Một Chút. Cho Tôi Và Âm Nhạc Trịnh Công Sơn

Nguyễn Đăng Khoa
9/5/2020

“Con người bị sinh ra”
(Albert Camus)

Ngày ấy, tôi mười tám, chập chững vén mở tâm hồn để thu nhận những luồng gió mới, rất khác với sự hồn nhiên, thơ dại. Tôi mong muốn cảm nhận được những âm nhịp rung lắc của trái tim, tôi bắt đầu tìm đến âm nhạc. Lúc đó, đích nhắm của tôi là kho tác phẩm Trịnh Công Sơn, người nhạc sĩ mà sau này tôi phát hiện, tôi đã sinh cùng ngày, cùng tháng với ông. Đôi lúc, tôi đồ rằng, chúng tôi, và tất cả những người sinh vào ngày 28 tháng 2 dương lịch, đã chẳng may sinh ra dưới ánh sáng của một ngôi sao không vui vẻ. Đó là một ngôi sao trầm mặc, có đeo lơ lửng một túi rất lớn chứa đầy ưu tư. Theo astrology (chiêm tinh học) thì cũng có lý, nhưng ai mà tin chiêm tinh học. Tôi tin vào những đêm buồn bã.

Trịnh Công Sơn cũng có viết đây đó nhiều bài nhạc vui tươi, hưởng ứng, nhiều bài nhạc cho tuổi hoa niên, nhưng xét cho cùng, đấy chỉ là những nhánh hoa trổ thêm trong quá trình vun bón. Còn lại, hai mảng âm nhạc tuyệt vời nhất của ông chính là những ca khúc phản chiến và những tình khúc buồn dành cho tình yêu đôi lứa.
Chùm ca khúc Da vàng gồm bốn tập chính: Ca khúc da vàng, Kinh Việt Nam, Ta phải thấy mặt trời, Phụ khúc da vàng. Đó là những khúc kinh cầu mang bản chất phản chiến, ai nấy đã từng nghe đều chung một cảm giác là cực kỳ cảm động và muốn cất ngay tiếng khóc thật to không e dè, cho những bà mẹ lìa con, những thiếu phụ mất chồng, những bé thơ sớm ngừng tiếng nói:

“Người con gái Việt Nam da vàng,
Yêu quê hương như yêu đồng lúa chín
Người con gái Việt Nam da vàng
Yêu quê hương, nước mắt lưng tròng”

(Người con gái Việt Nam da vàng – Trịnh Công Sơn)

“Ghế đá công viên dời ra đường phố
Người già co ro chiều thiu thiu ngủ.
Người già co ro buồn nghe tiếng nổ.
Em bé lõa lồ khóc tuổi thơ đi”

(Người già, em bé – Trịnh Công Sơn)

“Một buổi sáng mùa xuân,
Một đứa bé ra đồng,
Đạp trái mìn nổ chậm,
Xác không còn đôi chân…”

(Một buổi sáng mùa xuân – Trịnh Công Sơn)

Đó chính là quang cảnh bàng hoàng của quê hương thời đó. Điểm này có lẽ đã dẫn đến những phản ứng đề kháng trong mạch máu người nghệ sĩ. Quá đau đớn, có lúc Trịnh Công Sơn phải dùng não bộ của một người mất trí để giảm đau, để kháng cự nỗi lòng:

“Tôi có người yêu, chết trận Pleime
Tôi có người yêu ở chiến khu Đ
Chết trận Đồng Xoài, chết ngoài Hà Nội
Chết vội vàng dọc theo biên giới

Tôi có người yêu chết trận Chu Prong
Tôi có người yêu bỏ xác trôi sông
Chết ngoài ruộng đồng chết rừng mịt mù
Chết lạnh lùng mình cháy như than”

(Tình ca người mất trí – Trịnh Công Sơn)

Tính nhận diện những ngày đang đây, đang hiện hữu đây bằng đôi mắt mỏi mệt, hoảng sợ, và không ngơi rưng rưng mong cầu hòa bình:

“Đôi mắt nào mở ra trên cao
Nhìn Việt Nam sống lại ngày đầu
Đôi mắt nào mở ra cho nhau
Nhìn hồn phai những vết thương đau
Đôi mắt nào mở ra trông theo
Từng niềm vui mắt người thấy lại
Đôi mắt nào mở ra hôm nay
Nhìn rừng khô lên những mầm tươi…”

(Đôi mắt nào mở ra – Trịnh Công Sơn)

Nhận diện, rồi ra đi? Đi cùng nhau chứ? Đến những làng quê nghèo, mang theo quà, thăm mẹ già, vô rừng sâu, tận chân trời, nơi sẽ không còn tang tốc.

“Em hãy đi cùng tôi
Đến trước từng căn nhà
Hỏi thăm từng anh lính
Mới về từ rừng xa
Em hãy đi cùng tôi
Đến trước từng căn nhà
Hỏi thăm từng người mẹ
Hỏi thăm từng người cha
Em nhớ đi cùng tôi
Áo mới và mang quà
Đùa vui cùng đàn bé
Tay cầm lồng đèn hoa…”

(Hãy đi cùng nhau – Trịnh Công Sơn)

Thật là đáng tiếc, cho đến tận bây giờ, tôi có thử tìm nhưng vẫn chưa được đọc nhiều đánh giá, tiểu luận về chùm ca khúc Da vàng này, vì lý do này hay lý do khác. Ngay ở thời điểm ra đời, bản chất thuần túy là những tiếng khóc to cho sự lầm than của thân phận con người nói chung đã đưa Trịnh Công Sơn vào tầm ngắm cần đề phòng của tất cả các bên tham chiến thời đó. Ở đây, tôi cương quyết không nói về chính kiến của tác giả trong bất kỳ thời khắc nào, chỉ đề cập rằng về tác phẩm, ông là một người phản chiến đứng hẳn bên phe của hòa bình.

Mảng lớn nhất trong âm nhạc Trịnh Công Sơn chính là tình ca, dĩ nhiên rồi, ai mà chạy thoát khỏi cái lưới vô biên của tình ái cơ chứ! Tôi dành nhiều thời gian ngồi lại với những mối dây tình nhiều u uẩn nằm trong âm nhạc của ông. Tôi nhìn thấy rất sớm những nỗi buồn dày sẵn nằm trong bao la hình ảnh “Nắng thủy tinh”, “Hạ trắng”, “Đường phượng bay mù không lối vào”… mà rất nhiều ý kiến rất chủ quan về cảm xúc của một số thính giả đã khoác cho nó những chiếc áo không vừa, đã chiêm bái nhạc Trịnh Công Sơn thành tôn giáo. Không đúng! Từ ngày ấy, tôi đã thấy rõ rằng mọi suy tôn là hoàn toàn thiếu chính xác với chính Trịnh Công Sơn, một người nhạc sĩ sống rất tận lòng với nỗi buồn của mình.

Đó là những thớ thịt tình ái bị tổn thương, bị bội bạc:

“Ngày tháng nào đã ra đi khi ta còn ngồi lại
Cuộc tình nào đã ra khơi ta còn mãi nơi đây
Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ
Ôi những dòng sông nhỏ lời hẹn thề là những cơn mưa.”

(Tình xa – Trịnh Công Sơn)

Tuy nhiên, Trịnh Công Sơn có lẽ sớm nhận ra bản chất phù phiếm của tình ái. Chúng ta là những người thưởng ngoạn thì sớm nhận ra những tủi hờn về tình ái của ông chính là chất liệu để dệt may ra những hình ảnh thật là đẹp. Dĩ nhiên, đẹp một cách bi thương!

“Khi tình đã vội quên, tim lăn trên đường mòn
Trên giọt máu cuồng điên, con chim đứng lặng câm
Khi về trong mùa đông, tay rong rêu muộn màng
Thôi chờ những rạng đông”

(Ru ta ngậm ngùi – Trịnh Công Sơn)

Không những chỉ là hình ảnh, đó còn là màu sắc. Những cơn mê. Những chuyến đi lạc vào một cõi hoang đường:

“Vàng trước ngõ
Trong ngần áo lụa
Nụ hồng quá
Nghe ra ngậm ngùi
Vì vàng phai
Xưa từng mấy độ
Rộng nghìn thu
Một tà dương ấy”

(Vàng phai trước ngõ – Trịnh Công Sơn)

Tôi cảm tưởng, nỗi buồn không nhấn chìm ông, mà trở thành người bạn thân thiết, dìu dắt ông qua những dốc đèo khúc khuỷu nhất của tình ái, của thân phận, nó lau lệ cho tim ông, hàng giờ, hàng phút.

Không có nỗi buồn, Trịnh Công Sơn chết mất!

Chính trong mảng tình khúc buồn này, chúng ta có dịp được thấy con người thi ca của Trịnh Công Sơn đàn và hát theo một cách rõ ràng nhất. Có thể lấy bất kỳ khúc hát buồn nào của ông, và thử xem xét. Chẳng hạn, lúc này, tôi chợt nhớ đến một câu hát trong bài “Rồi như đá ngây ngô”:

Đôi khi thấy trên lá cây ngày em đã xa tôi

Lá xanh, rồi vàng, rồi rơi rụng. Chẳng nơi đâu khác ngoài tâm hồn của một thi sĩ, sự chết, sự mất, sự phai, sự rời đi lại được trình tấu một cách giản đơn, mà tạo được hiệu ứng ngạt thở ngay lập tức, đến người thưởng lãm như thế được.

Tôi say mê như đứa trẻ trên đồng dõi theo cánh diều. Tôi đâu hay, đứa trẻ ấy mới chỉ thấy cái đuôi diều chấp chới. Đứa trẻ chưa đủ tầm vóc để trông được những gió giông đặt bày sẵn, phía cao nữa, kéo dần dần đến chân trời. Có lẽ rằng, ngày đó tôi đã vô thức uống rất nhiều chất lỏng trong trạng thái mê khoái, mà không biết rằng đấy là món rượu liều cao, sẽ dẫn đưa tâm tư tôi đến nhiều bờ vực khác, về sau. Dĩ nhiên, đấy chỉ là một giả định. Cũng có thể rằng, chính cái tôi vô thức đã kéo tôi lại gần với âm nhạc Trịnh Công Sơn thì sao?

Mặc dù đời thực, tôi vẫn hòa mình ổn thỏa và hoàn toàn tương hợp với đám đông. Tôi vui tính rất nhiều đấy chứ. Nhưng ở một vài thời khắc một mình, và nhất là khi tôi viết, tôi thấy được những dấu âm (-) trong chữ của tôi, khi những nỗi buồn hiện lên trong những câu thơ tôi viết? Tôi chỉ biết viết, khi có tâm trạng, tôi không chủ động được những gì sẽ dẫn dắt tôi đi tiếp nữa, từ khi tâm trạng đó bấm còi khởi hành. Tôi viết nhiều, đôi khi ngồi nghĩ mãi chẳng biết để làm gì với sự thừa phí ấy của mình. Nó có buồn lắm không? Nó có san sẻ được gì cho ai, ngoài tôi trong một vài giây phút nào đó không. Tôi cũng hy vọng sẽ có ai đó, khả dĩ không chê sự non nớt của chữ tôi, sự bé mọn của tài năng tôi, khi nào đó sẽ kể lại cho tôi nghe vậy.

8.8.2014 & 09.05.2020

Nguyễn Đăng Khoa

Nguồn: Trang FB của NĐK

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây