Lê Dinh
7/2006
Có rất nhiều vị yêu thích tân nhạc cũng như có rất nhiều độc giả của Nguyệt san Nghệ Thuật yêu thích nhạc của Lê Minh Bằng mà phần đông không biết Lê Minh Bằng là ai, người Nam, người Bắc hay người Trung, già trẻ bé lớn thế nào, hiện nay ở đâu? Ngoài ra, còn có những biệt danh như Mạc Phong Linh, Mai Thiết Lĩnh, Mai Bích Dung, Vũ Chương, Dạ Cầm, Dạ Ly Vũ, Tây Phố, Trúc Ly, Tôn Nữ Thụy Khương… nghe rất quen thuộc mà cũng thật là xa lạ vì không một ai hình dung được Mạc Phong Linh là ai? Mai Bích Dung là ai? Đàn ông hay đàn bà?
Trước 1975, những người thuộc lớp tuổi từ đôi mươi trở lên, có ít ai mà không nghe, không nhớ đôi ba câu lời trong nhạc phẩm “Đêm Nguyện Cầu” của Lê Minh Bằng:
Hãy lắng tiếng nói vang trong tâm hồn mình người ơi
Con tim chân chính không bao giờ biết đến nói dối
Tôi đi chinh chiến qua bao năm trường rồi miệt mài
Và lòng còn mang vết thương, vết thương trần ai…
Rồi một bài hát khác cũng ghi đậm nét son trong lòng giới ngưỡng mộ từ thị thành đến thôn quê, đó là ca khúc “Truyện Tình Lan Và Điệp 1”:
Tôi kể người nghe đời Lan và Điệp, một chuyện tình cay đắng
Lúc tuổi còn thơ tôi vẫn thường mộng mơ đem viết thành bài ca…
Hoặc vài lời ca của nhạc phẩm “Linh Hồn Tượng Đá” của Mai Bích Dung:
Trên dốc đá, tôi tình cờ quen nàng
Ngồi bên nhau, gọi tên nhau để rồi xa nhau…
Thính giả tự hỏi, Lê Minh Bằng là ai? Mai Bích Dung là ai?
Đôi khi cao hứng, thính giả cũng hát theo lời ca của ca sĩ trong băng nhạc:
… Tôi ca không hay, tôi đàn nghe cũng dở,
Nhưng nàng khen nhiều và thật nhiều
Làm tôi thấy trong tâm tư xôn xao
Như lời mặn nồng của đôi lứa yêu nhau…
Ca khúc này có tên là “Cô Hàng Xóm” của Nhóm Lê Minh Bằng nhưng được ghi tên tác giả là Giang Minh Sơn, cũng là một trong những ca khúc được thính giả ưa chuộng, không kém những bài “Đêm Nguyện Cầu” (Lê Minh Bằng), “Linh Hồn Tượng Đá” (Mai Bích Dung).
Lê Minh Bằng, Mạc Phong Linh, Mai Thiết Lĩnh, Mai Bích Dung hay Giang Minh Sơn… là những bút hiệu khác của Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng, tức Nhóm Lê Minh Bằng. Có người hỏi tại sao người ta muốn tạo một tên tuổi rất khó mà các anh lại đem đứa con mình sinh ra, bỏ nó vào viện mồ côi, không nhìn nhận nó? Như đã có đôi lần chúng tôi đã xin thưa cùng quý vị là trong thời gian đầu thành lập Nhóm Lê Minh Bằng, chúng tôi muốn thử nghiệm một loại nhạc hợp với đa số người thưởng thức, giản dị, nhạc dễ nhớ, lời dễ hiểu, dễ thuộc… nếu nó có được khán thính giả chấp nhận thì là một điều hay, còn nếu không thì cũng chẳng sao, không ảnh hưởng gì đến tên tuổi của 3 anh em chúng tôi.
Nhưng chúng tôi không ngờ, thật không ngờ, những bài như “Chuyện Tình Lan và Điệp 1”, “Cô Hàng Xóm” và nhiều bài khác – cũng thuộc loại bài có lời ca hợp với đa số người bình dân – lại được phần đông mến chuộng. Bằng cớ là mỗi lần xuất bản 10,000 bài, chỉ trong vòng một tuần lễ là hết sạch, các đại lý yêu cầu tái bản tới tấp, chúng tôi phải có mặt suốt đêm trong nhà in Tương Lai, đường Trần Hưng Đạo, để lo in cho kịp, và có nhiều bài mức phát hành lên đến cả trăm ngàn bản. Chúng tôi đồng ý đi đến một kết luận là muốn một bài nhạc được phổ thông, được chấp nhận thật sâu trong dân chúng thì, ngoài nét nhạc dễ thuộc, dễ nhớ… còn phải thật dễ thương, nghĩa là âm điệu phải uyển chuyển, có hồn nhạc, mới nghe qua một lần, nhưng thính giả còn nhớ thoang thoáng âm điệu. Về phần lời ca, đừng quá giản dị (đại loại như «Ước gì mình đừng ngăn cách, nhà mình chung vách, hai đứa mình thức trắng đêm nay»), nhưng cũng đừng quá cầu kỳ, đừng bắt người ta nghe nhưng không hiểu gì hết, đừng hỏi «sỏi đá có buồn không»?
Điểm này – tên tác giả lạ – có cái hay nhưng cũng có cái bất tiện của nó. Chẳng hạn như bài “Trở Về Cát Bụi”, vì tác giả không phải là Lê Dinh hoặc Minh Kỳ hay Anh Bằng (con vô thừa nhận) cho nên có một nam ca sĩ ở bên Pháp tự tiện in “poster” buổi đại nhạc hội do anh ta tổ chức mà trong đó có bài “Trở Về Cát Bụi” bảo rằng của chính anh ta sáng tác và cũng chính anh ta sẽ trình bày trong nhạc hội đó. Tưởng đâu là bài “Trở Về Cát Bụi” nào khác – do anh ta mới viết, nhưng trùng tên – nhưng té ra là một vụ đạo nhạc, vì đó là bài “Trở Về Cát Bụi” của chúng tôi:
«Sống trên đời này, người giàu sang cũng như người nghèo khó
Trời đã ban cho, xin cám ơn Trời, cuộc sống hôm nay…
Về điểm trùng tựa bài – chỉ trùng tựa thôi – tôi nhớ có một lần, trước mặt tôi, cố nhạc sĩ Võ Đức Tuyết, lúc đó là Chủ sự Phòng Văn nghệ Đài Phát Thanh Saigon đang duyệt một bài nhạc của một nhạc sĩ trẻ, hỏi nhạc sĩ này tại sao anh lấy trùng tựa một bài nhạc đã nổi tiếng của một nhạc sĩ đàn anh, nhạc sĩ trẻ này trả lời tại anh không biết. Nhạc sĩ Võ Đức Tuyết mới nói:
– Tại anh sinh sau đẻ muộn, làm sao anh biết được?
Bắt đầu thành lập Nhóm Lê Minh Bằng, ngoài việc cố vấn cho ông Nguyễn Tất Oanh, giám đốc hãng Đĩa hát Asia – Sóng Nhạc ở số 37 đường Phạm Ngũ Lão (Saigon), trong việc chọn bài để thu thanh và xuất bản, cũng như phụ trách phần phụ diễn ca nhạc cho chương trình Tuyển lựa ca sĩ hàng tuần ở rạp Quốc Thanh do Đài Phát thanh Saigon tổ chức, chúng tôi còn mở lớp nhạc có tên là Lớp nhạc Lê Minh Bằng, (1966-1975) tại số 102/8, đường Hai Bà Trưng, Tân Định.
Trong giai đoạn này, cũng có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ, liên quan đến tâm tính ở ngoài đời cũng như trong lớp nhạc, nói lên cá tính của mỗi ông thầy Minh Kỳ, Anh Bằng và Lê Dinh mà các em nhạc sinh như Kim Loan, Giáng Thu, Hải Lý, Trang Mỹ Dung, Nhật Thiệt Lan, Thu Thủy… chắc cũng không quên. Các em thường nói với nhau rằng thầy Kỳ nghiêm trang quá, thầy Bằng dễ dãi quá, thầy Dinh thì dung hòa giữa hai trạng thái nghiêm nghị và dễ tính. Mỗi lần các em gặp giờ thầy Kỳ thì trong lớp im phăng phắc tuy rằng thầy Kỳ cũng cười nói vui vẻ với các em, nhưng ở con người anh, xuất ra một nét gì đó làm các em sờ sợ. Trong giờ thầy Kỳ, đâu vào đó, nhạc lý ra nhạc lý, thực tập ra thực tập. Trong bộ môn nào cũng vậy, nhất là âm nhạc, phần lý thuyết là phần nhàm chán nhất đối với các em cho nên các em mong cho mau hết phần nhạc lý để sang phần thực tập, hát hò nhộn nhịp vui vẻ hơn. Vì sự luân phiên cho nên khi các em gặp giờ của thầy Bằng thì tất cả đều hớn hở, về nhạc lý thầy Bằng chỉ bảo những điểm cần thiết, phần căn bản để cho thầy Kỳ và thầy Dinh lo, vì các em muốn thực tập nhiều hơn lý thuyết. Thế nào là xuống ton, lên ton, thăng, giáng, một cung, nửa cung, âm giai trưởng, âm giai thứ, nhất là phần xướng âm… rắc rối quá. Thế là thầy Bằng làm cho các em vui vẻ lên, lớp học rộn rịp lên bằng cách cầm cây guitare, mở ampli, đưa micro cho các em, rồi thì tiếng vỗ tay hoan nghinh thầy Bằng vang dội từ trên lầu xuống dưới nhà. Riêng thầy Dinh, áp dụng thuyết trung dung của Khổng Tử làm kim chỉ nam. Mà chính các em cũng bảo thế, «Thầy Dinh là thầy Kỳ và thầy Bằng cọng lại rồi chia làm hai».
Mà quả thật vậy, ra khỏi lớp nhạc, ở ngoài đường phố, ở ngoài đời, cũng vì tính tình của mỗi ông thầy mà trong vấn đề tình cảm, mỗi người cũng có một đời sống tâm tình khác nhau. Năm bắt đầu thành lập Nhóm Lê Minh Bằng là năm tôi 32 tuổi, Minh Kỳ lớn hơn tôi 4 tuổi và Anh Bằng hơn Minh Kỳ 3 tuổi. Ở vào lứa tuổi bước vào đời, thời son trẻ bay bướm, nhất là trong địa hạt văn nghệ, làm sao tránh khỏi những chuyện tình ái giăng tơ. Nhìn vào cá tính của mỗi người, một phần nào chúng ta cũng đoán được chuyện bồ bịch của mỗi người trong nhóm chúng tôi. Minh Kỳ, theo chỗ tôi biết – tuy đây là chuyện riêng tư, nhưng trong vòng anh em, tất cả đều biết hết chuyện của nhau – với bản tính cứng rắn, là người không dính líu nhiều vào chuyện tình ái lăng nhăng. Còn Anh Bằng, như trên đã nói, cũng vì tính tình quá dễ dãi mà anh như con nhện mắc vào giữa màn lưới, đôi khi phải nhờ chúng tôi giải thoát mới ra được. Còn tôi, thuyết trung dung của đạo nho được áp dụng ở mọi trường hợp cho nên mọi việc phải được tính toán bằng cách cọng chung lại rồi chia làm hai để lấy trung bình giải quyết vấn đề.
Tôi nhớ có lần, hết giờ dạy, chúng tôi ra về khi thành phố bắt đầu lên đèn. Ra tới chỗ đậu xe, tôi ngạc nhiên thấy một em – mà tôi biết mặt chứ không nhớ tên, vì lớp nhạc có trên một trăm em – đang đứng cạnh xe tôi. Tôi hỏi em sao em còn đứng đây chưa về, trời cũng bắt đầu mưa lăm răm rồi. Em bảo:
– Em đợi thầy về để em xin thầy cho em quá giang.
– Nhà em ở đâu?
– Dạ ở ngã tư Phú Nhuận.
Thấy nhà em cũng ở trên lối về nhà tôi, đường Ngô Tùng Châu (Gia Định) tôi bảo em lên xe và tôi lái từ đường Hai Bà Trưng về hướng ngã tư Phú Nhuận. Trên xe, tôi cũng không hỏi tên em và thầy trò chúng tôi cũng không nói với nhau một lời nào. Xe chạy trên đường Võ Di Nguy, gần đến ngã tư Phú Nhuận, tôi mới hỏi em:
– Nhà em đâu, để thầy đưa em đến nhà cho, trời đã bắt đầu mưa to rồi.
– Dạ em không muốn về nhà, thầy đưa em đi chơi một vòng được không?
Thật quá bất ngờ, trong bụng tôi đã bắt đầu nổi sùng, thứ nhất là vì đã hơn 7 giờ tối, bụng cũng đã đói, thứ hai là tôi biết là giờ này, vợ và con tôi đang chờ tôi về để cùng ăn cơm. Không biết tính sao, tôi không trả lời mà quẹo xe về phía mặt trên đưòng Chi Lăng và nói với em rằng em phải về nhà kẻo ba má em lo. Nhưng em nhất quyết ngồi trên xe luôn và còn nói «thầy đưa em đi đâu, em đi đó». Xe chạy chậm chậm trên đường Chi Lăng, hướng về phía dinh tỉnh trưởng Gia Định, đến ngã ba Chi Lăng và Ngô Tùng Châu là lối rẽ về nhà tôi, tôi dừng xe lại trước Ty Hiến Binh Gia Định và bảo em xuống xe để tôi đưa tiền em đi cyclo về nhà. Nhưng em cũng không chịu xuống và cuối cùng tôi phải dùng lời lẽ khi nhẹ, khi nặng em mới chịu bước xuống đường. Và kể từ hôm đó, tôi để ý thấy em không còn có mặt trong lớp nhạc nữa.
Văn tức là người, hay nói về nhạc sĩ sáng tác, tâm tính con người được biểu lộ qua lời ca, và nhờ vậy, chúng ta biết tại sao Minh Kỳ ít viết lời ca cho nhạc của anh. Phần nhiều nhạc của Minh Kỳ, trước khi quen với chúng tôi, nhờ thi sĩ Hồ Đình Phương làm lời ca (Nha Trang, Nhớ Nha Trang…) hoặc Hoài Linh (Biệt Kinh Kỳ, Chuyến Tàu Hoàng Hôn, Nhớ Một Người, Mấy Độ Thu Về…) hay Y Vân (Chuyến Tàu Tiễn Biệt) và sau này khi chúng tôi biết nhau thì anh đưa cho tôi làm lời cho một số bài như Một Chuyến Xe Hoa, Đường Về Khuya, Tôi Đã Gặp, Cánh Thiệp Đầu Xuân, Hạnh Phúc Đầu Xuân, Mùa Xuân Gửi Em, Tiếng Hát Mường Luông, Đường Chiều Sơn Cước v.v…). Minh Kỳ làm nhạc xuất sắc nhanh mà hay, nhưng anh không văn chương, bóng bẩy trong lời ca, không phải anh không làm được nhưng kém hay hơn nếu nhờ một người khác làm. Còn Anh Bằng thì hoàn toàn cả 2 phương diện, âm điệu cũng như lời ca, phần nào nói lên tâm tính lãng mạn của anh, sự mềm lòng của anh cho nên lời ca của anh thật trau chuốt, tình tứ và vô cùng êm ái, như nhung, như lụa. Riêng về phần tôi, cũng bởi thuyết trung dung, tôi ở vào giữa của hai thái cực, một bên nghiêm trang đến độ cứng rắn, một bên yếu mềm, một bên quá khô khan, một bên quá ướt át… tôi viết lời ca cũng trung dung, ở giữa, không quá sa mạc nắng cháy mà cũng không quá mưa dầm dề lầy lội.
Cũng ở trong sự nhận xét này, chúng ta nhìn lại tổng quát gia tài sáng tác trước đây của Minh Kỳ, của Anh Bằng và của Lê Dinh, trước ngày chúng tôi thành lập Nhóm Lê Minh Bằng thì thấy rõ ngay. Minh Kỳ có những bản thuộc loại tuyên truyền mạnh dạn, hùng dũng như Biệt Động Quân, Cảnh Sát Hành Khúc…, Anh Bằng ít viết loại nhạc hùng, còn tôi, vì làm việc tại đài Phát thanh Saigon, cho nên cũng thỉnh thoảng có viết vài bài hành khúc cho chiến dịch. Về nhạc chiến dịch, tôi thích viết loại tình cảm, chẳng hạn như bài nhạc tố cáo CS pháo kích dã man vào trường tiểu học ở Cai Lậy giết chết hơn 10 em bé học sinh:
Hỡi bé thơ ơi, sao tội tình gì em lại bỏ đi, em lại bỏ đi
Kìa thầy giảng bài tình thương trong lớp,
Bạn bè còn ngồi chăm chỉ lắng nghe
Sao em vội bỏ mái trường ngày xưa thân mến, vội bỏ ra đi…
Và cũng song song theo tính tình như vậy ở ngoài đời, Minh Kỳ là Đại úy cảnh sát oai phong, khép mình trong khuôn pháp, Lê Dinh là một công chức bình thường, chừng mực, còn Anh Bằng sống cuộc đời phóng khoáng, cởi mở, như con chim bay nhảy tự do giữa bầu trời nắng đẹp. (Thời gian giải ngũ của anh dài hơn thời gian anh ở trong quân đội). Lê Minh Bằng, sự kết hợp của 3 miền đất nước, sự quy tụ của 3 trạng huống tính tình – nghiêm trang, ôn nhu và dễ dãi – bổ túc cho nhau, bù đắp cho nhau để tồn tại trong 9 năm dài, góp phần tô bồi cho gia tài âm nhạc VN thêm hương sắc.
Có người cho rằng sự hợp tác giữa 3 người khó mà bền vững được, chúng tôi không tin vào lập luận tiền chế dị đoan này vì sự kết hợp của chúng tôi là một sự kết hợp văn hóa và cho đến năm 1975, nếu không mất nước vào tay CS, có lẽ Nhóm Lê Minh Bằng chúng tôi còn tiếp tục mãi đến ngày nay ở trong nước. Nhắc đến hai chữ «cộng sản», tôi và Anh Bằng thật bồi hồi thương cảm cho số phận hẩm hiu của Minh Kỳ. Ba tháng trước ngày mất nước, anh nói nếu CS vào, anh sẽ dắt đứa con trai lớn của anh tìm cách trốn đi ngoại quốc để có người nối dõi tông môn. Nhưng chỉ 6 tháng sau, anh bỏ mình oan khổ trong trại cải tạo chỉ vì một sự giằng co, tranh chấp bán buôn đường sữa linh tinh của những người về từ rừng rú, để rồi Minh Kỳ thiệt mạng vì một trái lựu đạn trả thù vô lối, trong khi anh không dính líu vì đến vụ này. Nhưng rồi hiện nay, nhờ những người con đi trước bảo lãnh, cả đại gia đình Minh Kỳ đều thoát được «thiên đường CS», đoàn tụ ở San Jose và trớ trêu thay, người con trai đầu lòng của anh chị Vĩnh Mỹ (tên thật của Minh Kỳ), nay cũng trên 40, vẫn còn độc thân. Nhưng cũng không sao, anh chị còn nhiều thứ nam khác nay đã có gia đình và đã có người nối dõi tông tộc Bửu, Vĩnh, Bảo… như ước vọng của anh trước khi về nơi vĩnh cửu.
Lê Dinh
Nguyệt San Nghệ Thuật 148 – July 2006
Nguồn: https://thanhthuy.me/2013/01/18/vai-ky-niem-voi-nhom-le-minh-bang-1966-1975-le-dinh/