Văn Cao, thơ của những giấc mơ…

Nguyễn Mạnh Trinh
7/2019


Văn Cao (1923-1995)

Văn Cao mất ngày 10 tháng 7 năm 1995, đến ngày hôm nay là 24 năm. Với riêng tôi, Văn Cao vừa quen và vừa lạ. Quen, bởi vì những bản nhạc nghe hàng ngày, những Ðàn Chim Việt, những Suối Mơ, những Buồn Tàn Thu… từ lúc vừa mới lớn ở quê nhà đến cả những lúc sống ở đây. Quen, bởi vì biết ông là một nghệ sĩ đa tài, nghệ thuật văn, nhạc, họa độc đáo, là một người trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm và bị chế độ đương thời đầy ải trù dập suốt cả cuộc đời mặc dù là tác giả của bản quốc ca Tiến Quân Ca. Và, cũng quen là những hành khúc hùng tráng mà tôi đã cùng với bạn bè đồng ngũ hát vang lên trên thao trường, trên binh lửa, những Không Quân Việt Nam, những Chiến sĩ Việt Nam… của những bài hát mà chúng tôi nghĩ đã nợ từ lòng ái quốc, từ sự hy sinh của thế hệ cha anh đi trước.


Năm 16 tuổi ông viết Buồn Tàn Thu tiếp theo là những tình khúc thật lãng mạn như Thiên Thai, Bến Xuân, Cung Ðàn Xưa, Suối Mơ, Trương Chi… Lời nhạc buồn nhưng không phải nỗi buồn của tuyệt vọng mà ở đó, người nghe còn cảm thấy một điều gì lóe lên từ hy vọng của một người có trái tim rộng mở và một tâm hồn tràn đầy mộng mơ. Nhạc của ông nhiều chuyển khúc, trong điệu trầm buồn có réo rắt niềm vui, trong mơ mộng có những điều hiện hữu luôn luôn nằm trong tim óc.


Bản nhạc Bến Xuân được viết như là một cách thế kỷ niệm mối tình tay ba mà có lúc Văn Cao đã thật nhiều mê đắm. Ông và hai người bạn thân thiết là ca sĩ Kim Tiêu và nhạc sĩ Hoàng Quý cùng yêu một cô tiểu thư họ Hoàng đài các khi đến học nhạc. Cô tiểu thư này yêu Văn Cao và đã làm người mẫu để Văn Cao vẽ tranh. Từ đó, bản Bến Xuân ra đời. Sau, Văn Cao vì nghèo và không muốn làm hai người bạn thất vọng nên rút lui một mình ôm mối thương lòng. Biết Văn Cao rút lui. Kim Tiêu cầu hôn cô tiểu thư họ Hoàng nhưng nhà gái thách cưới nhiều quá nên thất vọng bỏ về Huế cạo đầu đi tu. Nhạc sĩ Hoàng Quý cầu hôn sau cùng và thành chồng vợ nhưng ít lâu sau thì Hoàng Quý bị bệnh phổi qua đời. Mối tình tay ba tan vỡ. Tiểu thư họ Hoàng trở thành một quả phụ đẹp não nùng và gia nhập đoàn văn công để trình diễn tân nhạc. Từ đó chúng ta đã có bản nhạc Bến Xuân như một kỷ niệm của một mối tình và là một ca khúc bất tử của những thế hệ yêu nhạc sau này. Nhưng về sau nó lại trở thành một bản nhạc khác Ðàn Chim Việt với những câu như “hoàng hôn Thái Nguyên tung hoành” hay “Bắc Sơn kia thời tung cánh” để nhớ đến “mây đồi Yên Thế”. Nhạc tình dìu dặt của “Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước. Em đến tôi một lần…” cải dạng thành những lời ca phục vụ cho chính trị cho một nhu cầu tuyên truyền. Nhạc Ðàn Chim Việt đã giết nhạc tình Bến Xuân

Một tác phẩm lớn của ông là Trường Ca Sông Lô, ở đó nhạc như những nét phác họa của vùng rừng sâu núi thẳm Việt Bắc mà những thiên anh hùng ca vang vọng. Nhạc phối hợp cùng thơ mà đôi khi có phảng phất nét cọ của một người họa sĩ đã truyền thần cái khung trtời uy nghi huyền thoại của một chiến tích lẫy lừng. Nhạc như một dòng sông trôi, có lúc ào ào bão táp nhưng cũng có lúc khoan ái hiền hòa.

Bản nhạc Mùa Xuân Ðầu Tiên được ông sáng tác vào năm 1976 có những câu như: “Từ đây Người biết quên Người. Từ đây Người biết thương Người. Từ đây Người biết yêu Người.” Nhiều ẩn ý nên bị cấm trình diễn một thời gian. Vì chữ Người chỉ là một đại danh từ dàng riêng cho Hồ Chí Minh và Văn Cao hình như có chủ ý chê bai về sự hồi tâm quá muộn màng của nhân vật mang chữ Người ấy. Văn Cao có lúc đã tâm sự: “Hồi viết Tiến Quân Ca tôi không hề chuẩn bị trước để làm một bài hát mà một đặc nhiệm nguy hiểm của đội biệt động. Tôi là đội viên của đội biệt động vũ trang. Nhiệm vụ của tôi là trong một đêm cầm một khẩu súng vào một thành phố để giết một người. Tôi đã làm xong việc ấy. Ðó là chiến tranh và căm thù, đơn giản thôi. Những ngày đầu sau chiến tranh tôi đã trở lại căn nhà ấy. Thấy còn lại một gia đình mẹ góa con côi. Làm sao tôi có thể nói điều cần thiết nhất đối với tôi trong những bài hát sau đó? Nói về chiến công hay nói về một điều gì khác? Nên tôi im lặng và chỉ viết nhạc không lời…”

Có lần, Văn Cao đã thú nhận cầm súng bắn người bạn là Ðỗ Ðức Phin bị kết án là Việt gian vì đói quá!!! Có lẽ đó là niềm ray rứt suốt đời của ông và cũng là một vết nhơ trong đời nghệ sĩ Văn Cao. Không phải chỉ là đơn giản chiến tranh và căm thù như ông đã nói…

Bài Mùa Xuân Ðầu Tiên có lẽ là bản nhạc có lời đầu tiên sau một thời gian nhạc không lời?


Với chúng tôi, Văn Cao đôi khi là một nhạc sĩ lạ, bởi vì trong thế hệ những người sinh ra và lớn lên trong khoảng thập niên 40, 50 và trưởng thành ở miền Nam như chúng tôi, ông vẫn chỉ được biết đến từ một vài chi tiết không đầy đủ và có lẽ chứa khá nhiều chất huyền thoại, không giống với những nhạc sĩ khác như Phạm Duy hoặc Trinh Công Sơn có nhiều nét sống thực gần gũi hơn.

Có một nhà văn bây giờ cũng đã quá cố, nhà văn Xuân Vũ, đã so sánh hai khuôn dáng Văn Cao và Phạm Duy:

Hai người cùng khởi hành
cùng một đường một lúc
hai người cùng đến đích
nhưng mỗi người một nơi
cách nhau một đường tơ
xa nhau một sợi tóc.”

Tuy tơ tóc cách nhau nhưng là thẳm biệt nghìn trùng. Văn Cao đã mất, nhưng đời ông và tác phẩm ông còn sống. Không phải chỉ một mình Xuân Vũ, mà cả Thụy Khuê trong bài viết “Văn Cao – Phạm Duy, trần gian và tiên cảnh” cũng có ý mang hai người, hai phong cách, ra đối chiếu. Nhưng, đó là bài viết lúc mấy năm trước.

Còn, bây giờ, Phạm Duy đã đổi khác…

Tôi quen thuộc thêm với Văn Cao khi xem cuốn video do Ðinh Anh Dũng quay “Giấc mơ một đời người”. Những hình ảnh đã gây thật nhiều ấn tượng. Một ông già tóc bạc trắng, lê cái gậy chậm bước trên ngõ phố Hà Nội, trên ruộng đồng với cái phông của núi rừng ẩn hiện xa xa. Những vỉ tường loang lở, những mái ngói rêu phong, những cầu thang khuất khúc, nơi ấy, người nghệ sĩ già đã sống, đã làm việc, đã chịu đựng những nỗi đau thầm kín của một kẻ sĩ không gặp vận thời. Căn phòng nghèo nàn, cỗ dương cầm cũ kỹ, những bước tranh treo trên mảnh tường xám xịt, đã hơn một lần là những hình ảnh của tạp chí quốc tế National Geographic cho một bài viết về một nghệ sĩ tài hoa Việt Nam cả về hội họa, âm nhạc và thi ca. Những hình ảnh ấy, mở ra một cuộc sống, mà nghệ thuật là một cái nghiệp nặng nề đeo đuổi lên không những với một người mà cả một gia đình, một dòng tộc. Những vết nhăn khắc khổ trên khuôn mặt phong trần, những bước đi chông chênh tựa trên cây gậy, những lời nói tâm sự đằm thắm, tất cả, làm đậm nét thêm chân dung của một người đã sáng tác ra bản quốc ca đã hơn nửa thế kỷ, dù có lúc, chế độ ấy muốn thay thế, mở ra những cuộc thi để tìm kiếm một bản quốc ca khác. Mà lý do, xem ra khá cá nhân vì một số các quan chính quyền và quan văn nghệ không ưa tác giả!!!

Nguyễn Thụy Kha, một nhà văn khá thân cận với Văn Cao, đã từng chứng kiến cũng như chia sẻ những khốn khó của cuộc đời ông, viết:

“… Hòa bình. Chỉ sau khi ấn hành trường ca “Những người trên cửa biển” một thời kỳ hết sức nghiệt ngã đã ập xuống đầu Văn Cao cũng như một số đồng nghiệp văn nghệ khác. Suốt mấy chục năm, Văn Cao phải lặng lẽ âm thầm sáng tạo trong đớn đau, trong cảnh túng quẫn. Dường như ông không viết bài hát nữa mà chuyển vào những tiểu phẩm nhạc không lời như “Hàng dừa xa”, “Sông tuyến”, “Biển đêm”. Ông dằn lòng viết những câu thơ không in, vẽ minh họa để kiếm chút “tiền còm” bởi thúc bách của đời sống thường nhật. Dù được nhìn nhận như là một trong những người làm minh họa và bìa sách sang trọng Văn Cao vẫn gắng bơi qua những nhạc phim và một tổ khúc “Anh bộ đội cụ Hồ” cho dàn nhạc. Nhưng túng quẩn vẫn luôn luôn rình rập trước số phận Văn Cao, luôn đe dọa dập tắt mọi ý nghĩa sáng tạo. Ðỉnh điểm của thời kỳ này là “cuộc vận động sáng tác quốc ca mới” nhằm thay thế quốc ca… cũ. Ðã có đến 17 bài nhạc lọt vào vòng sơ khảo, được ấn hành và được phát thanh liên tục trên làn sóng điện. Nhưng chính khi ấy, năm 1982, sau cơn đau dạ dày hiểm nguy, Văn Cao lại được mời sang Ðức (Cộng Hòa Dân Chủ Ðức lúc đó) với tư cách là tác giả bản Quốc ca. Cùng trong thời gian đó, ở Ðại Hội Nhạc Sĩ Việt Nam lần thứ ba, Văn Cao được trúng trở lại trong Ban Chấp Hành. Tuy nhiên cảnh túng quẩn vẫn triền miên vì cả hai ông bà đều đã về hưu từ mấy năm trước. Quốc ca vẫn được cất lên trong các buổi chào cờ, trong các cuộc đón tiếp quốc tế long trọng, còn tác giả của nó thì vẫn chật vật với đời sống chật vật…”

Khó khăn đời sống bắt đầu từ trường ca “Những người trên cửa biển “viết về thành phố cảng Hải Phòng được in trong tập thơ chung của bốn người được nhà xuất bản Văn Nghệ ở Hà Nội phát hành năm 1956: Hoàng Cầm, Văn Cao, Trần Dần, Lê Ðạt, mà ngày hôm nay, Thanh Thảo đã cho là một tác phẩm quan trọng của văn học Việt nam sau hơn nửa thế kỷ bị vùi dập, tiêu hủy từ chế độ.

Trong trường ca ấy, có một đoạn thơ được trích đăng trong Nhân Văn Giai Phẩm Mùa Thu tập II tháng 10 năm 1956 “Những ngày báo hiệu mùa xuân” có những câu thơ như những lời tố cáo, dõng dạc đầy chất chính luận:

… Chúng tôi đêm ngày vét nước nối đê
tưới ngọt lại ruộng đồng, dựng lại từng thôn xóm
tìm laị những nụ cười ở môi người sống sót
Lửa đỏ đêm đêm trên bãi biển bập bùng
Trong những ngày khó khăn chồng chất.
Kẻ thù của chúng ta xuất hiện
Những con rồng đất khi đỏ khi xanh
Lẩn trong hàng ngũ
Những con bói cá
Ðậu trên những chiếc giây buồm
Ðang đo mực nước.
Những con bạch tuộc
Bao nhiêu tay chân dìm chết một con người
Ðất nước đang lên da lên thịt
Ðất nước còn đang nhỏ máu ngày ngày
Ta muốn gói cuộc đời gọn gàng như trái vải
Ðã thấy loài sâu nằm tròn trong cuống
Chúng muốn các em nhỏ mới biết đi phải rụng.
Mòn mỏi dần sức vỡ đất khai hoang
Làm rỗng những con người, lùi dần niềm hy vọng.
Héo dần mầm sáng tạo, mất phẩm giá con người
chúng nó ở bên ta, trong ta lén lút
Ðào rỗng từng kho tiền gạo thuốc men
Tôi đã thấy từng mặt từng tên sâu chuỗi
Tôi sẽ vạch từng tên từng mặt
Hãy dừng lại
Những tên muốn ôm cây mùa xuân không cho mọc
Những tên muốn làm cây to che cớm mầm non
Con đường ta đi tự hào lực lượng
Con đường nước nguồn thành sông thành biển
Con đường ta đi tự hào duy nhất
Con đường đi trái đất quanh mặt trời…

Những câu thơ ấy, có phải xuất phát từ một tâm cảm xúc động trước những biến cố của quê hương? Tâm cảm ấy, bàng bạc trong bài viết “Mấy ý nghĩ về thơ” in trên tạp chí Văn Nghệ một năm sau:

“.. người làm thơ phải đi tìm những tư tưởng cảm xúc và cảm giác trên kia trong thực tế ở những con người đang hàng ngày túi bụi xây dựng. Càng tới gần cái cuộc sống đầy mâu thuẫn đấu tranh là càng như đi gần lại một kho thuốc nổ. Có người dao động và sợ hãi quay lưng lại. Có người vụng về mà làm nổ. Nhưng cũng có người can đảm biết làm nổ để mở đường.

Hôm nay con đường lớn nhất của chúng ta là mở cho tất cả những giấc mơ, những khát vọng tự do phát triển bay đi xe mật về ổ. Mở cho những giấc mơ, những khát vọng tự do phát triển bao nhiêu là tập trung tất cả giấc mơ và khát vọng của con người làm thành mũi nhọn kéo lê đi phía sau cái thực tế chậm chạp…”

Thuốc nổ đã cháy và bùng lên, nhưng, thay vì để mở đường cho một vận hội tốt cho đất nước lại là làm nghẽn lối cho nhà thơ. Và, tâm trạng thất bại ấy biểu lộ rõ trong bài thơ “Có lúc”.

Có lúc
một mình một dao giữa rừng đêm không sợ hổ
có lúc
ban ngày nghe lá rụng sao hoảng hốt
có lúc
nước mắt không thể chảy ra ngoài được

Những loài rồng đất đổi thay màu da, những con bói cá rình mò, những tay bạch tuộc nhớt nhúa, … dẫy đầy trong chế độ và là những kẻ cầm quyền tự tung tự tác ngự trị trên đầu trên cổ nhân dân. Thi sĩ, vật vã với khốn khó, im lìm trong nỗi đau, thoi thóp trong suy tưởng. Nhưng, vẫn còn hy vọng. vẫn còn chút mơ ước, bởi vì:

“anh có thấy không
chỗ nào cũng có tiếng
chưa nói lên

Phùng Quán cũng viết về cái tâm trạng não nề của một người đầy hùng khí mà biến thành một người dửng dưng câm lặng nuốt hết những nhọc nhằn mà không tránh được tiếng rên:

… cả tiểu đội tôi chỉ còn mắt với răng
như một đồng ca chúng tôi lên cơn sốt rét
lên cơn sốt rét chúa trời cũng phải rên!
Nhưng chúng tôi không rên
Chúng tôi hát
Bao chiến sĩ anh hùng
Có một điều anh không bao giờ ngờ được
Chúng tôi đã cài biên khúc quân hành bão táp của anh
Thành nhạc không lời
Thành một điệu rên…

Phải rồi, cái dũng khí chiến trường có giúp gì trong cuộc sống cơ cực nheo nhóc. Chiến đấu với cái đói, cái thiếu không phải cho riêng mình mà cả một gia đình sao khó nhọc đến thế. Và, để đổi lấy áo cơm, là những nhạc không lời, những tranh vô ngôn, những bìa sách không nói… Những chế độ chuyên chính đã có phương cách kiến hiệu nhất để bắt nhân dân tuân phục. Như, ở miền Bắc, những Trần Ðức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường… trí thức sâu sắc, Nguyễn Tuân ngang ngạnh lãng mạn, Quang Dũng hào sảng ngông nghênh… phải tối mặt với đời thường và mai một đi những sở đắc của mình mà chế độ cho rắng có ngày sẽ thành động lực để triệt hủy sự thống trị của họ…

Hai mươi năm, Văn Cao không làm thơ. Nhưng, thơ lại là những trang nhật ký, viết trong cuốn sổ tay chi chít chữ, hay những mảnh giấy vụn, những bao thuốc bỏ đi. Thơ, là những phân tử máu của cuộc sống. Thơ là cái nhìn, cái nghe, cái thở, cái khóc, để nén vào thẳm sâu, để ghi lại và phác họa lại chính cái hình của mình, cái bóng của mình trong một thời đại mà sự nghi kỵ và rình mò lẫn nhau trở thành quen thuộc bình thường.

Sau khi đổi mới, có sự nới tay “cởi trói”, tập thơ Lá của Văn Cao được xuất bản. Tập thơ mỏng, trình bày sơ sài, in giấy xấu. Tuy vậy, cũng là một vừa ý miễn cưỡng. Nguyễn Trọng Tạo, nhà văn “biên tập” Lá viết:

“… Những bài thơ chi chít trong những cuốn sổ tay nhỏ xíu úa màu thời gian vàng vọt. Những bài thơ viết trên vỏ bao thuốc lá nhặt được trong quán rượu. Có bài thơ được ghi lại không phải nét chữ của ông mà là chữ của vợ ông, bà sợ ông quên đi mất nên bà bắt ông đọc để bà chép lại. Năm 1987, Nguyễn Thụy Kha đã lần mò chép lại những bài thơ trong cặp bản thảo nhòe mờ ấy của ông rồi đưa cho tôi đọc. Giữa quá nhiều bất trắc của cuộc đời, tiếng thơ Văn Cao chẳng bao giờ đổi giọng. Chữ nghĩa của ông như được viết ra từ ngòi bút kim cương chứ không phải là bút lông bút sắt. Và khi tiến hành chọn bản thảo tập thơ Lá, Văn Cao rất vui lòng ủy thác cho Nguyễn Thụy Kha, Thanh Thảo và tôi tuyển chọn hầu như ông hoàn toàn yên tâm về việc đó. Ông nói: “Ba thằng mày bảo được là được”.

Tập thơ Lá của ông được in ra không đúng như chúng tôi đã chọn dưới sự ủy thác của ông, 5 bài thơ ông tâm đắc bị bỏ ra, và thay vào mấy bài thơ ông in báo thời kháng chiến chín năm. Tuy không được hài lòng lắm, nhưng ông cũng mỉm cười sau 30 năm trở lại thi đàn. Ông tiếp tục viết những bài thơ mới. Vẫn là Văn Cao tươi ròng không tuổi …”

Lá là một tập thơ gồm 28 bài. Trong đó có không gian của Hà Nội, Hải Phòng, Qui Nhơn… có thời gian những ngày rất đặc biệt của đất nước lúc chế độ Cộng sản vừa tiếp thu đến khi dằng dặc cuộc chiến tranh đau xót. Ở đó, cũng có tình yêu, với đất nước ruộng đồng, với phố thị quen thân, có những giấc mơ và có những hiện thực đời thường nhói buốt. Ở đó, âm nhạc và hội họa hội tụ vào, để những nốt nhạc trầm đến mức thành vô thanh, để những nhát cọ mảnh và tinh tế đến thành không dáng. Thơ là kết tinh của những nỗi niềm, là men rượu trắng “cuốc lủi” len sâu vào dòng máu, là là những tân toan tủi cực nén sâu vào trong tâm dù vẫn còn thoi thóp vài tia hy vọng.

Thơ là “Giấc Mơ”, giấc mơ của những vì sao tuy lung linh nhưng biệt thẳm hay hiện thực như những mái nhà của cơn ngủ mệt mỏi:

dưới mái nhà
một người đang ngủ
với giấc mơ của những vì sao
những vì sao đang kể truyện
giấc mơ của mái nhà
giấc mơ của một người đang ngủ

Thơ là Hải Phòng, của trường ca “Những người trên cửa biẻn”, là nỗi tình tự quê hương hòa với nỗi đau thời thế:

“…Tôi hay ngủ trên cầu sương
nửa đêm thức giấc
thấy mình bay cùng tinh tú
ngày đến lòng tôi xếp cánh
sao chim bay bướm lại bay lên
Tất cả tình yêu khát khao hy vọng
Bốc lên trong lòng
Rơi xuống những giọt nước mắt
Có tuổi thanh niên
Như cây mùa xuân mới mọc
Bị tước dần vỏ non
Mất chim mất bướm mất chân trời.
Lòng không biết nghĩ điều gì
Như con sơn ca bị bẫy.
Thấy mắt lưới nào sáng cũng nháy…

Thơ là Quy Nhơn, là:

Từ trời xanh
rơi
vài giọt Tháp Chàm
quanh Quy Nhơn
tôi như đứa nhỏ yêu huyền thoại…”

Như một bức tranh tĩnh vật, giọt Tháp Chàm rơi trên trời xanh, trong cái “tĩnh” của lặng lẽ lại chứa đựng cái “động “ghê gớm của nội tâm. Và, từ “giọt “Tháp Chàm ấy, mở ra biết bao huyền thoại…

Thơ, còn là Hà Nội của “Chiếc xe xác qua phường dạ lạc”, của những bức tranh “phố Phái” với những hình ảnh và gam màu tượng hình bằng ngôn ngữ thi ca. Thơ còn là Huế của “Một đêm đàn lạnh trên sông Huế”. Và thơ, còn là Kinh Bắc với lời nhắn:

hỡi người cưỡi ngựa về Kinh Bắc
Tôi gửi thư đưa hộ mẹ già
Cố thét song lời tôi yếu quá
Ngựa đều chân chạy, nhạc càng xa…

Thơ Văn Cao, là quê hương, là những nốt nhạc và nét vẽ chen nhau để phác họa trung thực và sống động tâm cảm của cả một thời. Trong ánh nến của hoài nhớ, trong rung động của tiềm thức, thơ chắt lọc tháng ngày trong đau đớn nhân sinh để tượng hình nỗi khắc khoải của bức tượng phù điêu tạc trong những cơn mê đắm của lãng mạn mơ mộng. Thơ Văn Cao là thơ, là tinh tuyền của nỗi hoang sơ, của Thơ viết hoa, của những dòng chữ chở chuyên cả một vùng trời biển. Thơ là …

Viết về Văn Cao, muốn đầy đủ phải đầy một tập sách. Nguyên Văn Cao nhạc sĩ, với bao nhiêu bản nhạc, từ quân hành ca đến tình ca, từ nhạc quê hương đến tụng ca lịch sử, từ bản quốc ca đến trường ca “Sông Lô”, bao nhiêu đề tài, bấy nhiêu ý tưởng, bấy nhiêu chữ nghĩa… Rồi cuộc đời ông, trải dài theo những tháng năm biến động, từ vai trò của một người ám sát hoạt động nội thành, rồi tham gia Nhân văn Giai Phẩm, viết quốc ca, đến những cảnh khốn khó cùng túng trong cái bóp nghẹt từ sinh kế đến tư tưởng của chế độ chuyên chính đương thời.

Những đề tài ấy, quả là mênh mông biết bao. Làm sao chuyên chở cho hết trong một vài bài.

Tôi là một người yêu thơ. Nên trong dịp kỷ niệm ngày mất của ông, 10 tháng 7 năm 1995, viết một đôi dòng mạo muội về thơ của một người nghệ sĩ, hoàng đế của nhiều vương triều nghệ thuật như thơ -nhạc –họa. Dù tôi lớn lên ở miền Nam, nhưng không vì thế mà thấy xa lạ với một chân dung của một Văn Cao trong trí tưởng. Cái địa chỉ 108 phố Yết Kiêu có lẽ quen thuộc lắm. Những mái nhà phủ rêu, khuôn cửa sổ nhìn ra một mảnh trời, dốc cầu thang cổ lỗ, bờ tường loang vôi.. tất cả, có lẽ sáng lên trong ánh nắng của miền đất kỷ niệm của một hoàng hôn tưởng nhớ …

Nguyễn Mạnh Trinh

Nguồn: https://sangtao.org/2019/07/04/van-cao-tho-cua-nhung-giac-mo/#more-115212

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây