Thuở ban đầu nhạc Việt, chỉ nhẹ nhàng thế thôi!

Hà Túc Đạo
23/5/2020

Cái thuở ban đầu sơ khai của lời ca, tình yêu vẫn phải dùng từ Hán Việt là “ái tình” và “cái sự yêu đương nhau” còn được gọi là “ái ân”. Những bản tình ca Việt Nam sao mà nhẹ nhàng, chỉ dám đi khe khẽ và gọi người ấy là “em tôi”; đố ai dám xưng “anh” với người em nhỏ bé này.

Sự thay đổi cũng như phát triển của lời ca trong các ca khúc Việt Nam, có lẽ cũng đi đôi với sự phát triển của văn chương tiếng Việt. Một trong những đặc điểm thú vị là sự thay đổi về ngôn từ trong lời nhạc, đặc biệt là nhạc tình, cũng đồng bộ nhịp nhàng với sự thay đổi của tiết tấu theo thời gian.


Chỉ trong khoảng chưa đến 40 năm, cứ tính từ năm 1938 với ca khúc Kiếp Hoa của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên, âm nhạc Việt Nam nói chung và miền Nam Việt Nam nói riêng sau năm 1954 đã có những bước phát triển tột bực, đa dạng đa sắc như một vườn hoa đã được vun xới sẵn, chỉ cần gieo rắc ít hạt giống âm nhạc (phương Tây) là bùng nở khoe sắc khoe màu.

Trong giai đoạn ngắn ngủi đó, biết bao nhạc sĩ, ca sĩ đã định hình ra những trường phái riêng, tạo ra một nền móng âm nhạc tưởng chừng như vững chãi… cho đến khi bị xóa sổ.

Mới chỉ là… Em và Tôi

Ca khúc Việt trong những ngày đầu, cũng như văn chương thơ phú, thường được viết ra rất nhẹ nhàng, bóng gió, mông lung và còn mang nặng tính chất của văn vần. Chủ đề chính của ca khúc cũng như thi ca muôn thuở vẫn là tình yêu, nhưng tình yêu thời đó, còn được gọi theo văn chương quốc ngữ đời đầu là “ái tình”, rất xa xôi, rất mong manh và thanh thoát.

Cái thuở ban đầu sơ khai của lời ca, tình yêu vẫn phải dùng từ Hán Việt là “ái tình” và “cái sự yêu đương nhau” còn được gọi là “ái ân”, những bản tình ca Việt Nam sao mà nhẹ nhàng, chỉ dám đi khe khẽ và gọi người ấy là “em tôi”, chỉ mới là “tôi” và “em, đố ai dám xưng “anh” với người em nhỏ bé này.

Mấy phút bên nhau rồi thôi
Đến nay bóng em mờ khuất
Người về u buồn khắp trời
Người ra đi với ngàn nhớ thương

Người thì về, người thì ra đi, không dám nói ra người là ai. Cho đến khi can đảm hơn, mấy phút bên nhau trở thành mấy phút bên em, mới có đủ dũng khí để lộ diện ngườitôi đây!

Mấy phút bên em rồi thôi
Dáng em sống trong hồn tôi
Xa cách ta còn tìm đâu ngày vui
(Biệt ly – Dzoãn Mẫn 1939)

Hoàng Quý năm 1943 viết bài Cô Láng Giềng, cũng vẫn chỉ là em và tôi

Năm xưa khi tôi bước chân ra đi.
Đôi ta cùng đứng bên hàng tường vi.
Em nói rằng em sẽ chờ đợi tôi.
Đừng nói đến phân ly.

Nhớ cô quá cũng chỉ dám kêu lên “Cô láng giềng ơi”, và ngay cả khi ngậm ngùi bước chân ra đi cũng chỉ dám gọi “Cô láng giềng ơi”!! Nền âm nhạc còn non trẻ của Việt Nam thời tiền chiến (trước 1945) chỉ mới dám đụng khẽ đến những kẻ si tình bằng cách gọi rụt rè xa xôi như vậy.

Ngay cả chàng ca nhân phiêu lãng giang hồ Phạm Duy mà sau này chẳng biết sợ, biết nể ai trên đầu thì trong giai đoạn này cũng mới dám có những biểu lộ tình cảm nhẹ nhàng mong manh như

Hôm xưa tôi đến nhà em
ra về mới nhớ rằng quên cây đàn

Đêm khuya thao thức mơ màng
chờ mai tìm đến cô nàng ngây thơ
(Cây Đàn Bỏ Quên – Phạm Duy 1940?)

Và vẫn tiếp tục xa xôi nhẹ nhàng như vậy

Em đến bên tôi một chiều khi nắng phai rồi
Nắng ngừng bên chiếc cầu biên giới
….
Ôi dòng tóc êm đềm!
Ôi bể mắt đắm chìm!
(Bên Cầu Biên Giới – Phạm Duy 1947)

Len lén xưng… Anh

Mãi cho đến những năm 1950, những bóng hồng là đối tượng không thể thiếu được trong những bài tình ca vẫn chỉ được nhắc đến như một người em nhỏ bé của tôi:

Em tôi ưa đứng
Nhìn trời xanh xanh

… Bao giờ tôi về gần em cùng đếm
Nay trăng này sao chia nhé em

Và chỉ dám

Tôi xin gió biếc ca ngợi màu suối tóc

Cho đến gần hết lời hai mới dám xưng… “anh”

Cho anh rót thắm đem về nhớ nhung lời thơ
(Em tôi – Lê Trạch Lựu 1953)

Nhút nhát như người em gái của Lê Trọng Nguyễn

Anh nhớ trước đây dáng em gầy gầy
Dịu dàng nhìn anh đôi mắt long lanh
….
Anh nhớ xót xa dưới tre lá ngà
Gợn buồn nhìn anh, em nói “mến anh”
(Nắng chiều – Lê Trọng Nguyễn 1952)

Tình trong như đã, mà mặt ngoài cũng chỉ dám nói “Mến anh”!

Mượn cảnh nói người…

Các nhạc sĩ nói trên vẫn còn can đảm, trong khi chàng Dương Thiệu Tước thì còn nhát gan hơn, đến mức không dám gọi người trong mộng của mình là em hay nàng, mà phải dùng một dòng suối làm tên nàng:

Ngọc Lan, dòng suối tơ vương, mắt thu hồ dịu ánh vàng.
Ngọc Lan, nhành liễu nghiêng nghiêng, tà mấy cánh phong, nắng thơm ngoài song…
Ngọc Lan, giọng ướp men thơ, mát êm làn lụa bông là.
Ngọc Lan, trầm ngát thu hương, bờ xanh bóng dương phút giây chìm sương…
(Ngọc Lan – Dương Thiệu Tước 1953).

Nhưng giấu đầu mà lòi đuôi, vì tất cả chữ Ngọc Lan trong bài đều được viết hoa một cách trang trọng, chứng tỏ đây phải là tên của người yêu dấu chứ không thể là tên một dòng suối được. Dòng suối nào mà có mắt thu hồ dịu, có giọng ướp men thơ đây trời??

Nhân tiện, xin rẽ ngang một chút, ai là người yêu dấu được ví von với dòng suối Ngọc Lan ở đây? Đa số giai thoại về Dương Thiệu Tước đều cho là ông sáng tác bài này dựa trên cảm xúc của ông với ca sĩ Minh Trang (tên thật Ngọc Trâm), người sau này kết đôi cùng ông.

Tuy nhiên, sau này lại có một giả thuyết khác cho rằng Ngọc Lan là ám chỉ mối tình đầu tiên và bất thành của Dương Thiệu Tước với cô Vi Kim Ngọc. Tôi nghiêng về giả thuyết ban đầu, với dòng suối Ngọc Lan tượng trưng cho ca sĩ Minh Trang hơn, vì cô Kim Ngọc đã cất bước sang ngang từ năm 1936 trong khi mãi đến 1953 bài Ngọc Lan mới ra đời sau khi Dương Thiệu Tước gặp Minh Trang lần đầu vào năm 1949, và chỉ có ca sĩ Minh Trang mới thích hợp với lời tán tụng “giọng ướp men thơ”, vì Kim Ngọc không hề đi hát.

Cũng khoảng thời gian này, Hiếu Nghĩa với bài hát Chàng Đi Theo Nước đã rất cổ điển khi để người em gái gọi người trai hiên ngang vì đất nước của mình là Chàng.

Chiều Xuân ấy chàng bước chân đi
Theo hồn nước duyên tình nhớ chi

Em chúc cho chàng lập chiến công
Oai hùng, vang vang lời chiến thắng
Muôn Thu danh chàng lừng lẫy núi sông
(Chàng Đi Theo Nước – Hiếu Nghĩa 1954)

Thật đúng là hình ảnh lý tưởng của một chàng hào kiệt xếp bút nghiên theo việc kiếm cung!

Cho đến năm 1956, các bản tình ca của Nguyễn văn Đông vẫn mang khuôn phép của một thời Nho giáo, với tình yêu được nhắc đến mang tính ước lệ trong điển tích thời nhà Tần:

Ngày mai xa cách nhau
Một người gối chiếc cô phòng
Còn người góc núi ven rừng chân mây đầu gió

Nhìn em muốn nói chuyện người Kinh Kha[1]
Ngại khơi nước mắt nhạt nhòa môi em
(Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp – Nguyễn văn Đông 1956)

Và mượn cả đến giai thoại thi ca trong sử Việt để người hậu phương gửi đến người đi khu chiến:

Lòng trần còn tơ vương khanh tướng[2]
Thì đường trần mưa bay gió cuốn
Còn nhiều anh ơi!
(Chiều Mưa Biên Giới – Nguyễn văn Đông 1956)

Chia tay người yêu mà lại tính đem chuyện Kinh Kha ra kể, chắc muốn ví mình như tráng sĩ đi diệt bạo Tần. May thay vội thắng gấp lại không kể vì chợt nhớ ra … số phận của Kinh Kha, sợ người yêu nghe rồi khóc ngất thì toi!!

Nhân nói đến chuyện xếp bút nghiên theo việc kiếm cung, tôi lại chợt nhớ đến bài Biệt Kinh Kỳ của Minh Kỳ và Hoài Linh. Trong suốt hơn 20 năm đầu của nền tân nhạc Việt Nam, song song với sự kín đáo dè dặt khi diễn tả những mối tình thương yêu nam nữ, còn có những ca khúc nói về tình cảm quyến luyến giữa những người bạn, mà thường là bạn trai, với nhau. Như ca khúc Biệt Kinh Kỳ, do Minh Kỳ sáng tác từ rất sớm trong quãng đời âm nhạc của ông. Nếu gặp thời đại ngày nay chắc chắn sẽ có những câu hỏi đặt ra về… giới tính của người viết nhạc!

Bạn ơi quan hà xin cạn chén ly bôi
Ngày mai tôi đã – đã đi xa rồi

Ngày nao khi đất nước hết binh đao
Giữa đoàn hùng binh có tôi đi hàng đầu
Trở về thành đô nắm tay ta mừng vui
(Biệt Kinh Kỳ – Minh Kỳ)

Hay một ca khúc khác của Phạm Thế Mỹ

Tôi lại gặp anh người trai nơi chiến tuyến
Súng trên vai bước về qua đường phố

Còn lưu luyến gì đây
Thôi bọn mình chia tay
Thôi bọn mình chia tay
(Trăng Tàn Trên Hè Phố – Phạm Thế Mỹ)

Rồi xã hội Việt Nam biến đổi dòng theo chiến cuộc, sống vội hơn, quan hệ tình yêu cởi mở hơn, lời ca trong nhạc Việt chỉ về tình ca thôi, cũng biến đổi theo chiều hướng táo bạo hơn, như đây lại là chủ đề khác.

Trong vòng chưa đến 40 năm, những bản tình ca Việt đã có những thay đổi chậm rãi về cách xưng hô ái tình trong lời nhạc, từ bâng quơ nhẹ nhàng, là Em là Tôi, là Chàng và Nàng, cho đến “lộ liễu” hơn cũng chỉ là Anh và Em. Nhẹ nhàng thế thôi!

Hà Túc Đạo

[1] Tráng sĩ Kinh Kha bên bờ sông Dịch trước khi lên đường thích khách Tần Thủy Hoàng – tiêu biểu của kiểu mẫu anh hùng ngày trước

[2] Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế thế thời phải thế – hai câu đối đáp giữa Đặng Trần Thường và Ngô Thì Nhậm

Nguồn: https://saigonthapcam.wordpress.com/2020/05/23/thuo-ban-dau-nhac-viet-chi-nhe-nhang-the-thoi/

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây