Hà Trần: Lần Nào Đến Cũng Mang theo Bí Mật

Tung Hoang Lam
24/3/2019

Ca sĩ Trần Thu Hà

Hà Trần được giới chuyên môn, giới truyền thông và đông đảo công chúng yêu nhạc công nhận là 1 trong 4 diva đương đại của âm nhạc đại chúng Việt Nam. Và mình hoàn toàn đồng tình với sự ghi nhận này.


Mình sưu tầm đầy đủ tất cả các album solo của Hà Trần và các album tổng hợp có các ca khúc quan trọng trong sự nghiệp ca hát của Hà Trần từ trước đến nay, nhưng trong bài viết này mình sẽ không liệt kê và viết cảm nhận cá nhân về tất cả các album, tất cả các ca khúc thành công của Hà Trần vì như vậy sẽ rất dàn trải và dài bất tận, mình sẽ chỉ tập trung vào những album, những ca khúc của Hà Trần làm cho mình ấn tượng nhất, yêu thích nhất, nhiều cảm xúc và kỷ niệm nhất và theo quan điểm cá nhân của mình là đánh dấu những cột mốc quan trọng trong sự nghiệp ca hát đặc sắc của diva này.

Mình nghe Hà Trần hát lần đầu tiên là vào năm 1997, khi đó thì ca sĩ Mỹ Linh đang “làm mưa làm gió” trên thị trường âm nhạc Việt Nam, còn Hà Trần thì thỉnh thoảng xuất hiện trên truyền hình với những MV khá mờ nhạt của VTV, giọng hát không có gì đặc biệt, thậm chí mỏng và yếu, và nhiều người khi đó đánh giá Hà Trần chỉ là một “bản sao mờ nhạt” của “hiện tượng” Mỹ Linh.

Đến cuối năm 1997, Hà Trần cùng với Bằng Kiều là 2 ca sĩ hát bè cho Thanh Lam trong liveshow xuyên Việt “Thanh Lam – Cho em một ngày”, nhưng mình cũng không thấy có gì nổi bật ở giọng ca này cả, ngoài ấn tượng nho nhỏ là ca sĩ này bắt đầu có chút thay đổi về diện mạo và phong cách bên ngoài khi đội chiếc mũ nồi màu xanh đậm khá cá tính và mặt trông khá ngầu ở trong liveshow này.

Giữa năm 1998, Hà Trần được các hãng băng đĩa phía Nam bắt đầu chiến dịch lăng-xê thành ngôi sao ca nhạc qua các album như “Bằng Kiều & Hà Trần: Đánh thức tầm xuân”, “Dương Thụ & Bảo Chấn: Nghe mưa 2”,… nhưng mình cũng chưa thấy có gì ấn tượng ở giọng hát của Hà Trần cả, thậm chí mình còn thấy là sự tham gia của Hà Trần vào album “Dương Thụ & Bảo Chấn: Nghe mưa 2” khá lạc lõng và làm hỏng tổng thể cả album. Nếu album “Dương Thụ & Bảo Chấn: Nghe mưa 2” chỉ để cho 2 giọng ca Thanh Lam & Hồng Nhung thể hiện từ đầu đến cuối giống như album “Nghe mưa 1” thì chắc là “Nghe mưa 2” sẽ thành công không kém gì hiện tượng “Nghe mưa 1” của năm 1997.

Tuy nhiên, giữa các album phát hành vào mùa hè năm 1998 mà Hà Trần xuất hiện rất nhạt nhòa đó, lại nổi lên album “Môi hồng đào” với 5 giọng ca nữ Hà Nội là Thanh Lam, Mỹ Linh, Thu Phương, Hà Trần, Ngọc Anh. Album này mở đầu bằng ca khúc “Tóc mây” (sáng tác của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ) do Hà Trần thể hiện. Thực sự là ấn tượng của mình về giọng ca Hà Trần bắt đầu thay đổi kể từ khi nghe bài này, dù giọng của Hà Trần trong bài này vẫn không có gì đặc biệt nếu so với giọng hát đặc sắc và nội lực của Thanh Lam hay Mỹ Linh khi đó, nhưng Hà Trần xử lý ca khúc “Tóc mây” rất tinh tế, làm cho người nghe cảm nhận được cái hay, cái đẹp, cái trong trẻo trong từng câu chữ trong sáng tác này. Chưa dừng lại ở bài “Tóc mây”, đến bài “Em về tinh khôi” (sáng tác của nhạc sĩ Quốc Bảo) thì mình lại một lần nữa bị thuyết phục bởi cả giọng hát và cả sáng tác rất tuyệt vời này. Có thể nói, album “Môi hồng đào” đã giới thiệu thành công 2 giọng ca nữ rất mới khi đó là Hà Trần (với ca khúc “Tóc mây” & “Em về tinh khôi”) và Thu Phương (với ca khúc “Về đây nghe em”), còn Ngọc Anh trong album này vẫn chưa thể bật lên thành ngôi sao với ca khúc “Tình yêu mãi mãi” & “Chia tay tình đầu”.

Sau ca khúc hit “Em về tinh khôi” đưa Hà Trần trở thành một ngôi sao trẻ của thời kỳ Làn Sóng Xanh, sự hợp tác thành công giữa nhạc sĩ Quốc Bảo và ca sĩ Hà Trần còn được thể hiện trong một loạt bài hit khác, một loạt album khác.

Trong 3 album tác giả của nhạc sĩ Quốc Bảo xuyên suốt từ năm 2000 đến năm 2003, Hà Trần luôn là giọng ca chủ lực, lăng-xê một loạt sáng tác của nhạc sĩ Quốc Bảo thành hit, dù các album này quy tụ cả một dàn sao “thượng thặng” của thời kỳ đó như Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Bằng Kiều, Thu Phương, Tam ca 3A,…Đầu tiên là ca khúc “Bài tình cho giai nhân” trong album “Quốc Bảo Vol.1 – Ngồi hát ca bềnh bồng”, rồi ca khúc “Vắng em” trong album “Quốc Bảo Vol.2 – Vàng son”, và đỉnh điểm là một loạt ca khúc “Là yêu chưa từng yêu”, “Tình ca”, “Tình ơi”, “Gió”, “Bình yên” trong album “Quốc Bảo Vol.3 – Bình yên”.

Giai đoạn thành công đầu tiên của sự nghiệp ca hát của Hà Trần là giai đoạn hợp tác với nhạc sĩ Quốc Bảo, và sự thành công của giọng hát Hà Trần với những sáng tác của Quốc Bảo có thể gói trọn trong một tính từ ngắn gọn là: Tinh Tế.

Các sáng tác của nhạc sĩ Quốc Bảo mô tả đến tận “chân tơ kẽ tóc” về vẻ đẹp tuyệt vời của người phụ nữ (từ vẻ đẹp hình thức bên ngoài đến vẻ đẹp nội tâm bên trong) và điều đó được chuyển tải đầy đủ và “chắp cánh” qua cách thể hiện tinh tế của Hà Trần mà báo chí âm nhạc khi đó phải dùng từ là “hát như mài ngọc”, đỉnh cao là qua 2 tác phẩm “Bài tình cho giai nhân” và “Vắng em”. Mình thấy khó ai thể hiện 2 ca khúc này mà tinh tế và lột tả được từng đường nét chi tiết về vẻ đẹp của người phụ nữ được như Hà Trần. Cảm giác như mỗi câu được hát lên là một đường nét tinh xảo được vẽ lên trên một bức họa tuyệt tác về một “tuyệt sắc giai nhân” nào đó vậy.

Song song với giai đoạn hợp tác thành công với nhạc sĩ Quốc Bảo, Hà Trần cũng khai thác thành công một “mỏ vàng” khác cũng đặc sắc không kém đó là các tác phẩm của nhạc sĩ Trần Tiến mà chưa từng được ca sĩ nào thể hiện trước đó.

Mở đầu là ca khúc hit “Chị tôi” gây xúc động và thương cảm mạnh mẽ trong lòng người nghe. Tuy nhiên, cá nhân mình đánh giá là ca khúc này thành công chủ yếu vì nội dung câu chuyện kể của tác phẩm này rất xúc động hơn là vì được thể hiện qua giọng ca Hà Trần khi đó (mặc dù Hà Trần đương nhiên là người có công chọn thể hiện ca khúc này và đưa nó đến với đông đảo công chúng). Cụ thể là năm 1999, trong liveshow “Duyên dáng Việt Nam 7”, tiết mục “Chị tôi” do Hà Trần thể hiện mình không thấy có gì đặc biệt và mình nghĩ Hà Trần chưa phải là giọng hát đưa bài này lên đến phiên bản đỉnh cao nhất. Đến năm 2007, ca sĩ Bằng Kiều cover lại ca khúc “Chị tôi” này trong liveshow Paris By Night 90 và mình thấy phiên bản của Bằng Kiều thuyết phục hơn phiên bản của Hà Trần.

Cuối năm 1999, Hà Trần phát hành album “Tự họa: Trần Tiến”, một album tác giả với các tác phẩm dung dị và xúc động của nhạc sĩ Trần Tiến được sáng tác trong thập niên 80-90 và được thể hiện qua giọng ca Trần Tiến & Hà Trần. Điểm đặc biệt của album này là phần dẫn chuyện của chính nhạc sĩ Trần Tiến trước mỗi ca khúc trong album. Ca khúc “Phố nghèo” do Hà Trần thể hiện trong album này thực sự xuất sắc, có những câu từ xúc động đến rùng mình và chảy nước mắt, và mình đánh giá phần thể hiện của Hà Trần là phiên bản đỉnh cao của ca khúc này. Nếu như tiết mục “Chị tôi” mà Hà Trần thể hiện trong liveshow “Duyên dáng Việt Nam 7” chưa làm mình ấn tượng thì tiết mục “Phố nghèo” mà Hà Trần thể hiện trong liveshow “Duyên dáng Việt Nam 8” có thể nói là tiết mục hay nhất của cả liveshow này.

Một điểm thú vị của liveshow “Duyên dáng Việt Nam” trong thập niên 90 là cứ mỗi một liveshow diễn ra thì lại có một ca sĩ nổi bật lên, ví dụ như Mỹ Linh với ca khúc “Trên đỉnh phù vân” trong liveshow “Duyên dáng Việt Nam 5”, Thu Phương với ca khúc “Về đây nghe em” trong liveshow “Duyên dáng Việt Nam 6”, Tam ca 3A với ca khúc “Mái đình làng biển” trong liveshow “Duyên dáng Việt Nam 7”, Hà Trần với ca khúc “Phố nghèo” trong liveshow “Duyên dáng Việt Nam 8”. Đó cũng là điều mình thấy rất thú vị và hấp dẫn mỗi lần theo dõi liveshow “Duyên dáng Việt Nam” khi đó, vì ngoài là liveshow hội tụ tất cả các ca sĩ hay nhất trên thị trường âm nhạc Việt Nam thời điểm đó, còn là “cuộc chạy đua” lành mạnh và thú vị giữa các ca sĩ để xem tiết mục nào sẽ là “hiện tượng” nghệ thuật nổi bật nhất của cả liveshow và để xem một “ngôi sao bự” mới nào sẽ bước ra từ “Duyên dáng Việt Nam”.

Và đương nhiên, nói đến các nhạc phẩm của nhạc sĩ Trần Tiến trở thành “hit bự” do Hà Trần thể hiện thì không thể không nhắc tới bài hit “Sắc màu” nổi đình đám năm 2000. Phần thể hiện ấn tượng cùng với bộ trang phục với hai màu trắng-đỏ biến tấu từ áo dài truyền thống của Hà Trần trong liveshow “Làn sóng xanh 2000” đã trở thành điểm nhấn đặc sắc của liveshow này và là một hình ảnh kinh điển và đặc trưng của ca sĩ này thời kỳ hoạt động nghệ thuật trong nước. Liveshow “Làn sóng xanh 2000” cũng là một liveshow “Làn sóng xanh” mình rất ấn tượng vì cả 4 diva Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Hà Trần đều mang tới liveshow này những gì “tinh hoa” nhất của mình. Thanh Lam thì mang tới ca khúc “Gọi anh” đằm thắm, kinh điển, Hồng Nhung thì hát “Và như cơn gió thoảng” bùng nổ, đã tai, Mỹ Linh thì hát “Mưa xuân” đầy mê đắm, quyến rũ, còn Hà Trần thì hát “Sắc màu” cuốn hút người nghe chăm chú theo từng câu hát từ đầu đến cuối. Dù sau này 4 diva này đứng chung sân khấu trong rất nhiều liveshow nhưng với mình thì liveshow “Làn sóng xanh 2000” mới là liveshow hiếm hoi mà cả 4 diva này đều “khoe sắc” rực rỡ và đầy bản sắc trong từng phần thể hiện của riêng mình, chứ không phải là những liveshow mang tính “hội ngộ cho vui” như sau này.

Giai đoạn đầu của sự nghiệp ca hát của Hà Trần, bên cạnh 2 nhạc sĩ “ruột” là Quốc Bảo & Trần Tiến thì không thể không nhắc tới một nhạc sĩ khác có “liên quan” mà ít người để ý và nếu nghe tên thì sẽ khá ngạc nhiên. Đó là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Không phải ai cũng biết là nghệ danh “Hà Trần” là do chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đặt để phân biệt ca sĩ trẻ Trần Thu Hà với ca sĩ Thu Hà đã nổi tiếng trước đó ở Sài Gòn. Hồi đó, mình cũng đọc ở đâu đó nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có nói là “Nếu giọng hát mà là nhan sắc thì Hà Trần hẳn sẽ là một giai nhân”. Trong liveshow “Làn sóng xanh 1998”, Hà Trần thể hiện ca khúc nhạc Trịnh “Nguyệt ca” cũng rất hay, rất trong sáng, hồn nhiên, mềm mại, nữ tính, đem lại một màu sắc rất mới lạ cho ca khúc này. Nhưng có lẽ Hà Trần đã rất thông minh khi biết rằng địa hạt nhạc Trịnh đã quá đông ca sĩ thể hiện thành công nên không sa đà vào “cõi Trịnh” mà tập trung vào những mảng màu âm nhạc của những nhạc sĩ khác ít người biết tới (ví dụ như Quốc Bảo, hay những sáng tác chưa ai từng hát của Trần Tiến, và sau này là Ngọc Đại). Sự lựa chọn hướng đi này của Hà Trần hoàn toàn sáng suốt và đúng đắn. Nhạc Trịnh đã có Khánh Ly và Hồng Nhung “giữ đền”, đến Thanh Lam hát cũng chỉ là “điểm xuyết” và luôn gây ra những tranh cãi bất tận, rồi còn biết bao nhiêu những giọng ca nữ khác cũng có sự gắn bó nhất định trong âm nhạc với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như Ánh Tuyết, Cẩm Vân, Bảo Yến, Thu Hà, Hồng Hạnh,…vậy thì Hà Trần phải mất bao nhiêu thời gian và công sức để được ghi nhận là một ca sĩ thành công với dòng nhạc Trịnh. Hẳn là sẽ lâu hơn nhiều và sẽ nhọc nhằn hơn nhiều so với việc “khôn ngoan” lựa chọn một hướng đi khác, một địa hạt mà ở đó Hà Trần là người đi tiên phong, khai phá và mở lối đi thành công của riêng mình.

Sau một loạt bài hit liên tục của Quốc Bảo & Trần Tiến, hiển nhiên Hà Trần đã là một ngôi sao thực sự trên bầu trời âm nhạc đại chúng Việt Nam thời kỳ Làn Sóng Xanh. Nhưng để bật lên một tầm cao mới, để trở thành diva, để đàng hoàng “cùng chiếu” với Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh thì cần phải có một cú “bứt phá ngoạn mục”, giống như là Mỹ Linh với tiết mục “Trên đỉnh phù vân” đầy ám ảnh và đỉnh cao của năm 1997. Và cú “bứt phá” đó chính là bài hit “Dệt tầm gai” và album “Nhật thực” – kết quả của mối quan hệ hợp tác với nhạc sĩ Ngọc Đại và nhà thơ Vi Thùy Linh (dù mối quan hệ của bộ ba này có một kết cục khá thất vọng và rất ầm ĩ trên mặt báo trong suốt một thời gian sau đó).

Album và liveshow “Nhật thực” năm 2002 là một dấu ấn nghệ thuật đặc biệt của Hà Trần và là một điểm nhấn của showbiz Việt trong năm 2002. Mình nhớ là có đọc trên báo thì ca sĩ Hà Trần chia sẻ là chỉ tới sau khi xem liveshow “Nhật thực”, nhạc sĩ Trần Hiếu mới công nhận con gái mình là một nghệ sĩ thực sự (còn trước đó thì mới chỉ đơn thuần là “thợ hát”).

Sau hiện tượng “Nhật thực”, Hà Trần chính thức bước lên cùng “đẳng cấp” với Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh. Mình nhớ là cho tới trước “Nhật thực”, danh từ “diva” chưa từng được sử dụng để nói về 4 giọng ca này, nhưng sau “Nhật thực” thì báo chí đã bắt đầu sử dụng từ “diva” một cách thường xuyên hơn và bắt đầu công nhận 4 ca sĩ này chính thức là 4 diva của nhạc nhẹ Việt Nam hiện đại.

Cuối năm 2002, Hội đồng Anh có tổ chức một đêm nhạc ở Nhà hát lớn Hà Nội có sự tham gia của một nghệ sĩ nhạc Jazz nổi tiếng người Anh và một ca sĩ nổi tiếng của Việt Nam và Hội đồng Anh khi phát vé đêm nhạc đó cho thành viên thì có giới thiệu úp mở ca sĩ này là một diva của Việt Nam nhưng không nói rõ tên nghệ sĩ. Đến gần đêm diễn thì mình nhìn trên poster chương trình mới biết diva mà Hội đồng Anh nói tới là Hà Trần.

Diva là một danh hiệu cao quý mà giới chuyên môn, giới truyền thông và công chúng yêu nhạc dành tặng cho ca sĩ có bề dày hoạt động nghệ thuật và có nhiều thành tựu nghệ thuật nổi bật. Hà Trần đạt đến vị trí này qua một loạt các bài hit liên tục trong suốt nhiều năm của thời kỳ Làn Sóng Xanh. Nhưng điều thú vị là quá trình hoạt động nghệ thuật ấn tượng của Hà Trần không chỉ dừng lại ở đó. Sau giai đoạn vươn tới vị trí diva ở trong nước (tạm gọi là giai đoạn 98-03), là giai đoạn khẳng định đẳng cấp diva ở thị trường âm nhạc trong nước và đồng thời chinh phục vị trí diva ở thị trường âm nhạc hải ngoại (tạm gọi là giai đoạn 03-08).

Giai đoạn 03-08: Khẳng định đẳng cấp diva ở trong nước

Cuối năm 2003, Hà Trần kết hôn và theo chồng về Mỹ. Nhưng năm 2003, Hà Trần vẫn kịp tham gia chương trình “VTV Bài hát tôi yêu lần thứ 2” với ca khúc “Chuyện tình thảo nguyên” của nhạc sĩ Trần Tiến và ca khúc này lại trở thành hit của năm đó. Năm 2003 cũng là năm VTV tổ chức series “Âm nhạc và những người bạn” với số thứ 2 của series này là liveshow “Hà Trần và những người bạn”.

Năm 2004, Hà Trần kết hợp với Thanh Lam ra album “Thanh Lam & Hà Trần” thực sự đẳng cấp. Ở album này, Hà Trần lại thể hiện một tài năng đặc biệt khác, đó là khả năng hát song ca rất tuyệt vời. Như trong bài review về liveshow “Thanh Lam & Tùng Dương: Yêu” mình có nói là Thanh Lam & Hà Trần thực sự là một cặp song ca “trời sinh”. Ngay từ chất giọng tự nhiên của 2 diva này đã rất khác biệt và rất bổ trợ, nâng đỡ cho nhau rồi. Một giọng cao & một giọng trầm. Một giọng mỏng & một giọng dày. Một giọng như nước & một giọng như lửa. Một giọng thanh thoát & một giọng bùng nổ. Nhưng điều mà mình ấn tượng hơn là Hà Trần là ca sĩ có tư duy xử lý bè phối khi hát song ca cực kỳ thông minh và tinh tế. Càng nghe các bản song ca của Hà Trần mình càng cảm nhận rõ điều này. Từ bản song ca với Thanh Lam ca khúc “Hãy yêu nhau đi” trong album “Hà Trần – Bài tình cho giai nhân” cho tới một loạt các bài song ca thành công cùng Thanh Lam trong album “Thanh Lam & Hà Trần”, giọng hát Hà Trần luôn biết cách biến ảo, hòa quyện, uốn lượn, vờn quanh trục chính là giọng hát nội lực rất chắc chắn của Thanh Lam. Khi cần thì Hà Trần có thể biến tấu hẳn giai điệu của sáng tác gốc để cho hai giọng hát rơi vào những quãng âm thanh khác nhau, mang lại một cảm giác rất dễ chịu cho người nghe.

Trước đây ở làng nhạc hải ngoại, mình rất mê 2 giọng ca diva Khánh Ly & Lệ Thu song ca trong album “Làng Văn tuyệt vời: Như cánh vạc bay”. Sau này thì mình thấy có ca sĩ Bằng Kiều có khả năng hát song ca rất tốt. Giọng hát Bằng Kiều bẩm sinh đã có quãng giọng rất rộng nên dễ dàng hát song ca với bất kỳ giọng ca nữ nào, quãng giọng nào cũng được, còn Hà Trần thì sự tài tình khi hát song ca lại thiên về tư duy, tính toán xử lý bè phối thông minh nhiều hơn là giọng hát bẩm sinh có quãng rộng “khủng” như Bằng Kiều. Hà Trần không chỉ song ca tuyệt vời với Thanh Lam mà còn hát song ca tuyệt vời với Bằng Kiều trong các bản mashup “Tình khúc tháng 6 & Đường xa ướt mưa”, “Mộng dưới hoa & Mùa thu cho em” thời hoạt động ở Trung tâm Thúy Nga trong thập niên 2000. Nói về song ca thì mình thấy Bằng Kiều & Hà Trần là 2 giọng ca đương đại điêu luyện và ấn tượng nhất hiện nay.

Đầu năm 2005, Hà Trần phát hành album “Hà Trần 98-03” với hầu hết là những bài hit tiêu biểu của giai đoạn 98-03. Bên cạnh những bài hit cũ được hòa âm rất mới lạ tại Mỹ, mình ấn tượng với những bản thu mà mình không thấy ở các album khác trước đó của Hà Trần như bài “Mùa xuân gọi”, “Mưa tháng Giêng”, “Hoa gạo”, “Chuyện tình thảo nguyên”, “Dấu phố em qua”, “Lời chưa nói” (nhạc phim “Phía trước là bầu trời”). Vì vậy, tuy là một album tổng kết theo kiểu “Greatest Hits” nhưng album này với mình lại có vai trò gần như là một album mới rất hay của Hà Trần.

Mùa hè năm 2006, Hà Trần ra album “Đối thoại 06” theo phong cách nhạc điện tử. Đây là một album rất thú vị, khẳng định một lần nữa đẳng cấp diva của Hà Trần trong việc không ngừng sáng tạo trong âm nhạc và quan trọng là những sáng tạo đó đã thành công và được công chúng đón nhận. Trong album này, mình thích bài “Giấc mơ lạ” & “Nước sâu” (sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Xinh Xô) và bài “Ra ngõ mà yêu” & “Lữ khách sông Hồng” (sáng tác của nhạc sĩ Trần Tiến). Có vẻ như những sáng tác của nhạc sĩ Trần Tiến là “mỏ vàng” khai thác mãi cũng không bao giờ cạn kiệt của Hà Trần.

Đến năm 2008, Hà Trần ra album “Trần Tiến” trong đó có bài “Ra ngõ tụng kinh”, “Ngẫu hứng phố”, “Vật đổi sao rời” (sáng tác của nhạc sĩ Trần Tiến) rất hay. Nhưng sự tham gia của các giọng ca nam khác vào trong album này làm cho mình không thích lắm vì thấy bố cục, phong cách, cảm xúc khá “lộn xộn”, chưa kể nhiều giọng ca mình thấy rất thường và vì thế mình không thích album này bằng album “Đối thoại 06”.

Giai đoạn 03-08: Chinh phục vị trí diva ở thị trường âm nhạc hải ngoại

Đặc điểm của thị trường âm nhạc hải ngoại là gu nghe nhạc của khán giả khá khác biệt với thị trường trong nước. Nếu như ở thị trường trong nước, Hà Trần đã có sẵn một lượng fan “ruột” tương đối ổn định được hình thành trong suốt quá trình hoạt động nghệ thuật từ năm 1998, đây là những fan có gu nghe nhạc khá hiện đại, chấp nhận và cổ vũ cho những sản phẩm âm nhạc mới mẻ, thậm chí có phần cực đoan hoặc mang tính thể nghiệm, mang đậm phong cách, cá tính, dấu ấn của Hà Trần thì ở thị trường hải ngoại, thành phần khán giả chủ lực nghe và xem nhạc Việt lại là khán giả tương đối lớn tuổi, thiên về thưởng thức và hoài niệm âm nhạc thời xưa, nếu có đổi mới thì cũng là làm mới trên nền những tác phẩm kinh điển của những dòng nhạc đã có đời sống lâu năm. Và đương nhiên, để “sống sót” và chinh phục thị trường hải ngoại, Hà Trần cũng phải có một chiến lược hoạt động nghệ thuật và con đường đi riêng, khác với những gì đã thành công trong quá khứ ở trong nước. Và điều thú vị là Hà Trần đã thành công với con đường đi mới này. Tuyệt vời hơn nữa là Hà Trần không chỉ chinh phục được khán giả của thị trường âm nhạc hải ngoại, mà những tác phẩm Hà Trần thể hiện để chinh phục thị trường hải ngoại lại quay ngược trở lại chinh phục một lần nữa các khán giả yêu thích Hà Trần ở trong nước (trong đó có mình).

Một loạt các tiết mục của Hà Trần trong các liveshow Paris By Night liên tiếp trong thời kỳ 03-08 thực sự làm cho mình rất khoái. Thậm chí mình thấy giọng Hà Trần khi ra hải ngoại ngày càng đẹp hơn và hoàn hảo hơn so với thời hoạt động âm nhạc ở trong nước.

Nếu như thời 98-03, Hà Trần chinh phục người nghe bằng thẩm mỹ âm nhạc cao cấp, tư duy xử lý ca khúc thông minh, tinh tế, kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện, phong cách, cá tính âm nhạc đặc sắc (thay vì làm choáng ngợp người nghe ngay tức thì bằng chất giọng đẹp, nội lực, bắt tai giống như Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh) thì thời 03-08, Hà Trần còn trở nên “lợi hại” hơn khi chất giọng trở nên hay hơn, đẹp hơn, quyến rũ hơn và nội lực mạnh mẽ hơn cả thời 98-03, giống như là “hổ mọc thêm cánh” vậy. Với những thứ “vũ khí” rất sắc bén và lợi hại cùng hội tụ trong giọng hát như vậy, không có gì ngạc nhiên khi không có ca khúc nào, phong cách nào, dòng nhạc nào có thể “làm khó” được Hà Trần trong giai đoạn này. Dòng nhạc Phạm Duy thì Hà Trần hát thành công ca khúc “Khúc hát thanh xuân”. Dòng nhạc Nguyễn Ánh 9 thì Hà Trần hát live nội lực và đầy khắc khoải nhạc phẩm kinh điển “Cô đơn”. Dòng nhạc Lam Phương thì Hà Trần hát live xuất thần ca khúc “Cho em quên tuổi ngọc”. Dòng nhạc tiền chiến thì Hà Trần hát đầy quyến rũ ca khúc “Ngọc lan”. Dòng nhạc Ngô Thụy Miên thì Hà Trần hát song ca đầy tươi mới với Bằng Kiều ca khúc “Tình khúc tháng 6” và “Mùa thu cho em”. Rồi thì nhạc Nguyễn Cường cũng đem lại thành công cho Hà Trần qua tiết mục “Một nét ca trù ngày xuân”,… Có cảm giác như các chương trình Paris By Night thập niên 2000 có Hà Trần tham gia, tiết mục nào của Hà Trần mình cũng thấy rất đỉnh, rất thành công, cả phần nghe lẫn phần nhìn đều rất đã.

Nếu như ở thời kỳ 98-03 tại thị trường âm nhạc trong nước, sau một loạt bài hit thành công liên tiếp thì Hà Trần “chốt” lại bằng một “cú bứt phá”, một “bom tấn” là album “Nhật thực” để chính thức bước lên hàng diva nội địa thì ở thời kỳ 03-08 tại thị trường âm nhạc hải ngoại, sau một loạt các bài hit thành công trong các liveshow Paris By Night, Hà Trần cũng chính thức bước lên hàng diva hải ngoại bằng một “cú bứt phá” khác, đó là album “Tình ca qua thế kỷ”.
Không biết có phải vì Hà Trần nghĩ là album này chỉ phù hợp cho gu âm nhạc thiên về hoài niệm của thị trường hải ngoại hay không mà không thấy Hà Trần phát hành album này ở thị trường trong nước nhưng mình thì lại cực thích album này của Hà Trần. Album tên là “Tình ca qua thế kỷ” nhưng thực ra những ca khúc Hà Trần chọn thể hiện trong album này không đến nỗi già nua, cũ kỹ như cái tên “tình ca qua thế kỷ”, kể cả các bài hát có tuổi đời rất cao nhưng cũng hầu như là những bài ít được thể hiện và Hà Trần trình bày các ca khúc này rất mới lạ và mang phong cách riêng của mình. Vì quá thích album này nên mình xếp album này ngang với những album nghệ thuật khác của Hà Trần như “Nhật thực”, “Đối thoại 06”,… dù chắc nhiều fan Hà Trần không đồng ý với ý tưởng này. Một lý do nữa mà mình càng quý album “Tình ca qua thế kỷ” là vì album này chỉ được phát hành 1 đợt duy nhất ở hải ngoại và đã hết hàng tại thị trường hải ngoại từ lâu và mình đã phải mua lại 2 bản xịn mới tinh của album này với cái giá khá đắt.

Đến năm 2014, sau thành công của album “Tình ca qua thế kỷ”, Hà Trần tiếp tục phát hành album “Tình ca qua thế kỷ 2”. Cá nhân mình thích album “Tình ca qua thế kỷ” hơn album “Tình ca qua thế kỷ 2” rất nhiều. Nhưng album “Tình ca qua thế kỷ 2” có điểm nhấn là ca khúc “Nỗi lòng người đi” và “Ảo ảnh” được Hà Trần thể hiện rất thành công.

“Nỗi lòng người đi” là một ca khúc rất hay và thường thì một giọng ca nam thể hiện ca khúc này sẽ dễ thành công hơn vì ca từ trong bài này là dành cho vai nam. Trên thực tế thì ca khúc này đã ghi dấu ấn với nhiều giọng ca nam gạo cội của làng nhạc hải ngoại như Vũ Khanh, Tuấn Ngọc,…vì thế một giọng ca nữ đương đại thể hiện ca khúc này không dễ chút nào để thành công và để thoát ra khỏi “cái bóng” của những giọng ca nam trong quá khứ. Nhưng Hà Trần đã làm được điều này bằng cách làm mới hoàn toàn cách thể hiện ca khúc, lúc hát nhẹ nhàng, nhỏ nhẹ, lúc lên cao trào, kịch tính, khi buông lơi, khi dồn dập, biến hóa liên tục, làm cho bài hát sinh động và làm cho người nghe thoát ra khỏi các khuôn mẫu đã định hình trong quá khứ về sáng tác này. Một lần nữa, đẳng cấp diva trong tư duy xử lý và làm mới ca khúc được thể hiện rất rõ trong phần thể hiện ca khúc kinh điển này của Hà Trần.

Sau 2 giai đoạn: Vươn tới vị trí diva ở trong nước (98-03) và Khẳng định đẳng cấp diva ở trong nước & Vươn tới vị trí diva ở hải ngoại (03-08), kể từ năm 2008 đến nay, có vẻ như hoạt động nghệ thuật của Hà Trần không nổi bật và ấn tượng bằng, không còn có được những album, những bài hit “khủng” làm cho mình ấn tượng, ngất ngây như 2 giai đoạn hoạt động nghệ thuật trước đó nữa.

Năm 2013, Hà Trần ra album solo hát nhạc Đỗ Bảo “Chuyện của mặt trời, Chuyện của chúng ta”. Năm 2015, Hà Trần có 2 sản phẩm âm nhạc là album solo “Bản nguyên” và album tổng hợp nhạc Giáng Son “Bóng tối Jazz”. Năm 2016, Hà Trần phát hành album nhạc Vũ Thành An (hát cùng ca sĩ Quang Dũng). Trên mặt trận liveshow, sau một thời gian gián đoạn, không xuất hiện trong các liveshow Paris By Night trong những năm đầu thập niên 2010, Hà Trần trở lại Paris By Night trong vài năm gần đây và xuất hiện khá đều đặn với những tiết mục như “Đếm lá ngoài sân & Hoa cúc vàng”, “Mẹ tôi” (song ca với Bằng Kiều), “Gọi em là đóa hoa sầu”, và gần đây nhất là “Liên khúc Văn Phụng” (song ca với Khánh Hà). Những ca khúc này, những album này, những tiết mục này tuy không dở nhưng thực sự không làm cho mình ấn tượng như những ca khúc, những album, những tiết mục đã rất thành công và mang đậm dấu ấn của Hà Trần trong 2 giai đoạn hoạt động nghệ thuật trước đó.

Tuy nhiên, từ năm 2008 trở lại đây, có một điểm nhấn khác trong hoạt động nghệ thuật của Hà Trần đó là sự trở về Việt Nam (dù không thường xuyên) để tham gia vào một số liveshow quan trọng. Cụ thể mình muốn nói tới 4 liveshow có sự tham gia của Hà Trần mà mình đã đi xem trực tiếp. Liveshow “Thanh Lam & Hà Trần – Cầm tay mùa hè 3” năm 2013, liveshow “Trần Tiến & Hà Trần – Phiêu bạt trở về” năm 2015, liveshow “4 diva” năm 2016, và liveshow “Thanh Lam – Bình minh” năm 2018.

Dù chiếm tới 60% thời lượng như trong liveshow “Trần Tiến”, hay 50% thời lượng như trong liveshow “Cầm tay mùa hè 3”, hay 25% thời lượng như trong liveshow “4 diva”, hay chỉ có 10% thời lượng như trong liveshow “Bình minh” thì sự xuất hiện của Hà Trần luôn để lại những ấn tượng thú vị, cả về giọng hát, phong cách thể hiện ca khúc cho tới cả hình thức, trang phục bên ngoài.

Giống như câu hát kinh điển trong album “Nhật thực”: “Lần nào đến cũng mang theo bí mật”. Mình thấy câu hát này rất đúng với Hà Trần, không chỉ vì mỗi lần xuất hiện, Hà Trần rất ít khi “xào” lại các bài hit cũ dù đã rất thành công trong quá khứ (giống như 3 diva còn lại), mà cứ mỗi một thời điểm, Hà Trần lại có điều gì đó mới mẻ, lạ lẫm mà khán giả luôn tò mò muốn xem lần này ca sĩ này sẽ mang tới “bí mật” gì.

Khi Hà Trần bước ra mở màn liveshow “Cầm tay mùa hè 3”, cả khán phòng Nhà hát lớn Hà Nội phải “ồ” lên và bật cười thích thú với tạo hình tóc “bông xù” to đùng vô cùng lạ lẫm của Hà Trần. Đến liveshow “Bình minh”, “quả đầu” tóc ngắn nhuộm màu xanh lè một lần nữa lại đem tới sự ngạc nhiên thú vị cho khán giả. Sự biến hình như “tắc kè hoa” không chỉ trong âm nhạc, mà trong cả hình ảnh là một điểm cộng luôn làm cho người hâm mộ thích thú.

Với mình, Hà Trần là ca sĩ mở đầu cho phong cách “quái” của âm nhạc đại chúng Việt Nam – điển hình là từ thời “Nhật thực”, “quái” từ âm nhạc cho tới hình ảnh. Dù sau này có rất nhiều ca sĩ đi theo phong cách “quái” này nhưng mình thấy họ vẫn chỉ là những bản sao mờ nhạt của Hà Trần. Chất “quái” của Hà Trần mình cảm nhận là toát ra từ bên trong, ngay cả khi ca sĩ này không cần trang điểm cầu kỳ, rực rỡ, không cần khoác lên mình những bộ trang phục cổ quái, chói chang nhưng người nghe vẫn cảm nhận được chất “quái” đến từ những chi tiết rất nhỏ trong cách xử lý ca khúc, trong thần thái khuôn mặt, trong các động tác trình diễn trên sân khấu hay trong cả cách giao lưu thoải mái, dí dỏm rất đời thường với khán giả trong các liveshow.

Năm 2004, khán giả ngạc nhiên với sự kết hợp của bộ đôi Thanh Lam & Lê Minh Sơn mở ra một thời kỳ “Nắng lên” đầy tranh cãi của ca sĩ Thanh Lam, nhưng trong một bài phỏng vấn thì mình mới biết là Hà Trần chính là người giới thiệu nhạc sĩ Lê Minh Sơn cho ca sĩ Thanh Lam. Lý do Hà Trần không kết hợp với Lê Minh Sơn là vì nhạc sĩ Lê Minh Sơn có cá tính mạnh nhưng là cá tính bộc lộ ra bên ngoài còn Hà Trần thì thích những người có “cá tính ngầm” hơn. Đúng là “cá tính nổi” thì sẽ làm choáng ngợp người thưởng thức ngay từ ban đầu, nhưng “cá tính ngầm” thì mới là thứ thu hút, làm cho khán giả cứ luôn phải tò mò, tìm hiểu về một người nghệ sĩ trong suốt một thời gian rất dài về sau và không biết bao giờ thì mới hết “bí mật”.

Để kết thúc bài viết khá dài này, mình còn nhớ là năm 2003, có người nói vui với mình về phong cách âm nhạc đặc trưng của các diva đương đại của Việt Nam như thế này:

Linh hát bằng cổ
Nhung hát bằng đầu
Lam hát bằng tim

Và mình xin được bổ sung nốt một câu cho trọn vẹn phong cách của bộ tứ diva này là:

Linh hát bằng cổ
Nhung hát bằng đầu
Lam hát bằng tim
Hà hát bằng tính

Tung Hoang Lam

Nguồn: Trang FB của Tung Hoang Lam

1 BÌNH LUẬN

  1. Một bài viết quá đỗi chi tiết. Rất cảm ơn tác giả đã bỏ công sức và thời gian để viết về trải nghiệm của bản thân đối với Hà Trần – một ca sĩ mà mình yêu quý vô cùng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây