Cuối năm, nghe lại nhạc Carpenters

Học Trò
20.12.2019

Như thông lệ, tôi nghỉ phép hai tuần cuối và đầu năm để nghỉ xả hơi, cùng gia đình và dân Mỹ Mừng Thiên Chúa Giáng Sinh và ăn Tết Tây. Đây cũng là dịp để kiểm điểm lại tài sản âm nhạc, và nếu đủ hứng khởi thì ghi xuống một hay hai tản mạn. Năm nay trời thương, không những tôi tìm ra ông thầy đích thực – nhạc sư Arnold Schoenberg – mà tôi đã đề cập trong một bài viết gần đây (12/2018), tôi còn được dịp nghe lại ban nhạc Carpenters với một CD mới toanh, âm thanh tuyệt hảo.


Số là tôi vào Amazon tìm quyển “Arnold Schoenberg – The Musical Idea and the Logic, Technique, and Art of its Presentation” do bà Patricia Carpenter biên tập, dịch thuật và chú thích, thì cũng tìm thấy sách, nhưng lại cùng lúc hiện ra một CD của nhóm Carpenters với tựa đề “Carpenters With The Royal Philharmonic Orchestra”. Vốn đã mua trọn bộ compilation 4 đĩa “Carpenters – The Essential Collection (1965-1997)” nên tôi nghĩ CD này chắc cũng không có gì mới lắm. Nhưng sau khi nghe thử 30 giây đầu của 18 bài nhạc, cùng xem những nhận xét (review) của khách hàng thì bỗng dưng nảy lòng tham sân si, muốn tìm mua CD này, và maybe mua cả LP nữa, như là một collectible item. Xem kỹ lại thì giá cả tuy rất văn nghệ $11.71, nhưng tới ngày 29 tháng 12 mới có. Tính tôi lâu nay hay mua CD rồi về nhà “rip” ra, chứ không mua mp3, thành ra tôi hơi thất vọng. Thế rồi tôi tìm lòng vòng trên Barnes & Nobles, Walmart, v.v. thì thấy CD available for pickup tại Target! Tôi bèn ráng làm việc cho nốt ngày cuối rồi lái ra Target gần sở, tìm một hồi thì thấy một trong hai CD còn sót lại đang chờ mình! Đặc biệt CD tại Target có thêm một track mà Amazon CD không có, đó là bài Please Mr. Postman, lại càng đáng công đi tìm.

Đĩa nhạc này quả thật vượt quá mức tôi mong đợi! Ngoài việc giữ lại những gì căn bản nhất của từng track nhạc, ông Richard thêm vào những chi tiết nho nhỏ làm dân nghe Carpenters cảm thấy “quá đã”. Đầu tiên ông bỏ vào một track Overture, do ông soạn chung với Peter Knight, trong đó ông nhắc lại nhạc đề bài Yesterday Once More, với những biến thể mới lạ do dàn nhạc đại hòa tấu Hoàng gia trình bày. Gần cuối bài, dàn đồng ca thì thầm “Oh my best memories, come back clearly to me,some can even make me cry, just like before, it’s yesterday once more, it’s yesterday once more, once more …” . Lời ca như mời gọi thính giả cùng với nhóm và ban đại hòa tấu tìm về những kỷ niệm thật đẹp của ngày hôm qua. Với tôi, quả khúc dạo đầu này đã làm tôi nghĩ thật nhiều về thời thơ ấu rồi trưởng thành ở Sài Gòn, rồi về những ngày đầu lập nghiệp nơi xứ người, những ngày tháng mua tape nhạc, những CD nhạc vàng Diễm Xưa, rồi nhạc the Beatles, ABBA, Carpenters, v.v. …

Một điểm hay khác của CD là thêm vào những đoạn intro do ban nhạc đại hòa tấu chơi. Điểm đặc biệt của những dạo đầu này là chúng chơi lại nhạc đề của bài trước và nhiều khi của một bài khác nữa, rồi thoắt một cái, intro khi xưa nối tiếp ngay. (Vậy thì bạn không nên cho máy chạy “random”, sẽ mất đi ý đồ của Richard, muốn liên kết các bài lại với nhau, cho dù giai điệu hai bài có khác nhau). Thí dụ như bài thứ ba “I Need to Be in Love”, intro chơi lại nhạc đề của bài thứ hai “Hurting Each Other” rồi tôi nghe thoang thoảng một giai điệu khác quá quen thuộc, nhẩm theo thì hóa ra là bài “Goodbye to Love”, rồi mới chuyển về intro gốc

Ngoài ra, Richard còn cho vô số những chi tiết nho nhỏ giữa các câu nhạc hát, chỉ có người hay nghe các track cũ mới cảm nhận được sự khác biệt, còn nếu ít nghe có lẽ cũng không nhận ra. Ông giải thích trong tệp sách nhỏ đi kèm, là ông có chủ tâm sửa những chỗ trong phần hòa âm mà ông đã “nghĩ về chúng từ mấy chục năm qua, như phần oboe trong điệp khúc thứ nhất bài “Ticket To Ride”, bassoon ở giữa bài “Superstar”, hay đoạn piccolo trumpet gần cuối bài “Goodbye To Love”. Ông cũng viết thêm cho giàn dây trong hầu như tất cả các bài trong CD. Với phần mix thì ông đã lược bỏ những tiếng ồn, sửa lại những phần nhạc cụ chơi sai tông một tí. Ông cũng chỉnh sửa nhiều thứ để làm cho tiếng hát Karen trở nên “trong hơn, gần gụi hơn, ấm hơn, và tuyệt nhất kể từ trước tới nay.”

Tôi chưa được xem nhiều những video phỏng vấn Richard về CD mới, nhưng theo như một review trên Amazon thì Richard đã lần đầu tiêng đem riêng những track giọng ca của Karen từ  “vault” rồi mix lại. Nếu quả điều này là đúng thì nó giải thích cho tôi tại sao Karen hát quá sức “tới” trong bài “I Just Fall In Love Again”. Những lần nghe khi xưa không cho tôi cảm giác đó, chắc có lẽ lần này Richard dùng một “take” khác của Karen. Giọng ca Karen từ lâu với tôi đã rất riêng tư, cô hát cách phát âm kiểu Mỹ rất chuẩn. Trong bài “I Just Fall In Love Again”, sau khi chơi bài trước “I Believe You” làm intro, Karen hát trầm trầm, nhấn vừa phải, như rót vào tai thính giả:

Dreamin’, I must be dreamin’
Or am I really lyin’ here with you  

Baby, you take me in your arms
And though I’m wide awake
I know my dream is comin’ true  

And, oh, I just fall in love again
Just one touch and then it happens every time
And there I go I just fall in love again, and when I do
Can’t help myself, I fall in love with you  

Những thành ngữ “it happens every time”, “and there I go” được dùng quá tài tình, cất lên với giọng ca “vàng mười” của Karen, ai mà không tin rằng nàng đã lại phải lòng người yêu, dẫu chỉ với những cử chỉ âu yếm nho nhỏ của chàng? Can’t help falling in love, một câu thành ngữ và cũng là tựa một bài hát của Elvis Presley, qua giọng hát Karen lại đến với ta qua một sắc thái tình cảm mới.

Mười tám bài nhạc, mười tám tuyệt phẩm. Nhìn qua mười tám bài này, tôi không biết có bài nào hạng nhất còn thiếu không, chứ trong danh sách này chỉ toàn là “Top Of The World” không thôi, không có hạng hai. Ngay cả thời điểm ra CD ngày 7 tháng 12 cũng rất thiện ý, vì đây là món quà tôi tặng cho tôi để “Merry Christmas, Darling”. Thật vậy, cả bốn bài nhạc tôi đã từng tìm hiểu trước đều có mặt: They Long To Be (Close to You), Goodbye To Love, We’ve Only Just Begun, Superstar, rồi các bài quá nổi tiếng như Yesterday Once More, Top Of The World, I Need To Be In Love, For All We Know, Rainy Days and Mondays, This Masquerade, Ticket To Ride, Please Mr. Postman, rồi các bài quen thuộc trong discography như Hurting Each Other, Touch Me When We’re Dancing, I Believe You, I Just Fall In Love Again, Merry Christmas Darling, Baby It’s You.

Còn quá nhiều chuyện để nói về dòng nhạc Carpenters, tỉ dụ như Richard có nhắc về “the Carpenter Sound”. Đối với dân nghe tài tử, không từng chơi trong ban đại hòa tấu mà quá lắm chỉ là một keyboardist tài tử của một xí nghiệp ở Saigon thời cuối 80 – mỗi năm trình làng hai lần, coi như giúp vui văn nghệ và chơi nhạc dancing (hồi đó gọi là múa đôi J!) – thì bàn đến những kỹ thuật chơi nhạc khí hay hòa âm, phối âm phối khí là vượt quá sức mình. Nhưng đó, mới nhắc tới đó thôi là những kỷ niệm xưa lại hiện về, không chắc tôi có dám làm chuyện yesterday once more hay không, nhưng quả là chúng có làm mắt tôi cay cay …

Tóm lại, nếu bạn đã từng, đang nghe, hay sẽ trở thành một fan của hai anh em nhà Carpenters, xin hãy cố gắng tìm mua CD “Carpenters With The Royal Philharmonic Orchestra”, nó chắc chắn sẽ là một món quà xứng đáng để bạn thưởng riêng cho bạn, cho bõ những tiếc nuối và nhớ thương ngày tháng qua.

Thân ái chào bạn và xin hẹn gặp lại ở một lần tản mạn khác.

Học Trò
https://hoctroviet.blogspot.com

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây