Thanh Hà
10/8/2018
Từng được mệnh danh là “Claude de France”, nhạc sĩ Claude Debussy (1862-1918) là người mở đường cho trường phái âm nhạc hiện đại, mở ra một khung trời mới cho dòng jazz ở Châu Âu, là kho tàng vô tận cho rất nhiều thế hệ những tác giả soạn nhạc phim.
100 năm sau ngày tác giả của La Mer qua đời, công chúng vẫn chưa khám phá hết di sản đồ sộ mà Debussy để lại cho dù ông được mệnh danh là “hiện thân” của trường phái âm nhạc Pháp.
Cha đẻ của trường phái âm nhạc hiện đại
Claude Debussy sinh năm 1862, là một cậu học trò không mấy gương mẫu của Học Viện Âm Nhạc Paris. Bạn học của ông là nhà soạn nhạc Gabriel Pierné kể lại : “Claude thường đi học trễ, vô kỷ luật, vụng về, nhút nhát đến man dại”. Nhưng đến giờ học dương cầm thì Claude vượt lên trên những khuôn mẫu đã có, để tạo ra những âm điệu mới, một ngôn ngữ mới, một không gian mới cho âm nhạc, không phải vì đàn giỏi mà vì cách diễn đạt của Debussy rất “khác người”
Nhân ngày giỗ lần thứ 100 của Debussy, nghệ sĩ dương cầm người Ý, Vanesssa Benelli Mossell đưa ra nhận xét tương tự : ” Debussy đã tạo ra một thế giới âm thanh riêng biệt. Khác hẳn với những nhà soạn nhạc cùng thời, ông luôn tìm tòi những âm điệu mới, một âm ngữ mới. Dưới góc độ này, Debussy là một nhà cách mạng”.
Nhạc sĩ dương cầm người Pháp, Jean François Zygel nói rõ hơn : “Debussy đoạn tuyệt với dòng nhạc lãng mạn. Nhạc của ông khơi dậy những giác quan của con người. Debussy chú trọng đến cái cảm giác đem lại cho người nghe hơn là vào những cảm xúc. Thí dụ như trong tác phẩm La Mer – Biển Cả, ta cảm được những ngọn sóng đang đùa chơi, uyển chuyển và dịu dàng”
Thổi làn gió mới cho nghệ thuật sân khấu và opéra
Claude Debussy bước vào thế giới âm nhạc ở thời điểm thế giới như chỉ biết đến Wagner và Berlioz. Đấy là những nghệ sĩ bậc thầy Debussy rất kính phục. Claude Debussy đã học hỏi được rất nhiều từ tác giả của những vở opéra như Tristan et Isolde hay Les Troyens để rồi với mộtvở opéra duy nhất trong suốt sự nghiệp, Pelléas et Mélisande, Debussy thoát khỏi cái bóng của hai cây đại thụ ấy. Vở opéra duy nhất của Debussy được xem là viên gạch đầu tiên, đặt nền tảng cho thể loại ca nhạc kịch và nghệ thuật sân khấu.
Nhạc sĩ Jean François Zygel giải thích : “Debussy là người đi sau, chịu ảnh hưởng của những nhạc sĩ tài hoa như Wagner, hay Berlioz nhưng ông đã giữ khoảng cách với di sản đó. Thí dự như khi soạn Pelléas et Mélisande, sau một tuần lễ bắt tay vào việc, ông đã vất toàn bộ những gì đã viết để làm lại từ đầu. Debussy thổi một làn gió mới vào thể loại opéra, nơi mà ở đó, dàn nhạc là nhân vật chính. Trong cách nhả chữ, ngắt câu của các nghệ sĩ không còn ngân dài hay phải lấy hơi như trong những vở opéra cổ điển của Ý. Với ông, opéra gần như là một vở kịch và những ai yêu nghệ thuật sân khấu kịch thì đều bị Pelléas et Mélisande làm mê hoặc”.
Âm nhạc của trường phái ấn tượng
Debussy là người mở đường, đưa nghệ thuật sân khấu đến gần với công chúng một cách rộng rãi nhất. Nhưng nhạc của Debussy không thuộc dòng âm nhạc dễ dãi, cả với dàn nhạc lẫn người nghe.
Nhạc sĩ dương cầm Jean François Zygel so sánh nhạc của Debussy với trường phái hội họa ấn tượng : “Trong những bức tranh cổ điển, có một chủ đề chính. Đấy có thể là một người đàn bà, một lọ cắm hoa … và chung quanh là phong cảnh, thiên nhiên … làm nền. Với các họa sĩ thuộc trường phái ấn tượng thì cái nền lại trở thành tâm điểm của bức tranh, chẳng hạn như cảnh mặt trời lặn, những ngọn sóng bạc đầu …. Âm nhạc của Debussy cũng vậy : Mélodie trong những tác phẩm của Claude Debussy chỉ là nền”.
Trong nhạc phẩm Prélude à l’après midi d’un faune, lấy nguồn cảm hứng từ một bài thơ của Stéphane Mallarmé, Debussy dùng tiếng sáo, những cung thanh thánh thót từ chiếc đàn harpe rồi cả bộ gõ để tạo nên cảnh núi rừng kỳ diệu, với suối trong, nước mát nơi thời gian như đọng lại vào một buổi chiều nắng nóng. Thần điền dã, mặt và thân người, đầu có đôi sừng và bốn chân như loài dê, vừa thức giấc, kín đáo ngắm nhìn những nàng thủy tiên vui đùa dưới ánh nắng mặt trời…
Claude de France
Có nhiều lý do khiến Debussy ngay từ lúc sinh thời đã được mệnh danh là “Claude de France” : thứ nhất tựa như Prélude à l’après midi d’un faune, một tác phẩm đã được gắn liền với một bài thơ rất nổi tiếng của thi sĩ Mallarmé, Debussy cũng đã phổ nhạc cho những bài thơ ông yêu thích nhất của Paul Verlaine hay Charles Baudelaire.
Lý do thứ hai khiến Claude Debussy được xưng tụng là hiện thân của nền âm nhạc Pháp bởi ông đã miệt mài đi tìm những âm điệu “nhẹ nhàng, lả lướt mà thanh tao, trong sáng và đơn giản, tự nhiên và hài hòa”.
Trong hành trình khai mở những con đường mới ấy, thì Debussy đã trở về với cội nguồn, mở lại những trang sách nhạc đẹp nhất đậm dấu ấn của những Jean Philippe Rameau (1683-1764) hay của François Couperin (1668-1733). Nhưng mở lại những trang sử đẹp nhất của nền âm nhạc Pháp đã không ngăn cản Claude Debussy du nhập từ âm thanh đến nhịp điệu và cả những nhạc cụ của những vùng đất xa xôi.
Âm nhạc và giấc mơ hải hà
Suite Bergamasque mượn lại một điệu múa của Ý. Âm hưởng nóng bỏng của Tây Ban Nha, hay ngũ cung của dòng nhạc đông phương, thường phảng phất trong những sáng tác của Debussy.
Trống gamelan của Nam Dương và cả một số nhạc cụ cổ truyền cung đình Huế mà Debussy khám phá ở triển làm toàn cầu năm 1889 đã làm mê hoặc “Claude de France”.
Trong mắt nhạc trưởng Daniel Barenbhoim, một trong những tên tuổi uy tín nhất trên thế giới hiện nay, mỗi tác phẩm của Claude Debussy là một cuộc viễn du đầy thi vị, mà ở đó ta cảm nhận được từng giọt sương nhẹ ban mai, từng làn gió thoảng trong hoàng hôn, từ hơi thở của đại dương cho đến lời thì thầm của gió …
Thanh Hà
Nguồn: http://vi.rfi.fr/phap/20180810-claude-debussy-hien-than-cua-nghe-thuat-am-nhac-phap