Tuấn Thảo
2.2.2019
Nhà soạn nhạc phim Michel Legrand
Cùng với Maurice Jarre (tác giả nhạc phim Bác sĩ Jivago), Michel Legrand là nhà soạn nhạc người Pháp nổi tiếng nhất trong làng điện ảnh Hollywood. Sinh thời, ông đã soạn nhạc cho hơn 200 bộ phim và từng đoạt ba giải Oscar. Ông vừa qua đời ở Paris hôm 26/01/2019, hưởng thọ 86 tuổi.
Trong thời gian gần đây, cho dù sức khỏe của ông ngày càng yếu đi, nhưng ông vẫn tham gia buổi ra mắt vở nhạc kịch ‘‘Peau d’Âne’’ cuối năm 2018 (đạo diễn Jacques Demy từng phóng tác truyện cổ tích Công chúa Da lừa của Charles Perrault thành phim, còn vở nhạc kịch được diễn tại nhà hát Marigny từ đây cho tới ngày 17/02/2019).
Nổi tiếng là một người hiếu động, không thể nào ngồi yên ở một chỗ, Michel Legrand đã dành trọn cuộc đời cho âm nhạc. Ông không ngừng khám phá tìm tòi cách hoà quyện âm thanh, xóa mờ ranh giới giữa nhạc jazz và dòng nhạc hoà tấu (easy listening). Cho dù thể loại sở trường của ông vẫn là nhạc phim, nhưng ông vẫn dành thời gian trong những năm sau này, để sáng tác một vở kịch opera trào phúng, những khúc giao hưởng đậm chất baroque, những bản concerto dành cho piano và cello.
Sinh năm 1932 tại Paris, Michel Legrand xuất thân từ một gia đình nhạc sĩ. Thân phụ (Raymond Legrand) chuyên phối khí hoà âm cho dàn nhạc của ông Ray Ventura (cậu ruột của nam ca sĩ Sacha Distel). Năm Michel Legrand được ba tuổi, bố ông lại bỏ nhà ra đi mà không một lời từ biệt, kỷ niệm duy nhất của người cha là chiếc đàn piano bỏ lại trong căn nhà. Sau này, tác giả Michel Legrand cho biết ông căm ghét chuỗi ngày thơ ấu trong cô đơn cũng như thế giới tàn nhẫn của người lớn. Điều may mắn duy nhất (nếu có thể gọi đó là may mắn) là từ lúc còn bé, ông bắt đẫu mò mẫm, tự học một mình các nốt nhạc qua phím đàn dương cầm.
Nhờ có năng khiếu, cậu bé năm lên 10 tuổi, được gia đình cho đi học tại Nhạc viện quốc gia Paris. Ngoài đàn piano, ông còn học cách chơi nhiều nhạc khí khác, kể cả ghi ta và kèn đồng. Thầy của Michel Legrand là giáo sư nổi tiếng Nadia Boulanger, về vai vế bà là ‘‘hậu bối’’ của nhạc sĩ Gabriel Fauré và đã từng đào tạo nhiều thế hệ nhạc sĩ đương đại kể cả George Gershwin, Aaron Copland hay Philip Glass (nhân vật thứ ba thuộc trường phái tối thiểu). Nhạc sư Nadia Boulanger nuôi tham vọng đưa cậu học trò xuất sắc nhất của bà đi tranh giải thưởng có nhiều uy tín Prix de Rome (Khôi Nguyên La Mã).
Thế nhưng, sau khi được xem một buổi trình diễn nhạc jazz đầy hứng thú (của nhạc sĩ chơi kèn Dizzy Gillespie tại nhà hát Pleyel), Michel Legrand quyết định rời bỏ ngành âm nhạc hàn lâm, để đeo đuổi sáng tác và kiếm sống nhờ lưu diễn với các ban nhạc thịnh hành thời bây giờ. Bực mình, giáo sư Nadia Boulanger đã viết thư cho thân mẫu của Michel Legrand, than phiền ông làm cho bà thất vọng, uổng công dạy dỗ.
Vào nghề từ năm 20 tuổi, Michel Legrand đi biểu diễn ban đầu với Henri Salvador và sau đó được mời sang Mỹ vào năm 1956 làm giám đốc nghệ thuật cho nam danh ca Maurice Chevalier. Tài nghệ hòa âm của ông lọt vào tai của ban điều hành hãng đĩa Columbia (New York), sau một album gồm những bản nhạc hòa tấu nổi tiếng về Paris, Michel Legrand được toàn quyền ghi âm với dàn nghệ sĩ nhạc jazz nổi danh thời bấy giờ : John Coltrane, Bill Evans, Paul Chambers và nhất là Miles Davis. Tập nhạc này (Legrand Jazz) được thực hiện tại New York năm 1958, đánh dấu quan hệ hợp tác giữa Michel Legrand và Miles Davis trong vòng nhiều thập niên liền. Miles Davis đặt cho ông cái biệt danh thân mật là Big Mike, hai người cảm thấy gần gũi với nhau do Michel Legrand là một trong những nhạc sĩ hiếm hoi được đào tạo trong làng nhạc cổ điển nhưng lại biết chơi kèn đồng như một nghệ sĩ nhạc jazz.
Song song với dòng nhạc hoà tấu, sáng tác hay hòa nhạc cho các ca sĩ Pháp nổi danh thời bấy giờ (Dario Moreno, Jacqueline François hay Claude Nougaro với bản nhạc đề tựa Cinéma) Michel Legrand vào nghề nghề soạn nhạc phim từ giữa những năm 1950, trở thành một trong những nhà soạn nhạc năng động nhất trong thể loại này, hầu hết các đạo diễn nổi tiếng đều nhờ đến tài năng sáng tác của ông, trong đó có Marcel Carné, Orson Welles, Robert Altman, Louis Malle, Jean Luc Godard, Agnès Varda, Joseph Losey, Jean Becker cũng như nhiều tên tuổi khác… Thế nhưng, dòng nhạc của Michel Legrand vẫn gắn liền với các bộ phim ca nhạc của Jacques Demy. Cặp bài trùng này hợp tác vói nhau trong vòng gần ba thập niên (từ bộ phim đầu tay vào năm 1961 cho đến khi đạo diễn Jacques Demy qua đời vào năm 1988).
Vào năm 1966, bộ phim ‘‘Những chiếc dù Cherbourg’’ được đề cử bốn giải Oscar. Tuy không đoạt giải thưởng nào của làng điện ảnh Mỹ nhưng tác phẩm này lại là chiếc “chìa khóa” mở rộng cánh cửa Hollywood cho tác giả người Pháp.. Trong vòng hơn 10 năm làm việc tại Hoa Kỳ, Michel Legrand sáng tác nhiều nhạc phim và đoạt 3 giải Oscar dành cho các bộ phim The Thomas Crown Affair (1968), Summer 42 (1971) và Yentl (1983).
Michel Legrand từng gọi những năm tháng làm việc tại Hollywood là “cuộc phiêu lưu vĩ đại nhất” trong đời ông. Nhờ bộ phim The Thomas Crown Affair (1968) của đạo diễn Norman Jewison với cặp diễn viên nổi tiếng Faye Dunaway và Steve McQueen trong vai chính, Michel Legrand trở thành một trong những nhà soạn nhạc phim sáng giá nhất thời bấy giờ. Ngoài cảnh quay nụ hôn nóng bỏng và dài nhất trên màn ảnh lớn, bộ phim Thomas Crown còn có giai điệu cực kỳ nổi tiếng The Windmills of Your Mind.
Lời tiếng Anh là của hai vợ chồng tác giả Marilyn và Alan Bergman, lời tiếng Pháp Les Moulins de Mon Cœur (tạm dịch là Cối xay giữa trời) của Eddy Marnay. Bài hát này từng được tác giả Anh Thơ đặt thêm lời Việt thành bài ‘‘Những mảnh hồn hoang’’. Khi sáng tác bài này, Michel Legrand đã gợi hứng từ một khúc giao hưởng của Mozart, bản nhạc đem về cho ông bức tượng vàng đầu tiên của làng điện ảnh Mỹ. Từ Hoa Kỳ trở về Pháp giữa những năm 1980, Michel Legrand tiếp tục sáng tác không ngừng trong lãnh vực nhạc phim, hầu như cứ hai năm là có một tác phẩm.
Theo các đồng nghiệp của ông, trong đó có các tác giả Vladimir Cosma và Francis Lemarque, Michel Legrand đem lại nhiều nét thanh tao quý phái cho dòng nhạc phim. Theo họ, Michel Legrand không chỉ là một tác giả lớn mà còn là một tay hòa âm xuất sắc, một nhạc trưởng biết điều khiển một dàn nhạc thính phòng. Nếu như trong những năm tháng đầu đời ông tự học âm nhạc, nhưng khi vào nhạc viện ông lại được truyền nghề một cách kỹ lưỡng. Điều đó được phản ánh qua lối sáng tác tinh tế, qua cách liên kết hợp âm như thể có nhiều khúc biến tấu trên cùng một giai điệu.
Trên đời này có biết bao viên ngọc quý. Nhưng có người so sánh Michel Legrand như một nhà kim hoàn. Ngoài cái tài trau chuốt mài dũa, ông còn khéo tay chạm trỗ thêm một chiếc nhẫn vàng để giúp cho viên ngọc quý càng thêm lộng lẫy, huy hoàng. Bàn tay phù thủy của ông tạo ra những chuỗi hợp âm, giúp cho giai điệu tỏa sáng, gió đưa cối xay nhẹ nhàng, quay mãi đôi cánh thời gian.
Tuấn Thảo
Nguồn: http://vi.rfi.fr/phap/20190202-tuong-niem-nha-soan-nhac-phim-michel-legrand