Tiễn đưa nhạc sĩ Lam Phương về cõi vĩnh hằng

Đằng Giao
4/1/2021

ANAHEIM, California (NV) – Lễ di quan và hỏa táng cố nhạc sĩ Lam Phương diễn ra lúc 1 giờ 15 trưa Thứ Hai, 4 Tháng Giêng, tại nhà quàn Melrose Abbey Memorial Park & Mortuary, Anaheim, trong không khí gia đình, ngắn gọn nhưng trang trọng với đầy đủ nghi thức Phật Giáo.


Trưởng nữ Lâm Ánh Hằng cùng phu quân bên di ảnh cố nhạc sĩ Lam Phương.(Hình: Văn Lan/Người Việt)

Buổi lễ do Hòa Thượng Thích Minh Mẫn, viện chủ chùa Huệ Quang, chủ trì bắt đầu bằng một bài kinh cầu siêu và tiếp theo là lễ cúng cơm cho cố nhạc sĩ.


Sau đó, bà Lâm Ánh Hằng, trưởng nữ của nhạc sĩ Lam Phương, nói lời cám ơn toàn thể khán thính giả trong và ngoài nước đã yêu chuộng dòng nhạc Lam Phương trong bao nhiêu năm qua. Bà đặc biệt cám ơn ông Tô Văn Lai, sáng lập viên Trung Tâm Thúy Nga, và bà Tô Ngọc Thủy, giám đốc Trung Tâm Thúy Nga.

“Nếu không có Trung Tâm Thúy Nga, chúng tôi không thể có một buổi lễ trọn vẹn như hôm nay,” bà nghẹn ngào nói.

Tuy không phải là buổi lễ cho công chúng nhưng vẫn có một số người mến mộ vị nhạc sĩ đến tham dự. Họ phải đứng ở xa vì không đủ ghế.


Các nghệ sĩ đến tiễn biệt nhạc sĩ Lam Phương lần cuối. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông Tô Văn Lai, sáng lập viên Trung Tâm Thúy Nga nói: “Nhạc sĩ Lam Phương không còn nữa nhưng các sáng tác của ông vẫn còn trong trái tim của người Việt Nam.”

Ông Sắc Nguyễn, chủ nhà quàn Cali Home Funeral Services, cho biết ông được nhạc sĩ Lam Phương bày tỏ ý muốn được chôn cất ở Việt Nam.

“Ông bàn với tôi như vậy từ Tháng Chín nhưng vì COVID-19 vẫn chưa giảm bớt nên gia đình không thể theo ý nguyện của ông được. Chuyện hỏa thiêu ngay tại đây là một quyết định giờ chót thôi,” ông nói. “Tôi rất tiếc nhưng vì chính sách chung của California nên không thể làm gì hơn.”

Bà Lâm Mỹ Tuyền, ở Santa Ana, nói: “Tôi ‘mê’ nhạc Lam Phương từ hồi còn là nữ sinh cho tới bây giờ thành bà nội, bà ngoại mà vẫn còn ‘mê.’ Bởi vậy, bữa hôm nay tuy không rảnh, tôi vẫn phải tới đây để thầm nói lời chào nhạc sĩ một lần. Hôm qua tôi phải đi nhà thờ nên không ghé chào ông được.”

Bà Lisa nguyễn, ở Westminster, nói trong xúc động: “Bốn năm trước, cha tôi mất. Trước khi qua đời, ông có một đòi hỏi duy nhất là phải cho ông nghe nhạc Lam Phương suốt thời gian ở nhà quàn cho tới khi hạ huyệt. Hôm nay tôi đến đây để cám ơn một người đã làm cha tôi mến mộ tới như vậy.”

Ông Hồ Ngọc Dũng, ở Dana Point, cũng có kỷ niệm khác về dòng nhạc Lam Phương.

“Từ hồi mới di cư vô Nam tôi đã nghe nhạc Lam Phương qua những bài quen thuộc thời đó như ‘Chuyến Đò Vĩ Tuyến,’ ‘Nhạc Rừng Khuya’ và ‘Đoàn Người Lữ Thứ.’”

Ông thêm: “Nhưng tôi phải đích thân tới đây thay vì ngồi nhà coi ‘live stream’ vì có thời trong quân ngũ cũng như suốt thời gian đi tù cải tạo, chúng tôi luôn hát bài ‘Tình Anh Lính Chiến’ với nhau. Mỗi lần cùng anh em qua mặt tụi quản giáo để hát lén như vậy, chúng tôi như thấy mình thắng Việt Cộng một chút và ai nấy đều rất hả hê.”

Tiễn đưa nhạc sĩ Lam Phương lần cuối, mỗi người cầm một cành hoa hồng đặt vào quan tài ông rồi lặng lẽ bước theo dòng người tiến về nơi hỏa táng cách đó vài bước.

Tương tự như tang lễ nghệ sĩ Chí Tài, tại tang lễ nhạc sĩ Lam Phương có rất đông đảo nhân viên bảo vệ đứng quanh để ngăn chặn việc quay phim, chụp hình của những ai không phải là nhân viên VietFace TV.

Sau lễ hỏa táng, di ảnh nhạc sĩ Lam Phương được đưa về chùa Huệ Quang để làm lễ an linh.


Đưa linh cữu nhạc sĩ Lam Phương vào nơi hỏa táng. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Nhạc sĩ Lam Phương qua đời vào chiều tối Thứ Ba, 22 Tháng Mười Hai, 2020, hưởng thọ 83 tuổi.

Ông tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh ngày 20 Tháng Ba, 1937, tại làng Vĩnh Thanh Vân, quận Châu Thành, tỉnh Rạch Giá, Việt Nam.

Ông là một trong những nhạc sĩ tiên phong của nền tân nhạc miền Nam Việt Nam với khoảng 200 tác phẩm thuộc nhiều thể loại và vô cùng quen thuộc với nhiều người, nhiều thế hệ.

Đằng Giao

Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/tin-chinh/tien-dua-nhac-si-lam-phuong-ve-coi-vinh-hang/

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây