The Beatles và album “Let it be” – Sức sống vượt thời gian

Gia Trình
30/5/2020

50 năm trước, vào tháng 5 năm 1970, album Let it be (Hãy mặc kệ nó), album cuối cùng của ban nhạc huyền thoại, The Beatles chính thức lên kệ đĩa. Được mệnh danh là nhóm nhạc của thế kỷ 20, The Beatles xác lập kỷ lục mà chưa có ban nhạc nào đánh bại được, tiêu thụ 183 triệu đĩa hát.

 The Beatles và album “Let it be” – Sức sống vượt thời gian
Ban nhạc The Beatles tại New York ngày 01/01/1968 . Từ trái sang phải, Paul McCartney, John Lennon, Ringo Starr và George Harrisson. UPI/AFP/Archivos


Ban nhạc huyền thoại của thế kỷ 20 

Kênh Spotify còn tiết lộ có khoảng 20,6 triệu lượt nghe The Beatles hàng tháng trên kênh này. Trong đó, hơn 30% khán giả nghe nhạc The Beatles ngày nay đều là thế hệ Thiên niên kỷ (Millennials) với độ tuổi 18 đến 24.

Âm nhạc của The Beatles có sức hút kỳ lạ như nhịp cầu xuyên suốt các thế hệ. Thế hệ ông bà, cha mẹ ngân nga hát “Let it be, Let it be.” và giờ con cháu họ vẫn hát nối tiếp “Speaking words of wisdom”  trong ca khúc kinh điển, theo Gia Trình, từ New Zealand.

Giải mã sức hút của Let it be

Nhóm The Beatles có vô vàn những bài hát đi cùng năm tháng như Yesterday, Hey Jude nhưng Let it be luôn có chỗ đứng rất đặc biệt. Đó là bài ca của hy vọng, giai điệu của niềm tin, những hoài niệm về tình bạn, tuổi trẻ tràn đầy nhựa sống của bốn chàng trai vàng xứ sở sương mù.

Không ai có thể phủ nhận được sức sống kỳ diệu của ca khúc chủ đề khi khúc nhạc dạo piano thánh thót vang lên. Nếu mỗi bài hát có một số phận thì số phận của Let it be là buộc người nghe phải nhớ đến nó. Vì cái tựa đề đơn giản đến mức khó quên, giai điệu hát mộc mạc nhưng lại thẩm thấu sâu như gia tài âm nhạc Bộ Tứ để lại.

Album như một lời chia tay khán giả

Không được đánh giá cao như các album trước đó, album Let it be (1970) đánh dấu nỗ lực hàn gắn bốn thành viên của nhóm, Paul McCartney, John Lennon, George Harrison và Ringo Stars trước khi nhóm tách ra theo đuổi sự nghiệp solo.

Chính vì vậy, cả album không có nhiều đột phá về phong cách, hay thể nghiệm mới mẻ như album Sergent Pepper’s Lonely Hearts Club Band (1967) hay Abbey Road (1969). Album Let it be cho thấy sự tan rã của nhóm là điều không thể tránh khỏi khi cá tính âm nhạc của mỗi thành viên đều định hình rõ nét, chín muồi và đầy xung đột.

Sau khi nhóm tan rã, John Lennon tiết lộ rằng Paul McCartney muốn chiếm lĩnh vị thế trụ cột và chi phối nhóm. Bộ đôi không còn sáng tác chung như ngày đầu mới thành lập nữa, cho dù luôn đề tựa tác giả dưới cái tên ghép quen thuộc Lennon/McCartney. Bỏ qua câu chuyện “bếp núc” hậu trường, Let it be vẫn là một album tương đối dễ nghe, mang âm hưởng buồn nhưng không nhạt nhòa nhờ một số ballad xuất sắc. 

Dấu ấn của Paul McCartney

Hai ca khúc đinh nhất của album là Let it beThe long and winding road đều mang dấu ấn đậm nét của Paul McCartney. Ngoài ra còn có Across the universe  sáng tác bởi John Lennon và Get back  sáng tác bởi George Harrison.

Let it be là một ballad rất tươi sáng, nhẹ nhàng, nói về sự lạc quan khi con người gặp khó khăn, bế tắc trong cuộc sống. Mở đầu với nhạc dạo piano thánh thót, điệp khúc bài hát được tôn lên nhờ sự hòa giọng nhuẫn nhuyễn Paul, John và George. Ca từ bài hát có câu “Mother Mary comes to me” gây ra nhiều tranh luận. Tuy nhiên, Paul đã giải thích Mary trong bài hát ám chỉ mẹ anh, bà Mary McCartney mất sớm vì căn bệnh ung thư, không phải Đức mẹ Mary như các fan lầm tưởng.


Ca khúc Let it be ngầm truyền tải một thông điệp xung đột giữa thành viên trong ban nhạc. Cho dù họ có tan vỡ, bài hát chiếu sáng những tia hy vọng cho một ngày tái hợp không xa.

“For though they may be parted  ; There is still a chance that they will see ; There will be an answer, let it be.”

Với những ai có thể chia ly ; Vẫn có cơ hội mà họ có thể nhìn thấy ; Sẽ có câu trả lời, hãy mặc kệ nó.”

Bài hát nổi tiếng khác là The Long and winding road (Con đường dài và quanh co) được phối khí bởi piano cùng dàn nhạc dây. Tựa đề ca khúc được Paul nghĩ ra khi thăm nông trại High Park Farm của anh ở tại vùng quê Scotland bình yên. Ca từ đẹp, giai điệu mềm mại, khắc khoải khiến cho người nghe đắm chìm trong tâm trạng đang yêu ai đó hơn là tình yêu thiên nhiên đơn thuần.


Tác phẩm không có cấu trúc chuẩn mực như các sáng tác truyền thống của The Beatles. Giai điệu dạo đầu được lặp lại nhiều lần, cùng hiệu ứng lan tỏa của dàn nhạc dây khiến cho bài hát có độ mở về không gian và thời gian. Trong cuộc phỏng vấn năm 1994, Paul từng nói đây là một bản tình ca buồn, vì anh muốn tìm kiếm cảm xúc sâu thẳm, gói ghém hết vào một bài hát như vậy.

Rất nhiều nghệ sỹ thập niên 2000 như Faith Hill, The Corrs cover lại nhưng vẫn thiếu sự tinh tế và đặc biệt không có bản phối khí đẹp như tranh.

“Many times I’ve been alone ; And many times I’ve cried ; Anyway you’ll never know ; The many ways I’ve tried ; And still they lead me back ; To the long winding road ; You left me standing here ; A long long time ago…”

“Rất nhiều lần tôi cô đơn ; Và nhiều lần tôi đã khóc ; Em có bao giờ biết đến không ; Rất nhiều lần tôi đã cố gắng ; Và đều dẫn tôi trở lại ; Con đường dài và quanh co ; Em để tôi đứng chờ nơi đây ; Rất rất lâu rồi…”

Album Let it be khép lại sự tồn tại của nhóm The Beatles nhưng nó đã mở ra trang sử mới cho âm nhạc pop/rock đương đại. John Lennon từng bị chỉ trích khi phát biểu The Beatles còn nối tiếng hơn chúa Jesus. Tuy nhiên, không ai phủ nhận rằng các thành viên The Beatles là những tài năng âm nhạc thực thụ. Họ vừa có thể tự sáng tác, biểu diễn, phối hợp ăn ý và định hướng thẩm mỹ cho cả thế hệ về sau.

Nửa thế kỷ nhìn lại, chúng ta phải thốt lên rằng “Let it be… classic music” (Hãy mặc kệ nó là… nhạc cổ điển) như cách Paul McCartney từng ví von về giá trị âm nhạc Beatles.

***

(Nguồn: The Rollingstone, Spotify, The Beatles)

Nguồn: http://www.rfi.fr/vi/v%C4%83n-h%C3%B3a/20200530-the-beatles-v%C3%A0-album-let-it-be-s%E1%BB%A9c-s%E1%BB%91ng-v%C6%B0%E1%BB%A3t-th%E1%BB%9Di-gian

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây