Chương trình video Paris By Night 78 với chủ đề “Ðường Xưa” giới thiệu đến khán thính giả 3 nhạc sĩ tên tuổi: Quốc Dũng, Châu Kỳ và Tùng Giang. Riêng về phần giới thiệu nhạc sĩ Tùng Giang – một người bạn từ “một thời nhạc trẻ” với người viết – đã có ít nhiều thiếu chính xác về tác giả của một số nhạc phẩm được giới thiệu trong phần này. Với lý do đó người viết muốn dùng đôi dòng trình bày rõ ràng hơn để phần giới thiệu nhạc sĩ Tùng Giang được thêm phần chính xác và hoàn chỉnh đối với một nhạc sĩ từng có những đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam.
Thứ nhất, xin đề cập đến nhạc phẩm “Biết Ðến Thuở Nào” (do Dương Triệu Vũ trình bày trong Paris By Night 78 và được sử dụng trong phần kết thúc với phần hợp ca của toàn thể nghệ sĩ) là bài do Tùng Giang viết nhạc lần đầu tiên trong cuộc đời sáng tác của anh vào đầu thập niên 1970. Thật ra sáng tác được gọi là đầu tay của Tùng Giang được hoàn tất vào năm 1967 mà nay có thể chính anh cũng đã quên tựa đề, khi đến tìm gặp tôi lần đầu tiên cùng năm để đề nghị dùng bài này làm phụ bản cho tạp chí Nhạc Trẻ do tôi chủ biên, lúc đó còn được quay ronéo. Nuôi trong đầu ý tưởng liên quan đến một sự liên hệ tình cảm của anh, Tùng Giang đã nhờ tôi viết lời cho “Biết Ðến Thuở Nào” vào khoảng cuối năm 1973, do Duy Quang trình bày lần đầu tiên trên băng nhạc.
Bìa nhạc phẩm “Biết Ðến Thuở Nào” với hình ca sĩ Thanh Mai, do nhà Khai Sáng của nhạc sĩ Ngọc Chánh phát hành năm 1973, có ghi: “Nhạc :Tùng Giang, lời: Trường Kỳ & Tùng Giang”.
Từ đó trở đi, “Biết Ðến Thuở Nào” khi được những nghệ sĩ khác trình bày luôn được giới thiệu là nhạc của Tùng Giang, lời của Trường Kỳ, trên băng nhạc cũng như trên sân khấu. Ngay cả trên tờ nhạc rời do nhà xuất bản Khai Sáng của nhạc sĩ Ngọc Chánh ấn hành năm 1973 với hình nữ ca sĩ Thanh Mai in ngoài bìa cũng được ghi là “nhạc: Tùng Giang, lời: Trường Kỳ & Tùng Giang” (đại ý muốn diễn tả là lời của Trường Kỳ viết dựa trên ý của Tùng Giang).
Một nhạc phẩm khác cũng ở trong cùng trường hợp là “Cuộc Tình Xưa” do Thế Sơn trình bày trên Paris By Night 78. Qua đến một sự liên hệ tình cảm khác cũng vào cuối năm 1973, Tùng Giang đã nhờ tôi viết lời cho một bài khác do anh viết nhạc, nói lên sự nuối tiếc về một cuộc tình của anh đã đi đến đổ vỡ. Tôi nhận lời để hoàn thành phần lời ca cho nhạc phẩm được chính tôi đặt tựa là “Cuộc Tình Xưa”.
Tuy nhiên cả 2 nhạc phẩm “Biết Ðến Thuở Nào” cũng như “Cuộc Tình Xưa”, tên của người viết lời đều đã không được đề cập đến khi được đưa vào phần giời thiệu những sáng tác của Tùng Giang. Theo tôi, lý do đến từ vấn đề trí nhớ của anh bị dao động phần nào bởi tình trạng sức khỏe không mấy được khả quan. Phần khác đến từ sự sửa soạn vội vàng cho phần xuất hiện của mình nên đã không nhớ trình bày chi tiết hơn cho 2 MC là Nguyễn Ngọc Ngạn và Nguyễn Cao Kỳ Duyên. Theo tôi, người bạn của mình không hề có ý nào khác.
Viết lên những dòng này, tôi không hề mang ý tưởng trách cứ người bạn đã cùng hoạt động với mình trong một thời gian rất dài, từ trong nước ra đến hải ngoại. Vấn đề nhớ hay không nhớ đều có thể xảy ra với bất cứ người nào. Và đó là việc thường tình. Tuy nhiên mục đích chính của bài viết này là tôi không muốn xảy ra mâu thuẫn với những gì mình đã đề cập đến trên báo chí từ khi còn trong nước và một thời gian sau ở hải ngoại, liên quan đến hai nhạc phẩm này với chi tiết là do Tùng Giang viết nhạc và tôi viết lời.
Cũng do không muốn có những mâu thuẫn với những gì tôi đã viết về phong trào Việt Hóa Nhạc Trẻ với lời tuyên bố của Tùng Giang trên Paris By Night 78 là “Sau đó thì những bài nhạc ngoại quốc, Tùng Giang phải dùng lời Việt dịch lại thành ra nhạc trẻ. Và Trường Kỳ, Nam Lộc là 2 người tiếp theo chương trình gọi là Việt Hóa Nhạc Trẻ…” Một lần nữa, có lẽ do trí nhớ bị dao động nên Tùng Giang đã trình bày hoàn toàn sai về chương trình Việt Hóa Nhạc Trẻ. Sự thật, phong trào Việt Hóa Nhạc Trẻ đã do người viết bài này khởi xướng vào năm 1972. Phần “Thay Lời Tựa” trên Tình Ca Nhạc Trẻ 1, gồm tất cả những bài ngoại quốc lời Việt của Trường Kỳ, có đoạn: “Chương trình Việt Hóa Nhạc Trẻ đã được đề xướng đúng lúc trong giai đoạn này và đã được sự hưởng ứng nồng nhiệt của giới Nhạc Trẻ Việt Nam. Với hai mục đích chính, chương trình Việt Hóa Nhạc Trẻ đang tập tễnh bước những bước khởi đầu với việc đặt lời Việt cho những nhạc phẩm ngoại quốc giá trị để tránh bỡ ngỡ cho những người đã nghe quen lời ngoại quốc. Song song với việc làm kể trên cũng như là sau đó, việc khuyến khích sáng tác nơi giới nhạc trẻ Việt Nam chính là mục đích thứ nhì của chương trình Việt Hóa Nhạc Trẻ…” Những tập Tình Ca Nhạc Trẻ trong những năm 1973 và 1974 do nhà Khai Sáng phát hành sau đó đã không hề có một nhạc phẩm ngoại quốc lời Việt nào của Tùng Giang. Ngoài những bài chuyển lời Việt của tác giả bài này là những bài của Phạm Duy, Nam Lộc, Trung Hành, Tuấn Dũng, Kỳ Phát, Lê Hựu Hà, v.v..
Ðó là tất cả những gì liên quan đến riêng tôi, nhận thấy được qua phần dành cho nhạc sĩ Tùng Giang trên chương trình Paris By Night 78. Trình bày như vậy, tôi chỉ muốn minh xác lại những gì đã từng đề cập tới bằng những phương tiện truyền thông từ hàng chục năm nay cũng như qua tập bút ký “Một Thời Nhạc Trẻ” của mình. Nhất là muốn cho những người nghiên cứu về âm nhạc, nếu đề cập đến những sự kiện trên, sẽ có được những chi tiết và một sự chính xác cần thiết.
Tùng Giang & Trường Kỳ
Chỉ có thế. Ngoài ra tình bạn giữa Tùng Giang và tôi vẫn luôn luôn tốt đẹp, thể hiện qua những lần gặp gỡ tại Sài Gòn trong vòng hơn một năm nay. Không những thế tôi còn luôn mong cho bạn mình có thể phục hồi sức khỏe để tiếp tục hăng say hoạt động trong lãnh vực ca nhạc như thuở nào…
Trường Kỳ
Nguồn: https://thuvien.datviet.com/quanh-phan-gioi-thieu-nhac-si-tung-giang-trong-chuong-trinh-video-paris-by-night.html