Khương Duy
28/7/2018
Sau khi thưởng thức xong chương trình nhạc Nguyễn Văn Đông, điều sâu sắc nhất tôi cảm nhận được ở người nhạc sĩ này là sự tài hoa. Nét nhạc của ông đã sáng tạo mà lời nhạc lại càng trau chuốt. Chúng ta đều biết rằng các nhạc sĩ miền trước 1975 thường đặt lời nhạc rất nên thơ, dù bình dị nhưng sang trọng. Thế nhưng, giữa khu vườn trăm hoa đó, ca từ trong các tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông vẫn mang một một vẻ đẹp thật nổi bật. Lời nhạc của ông mang một vẻ thâm trầm, phảng phất một nét u tịch, nghiêm trang. Đặc điểm đó có lẽ bắt nguồn từ việc ông thường sử dụng ý thơ cổ và điển tích, điển cố khi đặt lời cho các nhạc phẩm.
Trong bài viết này, để dễ theo dõi, tôi xin trình bày theo thứ tự của các ca khúc trong chương trình. Trong việc liệt kê, hẳn sẽ còn thiếu sót, mong được các “cao nhân” bổ túc.
1. Chiều Mưa Biên Giới
Ca khúc này dùng khá nhiều hình ảnh ước lệ và từ cổ như “giang đầu”, “sa trường”… nhưng dấu ấn thơ xưa nổi bật nhất trong câu:
“Vầng trăng xẻ đôi, vẫn in hình bóng một người”
Hình ảnh vầng trăng xẻ đôi, tượng trưng cho sự chia ly, có lẽ được nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông dựa theo hai câu thơ nổi tiếng trong Truyện Kiều của Nguyễn Du tả cảnh Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều:
“Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường”
Bên cạnh đó, ta cũng cần chú ý tới câu:
“Lòng trần còn tơ vương khanh tướng…”
Đây là một trong những câu hay nhất trong nhạc phẩm này, song nó cũng khiến không ít người cảm thấy khó hiểu. “Công, hầu, khanh, tướng” là bốn tước vị, chức vụ cao trong triều đình phong kiến xưa. [Cũng nói thêm, ta còn có “tứ dân” (sĩ, nông, công thương) và “tứ nghề” (ngư, tiều, canh, mục). Có người xếp mười hai loại nghề nghiệp, địa vị này lại để hình thành “12 bến nước”, ngụ ý nói người con gái lấy chồng có thể may mắn được hưởng sang giàu, nhưng cũng có thể rơi vào cảnh bần hàn.]
Trong ca khúc này, sau khi nói lên nỗi vất vả, đơn độc, chất đầy nhớ nhung của người lính nơi biên cương, ông đã kết lại bằng nhận xét: nếu lòng còn mong tới chuyện danh vọng, mong trở thành khanh tướng thì người lính còn phải nhọc nhằn, chịu đựng “mưa bay gió cuốn” nhiều.
2. Anh (Anh Nhớ Gì Không Anh)
Trước chương trình này tôi chưa từng biết ca khúc này, nhưng ngay từ lần đầu tiên nghe, tôi đã rất tâm đắc. Trong ca khúc này, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông sử dụng cả ý thơ cổ và điển cố văn học, rất hay và cũng rất khó hiểu. Trước hết là câu:
“Trên bốn ngàn năm qua, dải sơn hà đôi phen thạch mã”
“Thạch mã”, nghĩa đen là con ngựa đá. Để hiểu câu này cần nhớ lại đời vua Nhân Tông, sau khi hai lần đánh thắng quân Nguyên-Mông, vua Trần Nhân Tông cùng quần thần tới bái tế tại Lăng vua Trần Thái Tông. Nhìn con ngựa đá nơi cửa lăng lấm bùn, ông xúc cảm làm bài thơ:
“Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu
(Xã tắc hai phen chồn ngựa đá
Non sông nghìn thuở vững âu vàng)
Như vậy, nhắc tới “đôi phen thạch mã”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã khéo léo dùng ý thơ của vua Trần, nhắc lại lịch sử binh đao giữ nước của dân tộc.
Ngoài ra, nhạc sĩ còn viết: “Chim Bắc cành Phương Nam, há chi người ơn nghĩa thâm sâu”. Để hiểu được câu này thực sự không dễ; thơ xưa có câu:
“Hồ mã tê Bắc phong
Việt điểu sào Nam chi”
(Ngựa Hồ gầm gió Bắc
Chim Việt đậu cành Nam)
Sách xưa có chép: Nước Hồ đem ngựa cống vua Hán, ngựa được nhốt vào chuồng cho ăn uống thật ngon nhưng khi gió bấc thổi đến thì ngựa lại bỏ cả ăn uống, ngóng về phương bắc hí vang lên những tiếng bi thảm. Nước Việt cống chim trĩ cho Chu Vương, tuy đã sang phương Bắc nhưng khi ngủ đều chọn cành quay đầu về hướng Nam. Cũng có sách giải thích rằng: Chim Việt là loài chim sinh ở đất Việt, thuộc phía nam. Mỗi năm cứ đến buổi đầu thu, từng đàn chim Việt bay sang phương Bắc để kiếm ăn. Tuy sang phương Bắc nhưng đàn chim Việt vẫn nhớ quê hương. Muốn làm tổ, chúng chọn cành cây chĩa về phương Nam.
Dù hiểu thế nào, “ngựa Hồ, chim Việt” cũng mang ý nghĩa nhắc nhở về mối ân tình với quê hương, bản quán. Ta hãy đọc cả hai câu mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông viết:
“Vui sướng gì đâu anh, chốn quê người vui riêng hạnh phúc
Chim Bắc cành phương Nam, há chi người ơn nghĩa thâm sâu”
Có lẽ ông muốn nói rằng đến loài chim còn biết nhớ về cố hương, thì con người trọng ân nghĩa hẳn còn phải hơn thế. Bởi vậy, sống ở xứ người vun vén hạnh phúc riêng thì có vui sướng gì? Tâm sự này một lần nữa cũng được ông bày tỏ trong Hải Ngoại Thương Ca, đúng như nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn đã giải thích trong chương trình.
Tóm lại, ca khúc Anh đã gợi lại quá khứ chinh chiến đau thương nhưng hào hùng của dân tộc, từ đó kêu gọi những người Việt hãy “chung lo bản dư đồ ông cha nhọc khó”, ý nói cùng chung tay gìn giữ đất nước (“dư đồ” nghĩa đen là tấm bản đồ, nghĩa bóng là cương thổ, non sông).
3. Bóng Nhỏ Giáo Đường và Thương Về Mùa Đông Biên Giới
Trong Bóng Nhỏ Giáo Đường, nhạc sĩ viết “Từng hồi chuông tha thiết bi ai vang trong mùa quan tái”. Ở đây, có lẽ ông đã lấy từ “quan tái” (chỉ nơi quan ải, biên cương xa xôi) trong Truyện Kiều:
“Chạnh niềm nhớ cảnh giang hồ
Một màu quan tái, bốn mùa gió trăng”
Tương tự như vậy, trong nhạc phẩm Thương Về Mùa Đông Biên Giới, nhạc sĩ viết:
“Nghe gió Đông sang, nhớ người ngàn dặm quan san”
Chữ “quan san” nghĩa là nơi cửa ải, núi non; thường dùng để chỉ đường sá cách trở. Trong Truyện Kiều cũng có câu:
“Người lên ngựa, kẻ chia bào,
Rừng phong, thu đã nhuốm màu quan san”
4. Mấy Dặm Sơn Khê và Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp
Hai tuyệt phẩm này quá nhiều lời hay ý đẹp, nên dùng lời ca ngợi nào cũng thừa. Đặc biệt, trong Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp có sử dụng điển tích tráng sĩ Kinh Kha ám sát bất thành bạo chúa Tần Thủy Hoàng:
“Nhìn em muốn nói chuyện người Kinh Kha”
“Chuyện người Kinh Kha” ngụ ý việc trọng đại nhưng hiểm nguy, không rõ sống chết. Chính vì thế, trước khi lên đường, chàng trai không nỡ nói về điều ấy, bởi anh “sợ khơi nước mắt nhạt nhòa môi em”.
Liên quan tới tích truyện này, tương truyền khi lên đường, tại bờ sông Dịch, Kinh Kha đã ứng tác hai câu thơ:
Phong tiêu tiêu hề, Dịch thuỷ hàn
Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục phản
(Gió đìu hiu sông Dịch lạnh lùng ghê
Tráng sĩ một đi không trở về)
Ý “một đi không trở về” của điển tích này từ đó đã trở thành kinh điển trong văn chương. Có lẽ cũng do đây mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông viết trong Mấy Dặm Sơn Khê rằng: “Mấy ai ra đi hẹn về dệt nốt tơ duyên”.
5. Dạ Sầu
Đây cũng là ca khúc tôi chưa từng biết trước đây, song chỉ nghe một lần là xúc động sâu sắc. Phải nói rằng đây là một bản nhạc tình thuộc hàng tuyệt tác của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, từ lời ca đến nét nhạc đều đẹp và buồn. Trong ca khúc Dạ Sầu, ta thấy thấp thoáng bóng dáng thơ cổ trong câu:
“Những chiều xa vắng trong cô liêu,
Xếp tàn y giữ hương yêu”
Hình ảnh xếp lại manh áo cũ để giữ gìn mùi hương của người yêu có lẽ được lấy từ ý bài “Khóc Bằng Phi” (tương truyền là thơ của vua Tự Đức, nhưng cũng có sách cho rằng tác giả là Nguyễn Gia Thiều):
“Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi”
Ngoài ra câu “Biết rằng bình vỡ nên trâm rơi” trong Dạ Sầu có lẽ cũng dựa theo ý thơ Truyện Kiều. Trong Truyện Kiều, hai lần Nguyễn Du dùng hình ảnh ước lệ này. Lần thứ nhất nói, ông dùng “trâm gãy bình rơi” để nói về cái chết của Đạm Tiên, khi có người khách phương xa tìm đến thì nàng đã chết:
“Thuyền tình vừa ghé đến nơi
Thì đà trâm gãy bình rơi bao giờ”
Lần thứ hai, ông dùng hình ảnh “trâm gãy bình tan” ở đoạn Thúy Kiều trao duyên lại cho Thúy Vân để tượng trưng cho mối tình đổ vỡ, dang dở:
“Bây giờ trâm gãy bình tan
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân”
6. Đom Đóm
Trong ca khúc này, nhạc sĩ viết:
“Dòng thời gian xuôi mãi cuộc vui xưa kết nên tình hương lửa ba sinh”
“Hương lửa ba sinh” là một điển cố văn học nổi tiếng. Học giả Đào Duy Anh giải thích: có người mộng thấy một vị lão tăng, trước mặt có tia khói rất nhỏ. Vị lão tăng nói rằng: “Đó là khói hương của một người đàn việt kết nguyện, người đàn việt đã trải qua ba kiếp mà hương vẫn còn”. “Hương lửa ba sinh” ngụ ý lời thề, lời nguyền có ứng nghiệm đến ba kiếp.
Một lần nữa có thể thấy Truyện Kiều đã ảnh hưởng sâu sắc tới nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông bởi trong kiệt tác này, Nguyễn Du viết:
“Dạy rằng hương lửa ba sinh
Dây loan xin nối cầm lành cho ai?”
Để kết lại, xin được nhận định rằng Nguyễn Văn Đông là trường hợp hiếm hoi của nền tân nhạc Việt Nam, ông đã đưa những ý thơ cổ, điển tích, điển cố vào trong nhạc của mình một cách tài tình chứ không gượng ép, từ đó hình thành nên một phong cách âm nhạc riêng. Người nhạc sĩ tài hoa đã ra đi nhưng những tác phẩm của ông sẽ còn lại mãi với hậu thế.
Khương Duy
Nguồn: Trang FB Yêu tiếng hát Hoàng Oanh