Trường Kỳ
2006
Chương trình radio Nghệ Sĩ và Đời Sống do Trường Kỳ thực hiện trên đài VOA:
Một Ý Chí Mạnh Mẽ
Có một pha trộn giữa ngạc nhiên và cảm động khi tôi có dịp tiếp xúc với nhạc sĩ Lam Phương qua điện thoại một thời gian trước khi ông xuất hiện trong chương trình đặc biệt vinh danh ông nằm trong chủ đề “50 Năm Âm Nhạc Lam Phương”, tổ chức vào ngày 26 tháng 6 tới đây tại Montreal. Ngạc nhiên, vì giọng nói của ông đã rõ ràng hơn trước rất nhiều, so với thời lần tôi gặp gỡ ông cách đây khoảng 7 năm tại căn “mobile home” của ông ở Orange County sau khi ông bị đứt mạch máu ở bán cầu não trái do biến chứng của bệnh tiểu đường.
Tình trạng này đã khiến nhạc sĩ Lam Phương bị liệt nửa thân người bên mặt. Cảm động vì tình trạng sức khỏe của ông hiện nay đã rất khả quan, có thể đi lại quanh nhà một mình mà không cần đến gậy hoặc xe lăn, tuy vẫn gặp nhiều khó khăn. Trừ khi đi ra ngoài mới dùng đến gậy hoặc xe lăn, như hình ảnh của ông khi xuất hiện trên chương trình Paris By Night vài năm gần đây.
Sau khi bị liệt nửa người, nhạc sĩ Lam Phương thỉnh thoảng vẫn sáng tác vì niềm đam mê âm nhạc đối với ông luôn là nguồn sống, là sức mạnh tinh thần. Tuy nhiên đối với ông, viết được một nhạc phẩm quả thật là vất vả khi phải vận dụng đầu óc và nhất là phải viết bằng tay trái, trong khi tay phải hầu như không còn sử dụng được do bán cầu não trái bị tổn thương… Nhưng ông đã vượt qua nhiều trở ngại do bệnh tật mang lại để thực hiện được điều mình mong muốn.
Khoảng 5, 6 nhạc phẩm do nhạc sĩ Lam Phương sáng tác trong thời kỳ này đã được trung tâm Thúy Nga đưa vào những sản phẩm audio và video.
Đối với Lam Phương, tất cả những kết quả đạt được để vượt qua những khó khăn đều đến từ ý chí mạnh mẽ của ông. Nếu không, chắc chắn ông đã bỏ cuộc để phó thác cho số mệnh như ông nói: “Không có ý chí là bỏ cuộc! Không có ý chí là tiêu rồi đó! Đã, bỏ cuộc không tập nữa đâu! Bây giờ vẫn còn tập mỗi ngày đấy chứ! Mỗi ngày có người lại nhà tập cho tôi. Thành ra tay chân tôi nó cũng đỡ lắm! Nếu bệnh này mà không tập thì một thời gian tay chân nó sẽ teo lại”.
Nhưng động cơ nào đã khiến Lam Phương có được niềm lạc quan để dùng ý chí cố gắng đạt được mục đích theo đuổi là trở lại với cuộc sống bình thường? Qua những trao đổi với ông, được biết âm nhạc lúc nào cũng vẫn là lẽ sống của ông. Ông sẽ tiếp tục sáng tác một khi được quay về với tình trạng sức khỏe bình thường. Và người nhạc sĩ nổi tiếng đào hoa này đã vui vẻ cho biết trong đời sống tình cảm, ông sẽ sẵn sàng… lầm thêm nữa nếu may mắn được hồi phục.
“Lầm” là tựa đề một ca khúc tình cảm nổi tiếng của ông, đề cập về sự tan vỡ giữa ông và nữ kịch sĩ Túy Hồng, 10 năm sau khi hai người ra đến hải ngoại. Và hình như lúc nào ông cũng vẫn còn ở trong tình trạng giống như tên một nhạc phẩm của ông là “Tình Vẫn Chưa Yên”. Dĩ nhiên sự phục hồi sức khỏe sẽ không thể nào xẩy ra một cách hoàn hảo như Lam Phương và những người mến mộ ông mong muốn. Nhưng đạt được kết quả như ngày hôm nay và còn tiếp tục tiến triển hơn nữa trong những ngày sắp tới đã là những gì được coi là đáng mừng vì theo ông “Bây giờ đối với ngày xưa cũng đỡ được đến 70 phần trăm!”
Chắc chắn do sự thôi thúc của âm nhạc và sự thiếu vắng tình cảm đã mang đến sự kiên nhẫn hiếm có cho người nhạc sĩ dễ mến và là người rất thương yêu thân mẫu của mình -đã qua đời vào năm 1979- thực hiện được ý chí của ông. Lam Phương tâm sự: “Mình cũng kiên nhẫn lắm đó! Nhất là trong vấn đề tập nói! Lúc đầu họ dạy mình nói suốt từ A tới Z. Nói riết thì cái lưỡi mình nó dịu, rồi tự động nó trả lại như trước! Dĩ nhiên không thể ngay thẳng như người thường. Bệnh này không có thuốc men gì hết. Chỉ có chịu khó tập thôi, chứ không có uống thuốc cho trở lại như trước được”.
Lam Phương cho biết ông khám phá ra mình bị bệnh tiểu đường từ năm 1991, trong thời gian làm giấy tờ thành hôn với người vợ sau tên Diệu… Nhưng sau đó ông trở về Pháp mà không quan tâm đến việc chữa trị nên vẫn ăn uống như một người bình thường. Đến khi trở lại Mỹ thì bệnh tình ông đã nặng với những triệu chứng rõ ràng…
Nhờ chịu khó ăn uống kiêng khem, nhạc sĩ Lam Phương chỉ dùng gạo lức, cá kho lạt và rau trái từ nhiều năm nay, nên những kết quả thử nghiệm máu trong thời gian gần đây đã cho thấy một kết quả tốt đẹp đáng kể. Tuy ăn uống theo một chế độ rất khắt khe, nhưng vì ít hoạt động nên hiện nay ông cân nặng tới 170 lbs, với một chiều cao 1 thước 72, trong những sinh hoạt đều đặn hàng ngày. Mỗi ngày ông dậy từ sớm để chờ người đến tập cho đến trưa. Dùng cơm trưa xong, ông nằm nghỉ một lát rồi lại dậy để tập tiếp với đầy đủ dụng cụ được sắm sửa trong nhà. Xong rồi ông nghe nhạc hoặc coi truyền hình trước khi ăn cơm tối. Ngày nào cũng đều đặn như vậy nên sự hồi phục đã đến với ông một cách khả quan.
Lam Phương đã thành thật cho biết ông đã rất bi quan trong thời gian đầu tiên khi mới tập, sau khi bị tai biến mạch máu não. Cả một chuỗi ngày tối tăm, mù mịt hiện ra trước mắt một người có đầu óc tưởng tượng phong phú như ông, đã khiến Lam Phương tưởng như cuộc đời ông không còn có một tia hy vọng nào. Tuy nhiên sau một thời gian chăm chỉ tập luyện, dần dần ông đã lấy được phần nào sự cân bằng cho tâm hồn, khi không còn bận tâm với cuộc sống bận rộn hàng ngày như những người chung quanh.
Thời gian bị bệnh, Lam Phương chung sống với người đã chính thức trở thành người vợ sau của ông từ năm 1991. Trong đó có một thời gian hai người cư ngụ ở Paris trước khi quay trở lại Mỹ. Nhưng chỉ hơn một năm sau khi ông bị ngã và bị liệt nửa người vào ngày 13 tháng 3 năm 1999, vợ ông đã tỏ ra có những thái độ cho thấy không thể tiếp tục cuộc sống vợ chồng để săn sóc ông trong những ngày bệnh hoạn nặng nề, như lời nhạc sĩ Lam Phương tâm sự. Sau một lần vợ ông tỏ ý muốn chia tay, ông không hề có một sự níu kéo nào khi chủ trường “giữ người ở lại mà không giữ người đi”. Nên ông đã có một thái độ dứt khoát trong khi đầu óc trĩu nặng những mặc cảm tự ti của một người trong phút chốc trở thành tàn phế với miệng mồm méo mó, nói năng ngọng nghịu và tay chân không còn một chút vững vàng…
Ông đã điện thoại liền cho vợ chồng người em gái út đến chở ông từ căn “mobile home” về ở nhà người con gái lớn lúc đó ở thành phố Westminster. Ông ở đây được hơn một năm, dưới sự săn sóc của vợ chồng người em gái từ Paris dọn sang, sau khi được biết tình trạng sức khỏe của ông bị sa sút nặng nề. Sau đó ông ra mướn một appartment ở khoảng một năm trước khi dọn ra một căn nhà ở thành phố Garden Grove ở với cặp vợ chồng này cho đến nay đã được hơn 4 năm.
Nhạc sĩ Lam Phương có hai người con gái với người vợ đầu tiên là nữ kịch sĩ Túy Hồng mà sự chia tay với ông đã trở thành đề tài cho mọi người bàn tán, nhất là sau khi ông cho ra đời nhạc phẩm “Lầm”. Người con cả tên Ánh Hằng hiện cư ngụ ở thành phố Irvine, theo nghề chuyển âm phim như mẹ. Người con thứ nhì tên Ánh Loan cũng cư ngụ ở thành phố với ông. Cả hai vẫn thường xuyên ghé thăm người bố kém may mắn của mình mà họ đều hết lòng quí mến.
Có thể nói một phần nhờ ở sự thương yêu của các con và vợ chồng người em, nhạc sĩ Lam Phương đã lấy lại được tinh thần để cố gắng theo đuổi ý chí phục hồi sức khỏe của mình, đối với ông là một điều mơ ước: “Mơ ước của tôi là được trở về cuộc sống bình thường, đi đứng bình thường vậy thôi! Chứ còn vấn đề tình cảm hay là tiền bạc thì tôi không cần nữa. Cuôc đời tình ái của tôi cũng vậy, tôi phú mặc cho trời đưa đẩy tới đâu đi tới đó. “
Niềm mơ ước của Lam Phương trên thực tế cho thấy ông đã thực hiện được ba phần tư nhờ vào sự quyết tâm của ông. Và có thể không còn bao lâu nữa ông sẽ có dịp tiếp tục theo đuổi những dự tính của mình như tiếp tục con đường sáng tác và đi trình diễn nhiều nơi.
Trong suốt buổi nói chuyện, nhạc sĩ Lam Phương đã cho người đối thoại với mình thấy được rõ tinh thần lạc quan của ông với những nụ cười và những câu trả lời vui vẻ. Người nhạc sĩ tài hoa và cũng rất đào hoa đó tuy đã nói là không cần đến vấn đề tình cảm nữa để phó mặc cho sự đẩy đưa của số mệnh, nhưng thật sự hầu như ông còn quan tâm rất nhiều đến vấn đề này, từng có một thời gian dài bám sát lấy ông.
Mặt khác, nhạc sĩ Lam Phương thú nhận không do dự khi luôn quan niệm tình yêu là một chất xúc tác rất mạnh cho việc sáng tác của một người nghệ sĩ, nhất là người nghệ sĩ đó là ông, luôn là một kẻ thích xông pha trong chốn tình trường để viết thành những bài tình ca bất hủ: “Cuộc đời nghệ sĩ mình phải có cái đó mới làm được. Nếu mà tôi khô khan thì tôi đâu có làm nhạc được. Đó là cái điểm quan trọng cho con người sáng tác!”
Nắm được điểm quan trọng đó, Lam Phương đã cho ra đời hàng trăm ca khúc xoay quanh đề tài tình yêu, không kể những ca khúc viết về đời lính hay quê hương. Để ghi nhận tài năng của một nhạc sĩ sáng tác có nhiều đóng góp cho nền tân nhạc Việt Nam, vài năm gần đây nhiều chương trình đặc biệt vinh danh ông đã được tổ chức ở nhiều nơi khác nhau ở hải ngoại.
Trước tiên là chương trình “Một Lần Cho Một Đời: 55 Âm Nhạc Lam Phương”, diễn ra tại vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn vào ngày 17 tháng 10 năm 2004. Không đầy một năm sau, một chương trình khác đã được tổ chức tại Santa Clara, California. Ngày 25 tháng 6 tới đây sẽ là một chương trình khác được tổ chức tại thành phố Montreal với chủ đề “50 Năm Âm Nhạc Lam Phương”. Trong khi đó một chương trình có tầm vóc khác mang cùng chủ đề đang được xúc tiến để diễn ra tại thành phố Anaheim, nam California. Không kể một chương trình “50 Năm Âm Nhạc Lam Phương” khác có thể sẽ được thành hình tại Houston, tiểu bang Texas vào tháng 9 năm 2006 này.
Lam Phương cho biết ông rất cảm động về những chương trình được thực hiện để vinh danh ông sau 44 năm ông đã cống hiến cả cuộc đời mình cho âm nhạc, tính từ khi tác phẩm đầu tay của ông là “Chiều Thu Ấy” ra đời vào năm 1952. Ngoài những chương trình vinh danh Lam Phương đã và sẽ được thực hiện, rất nhiều trung tâm nhạc đã đưa những ca khúc của ông vào những sản phẩm của mình với sự đón nhận nồng nhiệt của khán thính giả yêu mến ông.
Gần đây hơn cả là CD “Tình Ca Không Đoạn Kết” với tiếng hát Ý Lan trong những ca khúc chọn lọc của Lam Phương, trong số có một nhạc phẩm mới của ông là Bài Thơ Không Đoạn Kết…
Nhạc sĩ Lam Phương trong thời kỳ niên thiếu
Nhìn lại quãng đường trên 50 năm qua
Nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng. Ông sinh ngày 20 tháng 3 năm 1937 tại làng Vĩnh Thanh Văn, Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang và là anh cả trong một gia đình gồm 6 người con. Trong số có 2 người em gái ở Việt Nam mà một người đã qua đời vì bệnh tiểu đường.
Thân phụ ông, tên Lâm Đình Chất, đã lên Sài Gòn sinh sống từ khi Lam Phương còn nhỏ và từng có những gắn bó với những người đàn bà khác, với kết quả là ông có được một số khá đông em cùng cha khác mẹ. Cũng vì thế, ông đã dồn hết lòng thương yêu cho người mẹ tên Lê Thị Nho quê mùa nhưng chân chất, nghèo nàn nhưng giầu tình thương của mình.
Do lòng yêu thương người mẹ hiền – qua đời vào năm 1979 – mà Lam Phương đã cố gắng vươn đến thành công trên con đường âm nhạc. Và đó cũng là động cơ thúc đẩy ông viết thành những ca khúc trở nên rất gần gũi với mọi người yêu nhạc: “ tôi thương má tôi lắm. Má tôi là một người đàm bà có vẻ quê mùa, nhưng mà thực lòng thương tôi lắm. Con trai lớn mà ! Má tôi nói một câu thôi mà tôi đã ráng làm muốn chết luôn!“. Câu nói của mẹ ông là sự ước ao có một nơi trú ngụ khá tươm tất cho bầy con đông đảo trong khi Lam Phương sống chui rúc với gia đình trong một con hẻm lầy lội tăm tối ở vùng Đa Kao trong một ngôi nhà mướn tồi tàn, chật hẹp.
Trước đó khi lên 10 tuổi, Lam Phương đã bơ vơ lên Sài Gòn một mình để trọ học ở nhà người bác ruột trên đường Đinh Công Tráng (Tân Định), bỏ lại mẹ và các em ở miền quê. Theo lời kể của một người cháu thì “tuần lễ trước khi từ giã quê nhà, nhạc sĩ đã lang thang trên khắp các bờ đê, ngồi thẫn thờ hàng giờ nhìn đàn cò trắng tung bay trên đồng lúa xanh rờn, nhìn đám lục bình trôi trên bến Dầu Voi, là nơi hội nhập của hai giòng sông” .
Một thời gian sau, mẹ ông cũng lên Sài Gòn để cùng sống trong một hoàn cảnh khó khăn và chật vật, thường được diễn tả trong những nhạc phẩm của ông như “Đèn Khuya” và “ Kiếp Nghèo”. Ngoài những giờ học ở trường Lauriers, ông đã nhận được sự chỉ dẫn của nhạc sĩ Hoàng Lang. Do lòng thương cảm người học trò nhỏ tuy nghèo nhưng đầy năng khiếu, nhạc sĩ Hoàng Lan đã hết lòng truyền dạy cho ông mà không hề nhận thù lao. Nhưng chỉ sau vài tháng theo học nhạc, Lam Phương đã phải bỏ dở dang để đi làm. Nhưng không do đó mà niềm đam mê âm nhạc nơi ông sút giảm, mà có được đồng nào là ông tìm mua sách nhạc để nghiền ngẫm, tự học thêm.
Và một cơ duyên đã đến với Lam Phương khi ông gặp được nhạc sĩ Lê Thương để được hướng dẫn thêm về phương pháp soạn ca khúc phổ thông. “Tôi chỉ có thể dạy em về kỹ thuật sáng tác, nhưng hồn nhạc thì tôi không dạy đươc. Cái đó là do thiên phú nơi mỗi người”. Câu nói đầy chân tình đó của nhạc sĩ Lê Thương vẫn được ông khắc ghi mãi đến hôm nay. Nhờ nhận được sự hướng dẫn của hai người thầy nổi danh, vào năm 1952, khi mới được 15 tuổi cậu học sinh Lâm Đình Phùng đã hoàn thành nhạc phẩm đầu tay mang tựa đề “Chiều Thu Ấy”, được phát thanh suốt mấy tháng trên đài phát thanh Pháp Á.
Không lâu sau ông đã gửi đến người nghe một ca khúc khác là “Trăng Thanh Bình”, cũng được coi là một thành công. Trước những kết quả gặt hái được, ông đã liên tiếp tung ra sau đó những ca khúc nằm trong đề tài quê hương như “Kiếp Tha Hương”, “Tình Cố Đô”, “Chuyến Đò Vỹ Tuyến”, vv…
Về bút hiệu Lam Phương, ông cho biết đã bỏ dấu mũ ở họ “Lâm” của mình để còn lại “Lam”, trong khi nhận thấy tên “Phùng” hơi nặng nên ông đổi lại thành “Phương”. Và tên Lam Phương ra đời từ đó. Ngoài ra tên Lam Phương còn mang một ý nghĩa như ông cho biết qua một cuộc phỏng vấn: “Tôi thích mầu xanh lam là mầu của hy vọng. Tôi nhìn về phương trời mầu xanh lam, luôn luôn phấn đấu thắng nghịch cảnh để vươn lên trong cuộc đời.”
Suốt tuổi thanh niên, Lam Phương đã sống trong cảnh cơ cực, từ đó tư tưởng bi quan đã hằn sâu trong đầu óc của ông. Tư tưởng bi quan đó đã được ông đưa vào một nhạc phẩm rất quen thuộc của mình là Kiếp Nghèo, được sáng tác vào năm 1954, khi mà cuộc sống của gia đình ông ở vào một hoàn cảnh rất bi đát nơi xóm Vạn Chài.
Đến năm 58 là thời gian Lam Phương gia nhập quân đội thì ông nghiêng hẳn những sáng tác của mình về những nhạc phẩm đề cập đến đời lính chiến. Đến năm 59, ông giải ngũ để sau đó gia nhập ban văn nghệ Bảo An rồi qua đến đoàn Hoa Tình Thương. Cùng thời gian này ông cộng tác với các đài phát thanh Quân Đội và Sài Gòn cùng một lúc là thành phần của Biệt Đoàn Văn Nghệ cho đến ngày 30 tháng 4 năm 75, là ngày ông cùng với vợ là nữ kịch sĩ Túy Hồng –thành hôn với ông vào năm 1959– và hai con gái rời Việt Nam trên chiếc tầu Trường Xuân.
Cuộc sống vật chất của Lam Phương đã sáng sủa hơn rất nhiều sau khi ông tung ra hai nhạc phẩm về đời lính là Tình Anh Lính Chiến và Chiều Hành Quân…
Hai nhạc phẩm này đã do chính Lam Phương in và tự phát hành. Trước đó ông đã sắm được một chiếc Lambretta để ngày ngày đi giao những bản nhạc lẻ cho các sạp bán nhạc rời ở Sài Gòn nhờ lợi nhuận của những bản nhạc trước mang lại. “ Tình Anh Lính Chiến” đã đạt được con số bán kỷ lục vào thời đó. Một thời gian sau nhạc phẩm “Chiều Hành Quân” ra đời và cũng đạt được một con số bán cao không kém.
Những năm cuối của thập niên 60 là thời gian tên tuổi Lam Phương nổi như cồn. Cuộc sống vật chất của ông đã bớt chật vật hơn trước rất nhiều. Tinh thần của ông đã phần nào bớt đi nỗi bi quan từng đeo đuổi từ lâu để vui với ánh mắt, với nụ cười của người mẹ hiền và bầy em nhỏ. Trước sự thành công của Lam Phương nhiều nhà phát hành đã liên kết để không phổ biến những sáng tác của ông. Tuy vậy nhờ sự chịu đựng vất vả, Lam Phương đã tự in và phát hành lấy để đạt được điều mong muốn.
Trước sự đi lên của tên tuổi Lam Phương, nhiều nhà phát hành lớn sau đó đã thương lượng để mua những sáng tác của ông với giá thật cao. Thời gian này Lam Phương đã tậu được một căn nhà khang trang trong cư xá Lữ Gia và đến năm 72, ông mua thêm được một căn nhà khác trên đường Nguyễn Tri Phương để thật sự giã từ kiếp nghèo đã bám lấy ông từ hàng chục năm trước và mẹ ông cũng đã được toại nguyện với niềm ao ước của mình.
Ngoài việc sáng tác, Lam Phương còn cộng tác với nhiều ban nhạc của các đài phát thanh như ban Hoàng Lang, Võ Đức Tuyết, Văn Phụng, vv… Không những thế ông còn phụ trách phần văn nghệ cho ban Thẩm Thúy Hằng. Một chi tiết ít người biết là có thời kỳ vào buổi tối ông còn là một nhạc sĩ trình diễn tại Club sĩ quan Hoa Kỳ trên lầu rạp Rex ở Sài Gòn từ cuối thập niên 60 là thời gian ông mới lập gia đình với nữ nghệ sĩ Túy Hồng.
Với trên 200 nhạc phẩm được sáng tác và phổ biến rộng rãi tại Việt Nam cũng như tại hải ngoại sau này, Lam Phương đáng được đề cao như một trong những nhạc sĩ sáng chói của Việt Nam với một năng khiếu về âm nhạc và một tâm hồn nhiều xúc cảm.
Ra hải ngoại vào năm 1975, sau vài tháng ở trại tỵ nạn, gia đình nhạc sĩ Lam Phương được bảo trợ về định cư tại thành phố Virginia Beach, trước khi dọn về Falls Church, tiểu bang Virginia. Năm sau gia đình ông lại dời về thành phố Dallas và kế đến là Houston. Đến năm 1981 do những bất đồng trong đời sống vợ chồng đã đưa đến sự chia tay giữa vợ chồng ông để rồi ông quyết định sang Pháp cùng với cô em út khai thác một nhà hàng ở Paris. Tuy nhiên vẫn thỉnh thoảng trở về Mỹ.
Thời gian sống ở Paris chính là thời gian sáng tác dồi dào nhất của ông với khoảng trên 100 nhạc phẩm trong tổng số 200 nhạc phẩm trải dài suốt cuộc đời âm nhạc của ông, phần lớn là tình ca cùng một số nhạc quê hương và nhạc thời chinh chiến. Khung cảnh mới lạ, mang tính chất lãng mạn và cổ kính của thủ đô nước Pháp đã ảnh hưởng sâu xa đến dòng nhạc của Lam Phương khiến ông cảm thấy thoải mái hơn trong việc sáng tác. Từ đó nhiều nhạc phẩm đặc sắc của Lam Phương được ra đời như Mùa Thu Yêu Đương, Tình Hồng Paris, Cho Em Quên Tuổi Ngọc, vv… Đến năm 1995, ông quyết định trở về Mỹ và cư ngụ tại tiểu bang California cho đến nay.
Nhìn chung, toàn bộ sáng tác của Lam Phương chỉ có 3 bài ông viết chung với các nhạc sĩ khác là Hồ Đình Phương (“Lá Thư Miền Trung”, “Nắng Đẹp Miền Nam”) và Hoàng Thi Thơ (“Mùa Hoa Phượng).
NS Phạm Mạnh Cương, NS Lam Phương & NS Trường Kỳ – Montreal, Canada 2006
Sau lần đổ vỡ với nữ kịch sĩ Túy Hồng, lời nhạc của Lam Phương đã hiện rõ những nét đắng cay, chua xót. Hình như sự chán chường, niềm thất vọng về tình đời, về tình người đã khiến người nhạc sĩ hiền từ về tính tình, nhỏ nhẹ trong lời nói và khiêm nhượng trong cách cư xử này xúc cảm để tạo thành những ca khúc tình cảm đề cập đến những sự tan vỡ, chia lìa điển hình như nhạc phẩm mang tựa đề “Lầm”, cho đến nay vẫn là một giai thoại liên quan đến cuộc sống tình cảm của Túy Hồng và Lam Phương.
Trong sự khủng hoảng tình cảm đó, Lam Phương đã sống những chuỗi ngày mang nặng những đau buồn. Nhưng cũng nhờ đó, ông đã cho ra đời nhiều ca khúc tình cảm thật đặc sắc khác, chẳng hạn như “Một Đời Tan Vỡ”.
10 năm sau khi cùng Túy Hồng chia tay, Lam Phương đã tìm được nguồn an ủi nơi một cuộc tình khác, chính thức cùng ông chung sống vào nam 1991. Và cũng đúng 10 năm sau cuộc hôn nhân này đã đi đến đổ vỡ, trong thời gian ông đang gặp quá nhiều khó khăn do tình trạng bệnh hoạn gây nên.
Trong 10 năm sống với người vợ sau, ít ra cuộc sống của Lam Phương cũng đã có được những ngày vui rộn rã, như là kể “Từ Ngày Có Em Về”, tựa đề một nhạc phẩm rất nổi tiếng của ông. Thời gian này, Lam Phương cho biết đã tìm được nguồn hạnh phúc mà đối với ông là một cuộc “Tình Đẹp Như Mơ”. Cũng từ đó dòng nhạc của ông trở nên dồi dào hơn, tha thiết hơn để ông cho ra đời nhiều ca khúc tình cảm khác, trong đó có những bài như “Bài Tango Cho Em”, “Cỏ Úa”, “Một Mình”, vv… Nhưng cuối cùng việc gì đến đã đến, khi người vợ sau của ông tỏ ý định muốn ra đi vào năm 2001.
Lam Phương đưa ra một kết luận ngắn gọn, nhưng rất chua chát: “Đàn bà mà! khi mình đã không còn như xưa thì lần lần người ta cũng chán”. Vì vậy ông thản nhiên chấp nhận để cố gắng tranh đấu với bệnh hoạn với những kết quả rất khả quan, trong sự săn sóc tận tình của 2 con và vợ chồng cô em út.
Hiện nay, Lam Phương cho là mình đang ở trong một tình trạng nhàn hạ… bất đắc dĩ. Ông còn nhiều dự định, còn cảm thấy nhiều sôi nổi trong công việc sáng tác. Nhất là ngọn lửa tình cảm nơi ông vẫn còn cháy âm ỷ, chỉ chờ cơ hội bùng lên. Những người yêu mến dòng nhạc Lam Phương hy vọng một ngày không xa sẽ tiếp tục được thưởng thức những ca khúc đặc sắc khác của ông, như ông đã cố gắng hoàn thành được một số trong thời gian gặp khủng hoảng về sức khỏe cũng như về tình cảm…
Trường Kỳ
Nguồn: Chương trình radio VOA “Nghệ Sĩ Và Đời Sống” do Trường Kỳ thực hiện