Vương Trùng Dương
10/2018
Năm 1955 Bảo An Đoàn được thành lập, trực thuộc Phủ Tổng Thống, ông Tôn Thất Trạch làm Tổng Giám Đốc (Năm 1964, Bảo An Đoàn đổi tên thành Địa Phương Quân, Nha Tổng Giám Đốc Bảo An đổi tên thành Bộ Chỉ Huy Trung Ương, sau đó là Bộ Tư Lệnh Địa Phương Quân & Nghĩa Quân).
Bảo An Đoàn mỗi tỉnh có Đội Văn Nghệ (võ trang tuyên truyền, sau nầy giống như đơn vị Chính Huấn trong ngành Chiến Tranh Chính Trị và Trung Đội Chính Huấn của Đại Đội CTCT ở Tiểu Khu). Đội Văn Nghệ của Bản An Đoàn lúc đó quy tụ “văn nghệ sĩ” địa phương. Cậu bé Nguyễn Ngọc Thương, có năng khiếu và đam mê âm nhạc từ nhỏ nên được những người thân trong gia đình ở Đội Văn Nghệ hướng dẫn thêm, chơi được vài nhạc cụ và ca hát.
Khi học trung học ở trường Tân Thịnh, Sài Gòn, cậu bé đã có vốn liếng về nhạc lý nên “tập tành” sáng tác. Năm 1958, nhạc phẩm đầu tay Mưa Chiều, thể điệu Valse:
“Mây vương vài cơn gió gieo buồn
Hạt mưa rớt trên đường
Chiều dâng bao niềm thương
Quanh co đường đi vắng tiêu diều
… Lòng thương nhớ nhau nhiều
Người phương xa giờ đâu
Mưa rơi còn rơi mãi trong đời
Thì chấp bến chia phôi
Cho hoa lòng ấm vui”.
Ca khúc đầu tay với bút hiệu Song Ngọc là ghép chữ lót của anh và người bạn gái do người anh đặt cho.
Và, tiếp nối với hai nhạc phẩm Bừng Sáng, Tiễn Đưa.
Anh cho biết: “Tôi xuất thân từ một gia đình trung lưu ở Miền Nam VN. Chào đời tháng 12 năm 1943. Ngoài tôi theo đuổi âm nhạc, em gái tôi cũng là kịch và ca sĩ Kiều Oanh cộng tác với ban Kim Cương… Tôi đến với âm nhạc từ thuở còn thơ ấu. Năm, sáu tuổi đầu đã tập tễnh với cây đàn madoline… Nhạc phẩm Mưa Chiều đầu tay đã được đài phát thanh chọn hát nhiều lần qua những giọng ca hàng đầu thời ấy như: Thái Hằng, Thái Thanh, Minh Trang, Ánh Tuyết, Kim Tước, Châu Hà… Rồi được nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam lý mua bản quyền xuất bản cùng năm”.
Bước vào thập niên 1960, qua các nhạc phẩm trữ tình, nhạc sĩ Song Ngọc đã góp mặt trong giới nghệ sĩ ở Sài Gòn.
Bài thơ Tiễn Biệt của Nguyên Sa sáng tác năm 1954 ở Paris:
“Người về đêm nay hay đêm mai
Người sắp đi chưa hay đi rồi
Muôn vị hành tinh rung nhè nhẹ
Hay ly rượu tàn run trên môi
… Người về lòng tôi buồn hay lòng tôi vui
Áo không có màu nên áo cũng chưa phai
Tôi muốn hỏi thầm người rất nhẹ:
Tôi đưa người hay tôi đưa tôi?”
Năm 1961 Song Ngọc phổ thành ca khúc Tiễn Đưa với điệu Slow Rock
“Người về chiều mai hay đêm nay
Người sắp đi hay đã đi rồi
Muôn vị hành tinh rung rung
Lung linh thềm ga vắng
… Mà người về nơi đâu nơi đâu
Tàu vẫn đi nên vẫn có người đợi chờ
Sương lạnh nhẹ rơi trên vai
Trăm con tàu trăm lối
Tôi đưa người hay đưa tôi!”
Ca khúc nầy được nhà xuất bản Diên Hồng ấn hành, các ca sĩ tên tuổi trình bày, nhiều người ái mộ nên được thịnh hành.
Trong bài viết về Nguyên Sa của tôi đăng trên tờ Thế Giới Nghệ Thuật, tháng 4 năm năm 1998 (sau nầy ấn hành trong cuốn Văn Nhân & Tình Sử), có nhắc đến trường hợp nầy:
“Đây là bài thơ đầu tiên được phổ thành ca khúc. Trả lời phỏng vấn với Anh Vân (Lê Ngọc Ngoan), Song Ngọc cho biết: “Năm 1961, lúc ấy tôi mới 18 tuổi, do một tình cờ tôi phổ nhạc bài Tiễn Biệt của Nguyên Sa. Tôi có được bài Tiễn Biệt do một người bạn gái chép tặng. Tôi đã rung cảm với Tiễn Biệt và phổ thành ca khúc Tiễn Đưa. Sau đó được biết thi phẩm Tiễn Biệt là của ông Nguyên Sa, tôi tìm đến anh Nguyên Sa, lúc đó nhà anh tại đường Pasteur Sài Gòn.
… Sau khi trình bày tự sự, tôi còn nhớ anh Nguyên Sa đã nói: “Lần sau, trước khi phổ thơ của ai, cậu nhớ xin phép trước rồi sẽ phổ nhé!”… Trước lúc ra về tôi bạo dạn hỏi: “Thưa anh, anh có cho phép em ghi tên anh vào nhạc phẩm nầy không?”. Ông Nguyên Sa trả lời cụt ngủn: “Thôi, khỏi”.
Không ngờ Tiễn Đưa sau đó đã một thời được quần chúng yêu chuộng. Khi được nhà xuất bản Diên Hồng phát hành, Tiễn Đưa đã ghi tên tác giả – Thơ: Nguyên Sa, phổ nhạc Song Ngọc, mặc dù ông Nguyên Sa đã bảo “Thôi, khỏi…” (VN & TS).
Bài thơ Paris của Nguyên Sa:
“Mai tôi ra đi chắc trời mưa
Tôi chắc trời mưa mau
Mưa thì mưa chắc tôi không bước vội
Nhưng chậm thế nào cũng phải xa nhau…”
Song Ngọc phổ thành ca khúc Mai Tôi Đi.
“Mai tôi đi chắc trời giăng mưa lũ
Mưa thì mưa chắc tôi không bước vội
Nhưng chẳng thể nào
Mình cũng sẽ xa nhau, mình cũng sẽ xa nhau
… Mai tôi đi chắc rằng sông Seine nhớ
Nhưng dù sao nhớ nhung rồi sẽ mờ
Muôn vạn u sầu rồi cũng sẽ xa nhau
Mình cũng sẽ xa nhau”.
(Nhạc sĩ Anh Bằng cũng phổ bài thơ nầy với tựa đề Mai Tôi Đi vào năm 1998).
Song Ngọc vui tính và hay bông đùa, khi tôi gợi lại câu chuyện trên, anh cho biết, lúc đó mình là học sinh, mới sáng tác, Nguyên Sa là giáo sư Triết nên “hai phương trời cách biệt” sau nầy cũng sinh hoạt văn nghệ với nhau, ông thầy đeo một bông mai, mình có ba cái nhưng vẫn “kính nhi viễn chi”.
Dấn thân vào bước đường nghệ thuật (và cả cuộc sống), Song Ngọc theo lời anh chia sẻ với tôi, tuy là Công Giáo nhưng anh anh dùng chữ “duyên, cơ duyên” trong nhà Phật trên con đường nghệ thuật, thể hiện đức tính khiêm nhường của người nghệ sĩ, tài hoa do người khác nhận định. Vì vậy, sáu thập niên qua, anh đả sáng tác hơn ba trăm ca khúc (theo anh còn một trăm ca khúc chưa ấn hành và phổ biến), với các bút hiệu khác như: Hàn Sinh, Hoàng Ngọc Anh, Anh Tuyến, Nguyên Hà. Trước năm 1975 đã thực hiện 5 băng nhạc Song Ngọc:
Chuyện Tình & Kỷ Niệm
Những Ngày Xưa Yêu Dấu
Hoa Bướm Ngày Xưa
Tình Yêu & Xa Cách
Mùa Xuân Hạnh Phúc
Trong các nhạc sĩ mà anh thụ giáo có nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi (1930-2008). Với nhạc sĩ Nguyễn Hiền (1927 – 2005) cùng sinh hoạt, quen biết nhau, ca khúc Hoa Bướm Ngày Xưa của Nguyễn Hiền phổ thơ Thanh Nam rất nổi tiếng, có lẽ sự thân tình nầy, anh dùng tựa đề nầy cho băng nhạc (viết lên điều nầy để tránh sự ngộ nhân vì sao lấy ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ thành danh). Trong tuyển tập Song Ngọc – Những Tình Khúc Thi Ca Muôn Thuở, Nghiêm Phú Phi viết: “Tôi nhiệt liệt ngợi khen nhạc sĩ Song Ngọc về tài năng cũng như nhiệt tình sáng tác của anh… Từ bản nhạc Mưa Chiều nhịp luân vũ, sáng tác đầu tay của Song ngọc năm 1958 khi còn ở nước nhà, tôi đã nhận diện được chỉ dấu ở một người nhạc sĩ có thực tài đầy triển vọng tương lai. Nhận xét đó quả thật không sai, nếu nhìn về quá trình mấy chục năm sáng tác viết nhạc của Song Ngọc”.
Nhạc phẩm đầu tay lúc Song Ngọc mới 15 tuổi được vị thầy từng là Giám Đốc Trường Quốc Gia Âm Nhạc & Kịnh Nghệ Sài Gòn nhận xét như vậy thể hiện tài năng về âm nhạc của Song Ngọc.
*
Giữa năm 1962, người bạn thân Tô Xuân Trữ rủ rê Song Ngọc nhập ngũ khóa 14 ở Trường Bộ Binh Thủ Đức. Ra trường phục vụ tại Tiểu Đoàn Tâm Lý Chiến Dân Sự Vụ (sau nầy đổi thành Chiến Tranh Chính Trị), Đài Phát Thanh Quân Đội (chương trình Lính & Tình Thương). Chủ trương chương trình tạp diễn Song Ngọc ở Đài Truyền Hình Việt Nam và cuối củng làm Trưởng Khối CTCT ở Tổng Y Viện Cộng Hòa. Với môi trường thuận lợi nên có nhiều thời gian để sáng tác. Trước tháng 4 năm 1975, có cơ duyên, gặp được chuyến bay rời khỏi Việt Nam và được định cư tại Hoa Kỳ. Song Ngọc cũng đam mê về kinh doanh từ trong nước, anh bước vào thương trường ngay từ thời gian đầu nơi xứ người, thuận lợi, thành công rồi thất bại nhưng vì đam mê và kiên trì nên gầy dựng lại cơ nghiệp cho đến nay cùng với công việc sáng tác nhạc.
Viết về ca khúc của anh, với nhiều thể loại bao quát không thể liệt kê hết nên đề cập vài ca khúc liên quan đến đời lính như Kỷ Niệm Ngày Nhập Ngũ, Chiều Thương Đô Thị, Chúng Mình 3 Đứa, Một Chuyến Bay Đêm, Người Ra Vùng Hỏa Tuyến (Nguyên Hà), Lính Thành Phố… mà trong thời chinh chiến đã gần gũi với chiến hữu.
Ca khúc Kỷ Niệm Ngày Nhập Ngũ
“Ngày tôi nhập ngũ, giã từ tuổi học trò
Có người em gái nhỏ đưa tôi rời xa thành phố
Tôi ra đi vì yêu thương lên tiếng gọi
Nghìn ưu tư xin gửi lại cho người nhớ người thương.
…
Quê hương ơi, giùm thương cho anh lính trẻ
Từ nay chân đi khắp nẻo câu chuyện lòng nhớ lại thôi”.
Nhạc sĩ Hoài Linh (1920 – 1995) hoạt động trong đoàn văn nghệ Vì Dân (thuộc Nha Cảnh Sát Quốc Gia) dưới quyền điều khiển của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Song Ngọc quen thân với Hoài Linh trong thời gian sinh hoạt trong đoàn văn nghệ nầy. (Ngày 30 tháng 4 năm 1995, Hoài Linh qua đời ở Sài Gòn vì bị bại liệt bởi tai biến mạch máu não). Hoài Linh có sở trường đặt lời cho ca khúc. Và, Song Ngọc lại có cái duyên qua các nhạc phẩm sáng tác với lời nhạc của Hoài Linh: Chiều Thương Đô Thị, Chúng Mình Ba Đứa, Chuyện Buồn Năm Cũ, Chuyện Từ Biển Khơi, Đêm Không Còn Buồn, Giờ Xa Lắm Rồi, Gửi Người Chưa Quen, Một Chuyến Bay Đêm, Mùa Hoa Tạm Biệt, Năm 17 Tuổi…
Ca khúc Chiều Thương Đô Thị:
“… Thôi nhé tôi đi.. áo vương bụi đường
Nhớ đêm phố phường… người ơi lúc đèn buông
Đừng ngăn gió vào thu… để rơi lá vàng khô
Reo khúc quân hành… đưa tiễn người chinh phu
… Đêm nay tôi nhớ đến anh… mơ về kinh thành
Những chiều gió lộng… ta đi trong lòng phố vắng
Tâm tư qua làn khói trắng
Mưa rơi ướt hai mái đầu
Chuyện mình ai biết mai sau
Để hôm nay ngồi đây
Trời biên khu nhiều mây
Chờ trăng thanh… lên cao viết tâm tình
Chuyện người trai chốn xa
Và người đi chiến đấu… vẫn chờ đợi nhau”
Ca khúc Chúng Mình Ba Đứa của Song Ngọc với lời của Hoài Linh như lời gởi tặng khi bước chân vào quân trường:
“… Mình có ba người
Mà kiếp sống buông trôi
Đứa này ở ven trời
Thì đứa khác ra khơi,
Hợp xong lại tan
Trong giây lát xa không đành
Thế mới thương đời lính
… Chia tay thế là đường ai nấy đi
Cũng là màu xanh chiến y”.
Tác phẩm Vol de Nuit (1931) của Saint-Exupéry được dịch Việt ngữ Bay Đêm giữa thập niên 60 rất ăn khách vì hình ảnh “Bên dưới đôi cánh bay, những quả đồi đã rạch sâu thành đường xé nước thẫm màu trong ánh vàng ban chiều. Đồng nội rạng rỡ ánh sáng, sáng kéo dài đến bất tận: ở đất nước này đồng nội không khi nào ngừng hắt lên ánh vàng, cũng như vào lúc tàn đông, chúng không khi nào ngừng hắt lên màu trắng tuyết…”.
Ca khúc Một Chuyến Bay Đêm (Tâm Sự Cánh Bằng) lời ca trữ tình với hình ảnh xa xưa:
“Giữa lòng trời khuya muôn ánh sao hiền
Người trai đi viết câu chuyện Một Chuyến Bay Đêm
Cánh Bằng nhẹ mơn trên làn gió
Đời ngây thơ xưa lại nhớ, lúc mình còn thơ
Nhìn trời cao mà reo mà mơ ước như diều để níu áo Hằng Nga ngồi bên dãy Ngân Hà
Giờ sống giữa lưng trời đôi khi nhớ chuyện đời mỉm cười thôi.
Đêm nay chuyến bay trời xanh như màu áo
Đường Minh Đế nhàn du thăm Tinh cầu
chạnh thương hai đứa giờ gối súng nơi nào lâu lắm chẳng gặp nhau
Bạn bè dù cách xa nào khuây
Tình nàng chửa nói nhưng mà say
Giai nhân hỡi khóe mắt em u hoài theo tìm trong chuyến bay”.
Với thể điệu Boléro thông dụng về nhạc lính nên đồng đội khi “chén tạc chén thù” khi ngất ngưởng với nhau qua lời ca “tự chế” cho vơi nỗi xa nhà.
Qua lời chia sẻ của Song Ngọc qua cuộc phỏng vấn cho biết: “Tôi ưa đi lang thang như một nhạc sỹ giang hồ, mỗi lần có hoàn cảnh thường đi khắp đó đây, ngoài ra thì cũng đi nhiều nơi vì công tác. Nơi đâu cũng có vẻ đẹp riêng, nơi thôn quê bát ngát, trăng thanh dịu dàng, chốn đô thành thì nhộn nhịp, tưng bừng. Tới vùng chiến tranh thì súng đạn tơi bời, bao nhiêu đau khổ, người bạn vừa gặp nhau, chuyện chưa nói hết thì anh ta đã chết. Vì đời gian truân, lăn lộn, nên mỗi khúc nhạc đều mang riêng hình ảnh đặc biệt của nó”.
Vì vậy khi ở hậu phương ra vùng hỏa tuyến, Song Ngọc cảm tác với nhạc phẩm Người Ra Vùng Hỏa Tuyến:
“Cơn gió nào đưa mình gặp nhau đây
Tay trong bàn tay trăng rừng ngủ say
Tôi anh đời lính chiến xa nhà
Gần nhau được có mấy lúc xa rồi
Như gió thoảng mây trôi
… Đêm chiến trường tôi bạn ngồi bên nhau
Mai thôi hành quân chim trời lại xa
Anh ra miền hoả tuyến xa vời
Còn tôi về nới cuối gió chân trời
Thương phút này bên nhau”
Trong thời lửa đạn, chinh chiến, là người lính, ai cũng mong cuộc chiến chấm dứt, tâm sự của Song Ngọc qua ca khúc Một Ngày Tàn Chiến Tranh cũng là ước mơ của mọi người:
“ Nếu chiến tranh tàn anh đưa em về thăm lại vùng quê
Thăm lại thôn xưa xa từ khi lửa dầy binh biến
… Anh đưa em qua những vùng quê lửa binh lan tràn
Dấu đạn in mái tranh quê nghèo
Nương rẫy ngày nào xây chiến hào”
Thế nhưng, cuộc chiến đấu bảo vệ tự do bị Đồng Minh bỏ rơi nên khi bị Cộng quân cưỡng chiếm thì ngày tàn cuộc chiến không có hình ảnh êm đếm đó mà là hình ảnh tang thương, tù tội!.
*
Song Ngọc có năng khiếu về phổ thơ qua nhiều ca khúc của anh. Trước đây tôi có viết về Hữu Loan với bài thơ Màu Tím Hoa Sim. Giữa thập niên 1960, bài thơ Màu Tím Hoa Sim bỗng nhiên sống lại qua dòng nhạc của Dzũng Chinh với Những Đồi Hoa Sim và Phạm Duy với ca khúc Áo Anh Sứt Chỉ Ðường Tà.
Song Ngọc sáng tác Màu Tím Hoa Sim, nhịp Habanara, Boléro. Lời ca viết gần sát theo dòng thơ của Hữu Loan. Bìa nhạc phẩm nầy với hình ảnh người lính VNCH cầm khẩu súng carbine quỳ bên ngôi mộ, và ca khúc qua tiếng hát Minh Hiếu trong Sóng Nhạc phát hành trước năm 1975 ở Sài Gòn.
Trong tuyển tập Tình Ca Song Ngọc, ngoài hai ca khúc Tiễn Đưa và Mai Tôi Đi, có mười bốn bài thơ của Nguyên Sa được phổ nhạc: Ru Khúc Tháng Tám, Năm Ngón Tay, Cần Thiết, Chiếc Hố, Kỳ Diệu, Nga, Chuyến Tàu Tình Ái, Tôn Nữ Thanh Hằng, Phân Thân, Hãy Đưa Tôi Ra Bờ Sông, Đẹp, Chờ Người Không Hẹn Đến, Chim Về Biển Lớn, Ru Điệu Trăm Năm.
Khi Song Ngọc ngỏ ý phổ thơ, Nguyên Sa không nói “Thôi, khỏi” mà viết khá dài đăng trong tuyển tập nầy “Song Ngọc là một thủy thủ. Cuộc đời với nhạc sĩ nầy là biển, âm nhạc là bến đỗ… Song ngọc không bao giờ phụ rẫy âm nhạc. Người thủy thủ đó không bao giờ bỏ đi biền biệt không kể tháng, không kể năm… Song Ngọc sống tận tình cho âm nhạc. Sáng tác buổi sáng. Sáng tác buổi chiều. Sáng tác ngày. Sáng tác đêm. Hơn một người tìm hiểu về Song Ngọc đã hỏi tôi làm việc nhiều như thế, vật lộn với đời gay go như thế làm sao sáng tạo? Thì đó, cởi bộ áo giang hồ, người thủy thủ trở về với bản ngã nghệ sĩ của mình sống tận tình trong bản ngã đó… Mỗi lần về bến là một lần sáng tạo, một lần khác biệt… Song Ngọc hoàn thành Những Tình Khúc Thi Ca Muôn Thuở. Thơ phổ nhạc đấy. Nhưng không phải chỉ một tác giả cũng không vài bài của vài tác giả. Song Ngọc mang vào nhạc ba thời kỳ thi ca trọn vẹn trong 41 bản nhạc…”. (Khi tôi viết bài nầy, liên lạc với anh, anh “khoe” đang phổ vài chục bài thơ và gởi vài ca khúc do Quang Tuấn trình bày để nghe).
Khi ở trong nước, một số bài thơ trữ tình đã được Song Ngọc phổ thành ca khúc nhưng thời gian ở hải ngoại, nguồn cảm hứng từ thơ đã đi vào tâm hồn, cảm nhận được lời thơ nên phổ rất nhiều ca khúc. Trong thời gian gần đây, Song Ngọc thích ý thơ của người bạn học ngày xưa: Trạch Gầm. Các bài thơ của Trạch Gầm được phổ nhạc như Hôn Nỗi Nhớ Quên, Thiếu Em Một Nụ Cười, Nói Với Người Tình Sau Cuộc Chiến, Một Ngày Của Ta, Gọi Tên Cha, Tạm Biệt Diệm Song (KBC 4100), Mưa Dài… Thơ Trạch Gầm là dấu chân người lính trong thời binh lửa, trong lao thù và tháng ngày đau thương sau “ngày tàn cuộc chiến”. Song Ngọc tuy không rơi vào hoàn cảnh đó nhưng cảm nhận từ dòng thơ của bằng hữu.
Ca khúc Hôn Nỗi Nhớ Quên:
“Ta mang xác thân về ngang phố cũ
Không nhận ra mình người của phố xưa
Không dám quay nhìn lên khung cửa sổ
Phú Nhuận từng mòn hơi thở ước mơ
… Tóc đã hóa tro ôm người xa xứ
Cúi xuống đi em hôn những lời thề
Như con phố chiều nghiêng mình hôn bóng
Hôn dấu chân xưa đi mãi không về”
Lời chia sẻ trong Nói Với Người Tình Sau Cuộc Chiến
“Em thử cùng anh một ngày làm lính
Một ngày thôi em muốn chọn ngày nào
… Những người lính… tất cả còn rất trẻ
Đã ngủ yên vì… mơ ước thanh bình
… Em muốn nghĩ sao thì tùy em nghĩ
Anh vẫn thương đời lính hơn em”
Tuổi trẻ, quê hương bị đánh mất nên Một Ngày Của Ta còn lại với hình ảnh:
“Một ngày của ta trên tuổi hai mươi
Quê hương của ta khói lửa ngập trời
Cơm áo nhà binh ta vào cuộc chiến
Tìm lấy tự do bằng chính mạng người
… Một ngày của ta ở tuổi ba mươi
Ta mất quê hương… ta mất hết rồi
Bạn bè của ta có thằng tự sát
Bạn bè của ta có đứa ra khơi
Ta quảy thân tù từ Nam ra Bắc
Long Giao, Văn Bàn, Vĩnh Phú, Lào Cai
Ta gặp quê hương lưng tròng nước mắt
Thương xót cho ta thương xót mọi người”.
*
Tôi biết Song Ngọc vào dịp Hè năm 1971, khi tôi về lại quân trường học khóa 3 Trung Cấp CTCT, lúc đó khóa Căn Bản CTCT có Song Ngọc sắp mãn khóa. Anh theo học như đi “nghỉ mát” vì theo truyền thống của quân trường, khi mãn khóa đều tổ chức đêm văn nghệ. Với sở trường, anh đảm nhận công việc nầy nên có nhiều ca sĩ đóng góp. Và, ca khúc Tình Yêu Như Bóng Mây nổi tiếng là kỷ niệm với hình bóng nào đó:
“Rồi mai tôi sẽ xa Đà Lạt
Đồi núi buồn xin gởi lại cho anh
Và con đường mù sương giăng mắc
Hai đứa hôm nào lạnh buốt trong tình yêu
… Rồi mai tôi sẽ xa Đà Lạt
Thành phố chiều sương khói buồn riêng em
Còn bao điều sao anh không nói
Tôi cúi đầu từ giã Đà Lạt ơi!”
Khánh Ly cũng ở Đà Lạt nên có lẽ ca khúc nầy hợp với nội dung của nhạc phẩm.
Là nghệ sĩ khi còn trẻ, dĩ nhiên có bao bóng hồng thấp thoáng. Nhưng đâu đó như bóng mây chỉ còn lại với cuộc tình chung thủy.
Năm 1966, Song Ngọc lập gia đình với cô học trò vừa tròn 16 tuổi. Người bạn đời đã cùng anh đi suốt cuộc hành trình. Sắp đến thời điểm anh và con cái tổ chức Lễ Vàng (tròn nửa thế kỷ) để tri ân người vợ, người mẹ đã sống bên nhau thì năm 2015, anh bị ung thư phổi và thận ở giai đoạn 1 nên chỉ cắt đi, không chemo (hóa trị). Anh cho biết khi chẩn đoán bị căn bệnh hiểm nghèo nầy, nỗi đau, lo lắng của người vợ hiền còn hơn bản thân anh và anh cảm thấy tình yêu thủy chung cả hai đã dành cho nhau thật cao đẹp. Tôi không biết về cuộc tình, riêng tư của anh nhưng qua vài ca khúc nói lên tình nghĩa phủ phàng, ê chề “Tôi muốn quên đi loài người. Tôi ước mơ trong cuộc đời không có đàn bà” (Đàn Bà), nên đặt câu hỏi, và anh trả lời, nghệ sĩ cảm nhận tâm sự của người bạn ca sĩ nên sáng tác. Trong tuyển tập Đàn Bà & Những Tình Khúc Mới có ca khúc Đàn Ông “Ôi, đàn ông là loài tình cuồng si. Ôi, đàn ông là mật ngọt hiểm nguy. Ôi, đàn ông là hẹn thề rồi quên, là thỏa mộng rồi xa, là vỗ về, là trăng gió, phong ba?”. Tình đời, tình yêu, đàn bà, đàn ông có mặt trái, mặt phải… đó chỉ là khía cạnh của cuộc sống… nghệ sĩ cảm nhận phần nào đó trong thế thái nhân tình, ngang trái để sáng tác mà từ xưa đến nay bàng bạc trong thơ, văn.
Nhạc sĩ Phạm Duy (1921-2013) viết: “Song Ngọc đã thành công nhất với hai ca khúc nói về con người. Đó là bài hát về Đàn Ông, Đàn Bà. Đề tài muôn thuở nầy thì bất cứ một thi nhân hay một ca nhân nào ở trên cõi đời cùng đều muốn (và đã) nói tới nhưng chỉ có Song ngọc mới nói được đến tận cùng của hai cõi âm dương dù muôn đời đối lập nhau mà phải tìm đến nhau…”.
Viết về Hà Nội của thuở “ba mươi sáu phố phường, ngàn năm văn vật” qua các ca khúc thời tiền chiến vẫn tuyệt vời đã in sâu trong lòng người thưởng ngoạn. Song Ngọc của dòng An Giang đã sáng tác hai ca khúc nói về Hà Nội, ca khúc Nhớ Em Hà Nội:
“Một người con gái Hà Nội
Bên bờ Hồ Tây, se sắt tim buồn
Chiều vào thu, heo may hắt hiu
Mắt em lạnh đầy, mắt em lạnh đầy
… Hà Nội mùa thu, sương lam giăng mắc
Liễu buồn mong chờ, mù bóng thu sang
Trời đã vào thu, ai đi viễn khơi
Có nhớ thu xưa, nhớ em Hà Nội”.
Ca khúc nầy không được nổi tiếng bằng ca khúc Hà Nội Ngày Tháng Cũ khi sống ở hải ngoại, rất hay từ lời ca cùng giai điệu.
“Hà Nội ngày tháng cũ
Có bóng trăng thơ in trên mặt hồ
Hà Nội ngày tháng cũ
Có tiếng oanh ca bên bờ tường vi
… Mùa Thu ngày ấy ta bên nhau
Ai ra đi mà không nhớ về
Hồ Gươm mù tối gương xưa
Nhớ hàng Bạc, nhớ qua hàng Đào
Nhớ cơn mưa phùn chạy ngang thành phố
Bên em cùng đội mưa mà đi
Đội mưa mà đi… mà đi
… Hà Nội còn sống mãi
Chiếc ao xanh lam áo trắng nghiêng nghiêng mặt hồ
Chiếc lá cô đơn lang thang trôi trên vỉa hè
Giờ đâu xa vắng… mây chiều”.
Tôi mê ca khúc nầy, lần đầu với tiếng hát Sĩ Phú rồi đến nhiều ca sĩ khác, nghe không biết bao nhiêu lần nhưng vẫn thấy hay. Có lẽ giữa anh và tôi cảm nhận giống nhau nơi chốn xa lắc xa lơ nầy. Qua lời kể của bố vợ, năm 1973 ở Đà Lạt tôi viết bài Hà Nội, Giấc Mơ Mịt Mù để tặng đứa con trai đầu lòng nhớ về quê ngoại. Nhà thơ Tô Kiều Ngân cảm nhận và chọn những ca khúc viết về Hà Nội cho chương trình văn nghệ trên đài phát thanh Đà Lạt. Nếu lúc đó có ca khúc nầy thì hình ảnh xa xưa của “vang bóng một thời” mà Song Ngọc gợi nhớ “Hà Nội người có nhớ. Tháp Bút chơ vơ liễu xanh vật vờ. Hà Nội người có nhớ. Hương lan vương vương bên hồ Thuyền Quang…”. Với một thời đáng yêu qua ngòi bút Thạch Lam (Hà Nội Ba Mươi Sáu Phố Phường), Nguyễn Tuân (Vang Bóng Một Thời), Vũ Bằng (Thương Nhớ Mười Hai), với “Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm” (Quang Dũng), với Hoàng Anh Tuấn (Hà Nội yêu, anh vẫn yêu muốn khóc. Mấy chục năm, xa đến mấy nghìn năm… Hà Nội yêu, áo lụa ngà óng ả. Thoáng khăn san nũng nịu với heo may… Hà Nội yêu, đẹp Trưng Vương mái tóc. Chiếc kẹp nghiêng, ba lá nép vào nhung). Hà Nội cổ kính với thiên nhiên hữu tình của thời xa xưa rất nên thơ. Anh gợi lại ngày tháng cũ với niềm tiếc nhớ vì hình ảnh thơ mộng đó đã tan theo thời gian!
Với vài ca khúc trữ tình cũng đủ viết về nhạc sĩ Song Ngọc nhưng anh là người lính, lính viết cho nhau để nhớ lại một thời chinh chiến. Viết những dòng nầy để đánh dấu tròn 60 năm sự nghiệp sáng tác của Song Ngọc.
Vương Trùng Dương
Little Saigon, 8/2018
(Người Lính & Chiến Hữu Văn Nghệ)
Nguồn: https://www.baocalitoday.com/van-nghe/song-ngoc-dong-nhac-cua-mot-thoi-de-nho.html