Giọng ca Édith Piaf lại ăn khách nhờ phim “Emily in Paris”

Tuấn Thảo
4/12/2020

Đôi khi có những ca khúc rất xưa, tưởng chừng đã thuộc về dĩ vãng, bỗng dưng sống lại nhờ phim ảnh, thoát khỏi giấc ngủ đông dai dẳng năm tháng. Đó là trường hợp gần đây của nhạc phẩm “Fever” (Cơn sốt) của danh ca người Mỹ Peggy Lee và nhất là tình khúc “Non, je ne regrette rien” (Chẳng hối tiếc gì) của thần tượng nhạc Pháp Édith Piaf, thành công trở lại nhờ bộ phim truyền hình nhiều tập “Emily in Paris”. 


Édith Piaf

Được phát hành cách đây vừa đúng 60 năm (tháng 12 năm 1960), giai điệu bài hát “Non, je ne regrette rien” từng được bình chọn vào năm 2015 là một trong 10 ca khúc kinh điển nhất của Édith Piaf, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của bà. Thật ra, phiên bản đầu tiên đã ra đời vào năm 1956 dưới ngòi bút của hai tác giả Charles Dumont (nhạc) và Michel Vaucaire (lời). Mãi đến 4 năm sau, Édith Piaf mới ghi âm bài hát này, sau khi hai tác giả đã chỉnh sửa một số ca từ. Lần đầu tiên được nghe ca khúc, Édith Piaf tuyên bố không có bài hát nào phản ánh cuộc đời của bà sâu sắc như bài này. Tài nghệ viết ca khúc “đo ni đống giày” của cặp bài trùng Dumont-Vaucaire lại càng rực rỡ thăng hoa qua tiếng hát mê hồn của Édith Piaf. 

Nhạc Pháp hoài niệm ăn khách nhờ phim Mỹ 

Tuy ra đời cách đây đúng 6 thập niên, nhưng bài hát bất hủ của Édith Piaf một lần nữa lại thành công, sau khi bộ phim truyền hình 10 tập “Emily In Paris” chinh phục được nhiều tầng lớp khán giả trẻ tuổi tại nhiều quốc gia trên mạng Netflix. Trên bảng xếp hạng các ca khúc ăn khách nhất trong tháng qua  của tạp chí chuyên ngành Billboard của Mỹ, nhạc phẩm “Non, je ne regrette rien” (Chẳng hối tiếc gì) đậm chất lưu luyến hoài niệm của Édith Piaf, lại giành lấy vị trí quán quân trong hạng mục nhạc phim truyền hình được phổ biến nhất tại Hoa Kỳ. 


Nhìn chung, chỉ trong những tuần lễ đầu tiên sau khi bộ phim này được đưa lên mạng để trình chiếu, các số liệu chính thức cho thấy đã có gần 700.000 lượt khách truy cập để nghe hoặc tải ca khúc này. Trên cùng bảng xếp hạng, có hai ca khúc khác của các ca sĩ Pháp cũng thành công trong hạng mục nhạc phim, đó là tình khúc “Moon” của nghệ sĩ Kid Francescoli đến từ Marseille (hạng tư) và kế theo sau là nhạc phẩm “Burst Into Flames” của ca sĩ Cavale (hạng bảy). 

Điều đáng ghi nhận là do tình hình của dịch Covid-19, cho nên hiện thời có rất ít phim mới được công chiếu tại các rạp. Hầu hết các tác phẩm phim truyện (phim lẻ) hay phim truyền hình (nhiều tập hay nhiều mùa) chủ yếu được phát hành trực tuyến thông qua các mạng như Netflix, Amazon Prime, Apple TV+, HBO Max, Disney+ …. Trên lãnh vực này, Netflix vẫn giữ lợi thế áp đảo về số lượng khách truy cập và nhạc phim phát hành trên mạng vì thế cũng trở nên phổ biến hơn. Nếu như danh sách của tạp chí Billboard tập hợp các loạt phim đến từ mọi phía, thì Netflix lại chiếm giữ đến 8 trong số 10 vị trí đầu bản xếp hạng. Về hạng nhì là ca khúc “I Shall Believe” của Sheryl Crow trích từ loạt phim “The Haunting of Bly Manor”. Còn ở hạng ba là tình khúc “Fever” (Cơn sốt) của ca sĩ người Mỹ Peggy Lee, nhạc chủ đề của bộ phim 7 tập “The Queen’s Gambit” (Nữ hoàng cờ vua), được xem như là một trong những series truyền hình dạng ngắn, thành công nhất hiện thời trên mạng Netflix.

Phim “Emily in Paris” sẽ có phần hai

Còn ở hạng nhất, mùa phim đầu tiên “Emily In Paris” đã chọn bản nhạc kinh điển (Chẳng hối tiếc gì) của Édith Piaf làm một trong những ca khúc chủ đề. Gọi là mùa đầu tiên, vì hồi đầu tháng 11 các nhà sản xuất đã thông báo loạt phim này sẽ có thêm phần kế tiếp, sau thành công ngoạn mục của mùa thứ nhất. Tuy nhiên, hiện giờ chưa có thông tin cụ thể nào về thời điểm khởi quay và nước Pháp vẫn chưa thật sự ra khỏi thời kỳ phong tỏa, nên có khá nhiều dự án quay phim vẫn còn bị “đóng băng” và các đoàn làm phim buộc phải tuân thủ rất nhiều điều kiện ràng buộc.

Mùa phim truyền hình “Emily In Paris” đầu tiên gồm 10 tập, và do đạo diễn Mỹ Darren Star sản xuất, người đã từng hái ra bạc triệu nhờ thực hiện 6 mùa phim “Sex and The City”. Bộ phim kể lại câu chuyện của Emily Cooper (do Lily Collins thủ vai) một cô gái người Mỹ tuổi đôi mươi, được công ty phái đến Paris làm công tác trong lãnh vực quảng cáo thời trang. Được gửi sang Pháp dù Emily không rành tiếng Pháp (ngay cả ngôn ngữ xã giao cũng còn bập bẹ, cô chỉ nói những câu như “c’est la vie, j’aime Paris”), cho dù bước đầu còn nhiều bỡ ngỡ trong môi trường làm việc với các đồng nghiệp mới, nhưng Emily lại nhanh chóng tìm ra hướng đi của mình nhờ cá tính và bản lĩnh. Hơn thế nữa, Emily khám phá tình yêu trong vòng tay của Gabriel (diễn viên Lucas Bravo) trong vai đầu bếp tiệm ăn “Les deux compères” ở trung tâm thủ đô Paris.

Trong loạt phim “Sex and the City”, đạo diễn Darren Star đã từng dựng mối tình giữa Carrie Bradshaw (Sarah Jessica Parker) với Mr Big (Chris Noth) giữa lòng thủ đô Paris lung linh, huyền diệu. Lần này, đạo diễn khai thác gần như cùng một bí quyết để viết lên trang tình sử giữa Emily và Gabriel, càng trẻ càng nhiều đam mê. Quan hệ tình cảm cực kỳ lãng mạn ấy chính là cái cớ để cho các yếu tố khác bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Thế giới thời trang của Emily không tàn nhẫn khốc liệt (đến nỗi Emily phải đánh đổi linh hồn) như trong phim “The Devil Wears Prada” (tạm dịch Bà chằn thích hàng hiệu). Khung cảnh của Paris lại càng lý tưởng để thêu dệt một chuyện tình. Vấn đề ở đây là, trái với hai bộ phim nói trên, hầu như toàn bộ diễn tiến câu chuyện trải dài trên 10 tập. Vì thế cho nên, trong cách mô tả Paris cũng như nếp sống sinh hoạt của nguời dân thủ đô Pháp, bộ phim ít chinh phục được cảm tình của nhiều khán giả (đặc biệt là những người đã từng sống một thời gian ở Paris). 

Hy vọng mùa thứ hai bớt khập khiểng hơn

Loạt phim  “Emily In Paris” đã được khá nhiều khán giả hưởng ứng, nhưng cũng gặp phải lắm lời chê bai. Lối phản ánh trong phim bị cho là hời hợt với nhiều hình ảnh rập khuôn sáo mòn, vỏ đẹp, nhưng bên trong lại rỗng tuếch. Về điểm này, nhà sản xuất Darren Star từng giải thích rằng, đây không phải là phim tài liệu về Paris, mà là phim truyện và toàn bộ các nhân vật, cũng như sự kiện, đều là hư cấu. Nói như vậy thì cũng chỉ đúng có một phần, vì ngay cả trong phim hài, người ta có thể dùng chất “bi” để làm nổi bật thêm điều muốn nói, việc phản ánh bối cảnh sát sườn thực tế vẫn làm cho khán giả càng tin vào câu chuyện “tưởng tượng” đang được kể. Hy vọng rằng mùa thứ nhì trong lối phản ánh bối cảnh, cũng như tâm lý của người “parisien”, không khập khiểng như trong mùa đầu.   

Sự kiện bộ phim “Emily In Paris” giúp cho ca khúc “Non, je ne regrette rien” (Chẳng hối tiếc gì) ăn khách trở lại là một điều thú vị bất ngờ, nhưng có lẽ để minh họa câu chuyện tình giữa Emily và Gabriel, thì một bài hát nào đó khác của Édith Piaf như “Sous le ciel de Paris” (Dưới bầu trời Paris) hay là “L’Hymne à l’amour” (Bài ngợi ca tình yêu) có lẽ sẽ thích hợp hơn.


Có người từng nói rằng, nếu như “La vie en Rose” (Cuộc đời màu hồng) chính là giai điệu của hạnh phúc lứa đôi, ngợi ca tình yêu đầu đời, thì đổi lại “Non, je ne regrette rien” chính là khoảnh khắc của một người dày dặn từng trải, không than van cũng chẳng hối tiếc khi ngoảnh mặt nhìn lại, cho dù một chút ngậm ngùi chợt thoáng qua tình khúc cuối.

Tuấn Thảo

Nguồn: https://www.rfi.fr/vi/v%C4%83n-h%C3%B3a/20201204-gi%E1%BB%8Dng-ca-%C3%A9dith-piaf-l%E1%BA%A1i-%C4%83n-kh%C3%A1ch-nh%E1%BB%9D-phim-emily-in-paris

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây