12/2/2019
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Nhà cầm quyền CSVN nới lỏng kiểm soát khi vừa “bỏ cấp phép ca khúc trước 1975” của các nhạc phẩm sáng tác tại miền Nam Việt Nam sau nhiều thập niên cấm đoán rồi cho phép trình diễn giới hạn.
Tháng Ba, 2017, Cục Nghệ thuật Biểu diễn CSVN đột ngột ra lệnh “tạm dừng lưu hành” năm ca khúc trước 1975, trong đó có “Con đường xưa em đi”. Bị chống đối dữ dội nên lệnh bị rút lại. (Hình: VNExpress)
Theo nhiều báo tại Việt Nam, nhà cầm quyền “chấp thuận chủ trương sửa đổi hai nghị định 79 và 15 về nghệ thuật biểu diễn” chỉ cho phép trình diễn một số nhạc phẩm sáng tác tại miền Nam trước 1975 nếu không nhạy cảm về chính trị.
Tin tức nói rằng Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn thuộc Bộ Văn Hóa-Thể Thao-Du Lịch (VH-TT-DL) sẽ “sớm xây dựng quy định cụ thể việc bỏ cấp phép ca khúc trước 1975 và đưa ra lấy ý kiến người dân,” theo VNExpress hôm Thứ Hai, 12 Tháng Hai, 2019. Điều này được hiểu là chỉ những nhạc phẩm nằm trong danh sách bị tiếp tục cấm mới không được hát.
Chuyện cấm đoán các nhạc phẩm của các nhạc sĩ tại miền Nam sáng tác trước 1975 đã bùng lên một đợt những chỉ trích dữ dội hồi Tháng Tư, năm 2017, khi ‘Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn” (CNTBD) đột ngột cấm 5 ca khúc “Con Đường Xưa Em Đi,” “Cánh Thiệp Đầu Xuân,” “Rừng Xưa,” “Chuyện Buồn Ngày Xuân,” “Đừng Gọi Anh Bằng Chú,” dù đã được “cấp phép” trước đó.
Trước những lời đả kích đòi Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn nên “tự xem lại mình,” lệnh cấm đã bị rút lại. Nhạc của miền Nam vốn được coi là “nhạc vàng” đối chọi với thứ nhạc tuyên truyền, được lén lút truyền lan trong quần chúng thời còn nhiều cấm kỵ. Từ thời mở cửa sau khi khi ký hiệp định bình thường hóa quan hệ với Mỹ giữa thập niên 1990, chế độ Hà Nội cởi trói dần dần, số nhạc phẩm miền Nam được cho phép hát công khai cũng dần dần được cho phép.
Tháng Mười, 2012, CSVN ra Nghị Ðịnh 79/2012 buộc “tổ chức, cá nhân muốn phổ biến tác phẩm sáng tác trước 1975 tại các tỉnh phía Nam, hoặc tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống, định cư ở nước ngoài phải nộp hồ sơ đến Cục Nghệ Thuật Biển Diễn xin cấp phép phổ biến.”
Đến Tháng Ba, 2016, lại ra tiếp Nghị Ðịnh 15/2016 buộc “tổ chức, cá nhân muốn phổ biến tác phẩm sáng tác trước năm 1975, hoặc tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài nộp 1 bộ hồ sơ đến CNTBD xin cấp phép phổ biến.”
Tháng Ba, 2018, Bộ VH-TT-DL “đề nghị xây dựng nghị định về nghệ thuật biểu diễn là sẽ bỏ cấp phép các ca khúc trước 1975, đồng thời lập danh sách các bài hát cấm nếu những ca khúc đó động chạm đến vai trò thống trị độc tài của đảng CSVN mà họ tuyên truyền là ‘đi ngược’ lại lợi ích của dân tộc.” Nay nhà cầm quyền Việt Nam chấp nhận nới sự kiểm soát thêm một chút nữa chứ không phải là bãi bỏ lệnh cấm hoàn toàn.
Chỉ có những ca khúc được xếp vào loại vô thưởng vô phạt “có nội dung lành mạnh” mới “không cần xin cấp phép phổ biến” trong khi “những sáng tác có nội dung phản động, chống phá nhà nước” thì không thể không cấm đoán. Kẹt trong số này có cả “Tiến Quân Ca” của Văn Cao và “Nối Vòng Tay Lớn,” “Ca Dao Mẹ” của Trịnh Công Sơn vốn bị coi là những ca khúc phản chiến.
Ngày 31 Tháng Ba, 2018, báo Tuổi Trẻ thăm dò dư luận độc giả thấy 662 người đòi “bỏ quy định cấp phép các tác phẩm âm nhạc, sân khấu trước 1975 cũng như tác phẩm do người Việt định cư ở nước ngoài sáng tác” trong khi chỉ có 66 người muốn “quy định điều kiện với các tác phẩm được phổ biến lưu hành để cấp phép.” Còn chỉ có 32 người là muốn “tiếp tục quy định thủ tục cấp phép như hiện nay, Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn là đơn vị cấp phép.” (TN)
Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/csvn-bo-cap-phep-ca-khuc-truoc-1975/