Nguyễn Thanh Nhã
2019
Đó là một buổi sáng mùa thu của năm 1947.
Phùng dậy sớm hơn thường lệ. Ngoài sông, tiếng chuông chùa thổn thức từng vạt sương đêm. Chú bé nhìn bóng má theo ngọn đèn leo lét in lên vách thưa, rồi nhìn lại gương mặt của từng đứa em thơ đang ngủ say.
Chỉ lát nữa thôi, chú bé 10 tuổi sẽ rời bỏ quê hương Rạch Giá để lên Sài Gòn.
Chuyến xe đò lên phố thị trong buổi tù mù sáng, khi sương sớm còn chưa tan trên những khoảng sông và đầm lầy, mở ra cuộc đời tha phương đầy đa đoan, lắm thăng trầm.
Có một dòng sông chảy ngang phường Vĩnh Thanh, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Một bà má nghèo tảo tần nuôi sáu đứa con nơi con nước chia đôi mở hai hướng cảnh quan chơi vơi của vùng ngã ba sông, gọi là ấp Đầu Voi. Đối diện căn nhà tồi tàn trong xóm nhỏ là ngôi cổ tự Thập Phương cứ mỗi sáng tinh mơ lại ngân vang tiếng chuông mõ u trầm.
Nhạc sĩ Lam Phương năm ba tuổi. Ảnh tư liệu gia đình.
Tiếng chuông mỗi sáng cứ thao thức hoài trong tâm hồn cậu trên những dặm đường gió bụi về sau. Đó là thanh âm đồng vọng buồn bã, xa vắng mà da diết nhất, thức dậy một vùng quê nhà yêu thương trong tâm hồn một người tự nhận mình là “dân quê”.
“Với nhiều người dân quê, tiếng chuông chùa làm mất giấc ngủ sau một ngày vất vả ngoài đồng. Người ta khó chịu dữ lắm! Còn với tôi, tôi yêu tiếng chuông chùa Thập Phương. Tôi không thể hiểu vì sao còn rất nhỏ nhưng tôi đã cảm nhận tiếng chuông đó rất buồn! Sau này, năm 1957 tôi đã viết bài Chiều tàn chỉ vì nhớ tiếng chuông xưa”.
Ca từ của ca khúc này đẹp như bài thơ và một lần nữa kiếp nghèo, đời viễn xứ ám ảnh nét nhạc Lam Phương:
“Chiều tàn
Làn khói ấm mái tranh hiền bao niềm thương
Chiều ơi, mây bơ vơ từ ngàn hướng
Lạc loài nơi chốn quê
Gió không biên cương lạc đường về
Tràn bao ngõ tối qua mảnh lá nghe thở than
Gió thương những mảnh tình nghèo nàn
Cuộc đời đen tối mong hạnh phúc khi chiều tan
Đường gập ghềnh lạnh lẽo
Quanh co đường về khắp nẻo xa xôi
Có bóng con đò chiều mơ
Khách qua đò làm thơ
Êm trôi giữa trời nước bơ vơ
Nhẹ nhàng thuyền cập bến
Dòng sông nước hững hờ
Nghe không gian như thờ ơ
Có bóng cô em thẫn thờ
Nhìn áng mây trôi
Lắng nghe chuông chiều
Mà lòng thương nhớ ai nhiều”
Lâm Đình Phùng sinh ngày 20/3/1937. Ông lấy bút danh Lam Phương để làm nhẹ đi hai chữ Lâm và Phùng trong họ tên. Thân phụ của Lam Phương là ông Lâm Đình Chất, người Hoa, và thân mẫu là bà Trần Thị Nho, một thôn nữ nghèo.
Song thân của ông có sáu người con và theo cách gọi miền Nam thì Lâm Đình Phùng là anh Hai, tức là con trai lớn nhất trong nhà. Con đông, gia cảnh túng bấn, người cha bỏ xứ tìm về Sài Gòn từ khi Lam Phương còn rất nhỏ. Lúc đầu, người cha thỉnh thoảng về thăm nhà, sau thưa dần. Mỗi chuyến ghé thăm, thân phụ để lại cho thân mẫu Lam Phương một đứa em. Đến cô em út Lâm Thị Minh Khai thì gia đình nhỏ ở Rạch Giá không còn giữ chân ông được nữa!
Thiếu đi trụ cột, má của cậu bé Phùng bắt đầu tất tả xuôi ngược trên sông, lúc làm mướn, khi bán buôn để kiếm chén cơm cho bầy con dại. Vùng đồng bằng sông Cửu Long vào thập niên 1930 xảy ra một cuộc khủng hoảng kinh tế và lương thực, một phần bởi những chính sách điền thổ thời thực dân làm thay đổi cảnh quan môi trường và mưu sinh của dân địa phương. Đại cảnh đó ít nhiều làm tan đàn xẻ nghé nhiều gia đình nghèo. Người nông dân phải lâm vào cảnh mưu sinh khó nhọc, trôi dạt. Gia đình chú bé Phùng cũng vậy. Người mẹ tảo tần tìm cái ăn giữa buổi loạn ly đã khó, nói chi cho con đặt chân đến những ngôi trường Tây trong vùng. Phùng và các em dù rất khát khao đi học cũng khó lòng được thỏa nguyện.
Rất may cho chú bé Phùng, một người dượng phía ngoại là thầy giáo Phan Văn Mỹ từng dạy tại trường Tiểu học Vĩnh Lạc, Rạch Giá đã bảo bọc cho chú đi học “đặng biết đọc biết viết với thiên hạ”. Nhờ vậy mà Phùng đã có thể học chữ một cách bài bản.
Chân dung ngày thơ ấu của người nhạc sĩ tài hoa được những người bạn cũ ở trường làng Vĩnh Lạc vẽ lại khá khép kín: Trò Phùng ít sôi nổi, thường ngồi một mình nhìn mây bay ngoài cửa sổ lớp. Dáng vẻ trầm ngâm như một người tu hành. Mỗi ngày đến trường, trò Phùng mặc độc chiếc áo rằn ri ngắn tay và chưa bao giờ có thể hiện gì về năng khiếu văn nghệ…
Nhạc sĩ Lam Phương bên mẹ. Ảnh: Gia đình cung cấp.
Những hồi tưởng ấy khá chính xác. Đó chính là tâm trạng buồn tủi và đơn độc của một cậu học trò sớm biết lo âu về tương lai, bởi gia đình nhỏ thiếu vắng vai trò trụ cột của người cha. Ngày tháng không trọn vẹn hạnh phúc, bao nỗi cơ cực đã phủ nỗi buồn lên đôi mắt chú bé ở vùng sông nước nghèo nàn. Mỗi chiều, sau những giờ phụ mẹ ẵm em, làm việc nhà, hay rảnh rỗi lúc tan trường, Phùng lại ra khúc sông Đầu Voi ngắm vạt lục bình lững lờ, dự cảm về một ngày mai trôi nổi.
Càng lớn, Phùng càng nhận ra, dòng sông không chảy trọn vẹn theo chiều. Có bao nhiêu đoạn rẽ trên một dòng sông là có bấy nhiêu bến bờ của ly biệt… Đó là lý do một tuần trước khi lên chuyến xe đò tha phương, chú bé đi bộ khắp xóm thôn, nhìn lại hình ảnh mười tám mái tranh bệ rạc xóm nghèo và thuộc đến từng vệ cỏ… Có lẽ, Phùng đã dự cảm về ngày phải “gom góp yêu thương quê nhà” giữa trời thu Rạch Giá bàng bạc mây…
Và trong tâm trí người nhạc sĩ duy cảm, mãi về sau, luôn hiện hữu hình ảnh người mẹ chịu thương chịu khó gánh vác mọi việc để nuôi sáu miệng ăn. Trong một cuộc phỏng vấn sau này, ông nhắc lại câu nói giản dị quen thuộc: Tôi thương má tôi lắm! Má tôi mơ ước cái nhà che nắng mưa. Chỉ có vậy mà tôi làm cật lực, làm chết bỏ để có tiền mua nhà cho má.
Về sau, khi đã kiếm được chút vốn liếng, bà Nho mới mở được một sạp hàng tại nhà. Điều kiện kinh tế ổn định hơn, bà nhận ra con trai mình không thể học mãi ở trường làng cho biết con chữ rồi chỉ để trở về gốc gác của một tá điền theo kiểu “con sãi ở chùa thì quét lá đa”. Đến lúc nó cần bước ra cuộc đời rộng hơn. Sài Gòn là điểm đến với nhiều hy vọng đổi đời. Bà còn có hy vọng mong manh rằng, ngày nào đó, trong dòng đời tấp nập của phố thị, đứa con trai sẽ tìm thấy cha mình.
Nguyễn Thanh Nhã
Nguồn: trích từ “Lam Phương – Trăm Nhớ Ngàn Thương”, NXB Phụ Nữ, 2019