Hoàng Thanh
17/03/2011
Nhạc sĩ Lam Phương tại tư gia ngày 23-2-2011 – ảnh: Vincent Thái/Viễn Đông
Bước ngoặc buồn
– Chú có thể chia sẻ chút về lý do vì sao chú phải ngồi xe lăn, được không chú?
– Dĩ nhiên là được rồi. Chú LP cười. Thú thiệt, từ hồi rời Việt Nam cho tới lúc đổ bệnh, chú chưa hề đi check up (khám sức khỏe hằng năm) lần nào cả. Tính chú thì lè phè, với lại đâu có bệnh hoạn gì mà đi. Từ năm 1997 hay 1998 gì đó thì một vài bạn bè có nói là “Sao anh đi xiêu vẹo quá vậy? Có sao không ông?”. Chú cứ cười hề hề, thầm nghĩ chắc mình mệt trong người thôi. Chú còn nhớ có lần trong một nhà hàng, lúc đứng dậy trả tiền thì chú xây xẩm cả mặt mày, nhưng mau lắm, chỉ chừng 1, 2 giây thôi. Lần đó chú tìm gặp anh bạn bác sĩ, anh này đo huyết áp, thấy hơi cao, nhưng bảo chú là không sao, còn nói đùa là “Anh về nghỉ ngơi đi, đừng có sáng tác nhiều quá”.
Rồi thì ngày hôm đó, chú còn nhớ, 13-3-1999, chú đến nhà người bạn ăn cơm. Lúc lên thang lầu, mới bước có 3 nấc thang, thì chú bỗng thấy đất trời tối đen. Chú lật đật ngồi sụp xuống, hai tay nắm chặt thành cầu thang và tự nhủ: “Mình phải ráng không được té, té một cái là tiêu tùng cho coi”. Thế là chú ngồi đó chừng 30 giây, thì hết mệt. Lát sau khi chú trở xuống thang lầu thì cả người nghe bơ phờ quá, như không còn chút sức lực nào cả, người cứ rã rời không tả được, chỉ muốn quỵ xuống, và không còn chịu nổi nữa. Chú biết là nguy rồi nên bảo người bạn chở dùm vào nhà thương gấp.
Ngồi trong xe, chú thấy hai môi mình tê cứng, còn hai chân thì không sao duỗi ra được, chỉ trừ cái đầu thì còn tỉnh táo mà thôi. Người bạn chở chú vô bệnh viện Fountain Valley vào buổi trưa, nhân viên cứ tỉnh queo cho mình ngồi chờ theo thứ tự, mặc dù lúc đó chú đã biết là không xong rồi. Tay chân đã cứng ngắc, vậy mà họ vẫn cho mình chờ hơn tiếng đồng hồ, suốt thời gian đó chú mệt vô cùng, hoàn toàn kiệt sức. Đến chiều thì họ gọi vô, thấy bệnh trạng chú thê thảm quá thì bác sĩ cho chụp scan bộ não và cho nhập viện ngay. Chú nằm trên giường, tự hỏi không biết là mình sẽ chết hay bị liệt người. Gần tối thì chú không còn biết gì nữa cả.
Và rồi thì – chú Lam Phương pha trò – Rồi thì…
Sớm mai thức giấc
Nhìn quanh một mình…
Nắng xuyên qua lá
Hạt sương lìa cành
Đời mong manh quá
Kể chi chuyện mình…
Sáng trưa khuya tối
Nhìn quanh một mình
Chỉ vì đời mình
Chưa có bình minh…
(Một Mình – LP)
Mở mắt ra thì hỡi ôi, đời mình chẳng còn có bình minh. Chú nhận ra đang nằm một mình trong căn phòng với tấm drap giường trắng toát. Cái tíc tắc khi nhận ra rằng mình còn sống, ngay lúc đó trong đầu chú chỉ có mỗi một ý nghĩ “Lạy Trời Con Được Bình Yên” (*). Nhưng khi cố thử và nhận ra là mình không nhấc tay, không cử động chân, không nói như bình thường được và cả nửa thân người hoàn toàn không sao nhúc nhích được, chú “Nghẹn Ngào” (*) vì biết rằng đời mình đã đến lúc “Chiều Tàn” (*). Cô y tá chạy vô, hỏi thăm chú cảm thấy thế nào. Lát sau thì bác sĩ bước vào và cho biết là chú đã bị stroke và vì không được chữa trị kịp thời nên không may đã bị liệt nửa người, bên phải.
– Khi nghe thế, chú nghĩ gì?
– Đau xót lắm cháu à. Mặc dù trong thời gian dài ngồi chờ đợi, chú đã mơ hồ linh cảm rằng điều đó sẽ đến, vậy mà khi nghe câu nói ấy, chú không khóc nổi mà nước mắt cứ tự động lăn dài…
… Trời cao có thấu
Cúi xin người ban phước cho đời con…
(Kiếp Nghèo – LP)
Chú chỉ tiếc rằng, ước gì lúc nãy trước khi hôn mê là “Phút Cuối” (*) của cuộc đời, thì bây giờ mình sẽ không phải sống những chuỗi “Ngày Buồn” (*) đăng đẳng trước mặt,
Để đêm trường nghe tiếng thở dài,
Thà cuộc đời im trong lòng đất…
(Lầm – LP)
Cả mấy ngày liền, chú không ăn ngủ được. Cái buồn từ đâu cứ kéo nhau tìm đến. Và rồi tự dưng chú không còn khóc nổi nữa, bởi chú biết là đã “Một Đời Tan Vỡ” (*). Chú nào ngờ rằng đoạn cuối cuộc đời mình lại kết thúc bằng cảnh bán thân bất toại. Nằm ở nhà thương gần 2 tuần, họ chuyển chú qua một bệnh viện khác ở Fullerton chuyên trị liệu vật lý cho các bệnh nhân bị tai biến mạch máu não. Hơn hai tháng tập đi, tập nói (vì miệng chú bị méo một bên nên nói không rõ tiếng và rất khó khăn) thì họ cho về nhà vì “hết thuốc chữa” – Chú Lam Phương lại pha trò – Thế là chú biết mình sẽ có những “Chiều Hoang Vắng” (*) “Một Mình” (*). Ngày xưa còn trẻ thì chú sáng tác Kiếp Nghèo, giờ già rồi thì ông trời tặng cho chú Kiếp Người, thôi thì cứ xem là “Duyên Kiếp” (*).
….
Buồn vui gần bốn mươi năm viết nhạc
– Hơn ba mươi năm ở xứ người, chú buồn hay vui nhiều hơn?
– Cuộc đời là nhiều chuỗi buồn vui đan kẽ nhau, cháu ạ. Lúc còn học trung học, chú sáng tác nhiều nhạc lắm, trong đó hai tác phẩm Kiếp Nghèo và Đèn Khuya nói lên được nỗi buồn lo của chú. Đó là thời gian chú và gia đình cơ cực, bần cùng nhất. Khi đó chú chỉ có mơ ước duy nhất là có một chỗ cho mẹ và các em ở qua ngày. Vì sống trong cơ cực nên tư tưởng bi quan đã hằn sâu trong đầu óc chú, và từ đó thể hiện trong rất nhiều tác phẩm trong thập niên 60, 70.
Rồi khi đã thành danh, chú sáng tác liền tù tì như một đam mê, vì đó là thời vàng son nhất của chú. Khi ấy chú vui lắm, nên bài nào chú viết cũng vui, và chứa chấp đâu đó niềm lạc quan, phấn khởi. Nhưng phải nói thật rằng thời gian ấy, chú viết nhạc theo thị hiếu của thính giả nhiều hơn. Những bản nhạc của chú có số bán rất chạy vào cuối thập niên 50 như Sầu Cố Đô, Bức Tâm Thư, Đoàn Người Lữ Thứ, Lá Thư Miền Trung.
Khi xa quê hương, cuộc sống chú có rất nhiều thay đổi. Trong thời gian ở Paris, khung cảnh mới lạ mang tính chất lãng mạn của thành phố đó đã mang lại cho chú rất nhiều cảm xúc thật sự của một nhạc sĩ và đã ảnh hưởng sâu xa đến dòng nhạc của chú. Hằng loạt tác phẩm ra đời tại đây, và đa số là các bản mà chú khá ưng ý. Chú cảm thấy thoải mái hơn trong việc sáng tác và có dịp sống thật với chính mình .Trong thời gian này, nhiều nhạc phẩm đã ra đời như: Mùa Thu Yêu Đương, Tình Hồng Paris, Cho Em Quên Tuổi Ngọc.
Rồi những lúc tình duyên không tròn vẹn, chú buồn, và vì thế mà nét bi quan lại hiện ra trong một số bài như Tôi Đã Lầm Đưa Em Sang Đây. Khi cuộc hôn nhân tan vỡ, lời nhạc của chú không dấu được điều đó và hiện rõ nét chua xót như bài Tình Vẫn Chưa Yên. Sau sự đổ vỡ này, chú đã sống những chuỗi ngày thật đau khổ. Cũng nhờ đó mà nhiều sáng tác khác ra đời, như Một Đời Tan Vỡ.
Sau đó, chú tìm được nguồn an ủi trong một cuộc tình mới. Thế là những nhạc phẩm như Từ Ngày Có Em Về, Tình Đẹp Như Mơ ra đời.
Từ sau ngày bị nạn, có nhiều thời gian ngẫm nghĩ lại, chú nhận ra là người nghệ sĩ, hay nhạc sĩ nói riêng, sống bằng ký ức và trái tim nhiều lắm. Cứ nghe những sáng tác của họ là mình có thể biết ngay rằng họ đang buồn hay vui, hạnh phúc hay đau khổ. Trái tim chú không biết nói dối. Tình cảm và cảm xúc cứ tự nhiên tìm đến, có lúc ào ạt, dạt dào, có khi dịu dàng, bay bổng, và bàn tay chú chỉ có mỗi một việc là ghi chép lại mà thôi.
Nỗi đau của người nhạc sĩ
– Từ khi bị liệt đến giờ, chú có còn sáng tác được không?
– Buồn nhất là chú bị liệt bên phải, thành thử không cầm viết được, thì làm sao có thể ghi lại những nốt nhạc vừa bật lên trong đầu. Ý tưởng nó đến nhanh lắm, và khi nó đến, mình phải đặt bút xuống viết ngay, chứ nếu mà ngồi đọc cho ai khác ghi lại thì coi như … “Em Đi Rồi” ( * ) – Chú lại pha trò – Ý tưởng nó đã vỗ cánh bay xa…
Tôi nhìn xuống bàn tay phải của chú Lam Phương với các ngón hơi co quắp lại, cử động vô cùng khó khăn. Thấy thương cho người nhạc sĩ tài hoa, và tự dưng khiến tôi liên tưởng đến một bài hát của chú:
Nhớ thương chiều nao
Nhớ đôi bàn tay…
Bàn tay vừa đi vào mộng ai
(Thuyền Không Bến Đỗ – LP)
– Thế từ đó đến giờ, chú ngưng sáng tác luôn?
– Chú có viết bản “Hạnh Phúc Mang Theo” năm 2003. Bài hát này chú viết bằng tay trái. Hôm ấy ngồi nhà buồn quá, chú cứ nhớ về kỷ niệm, chợt nhận ra cuộc đời luôn đầy những hạnh phúc lẫn thương đau. Bởi vậy chú chỉ mong mai này khi ra đi, mình mang theo được tất cả những buồn vui ấy, để những người ở lại sẽ chẳng còn gì phải luyến lưu…
Xưa có nhau duyên không tròn lối
Nay lẻ loi duyên mãi xa vời
Biết bao giờ kỷ niệm cho nguôi…
Từng đêm dài ai hay
Lời mặn nồng bên tai…
Ước mơ thầm xa xưa
Tàn dần theo khói mờ…
(Hạnh Phúc Mang Theo – LP)
Chấp nhận
– Mấy năm đầu khi mới bị liệt, chắc chú buồn nhiều lắm? Chú làm gì, nghĩ gì trong khoảng thời gian này?
– Buồn chứ cháu. Con người ai mà không buồn khi bị như vậy, nhất là chú lại là một người rất nhiều cảm xúc. Có những giây phút “Một Mình” (*), nỗi buồn cứ ào ạt kéo đến, mà không thể nói được cùng ai, và chú khóc…
Đời buồn như chiếc lá
lặng lẽ trên sông dài
làm sao tôi quên được niềm đau
Ai đã đem mong chờ
cho thuyền không thấy bờ
Để riêng tôi chiều nay
thẫn thờ…
(Thuyền Không Bến Đỗ – LP)
Rồi lại có những đêm dài trằn trọc hoài không sao ngủ được, chú nhớ kỷ niệm, chú buồn tình đời, chú lại khóc…
Không biết đêm nay vì sao tôi buồn
Buồn vì trời mưa hay bão trong tim
Đã mấy thu qua tôi vẫn đi tìm
Để rồi buồn ơi! Nghe tiếng mưa đêm…
(Đèn Khuya – LP)
Đã bao nhiêu lần trong đêm khuya tĩnh mịch chú cứ nằm cầu nguyện, ước chi mình đừng thức dậy, “thà được nằm im trong lòng đất”, còn bằng không cầu mong mình sẽ có được ngày mai tươi sáng hơn, thế mà nỗi buồn cứ dấu chặt trong tim không biết tỏ cùng ai…
… Và một ngày mai
Mưa không nghe tiếng khóc trong đêm dài
Đây những nỗi niềm
Biết ngày nào ai thấu cho lòng ai?
(Kiếp Nghèo – LP)
– Thế nhưng nhiều người bảo rằng bây giờ chú lạc quan lắm, mà cháu cũng thấy vậy. Mười hai năm ngồi trên xe lăn, điều gì đã khiến chú thay đổi từ chán nản, buông xuôi lại trở thành một người có óc hài hước và thích pha trò?
– Phải tập chấp nhận cháu à. Khi xưa cơ cực quá, chú lúc nào cũng muốn vươn lên để thoát khỏi cái nghèo. Và chú đã thắng nó, và thoát được ra khỏi “Kiếp Nghèo”(*). Nhưng sau biến cố 75, chú qua xứ người với hai bàn tay trắng. Phải làm lại từ đầu ở tuổi trung niên, khó hơn nhiều lắm. Và rồi tình đến tình đi, chú nhận ra rằng không có gì là vĩnh cửu và cuộc đời luôn mang đến những bất ngờ ngoài ý muốn. Cơn tai biến mạch máu não đã dạy chú biết chấp nhận mọi sự việc để mà vui sống. Giờ đây chú an phận và không đòi hỏi bất cứ điều gì.
Tình yêu và âm nhạc
– Thế âm nhạc có giúp gì cho sức khỏe của chú không?
– Có chứ. Cuộc đời chú gắn liền với âm nhạc. Ngay cả bây giờ, ngày nào chú cũng nghe nhạc. Chú mang cái iPod bên mình, ngày cũng nghe, tối trước khi ngủ cũng nghe. Chú nghe nhạc của mình sáng tác, của các nhạc sĩ khác, nhạc nhẹ, nhạc êm dịu, và nghe nhạc là một cách giúp cho tâm chú bình an.
– Thế âm nhạc có ảnh hưởng gì đến trái tim của chú hay không?
– Dĩ nhiên rồi. Khi xưa chú yêu nhiều lắm. Tình yêu đã mang đến cho chú nhiều ý tưởng để viết ra những bản nhạc mà chú khá ưng ý. Cả niềm vui lẫn nỗi đau trong tình yêu chú đều thổ lộ qua nốt nhạc. Nhưng bây giờ thì có lẽ tim chú chai rồi – Chú cười – nên những ý tưởng tình yêu ít còn xẹt đến trong đầu…
– Hôm nọ trên sấn khấu, chú có nói là “Giờ thì cũng yêu mà yêu yếu xìu” kia mà, “Giờ thì cũng yêu mà yêu còn có chút xíu”, chú nhớ hôn?
– Đúng, giờ chú sống và vui vì tình yêu của khán giả. Mỗi lần đi show là chú vui lắm, thấy mọi người không quên mình, nghe nhạc của mình viết, ngồi bên trong hậu trường chú khóc. Thế mới biết là trái tim già này vẫn chưa khô…
Âm nhạc, sức khoẻ và trái tim…
– Thế chú có điều gì muốn chia sẻ với hằng trăm triệu người Việt Nam, qua nhiều thế hệ, đã, đang và luôn yêu nhạc Lam Phương?
– Chú chỉ rành về âm nhạc, còn về các lãnh vực khác thì chú mù tịt. Nhưng thôi chú muốn nói như thế này: Mỗi người chúng ta cần quan tâm đến sức khoẻ của mình. Nhớ đi check up hằng năm và gặp bác sĩ ngay khi phát hiện có bất cứ dấu hiệu nào không bình thường, dù rằng rất nhỏ, chứ đừng như chú mà cứ cho là “hổng sao”, đến khi “có sao” thì sẽ là “Ngày Buồn” (*) hay “Phút Cuối” (*) rồi đó. Điều kế tiếp chú muốn nhắc nhở rằng đừng ai dại dột mà lầm như chú. Cháu biết bài “Lầm” chứ hả? Bản này chú viết lâu rồi, nhưng từ hôm vào nhà thương thì chú sửa lại như thế này: “Tôi đã lầm không kêu nai quanh quanh (911). Chỉ bởi vì sai lầm đi vào bệnh viện bằng xe nhà nên chú phải chờ đợi quá lâu mới ra nông nỗi này”.
Kế nữa chú muốn chia sẻ rằng con người ai cũng có trái tim, biết yêu, biết ghét, biết đau, biết buồn. Nhưng nếu chẳng mang bị bệnh, thì hãy can đảm chấp nhận và phải tập làm chủ con tim mình. Đừng để các cảm xúc cao độ tự do dâng trào mà sẽ không tốt cho sức khỏe. Chú đang tập sống, vẫn yêu nhưng biết làm chủ trái tim. Chú cũng già rồi, nhưng bây giờ có nhìn lại cả quãng đời qua, với đủ buồn vui, hỉ nộ ái ố, chú không oán trách ai, và cũng không muốn làm phiền một ai, ngay cả những nguời thân nhất…
Điều cuối cùng chú muốn nói, đó là lợi ích của âm nhạc đối với sức khỏe. Tuổi trẻ và người già có sở thích và cách nghe nhạc khác nhau. Khi xưa chú dùng âm nhạc như một phương tiện để bày tỏ nỗi lòng mình. Giờ đây âm nhạc mang đến cho chú những phút giây thoải mái và thư giãn. Nhất là những người gần “quá đát” cỡ như chú thì chỉ nghe nhạc thôi cháu, đừng suy nghĩ quá nhiều trong khi nghe, cũng đừng buồn vui quá đà theo lời bài hát, bởi vì ngay chính người nhạc sĩ khi viết những lời nhạc ấy, họ cũng chỉ biểu lộ cảm xúc của mình trong một chặng đời của họ mà thôi, mà cuộc đời là một dòng chuỗi mãi lăn trôi và luôn luôn thay đổi.
Ngày hạnh phúc…
Nhạc sĩ Lam Phương hiện đang ở chung với vợ chồng cô em gái cùng con cháu. Tôi có hỏi chị Minh Khai, người em út nhỏ hơn anh cả 18 tuổi, vài kỷ niệm về người anh nhạc sĩ tài hoa, chị đáp: “Anh Phùng là anh cả, anh thương các em lắm, anh không bao giờ rầy la một tiếng, vậy mà đứa nào cũng sợ anh, sợ anh buồn, anh lo, anh cực. Anh Hai thật sự là nguời mẹ thứ hai của mấy chị em mình. Nhớ ngày xưa mẹ và 6 anh em sống chung nheo nhóc trong khu xóm nghèo nàn, một tay anh Hai lo. Sau này cũng lại nhờ anh Hai mà mẹ cùng gia đình được dọn vào ở trong căn nhà theo đúng nghĩa là nhà. Mấy chị em mình ai cũng thương anh Hai vì giàu nghèo gì anh cũng lo lắng chu đáo cho các em. Năm 1999 khi nghe tin anh bị tai biến mạch máu não, mình và chồng con bay qua Mỹ ngay để lo chăm sóc cho anh. Đến chừng hay tin là anh bị liệt nửa người vĩnh viễn, thì gia đình mình quyết định giã từ Paris mà qua Mỹ sống để lo lắng cho anh. Bởi vì cả đời anh đã cực khổ vì mẹ và các em”.
Chị cũng cho biết là hai cô con gái của nhạc sĩ Lam Phương rất quan tâm và thường xuyên thăm hỏi cha – người đã viết nên những dòng chữ yêu thương con tha thiết:
Đêm về nghe con khóc vui triền miên
(Ngày Hạnh Phúc – LP)
Bé Nguyễn Phúc Thiên An, cháu ngoại chị Minh Khai, tuy mới 2 tuổi nhưng đã thuộc và ca vanh vách các bài của ông cậu Lam Phương. Bé khoe: “Mai mốt lớn lên con sẽ làm ca sĩ và sẽ hát toàn nhạc Lam Phương cho ông cậu nghe, mà mỗi lần con trình diễn thì ông cậu không cần mua vé đâu, con sẽ dành cho ông cậu vé VIP ngồi gần sân khấu nhất. Ông cậu nói ông cậu vui, chứ con thấy có nhiều lúc ông cậu buồn. Mà hễ ông cậu buồn, con liền hát bài ‘Thành Phố Buồn’ (*) thì ông cậu vui ngay”. Tôi mừng, vì tôi hiểu rằng ít ra nhạc sĩ Lam Phương có được những “Ngày Hạnh Phúc” (*) cuối đời.
Tôi bảo chú rằng tôi mong sẽ còn được gặp lại chú trong các show diễn “Nhạc Lam Phương” lần thứ 5, 6 và thậm chí thứ 10. Chú cười: “Xem hoài người ta chán, cháu ơi”. Tôi đáp: “Có bao giờ show Lam Phương mà không bán hết vé đâu chú?”. Rồi tôi chọc khi nhại lại lời hát của tác phẩm để đời của chú “Không ai lầm khi làm show Lam Phương”, khiến hai chú cháu cười thật vui…
Khi chào chú ra về, chú ráng đứng dậy tiễn tôi. Tôi bảo: “Chú cứ ngồi đi. Nhớ hôm nào trên sân khấu, chú ngồi và hằng ngàn khán giả đã đứng. Mong chú hiểu rằng danh dự đó không phải ai cũng có được, mà bởi vì chú là một nhạc sĩ lớn của nền âm nhạc Việt Nam”. Chú cười và nắm tay tôi, bằng bàn tay trái. Còn tôi thì nắm lấy bàn tay phải của chú, với những ngón co quắp đã từng viết nên những tác phẩm làm xao xuyến trái tim của bao thế hệ.
Bước ra xe, tự dưng tôi nhớ câu nói của một danh nhân nào đó: “Không âm nhạc, đời sống là một lỗi lầm”. Cám ơn nhạc sĩ Lam Phương đã trao tặng cho đời những dòng nhạc bất hủ…
Hoàng Thanh
Chú thích: (*) Tên các tác phẩm của nhạc sĩ Lam Phương.
Nguồn: Viễn Đông – 17/03/2011