Sơn Diệm Vũ Ngọc Ánh
2004
Bài viết này không phải là một bài phê-bình hay khảo-cứu về âm-nhạc vì tôi không có đủ khả năng và kiến-thức để làm những công việc như vậy. Đây chỉ là một bài tạp ghi những giai-thoại, nhận xét và kinh-nghiệm vụn-vặt về âm-nhạc trong cuộc đời của tôi, một gã đã ngót nghét 80 mà tính tình như trẻ con, vẫn còn chút máu văn nghệ văn gừng, thích đàn địch, hát xướng như phần đông mọi người bình thường.
Nói một cách đùa cợt như vậy không có nghĩa là tôi coi nhẹ âm nhạc. Riêng đối với tôi, âm nhạc hết sức quan-trọng, là một lạc thú không thể không có của đời người, và có lẽ cũng chính vì thế mà ai nấy đều cho rằng âm nhạc là ngành nghệ thuật xuất hiện sớm nhất và cũng là phổ biến nhất trong lịch-sử loài người.
Thực vậy những con người đầu tiên dù chưa có ngôn ngữ có thể cũng đã biết hò hét hoặc u-ơ như hát và chế tạo những nhạc khí thô sơ để giải trí hoặc diễn tả những cảm xúc và tâm tình rất đơn thuần của họ. Ngay cho tới ngày nay, vẫn còn có rất nhiều người chẳng biết thơ, biết họa là gì nhưng lại biết hát, dù hát chẳng hay, thích nghe đàn, nghe ca, dù họ chẳng có kiến thức gì về âm nhạc, tức ngành nghệ thuật lâu đời và phổ biến nhất trong số các ngành nghệ thuật. Cho nên xin quý vị cũng đừng lấy làm ngạc nhiên khi thấy tôi bắt đầu câu chuyện về âm nhạc này từ Phát Diệm, một vùng biển quê mùa ở trên cái mỏm đất hẻo lánh tận cùng phía Đông Nam Bắc Việt, một vùng mà khi mới nhắc tới có lẽ phần đông trong chúng ta nghĩ rằng chẳng có giây mơ rễ má hoặc ăn nhập gì tới cái ngành nghệ thuật gọi là âm nhạc.
Phát Diệm: nguồn gốc nhạc đạo Việt nam?
Không biết tôi mê nhạc kể từ lúc nào nhưng chắc chắn là từ khi còn nằm trong lòng mẹ. Từ khi có chút trí khôn, tôi đã rất thích nghe mẹ tôi ru, mẹ tôi hát hoặc ngâm Kiều, Chinh Phụ Ngâm, Tần Cung Oán hay kể chuyện anh Trương Chi bằng văn vần: “Ngày xưa có anh Trương Chi, Người thì thậm xấu tiếng thì thực hay”. . .
Năm 7, 8 tuổi tôi rất ham học đàn mandoline và chơi khẩu cầm (harmonica). Vào khoảng 1934, 35 ông cụ tôi mua được chiếc máy hát Columbia cũ (nhãn hiệu có hình con chó ngồi trước một cái máy hát, dưới có hàng chữ Tây “La voix de son maitre”) có một cái loa thiệt to, từ đâu đem về với chừng 20 đĩa hát nhựa cũ mèm, thế là tôi có dịp nghe ông Tây bà Đầm hát và những bản “kèn Tây” mà tôi đã có thể phân biệt là hay hơn các bản kèn Tây của các hội kèn trong vùng Phát Diệm. Lúc đó tôi đã lên tới lớp sơ-học (cours élémentaire), đọc được tiếng Pháp nên biết được đại khái là những bài hát đó có những cái tên như “Au temps des cerisiers,” “J’ai deux amours,” “La petite Tonkinoise,” “La vie en rose,” “O solo mio,” “L’Internationale,” v.v. và những người hát có tên là Lyne Reynaud, Josephine Baker, Maurice Chevalier v.v. Những bản “kèn Tây” thì có những tên rất lạ mà tôi chẳng hiểu gì hết, chẳng hạn như symphonie, ouverture, suite, adagio v.v. Riêng bài L’Internationale nghe riết rồi tôi cũng hầu như thuộc lòng nhưng chẳng hiểu ý-nghĩa của nó là bao nhiêu, cho mãi tới mấy năm về sau tôi mới biết đó là bài hát tranh đấu không phải chỉ riêng của phong trào Thợ thuyền Thế-giới mà còn là bài hát chính thức của Cộng sản Quốc-tế nữa (“Quốc tế ca”). Vì tôi còn quá nhỏ, hơn nữa ở nhà quê, chẳng có ai biết mà để ý tới. Nếu không, rất có thể người ta đã cho tôi là một thằng cộng sản “tí nhau,” rồi đi báo quan và thằng “tí nhau” cũng như bố mẹ nó có thể bị lôi thôi, tù tội rồi chết rũ tù tại nhà Hỏa-lò như một người bà con bên ngoại tôi là ông Nguyễn Minh Luân mấy năm trước đó. Nhưng ông Luân, một trong những đồng chí thân-cận của Nguyễn Thái Học là nhà cách mạng thứ thiệt. Còn tôi chẳng qua chỉ là một thằng bé nhà quê hỷ mũi chưa sạch và ngu đần. Rõ hú vía.
Hồi nhỏ ở Phát Diệm đời sống thiệt buồn tẻ nên ngoài cái thú đọc chuyện kiếm hiệp của Lý Ngọc Hưng như Bồng lai Hiệp Khách, Nữ Quái-hiệp, Long Hầu kiếm khách, Đốt cháy chùa Hồng Liên v.v. và Chuyện Trung Nhật chiến-tranh 3 xu ra hằng tuần (chuyện các ông Tưởng Giới Thạch, Uông Tinh Vệ, Trương Học Lương, Mao Trạch Đông v.v. vừa chống Nhật vừa “tả lớ! tả lớ” đánh lộn nhau loạn xà ngầu, vui và hấp dẫn không kém Tam Quốc Chí diễn nghĩa) tôi nghe đĩa hát tối ngày không biết chán, tới độ hầu như thuộc hết các điệu hát được thu trong mấy chục đĩa hát tiếng đã rè rè. Máy hư, tôi quay đĩa bằng tay kiểu như mấy cậu nhỏ da đen chơi nhạc rap hiện nay, nhưng là để nghe chứ không phải để đệm nhạc “hát nói tào lao” theo lối của các cậu nhỏ rappers bây giờ. Hết kim, tôi tìm những kim cũ mài đi mài lại nhiều lần. Vào những năm cuối thập niên 30, tuy mới 12, 13 ngoài cái thú đọc Phong Hoá, rồi Ngày Nay, Tiểu Thuyết Thứ Bảy và các tiểu-thuyết của Lê Văn Trương, Ngọc Giao, Khái Hưng, Thế Lữ, Thạch Lam, Nhất Linh v.v. tôi rất mê nghe nhạc, tất nhiên lúc đó chỉ có nhạc Pháp và ngoại quốc, đặc-biệt là Tino Rossi và Charles Trenet. Nhưng bản nhạc Tino hát dễ nghe và cũng dễ bắt chước hơn, nên có thể nói hầu như bài nào Tino Rossi hát tôi cũng thuộc. Sau đó ít lâu, khi thấy Lê Thương , Đặng Thế Phong, Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước viết nhạc Việt nên vào khoảng mấy năm giữa thập niên 40, tôi cũng tập tễnh bắt chước và tiếp sau đó đã có một thời tôi mê viết nhạc và sáng tác thực say sưa, tưởng chừng như coi nhạc là lẽ sống của mình. Đó là vào mấy năm loạn lạc sau này về sống tại quê tôi ở Phát Diệm (45, 46, 47).
Tôi có nghe thấy nói là Phạm Duy mê nhạc để rồi có tài viết nhạc cũng kể từ khi còn nằm trong lòng mẹ. Tôi tin chuyện này xác thực trăm phần trăm vì đó cũng là trường hợp của tôi, chỉ có khác là tôi không có tài lớn như họ Phạm, ngoài ra nhạc của tôi không có cơ hội đưọc phổ biến nên chẳng được ai biết tới ngoài một số rất ít bạn bè Phát Diệm thân thiết nay đều đã thuộc loại thất tuần cổ lai hy trở lên. Có một đêm cách đây mấy năm, ông bạn già Ng. V. Ch. ở Houston chắc nhớ quê cũ và quá khứ vàng son, trằn trọc mãi mà không ngủ được, nên gọi điện-thoại nói chuyện ngày xưa với tôi để rồi bỗng nhiên nổi hứng hát cho tôi nghe bài “Tỳ bà hành” tôi phổ nhạc năm cách đây gần 60 năm. Bản nhạc này tương đối khó hát thế mà ông bạn già của tôi đã nhớ hầu như hoàn toàn, hát khá đúng và trôi chảy từng chữ và nét nhạc. Nghe bạn già hát, tôi tưởng chừng muốn khóc. Quả thực tôi hết sức ngạc nhiên vì không ngờ là sau gần 60 năm vẫn còn có người nhớ nhạc của mình. Tôi thực cảm phục trí nhớ của người bạn già, đồng thời rất xúc động về mối thâm tình tri kỷ của ông. Câu chuyện tôi về già trở lại với cái nghiệp văn chương chữ nghĩa vớ vẩn chẳng khác gì cảnh ngộ người kỹ-nữ về già hành nghề lỡ thời trong bài hành của Bạch Cư Dị và ông bạn già họ Nguyễn chính là anh chàng Tư-mã áo xanh đất Giang-châu kia vậy.
Cách đây hơn 50 năm, để ghi lại những xúc động đầu tiên cũng như những kỷ niệm hồi thơ ấu còn nằm trong nôi nghe mẹ hát, mẹ ru, tôi đã cảm khái viết một bài thơ với những lời lẽ đơn thuần và mộc mạc như sau:
Từ thuở chưa thôi nôi
con nằm trong lòng Mẹ
đón những giọt sữa đầu đời
thường được nghe Mẹ ru, Mẹ hát
. . . . . . . . . . . . . . .
Phòng vắng êm
nhịp võng đưa nhè nhẹ
trong nửa mộng
tiếng à ơi chập chờn
. . . . . . . . . . . . . . .
Lời ru thiệt âu yếm
ngọt ngào như sữa Mẹ
từng giọt, từng giọt,
mà ngập cả biển khơi
. . . . . . . . . . . . . . . . .
Rồi cứ như thế,
ngày tháng trôi như mơ
“Ru hời ru…”
Mẹ dạy con làm nhạc
“Ru hời ru…”
Mẹ dạy con làm thơ….
Nhân chuyện này tôi bỗng nhớ tới Đinh Hùng và những buổi tối Hà Nội cách đây trên nửa thế kỷ, trời nóng cũng như trời lạnh, mấy anh em thường nằm cạnh bàn đèn đấu láo với nhau trên một căn gác Đinh Hùng thuê gần khu Hàm Long. Dạo đó (vào khoảng 50 hay 51, 52 ), con trai đầu lòng (?) của Đinh Hùng mới một hay hai tuổi rất hay quấy khóc. Có lần Đinh Hùng hơi bực mình kể tội con: “Các toa chưa biết đấy thôi, anh chàng bé tí này chưa chi đã làm ra vẻ đa sầu đa cảm như người lớn vậy. Các toa coi, cứ mỗi lần nghe mẹ nó ru, cậu cả chảy nước mắt hoặc khóc rống lên, nghĩ có thối không?” Riêng tôi, tôi cười thầm trong bụng mà không nói gì, bởi vì hồi còn nhỏ, tôi cũng không khác cậu cả này là bao nhiêu. Khác là ở chỗ tôi không khóc nhưng thực sự cảm thấy một cái gì tê tái và buồn buồn mỗi khi nghe mẹ tôi ru hoặc ngâm Chinh phụ ngâm.
Sự kiện tôi thích nghe nhạc và có thời kỳ mê làm nhạc có lẽ cũng còn có một lý do khác nữa: đó là vì tôi là một người Phát Diệm, sinh ra tại Phát Diệm, sống tại Phát Diệm từ thuở lọt lòng tới khi lớn khôn, giữa những tiếng kèn, tiếng trống, tiếng hát, tiếng cầu kinh, tiếng sáo diều và tiếng chuông sớm chiều trầm ấm và nghiêm-trang của nhà Thờ Lớn hoặc thanh tao, rộn ràng của các dòng tu bên Phu Vinh hoặc Lưu Phương.
Phát Diệm thực ra chỉ là một khu thị tứ nhỏ thuộc vùng biển phía Nam Bắc Việt, không có núi cao sông rộng, ngoài nhà Thờ Lớn cha Trần Lục xây cách đây 100 năm, phong cảnh tầm thường với những xóm làng nghèo nàn và tối tăm, không phải là chốn văn vật hay thị-thành, lại càng không phải là Salzbourg hay Vienna, nhưng những người Phát Diệm quê mùa kia dường như suốt tháng ngày sống nhịp nhàng trong tiếng đàn, tiếng hát, mặc dầu cũng chẳng lấy gì làm đặc sắc cho lắm nhưng cũng khiến cho người dân Phát Diệm hầu như ai cũng biết ca, biết hát và phần nào biết thưởng thức âm nhạc một cách rất tự nhiên. Họ ca hát trong khi làm việc ngoài đồng áng, họ ca hát khi thờ phụng tại các thánh đường. Những đêm trăng sáng mùa hạ, trai gái thường chia thành hai phe hát đúm. Trong các làng xóm, đặc biệt là tại các khu vực gần nhà thờ, suốt ngày hầu như lúc nào cũng nghe thấy tiếng kèn, tiếng trống hoặc tiếng đàn phong cầm dìu dịu đâu đây… Tôi còn nhớ mỗi khi đi ngang qua nhà dòng Đức Bà Truyền giáo bên Phu Vinh, tôi như bị mê hoặc bởi tiếng hát thiên thần của các nữ tu văng vẳng vọng lên trời cao, nhất là vào những buổi cầu kinh hạ ngọ (vespers) lúc xế trưa, tôi lần chần đứng trên cây cầu xi-măng trước cổng nhà dòng nghe không biết chán.
Hầu như xứ đạo lớn nào trong vùng cũng có đội Kèn Tây xử dụng các loại kèn đồng như clairons, trompettes, trombones, cors, clarinettes, saxophones, tubas v.v. hoặc một ban nhạc cổ-truyền thường gọi là “đội bát âm,” vì những ban nhạc này thường xử dụng tám loại nhạc khí khác nhau. Tuy nói là tám nhưng thực ra thì nhiều hơn, chẳng hạn như đàn nguyệt, đàn tàu, đàn kìm, đàn đáy, đàn tam, tỳ bà, hồ, nhị, kèn Tàu (?), các loại sáo, sênh, mõ v.v. Các em nhỏ thì tham gia các đội đánh trống cơm (?) theo lối cổ truyền. Những xứ đạo lớn như Phát Diệm, Văn Hải, Trì Chính v.v. có đầy đủ cả “Kèn Tây” lẫn Bát âm.
Đêm đêm người Phát Diệm thỉnh thoảng còn được nghe một thứ kèn khá đặc biệt: đó là kèn đám ma, một loại kèn hình loa dài bằng gỗ sơn then (màu đen) trên có khảm hoặc vẽ những giọt nước mắt và cành hoa tang tóc màu trắng. Tiếng kèn nghe bi ai và nức nở như tiếng một người đàn bà vừa khóc người chết vừa kể lể một cách vô cùng thảm thiết. Trong suốt cuộc đời nghe nhạc tôi có cơ hội được nghe hầu như đủ mọi loại nhạc-cụ kể cả những nhạc cụ lạ lùng của các dân sắc-tộc trên thế-giới như kèn dụ rắn ở vùng Trung Đông, kèn làm bằng xương ống chân người ở Phi Châu v.v., nhưng tôi chưa từng được nghe một thứ nhạc nào buồn và ám ảnh một cách ghê gớm đến như vậy nhất là vào khoảng giữa đêm khuya vắng lặng. Không biết ngày nay ở quê tôi có còn loại nhạc này nữa hay không. Tôi còn nhớ là sau khi ông nội tôi qua đời, cả tháng sau, vào những lúc vắng vẻ tôi có cảm tưởng tiếng kèn vẫn văng vẳng bên tai. Theo ý tôi, trong số mấy nhạc cụ âm thanh nghe ám ảnh nhất như sáo, bagpipe, đàn bầu, kèn Tàu v.v., kèn đám ma Việt Nam nhất định dẫn đầu. Nói đến sáo tôi bỗng nhớ tới ông Bính ở phố Trong Phát Diệm cách đây trên 60 năm. Ông Bính nổi tiếng về tài thêu chân dung. Thỉnh thoảng vào những đêm hè ông đem sáo ra ngồi trước cửa tiệm thêu thổi. Hồi đó tôi còn nhỏ nên không rõ tiếng sáo của ông điêu luyện tới mức nào, nhưng tiếng sáo buồn và cao vời vợi của ông quả có sức lôi cuốn lạ lùng. Tôi mê mải nghe tiếng sáo không sao ngủ nổi. Tiếng sáo ngưng lâu rồi mà tôi vẫn bâng khuâng và bị ám ảnh mãi tới khi ngủ lúc nào mà không hay.
Đội kèn Tây ông Chánh Trọng xứ Phát Diệm là ban nhạc đầy đủ nhạc cụ và nổi tiếng nhất vùng. Về phía các ban nhạc cổ truyền, đầy đủ và cũng chơi hay nhất là đoàn bát âm họ Thượng Kiệm do anh Thuật làm trưởng ban và điều khiển. Hồi nhỏ. tôi rất thán phục tài đàn nguyệt của anh Thuật.
Người Phát Diệm xưa vốn quê mùa và ít học nhưng ngoài nhạc cổ truyền với những điệu hát rất phổ biến như bình bán, lưu thủy, hành vân, tứ đại cảnh v.v. họ rất quen thuộc với Chant grégorien, nguồn gốc của nhạc cổ-điển Tây-phương, và ngoài những bản Thánh ca và nhạc quân-hành của Pháp, các “đội kèn Tây” còn được tập rất nhiều đoản khúc cổ-điển Tây phương, nhất là nhạc của Haendel, Bach và Haydn mà họ không hề để ý hoặc hay biết (mãi về sau này, khi tìm hiểu và làm quen với nhạc cổ điển Tây phương tôi mới khám phá ra sự kiện này).
Về phương diện ca đoàn, hội hát xứ Phát Diệm thời ông Giáo Huệ (thân phụ anh cựu Nghị sĩ Nguyễn Gia Hiến) làm chánh hội là ca đoàn hùng hậu, được luyện tập kỹ và hát hay nhất vùng, chỉ có thua ca đoàn trường Lý Đoán (tức trường Thần Học) Thượng Kiệm mà thôi. Thực ra thì hồi còn nhỏ, ngoài một số bài như Adorote Devote, Salve Mater Misericordie v.v. (mà ngày nay mỗi khi nghe tôi không thể không cảm động nhớ tới thời thơ ấu), tôi không mấy thích Chant grégorien, nên mỗi khi nghe chant trong các buổi lễ tôi thường gà gà ngủ gật, tuy nhiên tôi rất thích nghe các thày trường Lý-đoán Thượng kiệm hát vào những dịp lễ lớn.
Vì đàn bà thời đó không được hát chung với đàn ông nên phần soprano do các em nhỏ có giọng hát tốt đảm nhiệm. Thân phụ tôi là một trong những giọng tenor của đoàn nên hồi nhỏ tôi thường được ngồi trên gác đàn trong các buổi lễ và theo ông cụ tham dự các hoạt động của hội nên cho tới ngày hôm nay, sau hơn 60 năm tôi vẫn còn nhớ rất nhiều kỷ niệm về hội.
Một trong những giọng tenor thời đó còn thọ đến bây giờ là cụ Chánh Hoan (cụ sống gần 100 tuổi, vừa mới qua đời tại San Jose, là nhạc-phụ của nhạc sĩ Lê Văn Khoa). Anh Phan Thiêm (gần 80, hội cao niên Trung tâm Công giáo VN) xưa là một em trong nhóm giọng soprano.
Anh Bính (không biết bây giờ anh ở đâu, nếu như còn sống, ít nhất cũng phải gần 90) là một tenor có giọng ca mạnh và ấm áp nhất. Mỗi khi anh độc ca, toàn thể nhà thờ nín lặng nghe anh hát. Tôi thích nhất là bài “Peuple, à genoux!” (tức bài “The Holy Night”) anh độc ca bằng tiếng Pháp trước lúc nhập lễ 12 giờ đêm Giáng Sinh hằng năm tại nhà thờ Lớn Chính toà Phát Diệm (thời đó chưa có nhạc thánh ca Việt nam, bản “Silent night” thì tuyệt nhiên không ai biết). Ngày nay. mỗi khi nghe bài “The Holy Night” tôi không thể không nhớ tới giọng ca của anh Bính và mùi vị cháo gà khê. Số là hồi đó, sau lễ nửa đêm, năm nào hội hát xứ Phát Diệm cũng ở lại hội quán ăn réveillon chung với nhau. Vào cuối bữa tiệc bao giờ cũng có món cháo gà và không hiểu tại sao món cháo gà luôn luôn bị khê. Chính vì thế mà mỗi khi nghe bài “The Holy Night” tôi nhớ tới anh Bính, mùi vị cháo gà khê và những đêm Giáng Sinh huyền ảo xa xưa tại quê tôi.
(Còn tiếp)
Sơn Diệm Vũ Ngọc Ánh
Nguồn : Tạp chí Thế Kỷ 21 từ số 181 tháng Năm 2004