Trường Kỳ – Thu Huyền
1/ Việt Hải: Xin chào chị Thu Huyền và xin chị cho biết sơ qua về chị và cơ hội nào khiến chị gặp anh Trường Kỳ.
Thu Huyền: Chào anh Việt Hải, Nghe những câu anh hỏi, sao thấy… quen quen. Có lẽ mấy chục năm ở cạnh anh Kỳ, người chuyên môn đi phỏng vấn mọi người “bị” nghe riết thành thấy quen thôi, mà có quen đến đâu tôi cũng không thể ngờ có ngày chính mình bị người khác phỏng vấn lại những câu hỏi như vậy. Có lần tôi nói đùa với anh Kỳ (cũng mới đây thôi): Anh phỏng vấn viết bài cho nhiều người quá, mà em chẳng thấy ai viết cho anh hết, nếu lỡ có bề gì thì ai viết cho anh đây? Và tôi đùa tiếp: Mà ai viết em đọc cũng không thấy thích bằng anh, thôi anh viết trước cho anh một bài để dành đi cho chắc ăn, vì anh viết cho anh sẽ đúng ý mình hơn để người khác viết !!!?… Anh chỉ bật cười với cái ý tưởng ngộ nghĩnh của tôi rồi nói “phải lạy” (chữ “phải lạy” của anh dùng có ý nói “hết ý kiến”)Không ngờ, câu nóiđùa này ‘ứng”nhanh quá… nhanh đến nỗi “em chới với không đỡ nổi anh biết không ?”
Nhớ ngày nào quen anh… Khoảng 19, 20 tuổi, lúc đó anh Nam Lộc là bạn của bà chị thường đến nhà chơi, tôi luôn luôn là cái đuôi của 2 người, vì đi đâu phải có tôi đi theo thì mới được ba má cho đi. Một hôm anh Nam Lộc hẹn đến dẫn bà chị (dĩ nhiên có tôi và thêm một đám em lao nhao vì bữa đó đi coi show đặc biệt) vào đài truyền hình xem Trường Kỳ thâu hình với các ca sĩ. Chương trình phát hình hàng tuần trên trên TV, chủ đề giới thiệu cuốn Tình ca Nhạc Trẻ của anh Trường Kỳ.
Tôi nhớ hôm đó anh Nam Lộc đã “giao” tôi cho anh Kỳ Phát để rảnh nợ, suốt một ngày “bên nhau” tôi với anh Kỳ Phát nói chuyện gì không nhớ mà đến khi ra về là ‘trớt quớt”, lại gặp ngay anh Trường Kỳ đang đứng ký tặng cho các ca sĩ những cuốn “Tình Ca Nhạc Trẻ” vừa mới được giới thiệu trong chương trình.
Thật sự tôi không tha thiết lắm với mấy cuốn sách này, nhưng hình như có đứa bạn nào đó thích quá, bèn xúi tôi lại xin, tôi rất tự nhiên đến bên anh nói: Anh Kỳ cho em một cuốn?! Anh nhìn tôi nhẹ nhàng nói: Tiếc quá, cuốn này là cuốn cuối cùng mà anh lại ký tặng cô… rồi, nên không đưa cho em được. Rồi chắc thấy tôi hơi xịu mặt anh hứa sẽ cho tôi một cuốn khi… có dịp.
Tưởng là đã xong, nhưng đúng là số trời, lúc ra về, anh không có xe, anh Nam Lộc lại phải chở anh về chung xe với chúng tôi, gặp lại tôi, anh ngờ ngợ hỏi:
– Hình như lúc nãy, em xin anh tập nhạc mà hết rồi phải không?
Rồi chắc như muốn an ủi (hay dư thời giờ ngồi bên cạnh tôi không biết làm gì ? Vì con đường về nhà tôi cũng hơi xa) anh thân mật hỏi han đủ thứ. Khi đưa chúng tôi về đến nhà thì tôi với anh đã cảm thấy thân thiết như “đã quen nhau từ thuở nào” rồi. Bẵng đi 2, 3 tuần,
Một hôm bất chợt, anh Nam Lộc nói với tôi:Trường Kỳ nó muốn tặng em cuốn “Tình ca Nhạc Trẻ”, anh nói hôm nay anh đến nhà, đưa anh đem cho em mà nó không chịu!!
Lúc đó anh chưa dám đến nhà đột ngột vì sợ làm ba má tôi “giựt mình”. Anh định cắt tóc, cạo râu nhẵn nhụi, áo quần ngay ngắn, chỉnh tề, bảnh bao rồi mới dám xuất hiện để lấy uy tín cho chắc ăn. Thế là anh Nam Lộc lại có cớ mời 2 chị em tôi đi ăn sáng ở Grival để Trường Kỳ đến gặp… đưa cuốn nhạc.
Từ đó anh Lộc và chị tôi đi “rước đèn” nhẹ nhõm và rất mang ơn Trường Kỳ đã giúp giải quyết được nạn “kỳ đà cản mũi” của cô em, không những vậy, anh Lộc còn có công rất lớn đối với Trường Kỳ từ đó…
Trong thời gian chưa dám đến nhà này đã xui xẻo xảy ra một chuyện dở khóc dở cười, mãi đến bây giờ mỗi lần nhắc lại vẫn làm mọi người cười đến bể bụng. Số là mỗi Chúa Nhật, sau khi lễ nhà thờ ra, chúng tôi thường kiếm cớ tách riêng vì ba má tôi cũng thường dẫn đám con đi ăn sáng rồi mới về, đang hí hửng đi trên vỉa hè đường Lê Lợi, mải lo nói chuyện, không thấy ba má tôi đang từ từ tiến tới phía đối diện với chúng tôi, khi giựt mình nhận ra nhau (cả 2 bên đều giựt mình) thì mặt đã đối mặt, không cách gì lẩn tránh được nữa, đành gồng mình khúm múm chào hỏi, gỡ gạc dạ thưa, mà hồn phách cả 2 đứa chạy chơi đâu hết biết luôn.
Anh Kỳ với tóc tai râu ria còn nguyên vẹn, áo thung đúng mốt hippy, làm má tôi sửng sốt đến không nói được câu nào, may mắn ba tôi thuộc mẫu người cấp tiến nên cũng không ngạc nhiên cho lắm… ông thông cảm và… “bình tĩnh” đưa tay cho anh Kỳ bắt, trong tiếng reo hò ngưỡng mộ của mấy cậu em. Lần đó thì tụi này sợ hết hồn chớ không phải ba má tôi sợ…
Sau lần gặp gỡ ngoài ý muốn đó, anh Kỳ vội vàng điều chỉnh râu tóc quần áo và chính thức xin phép… theo anh Lộc đến nhà thăm thường xuyên và không bao giờ quên quà cáp cho cả nhà.
2/ Việt Hải : Chị Thu Huyền thấy anh Trường Kỳ như thế nào về cá tính và cũng như những lãnh vực nào anh theo, vì anh Trường Kỳ là một nghệ sĩ đa tài, quần chúng biết đến về tài ăn nói hoạt bát, một MC, một nhạc sĩ chuyên về nhạc Việt hóa từ ngoại ngữ, anh viết báo anh làm báo, hoạt động chuyên âm nhạc .
Thu Huyền: Tuy tánh tình anh rất hiền lành, chịu đựng và không bao giờ hơn thua hay làm mất lòng ai, nhưng anh không bị ảnh hưởng ai để nghe theo ai hết, anh thường nói “đường ta, ta cứ đi”. Không thích thì… làm lơ, tỉnh bơ rất là vô tư như không phải chuyện của mình, những lúc như vậy chỉ có mình tôi là… lăng xăng tức tối, anh thường bảo tôi: Em cứ như vậy thì em sẽ khổ, hãy coi nhẹ mọi chuyện đi, đừng để nặng bụng và nhất là phải biết tha thứ, em sẽ thấy nhẹ nhàng lắm. Đôi lúc tôi hơi bực bội phản đối rằng: Vì anh sống vô tư quá, không biết bon chen với ai, lúc nào cũng chịu thua chịu thiệt, nên cuối cùng, người bị thiệt thòi nhất chỉ là em thôi.
Tôi tuy trách anh như vậy nhưng trong thâm tâm tôi rất nể phục và thương anh nhiều. Tôi thường nói với bạn bè, anh đem bình an đến cho tôi trong cuộc sống, vì chúng tôi không có kẻ thù.Anh học trường tây từ bé nhưng văn chương Việt Nam anh viết rất lưu loát, vững vàng và thường pha chất dí dỏm, anh mê làm báo từ hồi 12, 13 tuổi cho đến bây giờ anh vẫn mê nghề viết lách, cái nghề dễ đụng chạm nhất phải không anh Việt Hải?
Thỉnh thoảng thấy anh vừa viết vừa xoa bụng cười hỉ hả rồi gật gù nói lớn: hay, hay lắm. Tôi lo lắng chạy tới xem viết gì, để rồi bắt anh cắt bớt vài… chữ, chỉ sợ làm mất lòng bạn bè, lại mang họa. Ngoài ra anh Kỳ còn may mắn có chất giọng tốt, trầm ấm của người Hà Nội, không phải để hát mà chỉ để nói trên đài phát thanh (cùng nghề với Tú Trinh, bạn nhậu của anh).
Bởi vậy tôi hay trêu anh: Chỉ cho người yêu nghe thôi, đừng cho gặp mặt nhé!. Anh trả lời lại: Người ta hơn anh thứ này, anh hơn người ta thứ khác, không bao giờ bị mặc cảm điều gì cả. Anh sống rất lạc quan, yêu đời, dạo sau này, anh rất mê 2 cháu ngoại, chỉ thích ở nhà đùa giỡn với các cháu.
Cái danh xưng mà anh thích được gọi là ông nhà báo, có lẽ tại anh mê báo chí hơn những thứ khác. Ngoài ra anh còn có một trí nhớ rất tốt và nhạy bén để pha trò khôi hài chuyện thiên hạ, chỉ chuyện ngoài đường thôi nhé, chuyện trong nhà thì vô tư như khách đến chơi, nhưng tôi biết anh được rất nhiều người quý mến. Không ít lần 2 vợ chồng đang đi ngoài đường tự nhiên có người đến chào hỏi: Xin lỗi có phải ông là nhà báo Trường Kỳ không ạ? Tôi là đọc giả… là thính giả trung thành của ông, v.v… và tôi càng cảm động hơn có những người không quen biết đã đến chia buồn với tôi và để chào vĩnh biệt anh lần cuối.
3/ Việt Hải :Lấy một người nghệ sĩ, chị biết rằng anh Trường Kỳ có 2 nếp sống: Đời sống nghệ sĩ và đời sống gia đình. Hai yếu tố này có ảnh hưởng đến chị như thế nào ?
Thu Huyền : Khi còn trẻ, lấy chồng, thú thật tôi chẳng ý thức gì về chuyện yêu đương cũng như nghề nghiệp của chồng. Cứ thấy đi chơi với anh vui quá, thoải mái quá là okê, còn khờ khạo lắm, mấy đứa bạn cứ chọc, mày trao duyên lầm tướng cướp rồi Huyền ơi! Ông này bồ bịch nhiều lắm đó. Có hôm thì: Huyền ơi, tao thấy ông Kỳ nắm tay đi với một con nhỏ đẹp lắm, bữa thì: Huyền ơi, tao mới gặp ông Kỳ ngồi ăn với con nào trông xinh lắm … tùm lum vậy mà tôi không thấy có gì là “nguy hiểm đang rình rập” cả, vì khờ mà, chứ không phải biết mà không sợ. Người ta hay nói “Thánh nhân đãi kẻ khù khờ” và có lẽ khờ hơi… lâu, nên chúng tôi cũng đã trải qua được những năm dài rất hạnh phúc.
Nhưng càng ngày, công việc đa đoan càng đòi hỏi thời giờ của anh nhiều hơn thời giờ anh dành cho tôi. Công việc của anh có một thế giới riêng để anh sinh hoạt, anh sống trong thế giới vui buồn đó mà không có tôi, đó là “Thế Giới Nghệ Sĩ”.
Tôi thường bắt gặp cảnh anh ngồi trước computer 2 tay xoa xoa, bấm bấm, gương mặt anh đam chiêu chìm đắm trong cái thế giới vô hình đến nỗi tôi mang dĩa trái cây, ly nước hay sách báo mới nhận được, đưa vào cho anh để ngay bên cạnh, mà anh không hề hay biết, thỉnh thoảng có việc phải hỏi, tôi thường làm anh giật mình.
Nhiều lúc tôi cảm tưởng là anh quên mất sự có mặt tôi bên cạnh anh. Anh chỉ nhớ đến tôi khi bắt đầu thấy đói bụng muốn ăn, Anh chỉ nhớ đến tôi khi bắt đầu thấy đói bụng muốn ăn, như mỗi buổi sáng anh thường nói: Anh muốn ăn ngay để làm việc, hoặc: Đợi anh tắm xong mới ăn nhé
Buổi trưa thì: Em, làm cơm cho anh ăn đúng 1 giờ (hoặc 2 giờ 15) anh mới ăn được nha em! … và tôi phải canh giờ thật chính xác để dọn ra vì sớm hơn anh không ăn, thức ăn nguội sẽ mất ngon, vì anh rất đúng giờ. Chiều tối nhiều hôm đã chuẩn bị sẵn sàng bữa ăn rồi, bỗng nhiên nổi hứng ra ngoài, thế là: Em, thay đồ ra ĐaKao với anh ăn chút gì đi. Hay là: Em, mình ra Kiều Anh lai rai nhé… và tôi luôn luôn chiều anh đến nỗi anh nghi ngờ rằng tôi cũng có tâm hồn ăn uống, cùng tần số với anh.
Có những buổi tối chúng tôi gồm Phúc, Hà, M.V.Đức, Bắc Hải, Trân thường đi “khám phá” có nghĩa là đi ăn những tiệm nổi tiếng của các quốc gia khác. Ngoài những lúc đi ăn uống với nhau, tôi muốn được anh chia sẻ buồn vui, lo lắng với nhau trong sinh hoạt gia đình, nhưng anh sống vô tư và ít quan tâm đến cảm giác này của tôi. Nên nhiều lúc cũng cảm thấy trống trải cô đơn lắm, tôi vẫn thường trách anh không có thời giờ dành cho tôi thì anh khất: Nhiều việc quá không dừng được, thôi tuần sau. Cứ tuần sau… rồi… lại tuần sau và tôi giận dỗi không biết bao nhiêu lần với câu tuần sau này, cũng đành chịu thôi.
4/ Việt Hải : Xin chị mô tả sơ qua về những hoạt động văn nghệ, báo chí của anh ấy, vào thời điểm 1975 anh chị ra sao? Không có phương tiện nào ra đi?
Thu Huyền: Tôi sinh cháu Tú Uyên vào đầu tháng 4-1975 lúc tình hình Sàigòn đang rất lộn xộn. Nằm trong viện bảo sanh ở Tân Định nghe bên ngoài nhốn nháo, 2 vợ chồng không dám rời nhau, ảnh lúc nào cũng bên cạnh tôi. Trước hôm được về nhà, có vợ chồng anh Jo Marcel vào thăm (với bà vợ người Nhật), vợ chồng anh muốn từ giã để hôm sau lên đường xuất ngoại đi chính thức, anh đã cadeaux cho cháu tất cả mọi chi phí tốn kém của mẹ con tôi ở đây và chúc mọi người ở lại bình yên, tôi không bao giờ quên.
Thế rồi bạn bè ồ ạt lần lượt ra đi, vợ chồng tôi quyết định ở lại vì cháu Uyên còn bé bỏng quá, chỉ sợ không được may mắn thì sẽ phải ân hận suốt đời. Rồi khi đi lại được, tôi phải vào trình diện nơi làm việc để tiếp tục trở thành công nhân viên nhà nước (vì tôi làm việc ở phòng kế toán của laboratoire Trang Hai
Những người còn ở lại như anh Kỳ, anh Kỳ Phát, Nguyễn Long, Tiến Chỉnh, Huy Cường… không có việc làm gì cụ thể, cứ ở nhà đợi thông báo của nhà nước quyết định sau.
Trong thời gian này, mấy ông hay tụ tập lại nhà tôi giải khuây… và… trông cháu Tú Uyên. Chuyện trông cháu cũng rất nhiêu khê… cháu suýt lộn cổ xuống đất mấy lần… vì các cao thủ… mải chơi Domino.
Khoảng 1 năm sau, mấy ông rủ nhau mở quán cà-phê, góc Công Lý – Hồng Thập Tự . Mới đầu mở là cà phê, mấy chủ quán nhậu riết thành quán nhậu, quán nhậu không được bao lâu cũng dẹp vì ăn hết vốn.
Đang chưa biết làm gì, tự nhiên có người ngưỡng mộ anh đề nghị đưa anh vào Công Ty Xây Lắp Vật Dụng, để làm công nhân viên nhà nước, vào công ty này cũng chỉ để phụ trách phần văn nghệ văn gừng thôi, rồi lại tụ tập ăn uống ca hát cho đến ngày anh rời Việt Nam
5/ Việt Hải : Sau năm 1975 làm sao anh Trường Kỳ đến Canada?
Thu Huyền: Anh đi vào khoảng cuối tháng 10-1979 được tàu Tô Cách Lan kéo vào Nhật. Ở Nhật Anh được làm trưởng trại vì giỏi sinh ngữ, nên được phép tự do đi lại, anh đi dạy sinh ngữ cho các em ở trường học do bà giám đốc giới thiệu. Khi ở Nhật, anh đã làm thủ tục đi Mỹ, nhưng đổi ý đi Canada, vì ở Canada diện bảo lãnh cho vợ con rất nhanh.
6/ Việt Hải : Có nói chuyện với cháu Tú Uyên, nếu anh Trường Kỳ ra đi trước thì bao lâu sau chị và cháu sang Canada để đoàn tụ gia đình? Đời sống ở Montreal thuở ban đầu như thế nào đối với chị?
Thu Huyền: 3 năm sau, hai mẹ con được đoàn tụ với bố Kỳ, những ngày tháng đầu mới định cư ở Canada cũng như mọi người khác, tôi vừa đi học thêm sinh ngữ và vừa đi làm, vất vả nhưng vui mừng hạnh phúc vì được gặp lại nhau. Cuộc sống tạm đủ và bằng lòng với những gì mình đang có…
7/ Việt hải : Bây giờ Việt Hải xin hỏi câu hơi “sensitive” nếu chị muốn trả lời nhé vì có những thân hữu hỏi về nguyên do anh Trường Kỳ ra đi? Nghe nói anh Trường Kỳ ra đi về bệnh tim, đúng không ? Anh Trường Kỳ có thường bàn với chị về vấn đề sức khoẻ ? Anh có “monitor” sức khoẻ mình thường không
Thu Huyền : Giữa năm 2008, bà cụ tôi trở bệnh, gia đình gọi 2 vợ chồng tôi về khẩn cấp, tôi vội vã đi trước vì anh đang còn ở Cali. Tôi book vé để sẵn anh về sau tôi 2 ngày. Nhưng bà cụ tôi khỏe lại, anh chỉ ở Việt Nam có 3 tuần rồi trở lại Montréal để làm việc, còn tôi tiếp tục ở lại Việt Nam, nên năm 2008 tôi gần như dành hết thời gin để ở bên cạnh chăm sóc cho bà cụ tôi, cho đến giữa tháng giêng năm 2009, anh trở qua đón tôi về. Chúng tôi trở về Montréal khoảng gần cuối tháng 2-2009. Anh dồn hết thời gian để làm việc bù cho những ngày đi Việt Nam, mà anh hay nói đùa là đang đền tội. Có lẽ đang mệt sau chuyến đi dài… rồi sức ép của công việc nên anh thường hay bị mệt.
Tuy anh bị diabete, cholesterol, bị cao máu, nhưng anh được tôi giám sát rất chặt chẽ, cũng như các bác sĩ trong chuyên môn bệnh viện luôn theo dõi định kỳ cho anh nên bệnh của anh tương đối ổn định. Khi anh đi xa, tôi lúc nào cũng cẩn thận cất theo hành lý những dụng cụ riêng để anh tự kiểm tra cho mình mỗi ngày. Tôi yên tâm để anh đi vì chỉ xuống Toronto có một ngày, thật sự hôm đó tôi cũng có ý định muốn đi theo nhưng anh cương quyết không chịu bảo rằng: Anh chỉ muốn giữ lời hứa với ban tổ chức, và nhất là để giúp đỡ và khuyến khích cháu Tường Vi, chứ không có gì vui đâu, em đi làm chi cho mệt. Không ngờ chính anh đã rất mệt vì đi nhiều, công việc dồn dập, tinh thần căng thẳng nên tim mạch bất thường lại không có người thân bên cạnh để đối phó kịp thời cho anh, nên anh đã bất ngờ ra đi rất nhanh trước sự sửng sốt của mọi người, nhất là tôi, đến giờ tôi vẫn chưa tin chuyện xảy ra với tôi sớm như vậy. giờ tôi vẫn chưa tin chuyện xảy ra với tôi sớm như vậy.
Thu Huyền – Trường Kỳ
Đôi lúc ra ngoài lo công chuyện, tôi bất ngờ gặp người quen đến chia buồn hoặc có người tốt bụng giúp đỡ chuyện gì, tôi không kềm được ý nghĩ: Để về nói lại cho anh Kỳ biết, v.v…!!!? Giờ chỉ biết hàng ngày đọc kinh cầu xin Chúa giúp sức ban cho lòng thanh thản để chấp nhận những điều tôi không thể thay đổi được.
8/ Việt Hải : Khi được tin anh đột ngột ra đi, chị có cảm giác ra sao? Từ ngày anh ra đi chị cảm thấy thế nào? Việt Hải muốn ví anh chị như một đôi tình nhân gắn bó, khi mất đi một nửa, nửa còn lại ra sao?
Thu Huyền : Khi nhận được cú phôn từ bệnh viện Toronto gọi đến báo tin cho biết anh kỳ vừa mất Tôi sững sờ không tin, không tin, không tin… đi gì mà dễ dàng quá vậy? Không thể được, tôi hốt hoảng nói: Không phải, không phải đâu và cố níu lấy hy vọng lẩm bẩm: Chắc người ta lộn, người ta nói lộn đó thôi, không đúng đâu. Mặc dù miệng nói như vậy nhưng đầu óc tôi bắt đầu quay cuồng, chân tay tôi bủn rủn, tôi khụy ngay xuống chân cầu thang, người bạn tôi vội ôm vai tôi nói theo: Ừ, ừ chắc họ lộn đó thôi. Huyền bình tĩnh, bình tĩnh nhé. Chị Hà người bạn thân của tôi ( 2 đứa vừa mới đi chợ về, định nấu những món thật ngon, đợi anh chiều về cùng ăn với nhau như lệ thường mỗi khi anh đi xa về) chị đỡ tôi vào nhà và từ lúc đó, chi thay tôi lo liệu mọi chuyện, tôi không còn biết gì nữa, trong đầu chỉ nghĩ đến cái hẹn với anh chiều nay đi phi trường đón anh về, nhưng anh đã lỗi hẹn với tôi.
Hôm qua khi tôi hôn từ biệt anh, anh còn dặn với: Nhớ nhé, đón anh đúng chỗ này nhé, rồi vẫy tay đi vào bên trong, nhìn theo dáng anh, tôi đâu ngờ đó là lần cuối cùng tôi tiễn anh ra phi trường. Tôi còn nhớ, lúc trên đường đi anh nói: Chưa bao giờ trong đời anh có chuyến đi xa nào mà ngắn như vậy, chỉ có hơn một ngày, hình ảnh cuối cùng của anh trong mắt tôi là anh đi xa rồi sẽ trở về, cho nên đến bây giờ tôi vẫn chưa chấp nhận được chuyện tôi đã mất anh vĩnh viễn.
Rồi sau đó, mọi chuyện tang gia, con gái và con rể tôi lo liệu cho bố rất chu đáo. Các em tôi: Quang – Hạnh, Hằng từ Mỹ cũng bay sang khi nghe tin anh mất, luôn ở cạnh bên tôi để an ủi, và lo cho sức khoẻ của tôi, bởi vì trong những ngày tang lễ của anh, không hiểu sao 2 chân tôi cứ bị khụy xuống, tôi phải quấn thermo-forme genou thật chặt mới bước đi được, dầu vậy mấy ngày này cũng chưa phải là khủng khiếp, kinh hoàng đối với tôi như những ngày tháng kế tiếp sau đó, khi mà mọi người đã trở về với công việc thường ngày của họ, mọi thứ đều yên ắng, chỉ còn một mình tôi ngồi đối diện với sự trống vắng cô đơn, tôi hụt hẫng, chới với, tôi thực sự bị khủng hoảng với sự lẻ loi này, tôi mất ngủ và thường mơ thấy anh. Nhiều đêm tỉnh giấc, tôi bàng hoàng hoảng hốt tự hỏi: chuyện gì đang xảy ra với mình vậy? Có phải đang nằm mơ không? Rồi sáng mai thức dậy mình làm gì đây? Không có anh, từ nay cuộc sống tôi – sẽ thay đổi hoàn toàn, tôi cảm thấy mình bị lạc mất phương hướng.
Tháng 3 ở Montréal, tuyết đã ngừng rơi nhưng vẫn còn những cơn mưa kéo dài và lạnh, cái lạnh còn sót lại của mùa đông vừa đi qua, cây cối còn tiêu điều sơ xác, nhìn đâu tôi cũng thấy buồn, thấy lạnh, tôi lạnh lắm, tôi đuối sức cả tinh thần lẫn thể xác, hình dáng tôi lúc này chắc tiều tụy lắm, vì người nào gặp mặt cũng đều nói: Huyền không được như vậy, phải kiên cường lên, vững vàng lên chứ, Huyền mà cứ như thế này, anh Kỳ cũng buồn lắm đó.
Biết vậy, nhưng chịu thua, tôi hoàn toàn sụp đổ, tôi đã cố gắng hết sức làm ra vẻ bình thường khi về nhà gặp mặt con cháu hoặc người thân bởi không muốn các con lo lắng nhìn thấy gương mặt sầu ủ rũ suốt ngày của mẹ, nên bù lại, để giải tỏa sự kiềm chế đó, tôi thường lái xe tìm chỗ vắng vẻ, vì trời còn lạnh, tôi đóng kín cửa, tự do gào khóc thỏa thích, không sợ ai nghe, không sợ ai thấy. Đôi lúc khóc xong, mệt mỏi quá, tôi thiếp luôn trong xe không biết bao lâu, thức dậy cứ suy nghĩ, lại thấy giận anh vô cùng.
Đó, như vậy đó anh Việt Hải, một nửa còn lại nó te tua, tơi bời hoa lá như vậy đó
9/ Việt Hải : Bây giờ khi nhớ lại anh Trường Kỳ, chị sẽ nhớ nhất anh ở điểm nào? và thương nhất anh ở điểm nào?
Thu Huyền: Nghĩ đến anh Kỳ thì có nhiều thứ để nhớ lắm, nhưng vẫn nhớ nhất là cái tính khiêm nhường và chậm chạp của anh (chậm chạp đến nỗi tiền làm của đài VOA còn thiếu mấy kỳ chưa lãnh, bây giờ Ông Vinh đài VOA, Người mà anh Kỳ thường xuyên liên lạc cộng tác bảo là phải có chữ ký của… anh mới lãnh được ! ) . Nếu biết được chuyện này chắc là anh kỳ sẽ nói câu : Phải lạy luôn ! thế thôi.
Trong đời anh không có hai từ “nói xấu”, thỉnh thoảng đi với anh tiếp xúc nhiều, gặp một vài người thấy anh hiền lành bèn “lấn lướt bắt nạt”, tôi không chịu được, liền “phang” lại ngay nên bạn bè, nhất là chị Tiểu-Thu (nhóm chúng tôi thường họp mặt ăn uống mỗi chiều thứ Năm ở restaurant của gia đình chị), chị hay trêu: Trường Kỳ đi đâu cũng phải có Thu Huyền theo bảo vệ, chứ không thì Trường Kỳ dễ bị ăn hiếp lắm. Cho nên trái ngược với hình ảnh hiền lành của anh, tôi, một Thu Huyền không chịu thua ai cả, và chính anh cũng gán cho tôi nhiều chức vụ như: Security, là công an khu vực, v.v… Mỗi khi đi dự party, trước khi ra khỏi nhà, anh thường chằn chằn dặn tôi: “Mặc kệ người ta đừng hơn thua với ai nhé”. Tôi, ừ, ừ, dạ dạ cho anh yên tâm rồi quên ngay, cứ y như tôi dặn anh: “Uống bia in ít thôi nghen anh”. Anh ngó lơ chỗ khác.
Thiếu tình mẫu tử từ lúc mới mấy tháng tuổi, anh lớn lên trong tình thương của ông bà nội, của bố, của các cô chú, tôi muốn bù đắp cho anh tình thương của người mẹ nên thường hay chiều chuộng anh để anh xuất ngoại, gặp gỡ bạn bè thoải mái. Tôi biết anh luôn làm như dửng dưng, không để ý gì đến chuyện thiếu đi người mẹ trong đời, nhưng cho dù anh bao nhiêu tuổi, trong anh vẫn luôn mong muốn có một người mẹ, để được gọi tiếng mẹ như những người chung quanh. Tôi không hiểu anh nghĩ gì, khi nghe mọi người ca ngợi về lòng mẹ bao la, vì lòng mẹ của riêng anh không là biển thái bình, không là bóng mát, là tàn che cho anh khi anh mỏi mệt, không có bàn tay kéo chăn đắp ngực khi anh đau ốm, không có vị ngọt thơm như chuối ba hương, dịu như xôi nếp một và ngọt lịm như đường mía lau mà thiền sư Nhất Hạnh đã ví, mà chỉ có duy nhất một chút dư âm đủ để biết mẹ anh vẫn còn hiện diện ở một nơi nào đó trên thế gian này. . . .Và cứ thế, theo năm tháng mơ ước vẫn hoài ước mơ, cho đến ngày anh vĩnh viễn ra đi….Không biết bây giờ ở bên kia thế giới, anh có còn tiếp tục mơ ước nữa hay không? Hãy bình yên anh nhé.
10/ Việt Hải : Lời cuối cùng Việt Hải xin chị Thu Huyền hãy ngỏ lời với những bằng hữu, những fans, những độc giả và những thính giả của anh Trường Kỳ đi nhé. Cám ơn chị.
Thu Huyền : Cuối cùng tôi xin được cám ơn anh Việt Hải, anh Trần Anh Dũng, anh và cácanh chị trong nhóm chủ trương thực hiện cuốn sách Tưởng Niệm Trường Kỳ này, để tạo cơ hội cho tôi bày tỏ sự biết ơn đến tất cả các anh chị em nghệ sĩ cũng như bạn bè, những người thương mến anh, đã tiếp tay, tiếp sức giúp đỡ tôi, lo lắng cho anh Trường Kỳ trong những ngày cuối cùng trước chuyến đi xa vĩnh viễn này.Tôi vô cùng cảm kích và xúc động trước những tình cảm sâu sắc mà mọi người đã đặc biệt dành cho anh Trường Kỳ, trong suốt thời gian dài sống với anh, tôi cứ tưởng chỉ có một mình tôi mới nhận thấy được bản chất hiền lành, tấm lòng rộng lượng, dễ bỏ qua của anh, lúc nào cũng nhường nhịn để tránh mối bất hòa không cần thiết đôi lúc tôi cảm thấy xót xa về điều thiệt thòi này, nhưng sau khi anh bất ngờ ra đi, cũng bất ngờ tôi nhận được biết bao chia sẻ, ân cần tràn đầy của tất cả bằng hữu xa gần, những người ái mộ anh, làm việc cộng tác với anh dù thân hay sơ, ai ai cũng bày tỏ lòng kính mến, ngưỡng mộ không phải riêng vì tài của anh, nhưng vì triết lý sống của anh, cá tánh khiêm nhường và dễ dàng tha thứ. Tới lúc đó, tôi mới vỡ lẽ hiểu rằng, anh có biết bao nhiêu người quý trọng anh, thương tiếc anh, nhiều hơn tôi với anh biết và nghĩ mà có lẽ lúc còn anh, họ chưa bao giờ có dịp chia sẻ, bộc lộ với anh và đây là điều để lại nơi tôi nhiều xúc động ấn tượng nhất. Khi đọc lại những bài văn, dòng chữ viết cho anh, nói về anh, tôi đã khóc trong nỗi nhớ thương anh chất ngất, nhưng đồng thời cũng cảm thấy vô cùng hạnh phúc và hãnh diện vì biết rằng, anh vẫn luôn sống trong ký ức và tình yêu thương chan chứa của mọi người.
Tôi cũng đặc biệt cám ơn anh Nam Lộc đã gắn bó và đồng hành với anh Trường Kỳ trong suốt hơn 40 năm qua, đều có mặt trong những biến cố của gia đình chúng tôi. MC cho đám cưới Trường Kỳ Thu Huyền , MC cho đám cưới Tú Uyên – và cũng là người MC duy nhất cho Tang lễ Vũ Trường Kỳ ,Cám ơn Thái Hà đã lo cho anh Trường Kỳ có dịp gặp gỡ mọi người lần cuối cùng của chương trình “Đến với vua nhạc trẻ Trường Kỳ”.
Việt Hải thực hiện
Nguồn: mautam.net