Thơ Phổ Nhạc

Châu Đình An
16/7/2020

Khi đọc một bài thơ hay, cảm xúc dâng tràn, và các nốt nhạc theo từng chữ thơ bắt đầu reo vang bàng bạc, từ đó… ca khúc đã bắt đầu thai nghén, hình thành.

Thơ phổ nhạc là nét đặc thù của nền tân nhạc Việt, vì có đến hàng trăm bài thơ của nhiều thi sĩ với nhiều thể dạng thơ trở thành ca khúc.

Nếu không có âm nhạc thì có lẽ, những bài thơ khó có cơ hội trở thành quen thuộc với người nghe. Từ thi sĩ tiền chiến Nguyễn Bính, Hoàng Cầm, Quang Dũng, Hàn Mặc Tử, Huy Cận, cho đến gần đây là thi sĩ Du Tử Lê, Tô Thuỳ Yên, Nguyễn Tất Nhiên, Mường Mán, Hoàng Ngọc Ẩn, Trần Vấn Lệ… và còn nhiều thi sĩ khác không kể hết ra đây.

Tôi yêu thơ từ bé, lúc ngồi ghế nhà trường, đã thuộc nhiều bài thơ của Nguyễn Bính, Huy Cận, Xuân Diệu, kể cả những bài thơ yêu nước của chí sĩ Phan Bội Châu. Lúc 16 tuổi, tôi đã bắt đầu làm quen với cây đàn và đặt bút phổ nhạc bài thơ của thầy giáo tôi. Còn nhớ bài thơ tựa là Lệ Thu như sau:

Xuân đã qua rồi nghe lệ thu
Tròn đêm ta khóc với sương mù
Ta ôm nỗi nhớ trong hồn nhỏ
Để gặp em về lúc mộng du
Gót ngọc nở hoa thắm vệ đường
Em đi cây cỏ cũng đều thương
Âm thầm ta đếm em từng bước
Ai biết lòng ta đã vấn vương

Và bài thơ này, có thể nói là ca khúc đầu tay trong đời sáng tác nhạc của tôi. Vì bài thơ là câu chuyện thật. Thầy giáo Thanh dạy Việt văn của tôi đem lòng yêu cô học trò mình tên là Phan Lệ Thu. Nhưng cô nàng Lệ Thu này khi nhận bài thơ tán tỉnh của thầy, thì đưa cho tôi xem, thằng tôi hí hoáy viết suốt đêm ca khúc, bôi xoá gần như nát giấy vì… mới tập tành viết nhạc, và Phan Lệ Thu là người nghe tôi hát đầu tiên bài này. Sau đó, bạn biết chuyện gì xảy ra chứ? Phan Lệ Thu không phải lòng tác giả bài thơ, mà lại cảm tình kẻ đem nhạc vào thơ. Cuối cùng, tôi bị thầy Thanh “đì” te tua…. vì tội “phổ thơ” của thầy không có “giấy phép”.

Bài thơ hay, chưa chắc phổ nhạc đã hay, ngược lại có những bài thơ bình thường, nhưng lại hay, khi trở thành ca khúc. Ta gọi đó là duyên thi nhạc. Những bài thơ soạn thành ca khúc, hoàn toàn do tình cờ. Như, bài thơ “Chăn Vịt Ở Phương Nam” của thi sĩ Mường Mán là một tình cờ. Tôi chưa bao giờ biết mặt hoặc nói chuyện với Mường Mán. Nhưng tôi yêu câu thơ của Mường Mán:

vịt tôi chăn trăm con
ngày lùa đi trăm ngã
bạn tôi trăm tim nhỏ
bạn tôi trăm linh hồn
theo tôi qua thời khó

Có 5 câu mà dùng đến 4 chữ “trăm” vẫn không chán. Thế rồi nhà thơ thẩn thờ:

Em buồn sợi tóc mai
Dài bằng cơn nắng sớm
Em buồn cây nhang ngún
Cháy khuya sầu mênh mang

Đọc đến các câu vừa viết của Mường Mán, tôi cảm động ôm đàn phổ nhạc câu thơ 5 chữ (5 chữ khó phổ nhạc vì không khéo sẽ dễ nhàm tai), tôi viết ngay nhịp 6/8 để bay nhảy theo dòng thơ của Mường Mán.

Chăn Vịt ở Phương Nam (Khánh Ly song ca với Châu Đình An)


Rồi đến thi sĩ Trần Vấn Lệ, đến bây giờ tôi cũng chưa biết mặt, chưa hề gặp, qua bài Thơ Lệ của ông, bài thơ thật hay với câu thơ bẩy chữ, rung cảm đến từ con tim thi sĩ.

Ôi một bài thơ lệ mấy dòng
Mấy dòng thơ lệ hoá con sông
Em bơi thuyền nhỏ đùa con sóng
Vớt bọt bèo xem những mảnh lòng

Rồi thi sĩ than thở, nghe rất thương:

Những mảnh lòng anh, em ghép lại
Thấy gì lạnh buốt bóng trăng trong
Ngày xưa Lý Bạch ôm trăng chết
Trăng nhớ người thơ, khóc dưới sông

Tôi cảm động, phổ bài thơ này theo điệu ngũ cung, nghe buồn da diết.

Một bài thơ hay của thi sĩ Giang Hữu Tuyên, Bông Bưởi Chiều Xưa, giản dị, chân tình, tôi cũng rung động để đưa nốt nhạc mình vào đấy…

Xem ra, thơ phổ nhạc là một cái duyên, tự dưng nó đến, bất ngờ. Theo tôi, thơ là hình ảnh, là mầu sắc, là không gian, là thời gian, là kỷ niệm, là tiên tri, và sau hết là thông điệp nhắn gửi đến cuộc đời về một điều gì đó trong phạm vi tình yêu, xã hội, và con người.

Cuối cùng, thi sĩ đích thực, là những kẻ điên, và những kẻ đem nhạc mình phổ vào thơ, là những tên đồng loã với nỗi điên ấy.

Chỉ có, người đọc thơ và nghe nhạc, mới thật sự may mắn vì chợt cảm nhận sâu thẳm về cơn điên này.

Châu Đình An

Nguồn: Trang FB của CĐA

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây