Nhớ Văn Cao (1923 – 10.7.1995)

Lê Nguyễn
10/7/2019

 

Nhạc sĩ Văn Cao

Thời gian trôi nhanh quá, hôm nay đã là kỷ niệm 24 năm ngày mất của nhạc sĩ Văn Cao rồi! Tình yêu của mọi người dành cho ông thật mãnh liệt, nên ông mất đã lâu mà như vừa mới chia tay với chúng ta vào một ngày gần gủi nào. Nhớ ngày được tin ông mất, tôi bần thần suốt cả một tuần lễ, như mình vừa mất một trong những người thân quý trong đời. Trong số những tài năng chói lọi của nền âm nhạc Việt Nam, tôi vẫn dành cho ông sự kính trọng bậc nhất. Tài năng, phẩm cách, số phận hẩm hiu của người nghệ sĩ đa tài, điều gì mang lại cho ta nhiều cảm xúc nhất về ông?

Số lượng ca khúc Văn Cao viết không nhiều như Phạm Duy hay Trịnh Công Sơn, nhưng mỗi ca khúc của ông là một hạt ngọc, long lanh, bừng sáng ở từng góc cạnh, thể hiện những cảm xúc tinh tế nhất của người nghệ sĩ.

Những năm sau ngày chia cắt đất nước (1954), một cậu học trò Sài Gòn 16-17 tuổi chứng kiến sự “qua đời” của hàng loạt thần tượng mà cậu đã từ lâu thờ kính trong tâm tưởng của mình. Họ đã hóa thân, trở thành những con người khác, những số phận khác, chói sáng hơn, “màu mỡ” hơn, nhưng họ đã không còn là họ nữa. Bên cạnh họ, Văn Cao vẫn với một tâm hồn trong sáng, yêu cái Đẹp, yêu Tự Do, cho dù số phận có dành cho ông sự nghiệt ngã đến đâu.

Từ Buồn Tàn Thu đến Mùa Xuân Đầu Tiên, một chặng đường lịch sử hơn 30 năm đã trôi qua với những biến đổi kinh hồn, đưa không ít người lên đỉnh vinh quang cũng như vùi biết bao thân phận xuống đáy sâu của sự khốn cùng, vậy mà ông vẫn sống bình dị, tự tin, với một hồn nhạc Văn Cao luôn thanh thoát, dịu dàng, hào sảng … Tôi vẫn không quên ký ức của một cậu học sinh Đệ Tam, Đệ Nhị (lớp 10-11) đêm đêm nằm trên chiếc võng ngoài hiên nhà, trong bóng tối, hát chỉ để một mình mình nghe, hết Buồn Tàn Thu đến Thiên Thai, Suối Mơ, rồi Trương Chi…. Bao giờ tôi cũng dành bài Trương Chi cho lần hát cuối cùng, để được ngân nga hoài đoạn cuối, một tâm sự bi ai nhưng đầy hào sảng của một tình yêu đẹp, và tuyệt vọng:

Đò ơi, đêm nay dòng sông Thương dâng cao,
Mà ai hát dưới trăng ngà…
Ngồi đây ta gõ ván thuyền – ta ca,
Trái đất còn riêng ta,
Đàn đêm thâu,
Trách ai khinh nghèo quên nhau,
Đôi lứa bên giang đầu….


Kẻ tình si ngồi dưới ánh trăng thanh, gõ mạn thuyền cất tiếng ca về một tình yêu đơn phương mà đẹp não nùng, còn gì lay động hồn ta hơn cái hình ảnh ấy?

Nhân nhắc đến nhạc phẩm Trương Chi của Văn Cao, tưởng cũng nên nói đến một sự nhầm lẫn khá thú vị: chỉ cần gõ bốn chữ “Tiếng sáo Trương Chi” vào Google, ta sẽ gặp “hằng hà sa số” tác phẩm nghệ thuật (thơ, văn, nhạc, cải lương…) ca ngợi tiếng sáo (!) của anh lái đò đã ôm mối tình tuyệt vọng xuống tuyền đài. Kỳ thực, theo truyền thuyết ghi trong sách xưa của ta, Trương Chi chỉ có một giọng hát trong vắt, tuyệt vời, chàng chưa bao giờ thổi sáo cả:

Ngày xưa có anh Trương Chi,
Người thì thậm xấu, hát thì thậm hay…

Người thổi sáo tài ba là Trương Lương (Trương Tử Phòng), một mưu sĩ thời Chiến quốc bên Tàu. Tiếng sáo mê hồn của ông đã khiến phần lớn trong 8 ngàn tử đệ của Sở Bá vương Hạng Võ nhớ nhà, tìm cách rời bỏ hàng ngũ, trốn đi. Có lẽ do cả hai cùng họ Trương mà nên nông nỗi “đem râu ông nọ cắm cằm ông kia” !

***
Với Mùa Xuân Đầu Tiên của Văn Cao, tôi có chút kỷ niệm. Những năm 2008-2009, tôi cộng tác với công ty truyền thông ViewFinder Media thực hiện 26 tập phim Hỏi Đáp Đông Tây với tư cách vừa là một trong hai MC, vừa là khách mời trực tiếp trả lời một số câu hỏi của khán giả. Khi cùng nhau chuẩn bị tập phim 30 phút cho kênh Today TV (VTC7) phát tối ngày mùng 2 Tết năm 2009, đạo diễn TCB định đưa vào chương trình bài hát Xuân của một nhạc sĩ quen thuộc. Tôi vội vàng chuyển đến anh một “phản đề nghị”: Mùa Xuân Đầu Tiên! Và B. cùng ban lãnh đạo ViewFinder đã nhanh chóng đồng tình với đề nghị của tôi. Vào buổi quay, trong phần giới thiệu bài hát sẽ được thể hiện qua giọng ca của nữ ca sĩ Ánh Tuyết (đã ghi hình sẵn), tôi hạnh phúc được bày tỏ cảm nghĩ của mình về điều “nghịch lý” của Mùa Xuân Đầu Tiên. Đó là hầu như với bất cứ ca khúc nào, dù hay đến đâu, khi nghe đi nghe lại nhiều lần, ta cũng cảm thấy cái hay của tác phẩm ngày một giảm sút. Với Mùa Xuân Đầu Tiên thì ngược lại, càng nghe nhiều, càng thấy thấm đẫm cái hay, cái lạ, cái mượt mà của giai điệu, cái sâu lắng của những lời nhạc viết ra từ một tâm hồn luôn biết yêu thương cuộc sống .

Rồi – dập dìu – mùa xuân theo én về
Mùa – bình thường – mùa vui nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy – đang đến – đầu tiên
Với khói bay trên sông – gà đang gáy trưa
Bên sông – một trưa nắng vui cho bao tâm hồn.
Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao – trong xuân vui đầu tiên.
Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên – một cuộc đời êm ấm
Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người…


Một bài hát như vậy mà cũng đã trải qua một quãng đời gần 20 năm long đong, kể từ sau 30.4.1975!

Nhân loại tự hào với những tượng đài âm nhạc Mozart, Beethoven, Tchaikovsky…; người Việt Nam yêu nghệ thuật đích thực tự hào với Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, những cây đại thụ trong khu vườn âm nhạc mà không một trận cuồng phong chính trị nào có thể xô ngã được.

Lê Nguyễn
Sài Gòn 10.7.2013 – 10.7.2019

Nguồn: Trang FB của Lê Nguyễn

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây