Lê Hữu
Xuân vừa về trên bãi cỏ non…
Nghe câu hát ấy của Phạm Duy, ta nghe mùa xuân về đâu đó quanh đây, về trên những thảm cỏ xanh mướt, về trên những bông hoa dại đủ sắc mầu dọc theo con đường chúng ta đi.
Mùa xuân như đến gần thêm chút nữa khi ta nghe câu hát của Tuấn Khanh.
Em ơi xuân đến bên thềm rồi…
(“Mùa xuân đầu tiên”)
Mùa xuân đến thật gần. Mùa xuân đã đến bên thềm, mùa xuân đã đến bên em.
Nghe câu hát, tưởng chừng như nghe được cả tiếng bước rón rén của mùa xuân, nghe được cả tiếng gió lay động vạt áo dài lướt thướt của “nàng xuân” chạm vào những bậc thềm cửa, nghe được cả tiếng động nhè nhẹ trong câu lục bát Trần Dạ Từ, như là tiếng bước chân người tình khe khẽ đến bên hiên nhà.
“Anh nằm nghe bước em lên
Ngoài song lá động, trên thềm áo bay”
(“Khi nàng đến”)
Mùa xuân đến thật gần. Xuân của đất trời, xuân trong lòng người.
Nghe những bài nhạc xuân quen thuộc của các nhạc sĩ quen tên, tôi nhận ra một điều, mỗi “nàng xuân” của mỗi chàng nhạc sĩ có vẻ đẹp riêng, những nét quyến rũ riêng.
Mùa xuân trong nhạc Tuấn Khanh là “xuân mộng”, là xuân dắt ta đi vào những giấc mộng êm đềm, đi vào những giấc mơ tràn đầy mùa xuân tình ái của lứa đôi.
Nghe tiếng xuân về tim rộn rã
cho ước mơ thành những vần thơ
(“Mộng đêm xuân”)
Mùa xuân trong nhạc Tuấn Khanh còn là mùa xuân tao ngộ, mùa xuân tương phùng sau những cách ngăn, chia lìa qua bao tháng năm dài biền biệt.
Hết rồi mùa chia ly / cho tình xuân vừa ý…
(“Mùa xuân đầu tiên”)
Mùa xuân trong nhạc Tuấn Khanh rất gần với mùa xuân của thi nhân.
“Ai bảo em là giai nhân
cho lệ tràn đêm xuân
cho tình tràn trước ngõ
cho mộng tràn gối chăn”
Những “lệ tràn đêm xuân” và những giấc mộng vàng, mộng đẹp ấy không chỉ có trong những câu thơ Lưu Trọng Lư thôi mà ta còn nghe được cả trong những câu hát của Tuấn Khanh nữa.
Mộng về một đêm xuân sang
em thì thầm ngày đó thương anh
Mộng tràn ngập đêm trăng sao
sao đầy trời từng chiếc lấp lánh
Những câu hát ấy ở trong bài “Chiếc lá cuối cùng”, một trong những ca khúc gắn liền với tên tuổi nhạc sĩ Tuấn Khanh, từng được nhiều ca sĩ trình bày nhất, được nhiều trung tâm băng, dĩa nhạc thu âm nhất và tất nhiên, được nhiều người yêu thích nhất.
Tại sao lại là “chiếc lá cuối cùng”? Không r là cái tựa của bài hát ấy và câu chuyện Chiếc lá cuối cùng của nhà văn Mỹ nổi tiếng O’Henry có mối liên hệ nào(?). Điểm tương đồng là cả bài hát lẫn câu chuyện đều buồn bã như nhau, và cả người họa sĩ trong câu chuyện ấy lẫn người nhạc sĩ trong bài hát ấy đều có những đêm thức trắng, những đêm d i mắt trông chờ chiếc lá cuối cùng sẽ lặng lẽ lìa cành trong đêm lạnh vắng. Chiếc lá cuối cùng rụng xuống là thời khắc cô bé trong câu chuyện ấy sẽ phải từ biệt thế gian này để đi về một thế giới khác, cũng là thời khắc hai kẻ yêu nhau trong bài hát ấy sẽ phải nói lời chia tay.
Lá trên cành một chiếc cuối bay xa …
Nghe “Chiếc lá cuối cùng”, ta nghe một nỗi buồn sâu thẳm, nỗi buồn trăn trở của nửa đêm về sáng, của những đêm không ngủ.
“Chiếc lá cuối cùng” là chuyện tình trái ngang, là mối duyên không thành, là tìm quên trong men rượu, là tiếc nhớ những ngày vui đã xa như dĩ vãng.
Rồi một chiều xuân thơ trinh
cho lòng mình về với dĩ vãng
“Chiếc lá cuối cùng” là nỗi đau tê dại của trái tim rạn vỡ, là nỗi sầu chìm ngập trong men rượu, là nỗi-buồn-ướp-men-say.
Ít ai biết “Chiếc lá cuối cùng” đã không được Bộ Thông Tin thời ấy cấp giấy phép xuất bản vì lời nhạc nghe… buồn quá, cho đến khi tác giả phải thay đổi ít chữ cho bớt sầu thảm:
Đêm chia ly nghẹn ngào sao chẳng nói
Chỉ nghe tim nức nở trở về thôi …
đổi thành
Đêm chia ly buồn gì sao chẳng nói
Chỉ nghe em nói nhỏ trở về thôi
Mím môi cười mà nước mắt tuôn rơi
đổi thành
Mím môi cười mà nhớ thương khôn nguôi
Mộng tàn tạ đêm trăng sao
Sao ngậm ngùi từng chiếc lấp lánh…
đổi thành
Mộng tràn ngập đêm trăng sao
Sao đầy trời từng chiếc lấp lánh
Đã có bao nhiêu ca sĩ từng hát “Chiếc lá cuối cùng” kể từ khi bài hát ra đời (1962), kể từ khi người ta nghe Thái Thanh hát lên lần đầu tiên, tác giả bài hát không sao nhớ hết, không sao kể ra hết được. Gần đây nhất, các ca sĩ trẻ ở trong nước cũng đã tìm đến bài hát ấy, cũng đã cất giọng Đêm qua chưa mà trời sao vội sáng?… Bài hát có một đời sống thật là dài và vẫn luôn “mới”, luôn làm rung động những trái tim.
Đã có bao nhiêu là giai thoại về những người yêu “Chiếc lá cuối cùng”, như một nhạc sĩ Tuấn Khanh… khác ở trong nước đã đặt tựa cho một sáng tác của mình là… “Chiếc lá đầu tiên”, hoặc như một người làm thơ đã cảm tác “Chiếc lá cuối cùng” để viết nên bài thơ dài đến hơn trăm câu, mỗi câu bắt đầu bằng một hoặc hai chữ của trọn bài hát ấy.
“… Mộng về dưới bóng hoàng lan
một đêm trăng ngọt hương tràn môi xinh
xuân sang thắm lối ân tình
em duyên như nụ hoa quỳnh, trao nhau
thì thầm tiếng nhớ ngàn sau…”
Đã có bao nhiêu người tìm gặp được mình, tìm gặp những nỗi niềm “trắng đêm tâm sự” của mình trong bài hát ấy. Bài hát, có phải vì lẽ ấy, đã ở lại về lâu về dài trong lòng người?
Một đàn chim cánh nhỏ chở mùa sang…
Ít thấy ai sử dụng chữ “chở” tuyệt vời đến như thế!
Trong những câu hát của Tuấn Khanh ta vẫn nhặt ra được những câu thơ đẹp như thế, những chữ và nghĩa hay đến như thế, như là những chữ “vội vã”, “len lén”, “quấn quýt”, “lẻ loi”…
Sao khi chia ly / hôn em một lần vội vã…
Đêm đêm heo may len lén vào hồn tìm nhau
Giờ thì đôi tay đan tay quấn quýt
cho đêm không mơ / cơn mơ lẻ loi
Những câu hát ấy–hay những câu thơ ấy–ở trong bài “Nỗi niềm” của nhạc sĩ Tuấn Khanh.
Từng ngày trôi qua tim em héo úa…
“Nỗi niềm” là nỗi buồn héo hắt đến rã rượi.
Những lời tình ta nghe được trong bài hát ấy như là tiếng thở dài não nuột của một người yêu. Nói “như là” vì lẽ, những lời ấy là “nỗi niềm” tâm sự của người vợ hiền, là nỗi lòng cô phụ của những đêm dài trằn trọc, những đêm vò v một mình một bóng, sau phút chia tay vội vã tiễn chồng và các con lên đường… vượt biên.
Nên em cô đơn những đêm về sáng…
Anh ơi, đêm nay em nghe trống vắng buồn tênh
Nghe “Nỗi niềm” mà nghe lòng chùng xuống, mà nghe tim thắt lại.
“Nỗi niềm”, nhạc sĩ Tuấn Khanh cho biết, là “Hoa soan bên thềm cũ” nối dài. Những lời thơ ý nhạc gửi gấm trong hai ca khúc ấy đều như lời hẹn ước gửi đến người bạn đời đầu gối tay ấp của ông.
Em nhé, mình thương nhau muôn đời
(“Hoa soan bên thềm cũ”)
Xin cho đêm đêm tình đầy mộng say…
(“Nỗi niềm”)
“Nỗi niềm”, trong một nghĩa nào đó, cũng là “Chiếc lá cuối cùng” nối dài. Cũng là nỗi buồn trăn trở của nửa đêm về sáng, của những đêm không ngủ, cũng là giai điệu chầm chậm, buồn bã đến rã rời ấy. Có khác chăng, nỗi cách chia người yêu đổi thành nỗi chia lìa chồng vợ.
Dường như trong mỗi nhạc sĩ của chúng ta đều có ít nhiều một chàng thi sĩ. Nhờ vậy, chúng ta mới có được những câu hát thật là thơ, thật là đẹp.
Tôi vào vườn xưa
gặp em tóc buông vai gầy
thẹn thùng nhìn tôi ngỡ trong giấc mơ
Nghe những câu hát như thế, ta nghe được cả những ý thơ quyện trong nét nhạc.
“Dưới giàn hoa cũ”, Tuấn Khanh, Thái Thanh trình bày
Câu hát ấy ở trong bài nhạc có một mầu tím vấn vương của Tuấn Khanh, “Dưới giàn hoa cũ”, được ông sáng tác cách đây đúng năm mươi năm. Nghe lại bài hát ấy, sau nửa thế kỷ, sau bao vật đổi sao dời, vẫn nghe lòng lâng lâng như ngỡ trong giấc mơ, vẫn nghe một nỗi xao xuyến, bâng khuâng như “thuở ban đầu” của bài hát, như mối tình đầu thường khó phai.
Nỗi xao xuyến, bâng khuâng ấy bàng bạc trong các bài hát, trong từng lời ca ý nhạc của Tuấn Khanh.
Một hôm bước lần theo lối cũ tôi về
thầm mơ giàn hoa tím xưa chưa phai
Bài hát như là mẩu tự truyện của người nghệ sĩ ấy. Dường như mỗi bài nhạc của ông là mỗi câu chuyện kể, là câu chuyện thật; nói đúng hơn, là câu chuyện tình.
Lòng tôi vẫn còn ghi mãi phút êm đềm
thềm hoa chia tay lúc trăng đang lên
Hẹn tôi “Đến một mùa se thắm duyên lành
ngắt bông hoa tím trên cành trao anh”
Câu chuyện tình có một mầu tím vấn vương ấy cũng dẫn đến một kết thúc “êm đềm”.
Chiều nay dưới giàn hoa thơm ngát êm đềm
vầng trăng thu soi mắt em long lanh
Nếu ở Hoàng Trọng là Trời buồn đem mây tím về chơi vơi (“Tôi vẫn yêu hoa màu tím”), ở Nguyễn Hiền là Nhớ nhau khi mây vương vương màu tím (“Ngàn năm mây bay”) thì ở Tuấn Khanh là…
Hỏi tôi,“Những chiều buồn mây tím xây thành,
có thương hoa thắm mong chờ không anh?”
Cũng là màu mây tím, cũng là một màu tím vời vợi, cũng là những nét nhạc lâng lâng, êm êm nhưng là những dòng nhạc không lẫn vào nhau được. Nét nhạc Hoàng Trọng nghe man mác như ngọn gió heo may lay động mặt nước hồ thu, nét nhạc Nguyễn Hiền nghe mênh mang, đẹp và buồn như bức tranh thủy mạc, trong lúc nét nhạc Tuấn Khanh nghe xao xuyến, bâng khuâng, nghe có chút e ấp, ngại ngùng như nụ hoa vừa hé, như đôi môi xinh của người em nhỏ bé mộng mơ (“Mùa xuân đầu tiên”).
“E ấp, ngại ngùng” nên chàng trai chỉ thầm mơ giàn hoa tím xưa chưa phai, cô gái chỉ thầm hỏi Có thương hoa thắm mong chờ không anh? Trong những câu hát của Tuấn Khanh, ta vẫn nghe được những lời tỏ tình thầm kín, những tỏ bày nhiều ẩn ý và chan chứa những tình ý yêu đương như thế.
Chàng nhạc sĩ ấy không nói “Có thương người em nhỏ đợi chờ?” như ta vẫn thường nghe, thường gặp, mà nói… Có thương hoa thắm mong chờ không anh?
Chàng nhạc sĩ ấy cũng không nói “tình yêu nhạt phai”, hay “hương sắc phai tàn”, hay “trọn niềm thủy chung” mà nói… giàn hoa tím xưa chưa phai.
Tình yêu ấy thật nhẹ nhàng, thật tha thiết và đẹp như những cánh hoa mầu tím mỏng manh lay động trong nắng sớm, trong gió chiều. Mầu hoa tím bâng khuâng, mầu của nhớ nhung và chia cách.
Hoa nào đợi chờ không phai sắc hương
Ngày tàn không gieo nhớ thương
Dặm trường không gây vấn vương
Mầu tím, mầu của định mệnh. Bài hát ấy đã như một định mệnh.
Đời tôi đã nhiều lần vui bước phong trần
gió lùa xao xuyến tim đơn chiếc thân
Câu hát ấy,” nhạc sĩ Tuấn Khanh nói, “đã ‘ứng nghiệm’ vào đời tôi.” Chàng nghệ sĩ ấy, con người lãng tử ấy đã sống kiếp nổi trôi lang bạt kỳ hồ, kể từ ngày đơn thân độc mã khoác cây đàn lên vai, một mình vượt tuyến vào Nam năm 22 tuổi, hành trang chỉ vài bộ quần áo, vài tập sách nhạc và… chiếc đàn vĩ cầm không lúc nào rời chàng (và rồi gần ba mươi năm sau lại phải bôn ba… “vượt tuyến” thêm lần nữa để đặt chân lên được bến bờ tự do).
“Hoa soan bên thềm cũ”, ra đời ít năm trước “Dưới giàn hoa cũ”, cũng là câu chuyện kể, là câu chuyện tình mùa ly loạn mà giới yêu nhạc cuối thập niên 1950’s, đầu thập niên 1960’s hầu như không ai là không biết đến. Như bao lớp trai theo nhau lên đường, chàng trai phải giã biệt làng quê, giã biệt tình đầu, vì tình nước sâu hơn tình lứa đôi. Người đi nói với người ở lại những lời nhắn nhủ, vỗ về thiết tha, ân cần.
Đừng buồn khi xa nhau em nhé!
Thăm em đôi ngày rồi anh đi…
Người lính chiến dừng chân phút giây thôi, rồi lại lên đường, lại miệt mài đi khi quê hương còn tiếng súng, khi non nước chưa yên bình.
Chuyện tình mùa chinh chiến mang nhiều nỗi vấn vương “như hương hoa soan dâng bên thềm” trong những buổi chiều vàng. Người lính chiến luôn giữ chắc tay súng, không chỉ “giữ gìn biên cương xa vời” mà còn giữ gìn cho tình yêu bền chặt, không nhạt phai theo tháng năm.
“Người kể chuyện mình”, có thể gọi nhạc sĩ Tuấn Khanh bằng cái tên ấy, qua những bài nhạc gắn liền với tên tuổi ông. Từ “Hoa soan bên thềm cũ” đến “Dưới giàn hoa cũ”, đến “Chiếc lá cuối cùng”, đến “Quán nửa khuya”…, đến cả những bài gần đây như “Nỗi niềm”, “Nhạt nhòa”… Có khi chỉ nghe qua cái tựa của bài nhạc thôi, như “Hai kỷ niệm, một chuyến đi”, “Đêm này nghỉ đỡ chân”… người ta cũng hiểu được đấy là những câu chuyện buồn, vui được ông kể lại bằng lời ca tiếng nhạc.
“Hoa soan bên thềm cũ”, Tuấn Khanh, Hà Thanh trình bày
Những câu chuyện kể trong nhạc Tuấn Khanh thường là “chuyện hai người”, thường là những lời tình thật tha thiết, thật dịu dàng “hai người” nói với nhau.
Em nhé, mình thương nhau muôn đời
Anh giữ gìn biên cương xa vời
(“Hoa soan bên thềm cũ”)
Nhìn nhau khẽ nói câu,
“Thời gian trôi qua mau / không phai lạt đâu”
(“Một chiều đông”)
Tuấn Khanh, ông đã phơi trải lòng mình qua những dòng kẻ nhạc, đã dẫn dắt người nghe đi vào những câu chuyện lòng qua những giai điệu đằm thắm, ngọt ngào.
Ngồi bên lửa bếp gia đình êm ấm
lặng nghe anh kể cuộc đời buồn vui…
(“Chiều biên khu”)
Câu hát ấy rất gần với câu hát của Phạm Duy, một “người kể chuyện mình” khác, kể về những buồn vui đời lính bên bếp lửa hồng trong ngày trở về của người chiến binh.
Ngày trở về / trong bếp vui
anh nói chuyện nghe / chuyện đời chiến sĩ
sống say mê / đường xa lắm khi nương hồn về quê
(“Ngày trở về”, Phạm Duy)
Nghe nhạc Tuấn Khanh, người ta như nghe được những tâm tình, những nỗi niềm từ những rung cảm của trái tim ông. Chính từ những rung cảm của trái tim, chính từ những rung cảm chân thực ấy, những ca khúc của ông đã chạm được tới trái tim người nghe.
Những người yêu n t đẹp trong nhạc tiền chiến cũng sẽ dễ dàng yêu thích những khúc “nhạc tình muôn thuở” của Tuấn Khanh như là “dòng nhạc tiền chiến nối dài”. Không ngạc nhiên khi tác giả “Hoa soan bên thềm cũ” đã có cuộc hội ngộ kỳ thú với một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc “lãng mạn tiền chiến”, nhạc sĩ Tô Vũ. Cuộc hội ngộ ấy đến từ mối duyên tri ngộ giữa hai tâm hồn đồng điệu.
Sao gọi là “đồng điệu”? Hai chàng nghệ sĩ cùng chia sẻ mối đồng cảm về tính thẩm mỹ trong âm nhạc và nghệ thuật. Hai chàng nghệ sĩ đều là những “người kể chuyện mình” bằng những giai điệu lâng lâng như ướp chút men say của tình yêu và bằng những lời nhạc đẹp tựa lời thơ.
Ở Tô Vũ là:
Ta đi tìm thơ muôn phương
(“Tạ từ”, Tô Vũ)
Ở Tuấn Khanh là:
Chiều nay buồn tôi đi tìm ý
(“Mộng đêm xuân”)
Ở Tô Vũ là kỷ niệm êm đềm về một đôi mắt, một tà áo.
Em đến thăm anh người em gái
tà o hương nồng / mắt huyền trìu mến sưởi ấm lòng anh
(“Em đến thăm anh một chiều mưa”, Tô Vũ)
Ở Tuấn Khanh cũng có một đôi mắt như thế…
Vầng trăng thu soi mắt em long lanh
(“Dưới giàn hoa cũ”)
Tại mình còn yêu
tại mình còn thương đôi mắt lạ thường
(“Nhạt nhòa”)
Và một tà áo như thế.
Anh nhìn em bồi hồi trông theo tà áo
(“Từ đó khôn nguôi”)
Ở Tô Vũ cũng có một người “bồi hồi” đứng nhìn theo như thế.
Lòng bồi hồi nhìn theo chân em chìm trong ngàn xanh
(“Em đến thăm anh một chiều mưa”, Tô Vũ)
Trong câu hát của Tuấn Khanh có tiếng chuông chiều ngân nga.
Có một lần tôi về qua nơi đó
Tiếng chuông chùa ngân báo tin đêm về
(“Đêm này nghỉ đỡ chân”)
Trong câu hát của Tô Vũ cũng có tiếng chuông chiều ngân nga như thế.
Lá thu nhẹ rơi rơi
Hồn ta chìm đắm tiếng chuông xa vời
(“Tiếng chuông chiều thu”, Tô Vũ)
Tô Vũ và Tuấn Khanh, hai tâm hồn đồng điệu
(Tư thất nhạc sĩ Tô Vũ – Saigon, 2008)
Chưa hết, trong câu hát của Tuấn Khanh có chữ “dâng” thật là đẹp.
Nay qua đau thương yên bình rồi / tình ta lên hương ngát
như hương hoa soan dâng bên thềm
nhẹ nhàng nhưng ngất say
(“Hoa soan bên thềm cũ”)
Trong câu hát của Tô Vũ cũng có chữ “dâng” thật là đẹp.
Rồi đây khi mùa dứt chiến chinh
gió dâng khúc đàn thanh bình
(“Tạ từ”, Tô Vũ)
Nghe nhạc Tuấn Khanh, ta nghe những thoáng rung động nhẹ nhàng, những xao xuyến, bâng khuâng về một câu chuyện kể, về một bóng hình nào đã đi qua đời mình, để lại những dấu ấn khó phai.
Nghe nhạc Tuấn Khanh là lần theo những lối mòn kỷ niệm, là tìm về những phút giây êm đềm, có khi là cuộc hạnh ngộ kỳ thú, có khi chỉ là cuộc gặp gỡ tình cờ trong một chuyến đi, một đêm này nghỉ đỡ chân.
Cơm sắn canh rau / bên hàng cau xanh ba mái đầu
Mẹ thầm nói câu / “Chiều nay có con ta thấy vui
Ngày mai đơn người quá!”
(“Đêm này nghỉ đỡ chân”)
Nghe nhạc Tuấn Khanh, ta gặp lại những mùa thu “mây tím xây thành”, những buổi chiều vàng khi nắng nhẹ vương trên lưng đồi, và cả những lời hẹn thề dưới bầu trời lấp lánh sao đêm.
Rồi mai anh đưa em
về nơi vui ấm êm / trăng soi đầy thềm
Nhìn nhau khẽ nói câu
“Thời gian trôi qua mau / không phai lạt đâu”
(“Một chiều đông”)
Nghe nhạc Tuấn Khanh, ta được nghe lại những nét nhạc lâng lâng “tiền chiến”, những mối tình như gió thoảng, những nhớ nhung và mộng mơ, những khung trời đầy trăng và sao.
Chiều nay dưới giàn hoa thơm ngát êm đềm
vầng trăng thu soi mắt em long lanh
(“Dưới giàn hoa cũ”)
Nghe nhạc Tuấn Khanh, ta còn nghe thấy những cuộc chia tay buồn bã, ngậm ngùi, nghe thấy những hối tiếc vì những lời yêu chưa kịp nói hay chưa nói hết, và không làm sao trút cho cạn, dốc cho vơi những nỗi niềm.
Lúc gặp em lòng định nói rồi lại thôi
(“Từ đó khôn nguôi”)
Sao khi chia ly / hôn em một lần vội vã
Đêm em xa anh / em chưa kịp nói
(“Nỗi niềm”)
Đêm chia ly nghẹn ngào sao chẳng nói
chỉ nghe tim nức nở trở về thôi
(“Chiếc lá cuối cùng”)
Những cuộc chia tay nhạt nhòa nước mắt. Những giọt lệ long lanh như là từng hạt sương khuya hoen đôi mắt biếc, và lặng thầm như những giọt sương đêm chảy ràn rụa trên những ô kính ngoài khung cửa sổ.
Đôi môi run run / lệ tuôn khóe mắt
Ngỡ đã xa nhau nên khóc một lần từ giã
(“Nỗi niềm”)
Từ biệt người yêu muốn nói thật nhiều
muốn khóc một chiều / sao cứ ngại ngùng
Lệ bỗng rưng rưng
Tình nỡ quay lưng trong chiều hấp hối
(“Nhạt nhòa”)
Thật may một điều là, những câu chuyện tình của ông sau cùng vẫn có một kết thúc tròn đầy, vẫn có những phút giây trùng phùng như người lính trở về sau chiến tranh, để tay trong tay đi xây lại chuyện tình và nối lại những giấc mộng đêm xuân.
Nay qua đau thương yên bình rồi / tình ta lên hương ngát
(“Hoa soan bên thềm cũ”)
Ngày nào trăng khuyết / nay lại tròn tươi nét môi
Ai ngờ chiều nay chúng mình đẹp đôi
(“Chúng mình đẹp đôi”)
Giờ thì đôi tay đan tay quấn quýt
Xin cho đêm đêm tình đầy mộng say
(“Nỗi niềm”)
“Nỗi niềm”, Tuấn Khanh, Thanh Lan trình bày
“Những bài nào được anh yêu thích nhất trong số các nhạc phẩm của Tuấn Khanh?” tôi nhớ đã hỏi ông câu ấy. Thường thì với câu hỏi như thế, ít có nhạc sĩ nào trả lời thẳng mà chỉ nói xuôi theo… ý thích của số đông người yêu nhạc mình. Tuấn Khanh thì khác, sau ít giây nghĩ ngợi, ông nhắc đến hai bài “Mộng đêm xuân” và “Một chiều đông”, và nói ông yêu nét lãng mạn, thi vị trong những bài ấy. “‘Hoa soan bên thềm cũ’ và ‘Chiếc lá cuối cùng’,” ông nói, “là hai bài hát của kỷ niệm”. “Kỷ niệm khó quên?” tôi hỏi. Ông lắc đầu, “Không phải ‘khó quên’, mà… chẳng bao giờ quên được.”
Quay sang tôi, ông hỏi tôi… thích bài nào của Tuấn Khanh. “Dưới giàn hoa cũ,” tôi nói, không chút do dự. Ông hỏi vì sao, tôi trả lời, “ ài nhạc ấy nghe… ‘Tuấn Khanh’ hơn cả.” Những câu hát đẹp như thơ ấy, những nét nhạc thật nhẹ nhàng, thật êm đềm ấy đã gieo vào lòng tôi những tình cảm thật xao xuyến, thật bâng khuâng. Hơn thế nữa, câu chuyện trong bài hát ấy có một kết thúc thật đẹp, thật happy ending, nghĩa là rất… “Tuấn Khanh”. Một lý do khác có chút riêng tư (tôi đã không nói với ông), người tôi yêu ngày xưa đã… yêu bài hát ấy, yêu câu hát ấy, Những chiều buồn mây tím xây thành / có thương hoa thắm mong chờ không anh?… “Dưới giàn hoa cũ”, bài hát đã đưa tôi lại gần với dòng nhạc Tuấn Khanh. Nét nhạc lâng lâng nghe xao xuyến, bâng khuâng ấy chỉ có ở Tuấn Khanh, không lẫn vào đâu được. (Tôi nhớ, lần đầu nghe “Nỗi niềm” qua giọng Ngọc Minh, người bạn hỏi, “Nghe được chứ?” Tôi nói, “Rằng hay thì có hay, nhưng mà nghe có vẻ…‘Tuấn Khanh’ quá!” “Thì Tuấn Khanh chứ còn ai vào đấy nữa!” người bạn nói. Tôi có hơi bất ngờ, vì không nghĩ… ông vẫn còn viết nhạc; hơn thế nữa, vẫn còn viết được những khúc nhạc tình rung cảm đến vậy).
Tôi cũng yêu “Đêm này nghỉ đỡ chân”, yêu chút hạnh phúc đơn sơ trong bài tango hiếm hoi ấy của ông. Ai cũng từng có một đêm nào nghỉ đỡ chân như thế, từng có những thoáng hạnh phúc thật đơn sơ như thế, từng có chút vấn vương như thế về một bóng hình nào đó đã tạt ngang qua đời mình.
Nói như thế cũng để thấy rằng, mỗi người có thể yêu thích những bài nhạc khác nhau của Tuấn Khanh, mỗi người đều tìm thấy một bài nào mình yêu thích, hay giữ trong lòng mình kỷ niệm nào về một bài hát nào của Tuấn Khanh.
Trong số những sáng tác của Tuấn Khanh, có ít bài ông viết chung với những người bạn nhạc sĩ khác, như “Đò ngang” viết chung với Y Vân; “Quán nửa khuya”, “Hai kỷ niệm, một chuyến đi”, “Những ngày xa cách” viết chung với Hoài Linh; “Chiều biên khu”, “Ngày nào con trở về” viết lời chung với Châu Ngân… Không chỉ nhạc tình, cả đến những bài “nhạc lính” của ông như “Chiều biên khu”, như “Quán nửa khuya”… cũng từng được yêu chuộng, từng phổ biến một thời. Nghe “Ngày nào con trở về”, nghe nhạc điệu réo rắt, thiết tha, nghe nỗi niềm thương nhớ đến xót xa ấy, người lính nào mà không khỏi chạnh lòng, mà không muốn được tìm về bên chiếc nôi êm của người mẹ hiền đang ngày đêm mỏi mắt trông chờ đứa con xa nhà.
Ngày nào con trở về con ơi, con ơi
Mẹ ngồi đếm từng hạt mưa rơi
Mẹ thầm nhớ ngày nào ôm con
Mẹ bồng con gọn vào trong tay nâng niu
Mẹ già vẫn đợi chờ héo mòn tháng ngày
Như các bài nhạc làm nên tên tuổi một nhạc sĩ, một ca sĩ, mỗi bài nhạc của Tuấn Khanh cũng phù hợp hoặc gắn liền với giọng hát nào đó. “Hoa soan bên thềm cũ” nghe được vào “thuở ban đầu” qua hai tiếng hát quấn quýt nhau Thái Thanh và Thái Hằng của Ban hợp ca Thăng Long. Tiếp đến là tiếng hát Anh Ngọc, để từ đó trở nên một trong những ca khúc phổ biến nhất, được yêu cầu nhiều nhất trên các làn sóng đài phát thanh, các chương trình đại nhạc hội, các phòng trà ca nhạc một thời nào. “Chiếc lá cuối cùng” được giọng hát… đầu tiên là Thái Thanh gửi đến người yêu nhạc (về sau này giọng nam Sĩ Phú và giọng nữ Lệ Thu vẫn được xem là hai giọng hát gắn liền với bài hát ấy”). “Một chiều đông” được yêu thích qua những giọng Sĩ Phú, Duy Trác, Mai Hương. “Dưới giàn hoa cũ” với Thái Thanh, Lệ Thanh. “Mộng đêm xuân” với Thái Thanh, Duy Trác, Sĩ Phú, Duy Khánh. “Quán nửa khuya” với Thanh Thúy, Duy Khánh. “Chiều biên khu” với Thái Thanh, Lệ Thanh, Nhật Trường, Elvis Phương. “Đồi sim” với Thái Thanh, Lệ Thanh, Thanh Lan. “Những lời ru cuối” với Thái Thanh, Hoàng Oanh, Quỳnh Giao. “Từ đó khôn nguôi” với Hà Thanh, Quỳnh Giao. “Đêm này nghỉ đỡ chân” với Lệ Thanh. “Gọi buồn” với Sĩ Phú. “Chúng mình đẹp đôi” với Nhật Trường…
Có thể nói được rằng không có ca sĩ tên tuổi nào của miền Nam ngày trước mà không từng hát bài nào đó của Tuấn Khanh.
Tất nhiên, ca sĩ đầu tiên thể hiện mọi ca khúc của Tuấn Khanh vẫn là… Trần Ngọc (tên gọi tắt của Trần Trọng Ngọc, tên thật của ông). Ít ai biết tác giả “Hoa soan bên thềm cũ” từng chiếm giải “thủ khoa” trong cuộc thi “tuyển lựa ca sĩ” của đài phát thanh Hà Nội năm 1953. “Thí sinh” Trần Ngọc, 21 tuổi vào thuở ấy, hát bài “Đôi chim giang hồ” của Ngọc ích, và “thí sinh” Thanh Hằng, người đoạt giải nhì, hát bài “Đêm xuân” của Phạm Duy. (“Thí sinh” đoạt giải nhất trong cuộc thi tổ chức năm sau, 1954, là Duy Trác). Cánh “chim giang hồ” Trần Ngọc đã bay một vòng bay quá dài trước khi quay về lại chốn cũ (Hà Nội, 2007) để có cuộc hội ngộ kỳ thú và dạt dào cảm xúc với “cố nhân” Thanh Hằng và cùng ngồi ôn lại chuyện xưa, sau khi chiếc bánh xe nặng nề của thời gian đã lăn đi một vòng hơn năm mươi năm.
Những người yêu nhạc cuối thập niên 1950’s và thập niên 1960’s hẳn còn nhớ tới ba viên “Ngọc” quý của làng ca nhạc thuở ấy là Anh Ngọc, Ngọc Long và Trần Ngọc, trong đó giọng hát trầm ấm của Trần Ngọc (trong các ban nhạc tên tuổi của đài phát thanh Saigon và Quân Đội) từng cất lên các bài hát quen thuộc như “Trở về thôn cũ” (Nhị Hà), “Cánh hoa duyên kiếp” (Đoàn Chuẩn), “Mơ hoa” (Hoàng Giác), “Người về” (Phạm Duy)… Chương trình “Nhạc chủ đề” về tiếng hát Trần Ngọc của đài phát thanh Saigon do nhà văn Đào Trường Phúc thực hiện vào giữa năm 1970 đã đánh dấu ngày tiếng hát ấy lặng lẽ rời bỏ sự nghiệp ca hát của mình. Gần đây, rất tình cờ tôi được nghe lại giọng hát “vang bóng một thời” ấy qua các bài “Nhạt nhòa” và “Nợ nhau một chút giận hờn” (những sáng tác của Tuấn Khanh về sau này). Giọng hát “ngẫu hứng” nhưng vẫn nghe nhiều rung cảm, vẫn nghe phảng phất chút dư âm của một mùa kỷ niệm.
Cũng ít ai biết, sáng tác đầu tay của Tuấn Khanh là một bài phổ thơ T.T.KH, “Hai sắc hoa Ti-gôn”, cho thấy ở nơi ông, nơi chàng trai 16 tuổi ngày ấy, một tâm hồn yêu thi ca. Có thể kể ra được những bài phổ thơ của ông được yêu chuộng về sau này như “Tôi mở vòng tay” (thơ Tuệ Mai), “Những lời ru cuối” (thơ Nguyễn Đình Toàn)…, và gần đây nhất, “Chọn màu áo” (thơ Nhất Tuấn), “Chiều thứ Bảy xa rồi” (thơ Hồng Vũ Lan Nhi), “Nợ nhau một chút giận hờn” (thơ Phạm Quang Vịnh).
Cũng ít ai biết, ông từng viết lời cho nhạc phim. “Lá thu” (nhạc Đức Hưng, lời Tuấn Khanh), sau đổi tên thành “Mưa lạnh hoàng hôn”, là bài nhạc chính trong phim Mưa Lạnh Hoàng Hôn (1961) của đạo diễn Nguyễn Long (vừa là diễn viên chính, diễn chung với Mai Ly). ài hát được ca sĩ MaiTrường trình bày lần đầu và khá phổ biến với giọng hát Duy Trác về sau này.
Cũng ít ai ngờ, chỉ một năm sau ngày đến Mỹ (1983), nhạc sĩ Tuấn Khanh đã đặt lời cho hơn một trăm bài thánh ca. Chưa hết, vào đúng năm 70 tuổi (2003), cũng chỉ trong vòng một năm thôi ông đã phổ nhạc đến hơn năm mươi bài thiền ca (được phổ biến qua các CD album “nhạc thiền” với những tiếng hát Hà Thanh, Quỳnh Giao, Ngọc Minh, Như Mai, Vân Quỳnh, Thái Hiền, Duy Quang, Anh Dũng…). Điều gì khiến nguồn nhạc hứng trong ông, vào buổi hoàng hôn của đời người, đã chảy xuôi về dòng nhạc tâm linh? Điều gì khiến nguồn nhạc hứng trong ông đến nay vẫn còn dạt dào, còn sung mãn đến mức ấy? Tất cả như nhuốm một vẻ gì huyền nhiệm khiến ngay đến chính ông cũng khó mà giải thích được.
Có lẽ vẫn còn quá sớm để nói được bài nhạc nào là bài… cuối cùng của Tuấn Khanh. Người ta khó mà biết được, hay chỉ biết được rằng, đấy là bài nhạc mà ông… chưa hề viết ra.
Trước năm 1975, chúng ta có “Hoa soan bên thềm cũ”, có “Chiếc lá cuối cùng”, có “Dưới giàn hoa cũ”, có “Mộng đêm xuân”, có “Một chiều đông”… của Tuấn Khanh. Sau năm 1975, chúng ta có “Nỗi niềm”, có “Nhạt nhòa”, có “Từ đó khôn nguôi”, có “Tháng Chín dòng sông”, có “Nợ nhau một chút giận hờn”… Nguồn nhạc hứng trong tim chàng nghệ sĩ ấy vẫn chưa có lúc nào vơi cạn. Trái tim chàng nghệ sĩ ấy vẫn chưa có lúc nào “già”, và vẫn như những phím đàn nhạy cảm, chỉ cần chạm nhẹ đến là đã rung lên những nốt nhạc thảng thốt. Có như thế hôm nay chúng ta mới được nghe những “Nỗi niềm”, những “Nhạt nhòa”…, và mới nghe lòng rung động vì những khúc nhạc êm đềm, ngọt ngào như thanh âm tiếng vĩ cầm réo rắt của người nhạc sĩ ấy.
Không có tuổi nào cho người viết nhạc tình, vì tình yêu làm gì có tuổi, và vì tuổi nào không là tuổi của tình yêu.
“Chiếc vĩ cầm không có tuổi”, Tuấn Khanh, tôi muốn được gọi ông như thế. Chiếc vĩ cầm, nhạc cụ được ông yêu quý nhất, đã dẫn ông bước vào thế giới kỳ diệu và mê hoặc của âm thanh, đã dẫn ông bước vào cuộc hành trình âm nhạc dài đến hơn sáu mươi năm, kể từ bài học đầu tiên về nhạc thuật ông học được từ người anh cả ở Hà Nội.
Chiều nay buồn tôi đi tìm ý , người nhạc sĩ ấy đến nay vẫn còn lững thững bước chân trên những lối đi quen để tìm kiếm những giấc mộng đêm xuân.
Tuấn Khanh, ông đã viết nên những khúc nhạc tình ấy bằng những rung cảm thực sự của trái tim mình. Không yêu, không từng trải qua những hạnh phúc và khổ đau vì tình yêu thì không thể nào viết được những khúc nhạc, những câu hát cảm xúc tràn bờ đến như thế.
Hạnh phúc trong nhạc Tuấn Khanh thật đơn sơ và êm đềm như một giấc mơ thanh bình, có trăng soi đầy thềm, có giàn hoa tím xưa chưa phai.
Tình yêu trong nhạc Tuấn Khanh thật dịu êm và phảng phất tựa hồ như hương hoa soan dâng bên thềm / nhẹ nhàng nhưng ngất say.
Xao xuyến và bâng khuâng, dịu dàng mà tha thiết, nhẹ nhàng và lâng lâng như nhắp chút men say của tình yêu, như gối đầu lên những giấc mơ yên bình. N t nhạc Tuấn Khanh là thế, tâm hồn Tuấn Khanh là vậy.
Con người nghệ sĩ tài hoa ấy vẫn còn dạo lên những khúc nhạc êm đềm bằng thanh âm réo rắt, du dương từ chiếc vĩ cầm yêu quý của chàng để đem nhạc tình ghi tràn đầy cung điệu buồn. (*)
Lê Hữu
(*) Thúy đã đi rồi, nhạc Y Vân & Nguyễn Long
Nguồn ảnh: nhạc sĩ Tuấn Khanh
Nguồn: Âm Nhạc Của Một Thời, Lê Hữu, NXB Giờ Ra chơi, 2011