Nguyễn Thanh Nhã
2019
Lam Phương thời mới viết nhạc. Ảnh tư liệu gia đình.
“Cay đắng lắm! Người ta nói thẳng: Tôi không biết cậu là ai. Rồi đến cái tiệm bán tờ nhạc ở lề đường cũng nói qua loa: Cậu cứ để đó, bán được bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu. Tôi nghĩ về khoản nợ 200 đồng bạc đi mượn mà xót xa”.
Đó là những lời tâm sự về hoàn cảnh tự mình phát hành tờ nhạc mà đến cuối đời Lam Phương vẫn không quên. Theo đó, Lam Phương đã mượn 200 đồng từ một người bạn học khá giả rồi tự liên hệ nhà in để in bản Chiều thu ấy, rồi tự đi phát hành trên khắp phố phường Sài Gòn.
Thất bại đầu đời với số nợ 200 đồng, Lam Phương tìm về ký ức quê hương như một điểm bấu víu cho cõi lòng bẽ bàng của ngày đầu sáng tác.
Thời điểm những năm 1950, miền Nam vẫn còn bình yên. Và như trước cơn bão lớn của các chiến sự sẽ nổ ra nhanh chóng sau đó, sự yên ả vốn có của miền Nam tiếp tục đi vào nhạc Lam Phương. Giai đoạn này Lam Phương vẫn tiếp tục sáng tác, lại mượn tiền bạn đi in, đi làm thuê lao động chân tay để có tiền trả nợ, rồi lại tiếp tục đi bán nhạc lẻ…
Đỉnh điểm của món nợ vay lên đến 600 đồng! Nếu lấy đồng tiền Đông Dương làm thước đo giá trị cho những năm 1950 khi đồng tiền này còn lưu hành, thì qua lời kể của nhà văn Vũ Bằng trong cuốn Bốn mươi năm nói láo sẽ thấy đây là số tiền không nhỏ. Thời điểm này, Vũ Bằng viết, tờ Vịt Đực của ông vì châm chọc vua Bảo Đại mà phải nhận trát hầu tòa. Muốn phản tố phải nộp cho tòa án 1.000 đồng mà cả tòa soạn báo Vịt Đực đã không thể nào xoay xở được dẫn đến việc tờ báo phải đóng cửa.
Nhưng với bầu nhiệt huyết lạ lùng, Lam Phương vẫn đi vay tiền để in tờ nhạc, những mong có ngày sẽ thu được số tiền trả nợ. Năm 1954, trước thời điểm xảy ra sự kiện Hiệp định Genève, Lam Phương đánh dấu sự nghiệp âm nhạc của mình bằng bản Khúc ca ngày mùa.
Ngay khi bản nhạc xuất hiện, Lam Phương trở thành làn gió mới của âm nhạc miền Nam. Bản Khúc ca ngày mùa được báo chí Sài Gòn miêu tả là đã đưa tên tuổi Lam Phương từ bóng tối ra khung trời rực rỡ. Độ phổ biến của bài hát được ghi nhận vào năm 1954 là lan tỏa từ thành thị đến nông thôn, từ sân trường đến trại lính, từ công xưởng đến những người bán hàng rong vỉa hè…
Năm 1956, thành phố Sài Gòn đón những đợt di cư mới từ miền Bắc. Trong số đó, giới nghệ sĩ tinh hoa và trung lưu mới nhập cư đã góp phần tạo nên một khí hậu văn hóa khác biệt, một thị trường tiêu thụ sản phẩm văn hóa sôi động, từ sách báo xuất bản đến mỹ thuật, âm nhạc.
Từ một chàng trai vô danh, Lam Phương được các nhà xuất bản chào đón bằng những bản hợp đồng in nhạc để có bản quyền in Khúc ca ngày mùa. Lam Phương không giấu được niềm xúc động đến rơi nước mắt, như lời mô tả trên báo Sài Gòn Mới số ra ngày 26/3/1956 của ký giả Ngọc Huyền-Lan thì bản nhạc đã được tái bản tới lần thứ bảy. Chỉ với Khúc ca ngày mùa, ký giả này không ngại khẳng định, Lam Phương đã sánh ngang với các nhạc sĩ tiền bối mà tên tuổi đã thành danh từ 20 năm trước.
Số nợ 600 đồng với người bạn học đã được Lam Phương trả lại bằng tiền bán bản quyền Khúc ca ngày mùa.
Cũng trong giai đoạn này, chàng nhạc sĩ trẻ được thêm động lực, tiếp tục viết những bản nhạc mới, ghi đậm dấu ấn một nhạc sĩ miền Nam trong lòng công chúng, với các tác phẩm mang tình tự quê hương: Hương thanh bình, Mùa hoa phượng, Trăng thanh bình, Nhạc rừng khuya…
Tuy những bản nhạc ấy ít nổi tiếng hơn Khúc ca ngày mùa, nhưng là bước đệm quan trọng để khởi sự định hình một tên tuổi trong lòng người mê nhạc Sài Gòn. Đó cũng là nền tảng để Lam Phương giữ nhịp sáng tác đều đặn để rồi một ngày, những lưu dân, những người nhập cư nơi phố thị thấy tiếng lòng của mình đã được người nhạc sĩ trẻ cảm thấu và phổ nên giai điệu đầy cảm động. Ca khúc Kiếp nghèo ra đời.
Với Lam Phương thì sự lan tỏa của ca khúc Kiếp nghèo đã ghi một dấu ấn khác: giúp ông thoát nghèo.
Nguyễn Thanh Nhã
Nguồn: trích từ “Lam Phương – Trăm Nhớ Ngàn Thương”, NXB Phụ Nữ, 2019