Lam Phương [3] : Thoát nghèo nhờ ‘Kiếp nghèo’

Nguyễn Thanh Nhã
2019


Nhạc sĩ Lam Phương thời trẻ. Ảnh gia đình cung cấp.

Lam Phương mới có vài nhạc phẩm cũng có chút danh tiếng nhưng về thu nhập cũng chưa đáng là bao so với đời sống ở phố thị đắt đỏ. Trong sinh hoạt thường nhật, tuy là một nghệ sĩ, nhưng Lam Phương khá chừng mực trong chi tiêu. Một phần vì tuổi còn trẻ, phần khác vì xuất thân quê kiểng, Lam Phương không hút thuốc lá, không uống rượu hay tụ tập ở các tụ điểm, quán bar như các nghệ sĩ đương thời.


Giữa năm 1954, những cơn mưa Sài Gòn trĩu nặng phủ kín phố phường, Đa Kao bị ngập úng nặng nề. Dòng kênh Nhiêu Lộc nước lé đé xóm Vạn Chài vốn chỉ được cơi nới bằng gỗ tạp, tạm bợ trên kênh. Lam Phương phờ phạc người, đạp xe về xóm trọ, thấy trước hiên nhà, má mình đang loay hoay hứng nước mưa.

Căn gác ọp ẹp hiện ra trước mắt người nhạc sĩ trẻ tuổi như một cảnh sống tối tăm của những phần đời mong manh, trôi nổi. Lam Phương đã nhẩm những nốt đầu tiên trong bài Kiếp nghèo. Có thể nói, đời sống khốn khó cơ cực từ khi mới lọt lòng cho đến lúc tha phương cầu thực đã được chàng nhạc sĩ nghèo viết xuống một cách giản dị và tự nhiên trên một giai điệu duy tình:

Đường về đêm nay vắng tanh, rạt rào hạt mưa rớt nhanh
Lạnh lùng mưa xuyên áo tơi, mưa chẳng yêu kiếp sống mong manh
Lầy lội qua muôn lối quanh, gập ghềnh đường đê tối tăm
Ngập ngừng dừng bên mái tranh nghe trẻ thơ thức giấc bùi ngùi.
Êm êm tiếng hát ngân nga ôi lời mẹ hiền ru thiết tha
Không gian tím ngắt bao la như thương đường về quá xa
Mưa ơi có thấu cho ta lòng lạnh lùng giữa đêm trường
Đời gì chẳng tình thương không yêu đương.
Thương cho kiếp sống tha hương thân gầy gò gởi cho gió sương
Đôi khi muốn nói yêu ai nhưng ngại ngùng đành lãng phai
Đêm nay giấy trắng tâm tư gởi về người chốn mịt mùng
Đời nghèo lòng nào dám mơ tình chung.
Trời cao có thấu cúi xin người ban phước cho đời con
Một mái tranh yêu, một khối tình chung thủy không hề phai
Và một ngày mai mưa không nghe tiếng khóc trong đêm dài
Đây cả nỗi niềm biết ngày nào ai thấu cho lòng ai.

Lần đầu tiên nghe Kiếp nghèo của Lam Phương – thế hệ nhạc sĩ đàn em và là học trò, nhạc sĩ Lê Thương đã phải thốt lên: “Người ta chỉ có thể dạy nhau kỹ thuật âm nhạc. Không ai có thể dạy nhau nghệ thuật sáng tác được. Cảm xúc mới là thứ quan trọng nhất để làm nên bản nhạc”.

Hồi tưởng lại những ký ức xót xa, Lam Phương kể về tuổi mười bảy mưa chan nước mắt:

“Tôi viết bài Kiếp nghèo trong hoàn cảnh hoàn toàn thật của tôi lúc đó. Viết bằng rung động chân thành, và lần đầu tiên tôi viết bài Kiếp nghèo bằng những dòng nước mắt… Lúc đó tôi còn trẻ lắm, khoảng 1954, sau khi tôi bán được bài Trăng thanh bình đầu năm 1953, tôi để dành được một số tiền, mua một chiếc xe đạp để di chuyển đến trường học.

Nhà tôi ở Đa Kao. Thường thường muốn về Đa Kao phải đi qua con đường Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ). Con đường Phan Thanh Giản cây cối um tùm. Khoảng ngang trường Gia Long không có một căn nhà nào… Đêm đó, tôi chẳng may gặp một trận mưa rất to, không có nơi để trú mưa, đành phải đi dưới mưa để tìm ‘thú đau thương’.

Lúc đó, tôi thấy mình thật cô đơn, thấy mình bé nhỏ và hình như bị đời ruồng rẫy đến vô tình. Tôi đi mãi cho tới khi về nhà, không kịp thay quần áo, ôm cây đàn và cứ thế viết về kiếp nghèo, về phận bạc của mình”.

Lam Phương mất một tuần để chỉnh sửa lời và giai điệu cho Kiếp nghèo trước khi công bố ra công chúng thông qua hợp đồng xuất bản tờ nhạc với Nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam. Đây là nhà xuất bản do ông Tăng Duyệt, một người Huế gốc Quảng Đông, Trung Quốc sáng lập và làm chủ; có chủ trương được ghi trang trọng ở các bìa 4 của tờ nhạc: “Để biểu dương một nguồn âm nhạc Việt Nam mới – trên nền tảng văn hóa và nghệ thuật – Nhà xuất bản Tinh Hoa đã và sẽ lần lượt trình bày những nhạc phẩm chọn lọc giá trị nhất của các nhạc sĩ chân chính với một công trình ấn loát mỹ thuật để biếu các bạn yêu âm nhạc góp thành một tập nhạc quý”.

Và tờ nhạc Kiếp nghèo năm 1954 đã là một “công trình ấn loát mỹ thuật” với lối vẽ minh họa lập thể đầy sáng tạo của một trong những họa sĩ tài hoa bậc nhất miền Nam bấy giờ: họa sĩ Duy Liêm. Một trong những ca sĩ ăn khách bậc nhất trên trang bìa tờ nhạc Tinh Hoa Miền Nam chính là ca sĩ Thanh Thúy, người đầu tiên thể hiện ca khúc Kiếp nghèo với tiếng hát liêu trai, khiến người nghe có thể bật khóc được nếu nghe trong một quán trọ giữa đêm khuya thanh vắng. Ca sĩ “tiếng sầu ru khuya” Thanh Thúy đưa Kiếp nghèo nhanh chóng phủ khắp Sài Gòn thông qua sóng phát thanh và dĩa nhựa của hãng Shotguns. Chưa dừng lại ở đó, giọng ca Thanh Tuyền tiếp nối đàn chị đưa bản nhạc trở thành bài hát thịnh hành bậc nhất những năm 1960 ở miền Nam.


Lam Phương tâm sự, chỉ với bài Kiếp nghèo, ông đã mua được ngôi nhà khang trang cho má mình ở cư xá Lữ Gia. Gia đình nhạc sĩ tiết lộ giá trị ngôi nhà thời điểm đó là 40 cây vàng. Năm 1960, “nhạn trắng Gò Công” – ca sĩ Phương Dung – đi hát ở mỗi phòng trà được cát-xê là 35.000 đồng/tháng, trong khi vàng chưa tới 30.000 đồng/cây. Trong khi đó, với Kiếp nghèo, Lam Phương thu tiền bán bản quyền lên tới 1.200.000 đồng để mua nhà cho má và các em.

Kiếp nghèo đã đưa nhạc sĩ nhập cư Sài Gòn thoát nghèo!

Nguyễn Thanh Nhã

Nguồn: trích từ “Lam Phương – Trăm Nhớ Ngàn Thương”, NXB Phụ Nữ, 2019

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây