Ngày nhạc sĩ Lam Phương 80

Trịnh Thanh Thủy
22/3/2017

Đối với người Á Đông sống tới 80 tuổi, người ta gọi là thượng thọ. Ngày qua tuổi Bát Tuần, nhà văn Hoàng Hải Thủy hóm hỉnh bảo “tôi đã đến kỳ “tám bó” nhưng thấy mình trẻ lại như thời “ba bó””. Nhạc sĩ Lam Phương cũng đã leo đến bậc thang 80 nấc của đời mình, không biết ông nghĩ gì?.


Tôi gặp nhạc sĩ Lam Phương trong một buổi tiệc nhỏ nhân ngày sinh nhật 80 của ông được tổ chức tại nhà riêng. Buổi tiệc Thượng Thọ Bát Tuần cho ông do người thân và nhóm Nhân Ảnh Tân Văn tổ chức sẽ được diễn ra tại Kingston Garden, 9800 Bolsa Ave (Đối diện Catina Plaza), Westminster, CA 92683, vào ngày Chủ Nhật March 26, 2017 từ 12PM-7:00PM. Quý đồng hương thương mến nhạc sĩ Lam Phương có thể đến thăm và chụp hình kỷ niệm với ông vào lúc 12PM tới 1:00PM, sau đó là chương trình sẽ bắt đầu.

Lam Phương sinh ra ở Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Nội tổ của Lam Phương vốn là người gốc Hoa. Năm 10 tuổi, Ông bắt đầu tự mày mò học nhạc, rồi may mắn được nhạc sĩ Hoàng Lang và nhạc sĩ Lê Thương chỉ dẫn. Ca khúc đầu tay của ông là bài “Chiều thu ấy”, viết vào năm 15 tuổi. Bút danh Lam Phương do ông tự đặt, từ hai chữ trong tên thật của mình là Lâm và Phùng với ý nghĩa “hướng về phương trời màu xanh hy vọng”

Lam Phương gia nhập quân đội, đoàn văn nghệ Bảo An, ban văn nghệ Hoa Tình Thương và Biệt đoàn Văn nghệ Trung ương cho đến ngày Sài Gòn thất thủ. Ông hiện định cư tại Nam Cali, Hoa Kỳ. Ông có trên 200 ca khúc. Nhạc ông được nhiều người biết đến và mến mộ.(theo Wiki)

Ông sinh ngày 20 tháng 3 năm 1937. Ông trông vẫn còn trẻ và thư thái dù đã bước qua tuổi 80, dù đã trải qua nhiều cơn sóng gió đời tung ông lên cao cũng như dìm ông xuống đáy rất sâu.

Bạn bè, người thân quây quần quanh ông, khiến khuôn mặt ông ánh lên nét rạng rỡ không biết mệt, kể cả sau vài giờ cô em gái giục ông lui vào nghỉ, ông vẫn từ chối. Ông tiếp chuyện tôi trong một nụ cười vui vẻ dễ mến:

Hỏi: Chú nghĩ sao về chuyện hai ca khúc “Rừng xưa” và “Chuyện buồn ngày xuân” của chú trong số 5 ca khúc mới đây bị cấm lưu hành trong nước?.

Đáp: Câu hỏi này đài VOA đã hỏi, nhưng nếu cháu muốn biết thêm thì chú xin trả lời. Theo chú thì chuyện cấm là chuyện của họ, chuyện làm là chuyện của mình. Dĩ nhiên mình làm khác đường lối của họ thì họ cấm thôi.

Hỏi: Cháu có đọc lời bài hát “Rừng xưa”, cháu đâu thấy có gì là đi ngược lại đường lối đâu. Theo chú, nếu phân tích kiểu sợi tóc chẻ làm tư, thì trong các từ ngữ hay nội dung của bài hát có gì đụng chạm tới họ không?

Đáp: Theo chú, chắc là có vì nội dung của bài hát trong hai đoạn giữa và cuối có lời kêu gọi người tình miền Bắc về sống với người tình miền Nam. (xin xem lời hát bài “Rừng Xưa” bên dưới).

Hỏi: Nói theo tinh thần tự kiểm duyệt, thì bài “Chuyện buồn ngày xuân” có gì không ổn chú?

Đáp: Thì.. (cười) …Nội dung câu chuyện nói về sự chia ly giữa hai người tình với nhau. Sau năm 75, trong thời gian lộn xộn của sự thay đổi chế độ. Trong cơn hốt hoảng người chồng hay người yêu đã chia tay và bỏ người kia ở lại, đi thoát ra ngoại quốc. Người ở lại tìm cách vượt biển để tìm gặp lại người thương. Chuyện giản dị thế thôi, chứ có gì mà họ cấm? (Xin xem lời hát bài “Chuyện buồn ngày xuân bên dưới)

Hỏi: Trong một bài cháu phỏng vấn chú nhạc sĩ Tuấn Khanh trước đây chú ấy kể, chú là người đầu tiên có nhạc bán chạy tự in lấy, rất thành công. Chú có thể nói thêm về kinh nghiệm tự phát hành nhạc của chú không?

Đáp: Thời ấy,(1952) chú là người đầu tiên đã in nhạc của mình. Hồi đó chú mới 15,16 tuổi, viết ca khúc đầu tay là bài “Chiều thu ấy”, còn đi học làm gì có tiền. Chú phải vay mấy trăm bạc của bạn bè để mướn nhà in, in nhạc, sau đó thuê xe chở nhạc đi bán lẻ khắp Sài Gòn. Sau đó tiền bán nhạc không đủ để trả nợ nữa. Bước đầu dĩ nhiên là khó khăn, tuy nhiên đến bài thứ nhì là “Trăng Thanh Bình(1953)” thì chú bán được tới 1300 đồng. Thời ấy số tiền 1300 rất lớn, nhưng cuối cùng số tiền này chú bị bạn bè lột sạch ….(cười vui) . Càng ngày chú càng kinh nghiệm hơn trong việc in nhạc. Bài thứ 3 là “Tình anh lính chiến(1958)” phát hành, thì chú thu được số tiền lớn là 4000 đồng, nhờ đó chú mua được căn nhà ở Lữ Gia cho má chú ở.

Hỏi: Cháu có một người bạn nhỏ, sinh ra và lớn lên ở Hoa Kỳ, yêu và chịu ảnh hưởng nhạc dân ca của chú đến độ cậu ấy sáng tác những bài nhạc dân ca có những hoạt cảnh đồng quê, hò, hát vào ngày mùa thật thanh bình, dù bây giờ là thời đại điện toán. Cháu chợt tò mò muốn hỏi, chú có những ca khúc viết cho miền quê VN vào những thập niên 50,60 nói lên cảnh thanh bình và cái đẹp của miền Nam. Những hình ảnh chú đưa ra và diễn tả thưở đó có thật không? hay chỉ có tính tượng trưng, hư cấu?

Đáp: Cái sung sướng của một người nhạc sĩ sáng tác là chính mình tạo được đường lối cho thế hệ sau này. Phần lớn hình ảnh hoạt cảnh ngày mùa là do chú tưởng tượng. Phần còn lại, chú có sống thật. Chú quê ở Rạch Giá. Thời chiến tranh, chú phải tản cư về một thành phố cách đó 10 cây số, ở đó có cái sóc của người Miên. Sau này khi rời thành, lúc sáng tác những bài dân ca, chú hồi tưởng lại hoạt cảnh thanh bình, ngày mùa của sóc Miên mà viết nhạc.

Hỏi: Nhạc của chú đa dạng, trong đó có chủ đề “Lính”. Cháu thấy trong các sáng tác chú viết cho người lính VNCH có sự chân thật trong tình yêu và bằng hữu. Theo cháu biết chú ở trong quân đội, vậy hồi đó chú có vì cuộc chiến và tinh thần “tâm lý chiến” mà được chỉ định viết nhạc cho quân đội không?

Đáp: Hồi đó, chú có gia nhập đoàn văn nghệ Bảo An, ban văn nghệ Hoa Tình Thương, và sau cùng là Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương. Ở miền Nam không có sự chỉ định hay bắt buộc làm nhạc về quân đội. Vì chú là người lính và vì ý thức mà chú viết thôi. Chú có nguyên một tập đến khoảng 40 bài viết cho quân đội. Có những bài không có tựa đề là lính, người ta hát hoài, không để ý chứ nội dung có người lính trong đó, như bài “Biết đến bao giờ”, “Bức tâm thư” v..v..

Hỏi: Sau năm 1975, bài hát “Thành phố buồn” bị liệt vào danh sách bài hát cấm lưu hành của chính quyền mới do có nội dung “ủy mị”. Chú nghĩ sao về chuyện này?

Đáp: Họ nói gì thì nói, bài hát “Thành phố buồn” hiện là bài hát ăn khách và chạy nhất trong nước. Bây giờ các ca sĩ nổi tiếng trong nước hay hát và thu băng. Tác giả Nguyễn Ngọc Giang có viết, “Trong các bản nhạc viết về Đà Lạt thì bài hát “Thành phố buồn” là một trong những bài hát có nét độc đáo riêng. Bài hát viết về Đà Lạt nhưng không có một từ nào trong bài có chữ “Đà Lạt”. Đây là kĩ thuật miêu tả gián tiếp rất khó. Cố nhạc sĩ thiên tài Trịnh Công Sơn cũng đã từng sử dụng kĩ thuật miêu tả gián tiếp này trong bài hát “Diễm xưa” để viết về xứ Huế mơ mơ thực thực. Kĩ thuật này cho đến nay vẫn hiếm người sử dụng thành công trong thơ, trong nhạc. Chính vì thế, bài hát “Thành phố buồn” có một dấu ấn không thể thay thế trong lòng bạn nghe nhạc.”

Hỏi: Nội dung bài này nói đến cuộc chia ly của một đôi tình nhân trẻ, có người bảo chú nghe và kể lại câu chuyện ấy, nó có thật ?

Đáp: Chỉ là hư cấu, tưởng tượng thôi. Chú sống về tưởng tượng nhiều lắm.

Hỏi: Chú là một nhạc sĩ sáng tác có được một tài sản âm nhạc trên 200 Nhạc của chú được nhiều người biết tới, hát và vẫn tiếp tục thích hát từ năm 1952 cho tới nay. Qua 65 năm âm nhạc thăng trầm, chú lại kẹt vào hoàn cảnh không còn sáng tác được, chú có buồn, thất vọng vì sự bất lực? hay chú vui vì sự nổi danh của trên 200 bản nhạc và cho thế là đủ?

Đáp: Dĩ nhiên là sung sướng, hãnh diện vì mình làm được một chuyện gì thành công để tự mình an ủi cho cá nhân mình trong hoàn cảnh hiện tại. Tuy nhiên đối với âm nhạc thì không bao giờ là đủ. Chú nghĩ nếu còn sức để làm nhạc thì đó là chuyện mơ ước khác. Bây giờ mỗi lần phải suy nghĩ đầu chú bị đau nhức nên chú ngừng không suy nghĩ nữa và không dám suy nghĩ nhiều. Cho chú gởi lời cảm ơn đến tất cả các vị đã có lòng thương mến chú bấy lâu nay.

Trịnh Thanh Thủy


Lời bài nhạc “Rừng xưa” của Lam Phương

Người về đâu hỡi người về đâu?
Có nhớ chăng một chiều bên suối mơ ?
Nghe gió cuốn mây trôi về nơi xa tít chân trời:
Tình đã trao không lời .

Rồi mùa thu thương tiếc quá .
Anh nỡ đi trong lòng hoa xác xơ
Ôi thắm thoát trôi qua
mười năm quá xa
mà tình mãi còn vương

Bao năm qua người ơi
mang tin yêu cho đời
Mong có ngày đoàn viên
giữa núi reo triền miên,
Về với em nghe nắng mai chan hòa,
nghe lúa vàng dâng tràn đầy hương yêu .

Người về đâu hỡi người về đâu?
Đây ước mơ của miền Nam mến yêu
Tha thiết đến tin anh về bên mái ấm gia đình
tìm hạnh phúc ngày qua

Lời bài nhạc “Chuyện buồn ngày xuân” của Lam Phương

Sao anh đành bỏ em để ra đi một mình
Giữa đêm Xuân lạnh lùng
Chim xa bầy còn thương tổ ấm
Huống chi người tội lắm anh ơi

Xuân năm nào có nhau mình chung ly rượu đào
Mùi quê hương thơm ngạt ngào
Nhưng bây giờ người đi kẻ nhớ
Đến bao giờ lòng hết bơ vơ.

ĐK:
Trùng dương sóng gào đưa anh vào tương lai mờ tối
Em biết anh vì xôn xao trong phút giây kinh hoàng
Đời anh đâu muốn phụ phàng
Nhưng tình vẫn ngăn đôi
Khi bước chân lên tàu
Là ngàn năm ta chia phôi

Thương anh em mới biết đêm dài
Mưa hay nước mắt tuôn trào vì anh…
Em xin dành trái tim đã yêu anh nồng nàn
Khắc tên anh đời đời
Mai cho dù ngàn năm sau còn nhớ
Đến câu chuyện buồn của đôi ta .

Nguồn: https://vietbao.com/a265557/ngay-nhac-si-lam-phuong-80

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây