưa ra, cô Bùi Thị Oanh lúc đó còn là một nữ sinh đã nhận lời hát ở phòng trà mà không cho mẹ biết, và bài hát Tà Áo Xanh là tác phẩm mở đầu sự nghiệp ca hát trải dài 60 năm của bà.
Thời gian đầu đi hát, ngoài hát nhạc nước ngoài, những bản nhạc Việt đầu tiên Lệ Thu trình bày là của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn như Xin Mặt Trời Ngủ Yên, Lời Buồn Thánh, Diễm Xưa…
Ngoài phòng trà Bồng Lai, Trúc Lâm Trà Thất của nhạc sĩ Mạnh Phát, các vũ trường Tự Do và Ritz là những nơi ca sỹ Lệ Thu từng cộng tác. Sau này, bà trở thành ca sỹ độc quyền ở phòng trà Queen Bee. Bà được báo giới Sài Gòn khi đó đặt cho các biệt danh là ‘Nữ hoàng phòng trà’ hay ‘Giọng ca vàng mười’. Trong những năm 1968 đến 1971, tiếng hát Lệ Thu là một trong những yếu tố khiến khách mộ điệu tìm đến các vũ trường và mức cát-sê của bà cũng thuộc hàng cao nhất trong giới ca sỹ lúc bấy giờ.
Bên cạnh hát ở vũ trường, Lệ Thu cũng hát trên các đài phát thanh và thu âm cho nhiều hãng dĩa. Một trong những băng nhạc nổi tiếng nhất của bà là Sơn Ca 9 do nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông thực hiện. Bà còn được các nhạc sỹ ‘đo ni đóng giày’ viết riêng cho bà như Nước Mắt Mùa Thu của Phạm Duy, Xin Còn Gọi Tên Nhau của Trường Sa hay Chiếc Lá Thu Phai của Trịnh Công Sơn.
Khán thính giả yêu mến Lệ Thu qua các bài hát: Hạ Trắng, Nước Mắt Mùa Thu, Thu Hát Cho Người, Mười Năm Tình Cũ… Ngoài các nhạc sỹ kể trên, bà hát rất thành công nhạc của Cung Tiến, Đoàn Chuẩn, Trường Sa…
Duyên tình lận đận
Mặc dù con đường sự nghiệp trải đầy hoa, nhưng trong cuộc sống riêng, bà gặp rất nhiều lận đận. Bà trải qua ba cuộc hôn nhân tan vỡ, có ba người con gái với hai đời chồng khác nhau nhưng cuối đời sống một mình ở thành phố Fountain Valley, miền Nam California khi các con gái của bà đều có cuộc sống riêng.
Trong những giờ phút cuối cùng của miền Nam trước khi quân cộng sản tràn vào, Lệ Thu đã lên đường di tản. Nhưng khi đã đến phi trường chuẩn bị di tản vào ngày 28/4 năm 1975, bà quyết định quay trở lại vì còn mẹ già mà bà là người con duy nhất.
Đến năm 1979, bà vượt biên cùng con gái út, được đưa đến trại tị nạn Pulau Bidong. Đến năm 1980 bà đến Mỹ và định cư ở miền Nam California. Hai năm sau hai người con gái lớn của bà cũng vượt biên và đoàn tụ với bà.
Tại Mỹ, bà tiếp tục thâu đĩa, đi hát phục vụ cộng đồng người Việt và tham gia vào các chương trình nhạc hội của Thúy Nga, Asia… Từ năm 2007, bà cũng bắt đầu trở về nước biểu diễn. Năm 2017, Lệ Thu từng thực hiện đêm nhạc ‘Như là kỷ niệm’ cùng Tuấn Ngọc tại Việt Nam.
Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/danh-ca-l%E1%BB%87-thu-qua-%C4%91%E1%BB%9Di-sau-th%E1%BB%9Di-gian-ch%E1%BB%91ng-ch%E1%BB%8Di-v%E1%BB%9Bi-covid-19/5740024.html