Thái Thanh, Tiếng Hát Dâng Hiến Tâm Tình

Tôi nhớ mang máng nữ danh ca Thái Thanh được định cư trên đất nước Hoa kỳ vào năm 1985, 1986 gì đó, theo diện ODP. Và mãi tới năm 1992 tôi mới được xem chị hát ở rạp Maubert Mutualité, quận 5 của kinh thành Paris. Trước đó, bà Võ Phiến có tặng tôi băng nhạc “ Thái Thanh Hải Ngoại 2, Quê Hương Và Kỷ Niệm” do Trung Tâm Diễm Xưa sản xuất.


Trong tấm ảnh in trên bìa bọc của băng nhạc, Thái Thanh vẫn còn trẻ đẹp như hồi 20 năm về trước. Cũng có thể đó là công cạo sửa và tô điểm thêm của nhiếp ảnh gia. Người trong ảnh vẫn phấn mịn son tươi, vẫn giữ vẻ thông minh rạng rỡ ở sóng mắt nụ cười. Người trong ảnh mặc chiếc áo dài màu hồng quế (hồng ửng tía ngọt lịm), khoác bên ngoài chiếc áo bằng ren thêu dệt lộn với kim tuyến sợi nhỏ mức như sợi tóc. Chị tô son hồng ngọc, phết sơn móng tay màu đỏ sậm như máu đông đặc và đeo hoa tai rẽ hình cánh quạt nặng quằn cùng một vốc chuyền bướm, tất cả nạm chuỗi hột nhả ánh kim cương lấp lánh.

Trong ảnh, Thái Thanh đang cầm máy vi âm, máy chúc xuống miệng, mặt ngửa lên, giống như gã cuồng đồ đang tu chai rượu. Mặt chị hí hởn, tươi như hoa, môi nở một nụ cười sáng như mây hồng lúc rạng đông.

Hôm trình diễn ở rạp Maubert Mutualité, Thái Thanh hát ở phần 1 và phần 3 chương trình. Còn phần 2 thì dành cho các nữ ca sĩ Như Mai, Ngọc Lan, Kim Ngân và nam ca sĩ Duy Quang. Ở phần 1, chị diện chiếc áo màu tể thanh, xanh thật sáng và thật thắm như màu men sứ Sài Diêu vào triều đại của Châu Thái Tôn Hoàng Đế thời Hậu Châu bên Tầu. Ở phần 3 chương trình, chị diện chiếc áo màu nâu đỏ in hoa cánh bướm màu vàng tái như màu hoa kim liên (capucin) hoặc hoa dã lan (iris) . Màu nâu lẫn màu vàng đều tái ngắt và lu chìm, nhưng sự kết hợp của chúng trên nền lụa lại xông xáo choáng lộn bất ngờ.

Chị mang tiếng hát ra hải ngoại bằng sự tự tin thấy rõ, dù làn hơi tiếng hát đã hao hụt chút ít, chuỗi ngân không còn nhỏ mức và đều đặn, nhưng âm sắc vẫn còn lảnh lót, vẫn còn lóe những ngân vang sáng rỡ. Lúc hát, chị vẫn hăng hái quăng mình trọn vẹn vào phút giây đùa bỡn với tiết điệu và âm thanh. Dù chuỗi ngân có thô rít, nhưng chị vẫn không nao núng, vẫn kéo dài làn hơi để cho làn hơi gợn sóng. Khi hát tới chỗ khá cao hay khi xuống chỗ khá thấp lọt ra khỏi âm vực tiếng hát của mình, chị vẫn cứ đưa tiếng hát của mình lướt tới, vẫn quả cảm chuyển giọng, tới đâu thì tới, không sợ tiếng hát gãy vụn hoặc vỡ bể hay bị sa lầy. Nhìn và lắng nghe chị hát, tôi ngậm ngùi trước sự thành khẩn tha thiết của chị trong lúc chị dâng hiến tiếng hát của mình cho khán giả và nhất là cho lý tưởng của mình mà không cần nhìn lại tuổi đời đang đè nặng trên lưng trên vai mình, không quan tâm cái sinh lực trong tiếng hát của mình đã bị thời gian làm vơi cạn đi ít nhiều.

Tuy nhiên, hôm đó giọng hát của chị chỉ hơi rạn nứt chút ít ở một vài chỗ, phải tinh lắm mới nhận ra. Nhưng mà, đó vẫn còn là một giọng hát đẹp gợi nên vết da rạn quý giá trên nền men bóng của chiếc độc bình. Hôm đó, chị còn hát bài “Dòng Sông Xanh” của Johann Strauss, vẫn hứng khởi ngân bằng nguyên âm (vocaliser) và vẫn nhún nhẩy theo nhịp điệu Valse xôn xao.

Sau buổi trình diễn tại rạp Maubert Mutualité, Thái Thanh còn trình diễn thêm một vài nơi ở Paris, rồi trình diễn ở một vài nước trên lục địa Âu Châu. Tôi có nghe loáng thoáng chị được đón nhận nồng nhiệt ở nơi nầy, bị hững hờ ghẻ lạnh ở nơi khác, gây một âm vang vừa đủ để hãnh diện ở chỗ kia. Tôi cũng có nghe vài lời bình phẩm ở lối trình diễn điệu đà và sự diễn tả quá mức của chị ở Washington D.C.

Tại nơi đây, khi bước ra sân khấu, chị mặc áo choáng lộn như y quan của của gánh Hồ Quảng, lại khoác áo choàng như Người Dơi; lúc hát chị lắc lư hơi nhiều, rồi nhảy loi choi, vung vãi quá nhiều nhiệt tình, nhiều điệu bay bướm thừa thãi. Song dù gì đi nữa, hôm trình diễn tại rạp Maubert Mutualité, chị vẫn ghi vào ấn tượng tôi hình ảnh một nghệ sĩ hát bằng tâm tình dâng hiến, bằng trái tim mẫn cảm, bằng cái đẹp muôn màu muôn vẻ của tâm hồn. Sau phần 1, đèn ở hí viện bật lên, khán thính giả đứng dậy vỗ tay hét lớn:

– Hoan hô! Hoan hô Thái Thanh!

Nhà văn nữ Thụy Khê bảo tôi:

– Nghe Thái Thanh hát mà nhói cả tim!

Học giả Phạm Xuân Hy, người chuyên dịch chuyện hồ ly tinh trong “Liêu Trai Chí Dị” hoặc trong “Dạ Vũ thu Đăng” cũng bảo:

– Thái Thanh hát vẫn còn hay.

Thái Thanh hát hay điều đó dĩ nhiên rồi, ai mà dám cãi được ? Nhưng Thái Thanh còn hát giỏi nữa, bởi vì chị có kỹ thuật hát khá tinh vi. Nhưng tiếc thay, khi hát ở những chỗ hơi cao, chị thường nhốt sâu tiếng hát trong cuống họng nên tiếng hát thanh thì có thanh, nhưng chua ơi là chua! Từ Thái Thanh lúc đó chị trở thành Thái Chanh một cách ngon ơ! Đây là nhược điểm của chị. Bởi tự luyện tập giọng hát theo lối chầu văn, hát chèo với cách ngoai mồm bẻ miệng nên chị không nắm bắt cách luyện tập theo phương pháp chân truyền của ca sĩ Tây phương. Từ lúc đầu, chị không tập rống khi lên cao để tiếng hát được dàn rộng, không mất âm lượng và có thể giữ được âm sắc ngọt ngào. Trong băng nhạc “Thái Thanh, Tiếng Hát Vượt Thời Gian”, chị có hát bài “Sérénade” của Schubert, từ đầu tới cuối chị xài toàn giọng óc, chua tới rùng rợn luôn!

Nhưng khi hát ở những chỗ không quá cao hoặc không quá thấp, tiếng hát chị đẹp hẳn lên, như khối ngọc giữ màu trong vẻ sáng, không tỳ vết, không lỗi lầm. Ở những nốt nhạc nơi trầm, tiếng chị dầy và ấm hẳn lên, thập phần quyến rũ.

Qua tiếng hát Thái Thanh, người nghe có cảm tưởng đến ngắm một lạch nước trong chảy thao thao vào một vùng thôn dã thuộc miền trung du của Quê Bắc vào thuở tiền chiến. Nơi đó, có những hình ảnh tiêu biểu như lũy tre xanh rậm rọc bọc quanh làng làm cho khung cảnh ấm cúng và thân mật. Có mảnh ao làng lênh láng nước trong veo, ngày ngày có những cô gái quê đến gánh nước hoặc rửa rau và vo gạo. Có ngôi đình làng dành cho các cuộc tế lễ thành hoàng. Có ngôi chùa, am mây, miếu mạo… dành cho những khách hành hương. Lại còn thêm bóng đa, bóng chuối, bóng na, những cây cau, những nương khoai… làm cho khung cảnh thêm xanh mát, thêm bóng râm êm ả trong nắng trưa.

Thái Thanh hát những ca khúc âm hưởng dân ca miền Bắc như “Tình Ca”, “Tình Nghèo”, “Tình Tự Tin”, “Nụ Tầm Xuân”, “Tình Hoài Hương” và “Chú Cuội” của Phạm Duy, “Kiếp Cuội Già” và “Khúc Giao Duyên” của Phạm Đình Chương, “Tình Quê Hương” của Đan Thọ, “Các Anh Đi”, “ Nhớ Bến Đà Giang” của Văn Phụng đều truyền cảm, đều gợi cái trong trẻo êm đềm của lạch nước mùa xuân, cái tịch mạc thật thơ mộng của cảnh thôn dã nơi Quê Bắc.

Vì hát theo lối nhấn từng chữ như lối chầu văn nên chị hát những bài nhạc ngoại quốc như “Celèbre Valse” của Brahams, “Sérénade” của Schubert, “Rêverie” của Robert Schumann… đã được đổi thành lời Việt thì lại không sành điệu bằng Mộc Lan, Kim Tước, Châu Hà, Tuyết Hằng, Mai Hương và Quỳnh Giao.

Riêng tôi, tôi chưa thấy ca sĩ nào diễn tả trọn vẹn ý tình qua các ca khúc của Phạm Đình Chương và nhất là của Phạm Duy bằng Thái Thanh.

Ở bài “Tình Ca”, khi hát tới câu hát “Tôi yêu tiếng xa mờ”, giọng chị sắc vút lên như xuyên vào mối cảm hoài người nghe bằng một luồng gió mạnh, reo xao xuyến trong nội giới chúng ta rất lâu… Ở bài “ Kỷ Vật Cho Em”, khi mở đầu bằng câu “Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại” thì ở tiếng “hỏi”, chị như nghẹn nấc làm người nghe bàng hoàng dao động cả tâm hồn; chưa có ca sĩ nào diễn tả tuyệt vời cảm xúc như chị ở tiếng đó. Hình như Trời sinh Phạm Duy ra để soạn ca khúc cho Thái Thanh hát. Trong phút hiển linh của thần trí sáng tạo, anh viết những dòng nhạc truyền cảm tột độ mà chỉ có Thái Thanh diễn tả mới đi đến chỗ cùng tận của ý tình. Cho nên khi hát bài “Bà Mẹ Gio Linh”, Thái Thanh cất tiếng “Hò ơi ới ơi hò”, tiếng hò chị ở chỗ đó như banh gan xé ruột người nghe, như khơi dậy một vết thương rướm máu của họ. Tiếng hò sao mà thảm thiết một cách thần tình, làm sao có ai hò vượt qua chị dẫu đương sự có ăn một trăm, một ngàn cót thóc đi nữa.

Ngoài ra, bản “Tình Không Biên Giới” của Văn Lương, “Mấy Dặm Sơn Khê” của Nguyễn Văn Đông, “Sao Đêm” của Lê Trọng Nguyễn, “Tiếng Thời Gian” và “Trở Về Dĩ Vãng” của Lâm Tuyền đều được chị trình bày bằng một tình cảm vừa phải, nhưng rất truyền cảm, rất nghệ thuật.

Nghe Thái Thanh hát các ca khúc âm hưởng dân ca miền Bắc, chúng ta có cảm tưởng được ngắm những bức tranh mộc bản hoặc những bức tranh dân gian bày bán ở chợ quê trong dịp Tết. Những bức tranh dân gian ấy tô màu lòe loẹt và suồng sã nhưng hàm nhuận ý tình thật mộc mạc, thật thân thương: đỏ như ruột dưa hấu, xanh như mực học trò, vàng như nghệ, lục biếc như đọt chuối hay như lá mạ, tím như nước cốt trái mồng tơi…

Còn ở những bức tranh mộc bản thì tuy khung gỗ khắc có những nét thô tháp nhưng khi được in lên trên nền giấy xốp và thấm mực đều bỗng hiện lên những đường nét tạo hình ấm cúng và duyên dáng lạ kỳ!

Qua tiếng hát Thái Thanh, chúng ta có thể mương tượng đến tiếng sáo diều vi vút vào buổi chiều quê, khi mà ánh tà dương không còn trải trên mặt ao đầm, và sương mỏng bắt đầu theo bóng chiều lan khắp đó đây. Lúc đó, tàn cây, khóm chuối biến dần thành những khối bóng đậm đen như tô bằng mực tàu trong thứ ánh sáng lu lít mù mờ vào lúc chạng vạng. Tiếng sáo mỏng và thanh cứ vi vút từ đầu bữa cơm chiều dưới ánh đèn dầu cho tới khi trăng lên rọi lóng lánh mặt ao đầm mà vẫn chưa tắt.

Thái Thanh có giọng hát thiên phú quý báu như thế, nhưng theo tin đồn thì chị chẳng thận trọng giữ gìn. Chị không kiêng khem trong việc ăn uống. Hễ gặp trái chua là chị ăn mê tơi, ăn ngấu nghiến. Gặp trái chát như sung để ăn cặp với bún riêu, như mít đẹt nổi mụn cám vàng chị liền cất giấu ngay trong bụng là chỗ không trời không đất… cho gọn!

Hồi ở bên quê nhà, Kiều Chinh và Thái Thanh là hai nữ nghệ sĩ trình diễn thích giao du với các nghệ sĩ bên sáng tác nổi tiếng trí thức. Qua ông anh nhạc sĩ Phạm Đình Chương của mình, Thái Thanh ưa giao du với nhóm Cái Bang trong đó có kịch tác gia Vũ Khắc Khoan, nhà văn Mai Thảo, ký giả Lô Răng Phan Lạc Phúc, nhà văn Thanh Nam, nhà văn Thanh Tâm Tuyền… lại thêm có ca sĩ Anh Ngọc, anh bạn đồng nghiệp của chị. Giờ đây, Vũ Khắc Khoan, Mai Thảo, Phạm Đình Chương và Thanh Nam đã từ trần. Thanh Tâm Tuyền định cư trên vùng Vạn Hồ thuộc tiểu bang Minnesota. Còn Phan Lạc Phúc ở tận bên Úc. Trong chuỗi ngày tàn bóng xế, chị cùng nghệ sĩ dương cầm Nghiêm Phú Phi mở lớp luyện ca.

Từ năm 1995, làn hơi trong tiếng hát Thái Thanh giảm sút quá nhiều. Chị không còn ngân nga được nữa. Nhưng từ cái gốc của chị, có hai chồi măng mới mọc ra, trong thời gian chẳng bao lâu mà trở thành hai cây trúc tương phi yểu điệu xinh tươi. Mỗi khi lớp lớp sóng nhạc hiện thân thành cơn gió lướt qua, trúc reo lao xao những tiếng hát làm rung cảm khách mộ điệu khắp bốn phương trời hải ngoại. Đó là nữ ca sĩ Ý Lan và nữ ca sĩ Quỳnh Hương, hai cô con gái của chị và của minh tinh điện ảnh Lê Quỳnh.

Hồ Trường An

Trích từ Chân Dung Những Tiêng Hát – Quyển 1, Chương 2, NXB Tân Văn, Đông Kinh Nhật Bản, 2000

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây