Trầm Tử Thiêng và ca khúc “Chuyện một chiếc cầu đã gẫy”

Du Tử Lê
23/9/2015

Nhìn lại toàn cảnh 20 năm văn học, nghệ thuật miền Nam, người ta thấy rằng, nó không chỉ được đánh dấu bằng sự xuất hiện của những tạp chí văn học khởi nguồn vào khoảng giữa thập niên 1950. Nó còn được ghi dấu bằng nhiều chính sách đãi ngộ văn nghệ sĩ của chính quyền thời đệ nhất Cộng Hòa nữa.

Một trong những chính sách đãi ngộ văn nghệ sĩ đó, là quyết định của chính phủ cho phép một số văn nghệ sĩ gia nhập hàng ngũ quân đội, được đồng hóa một cấp bậc nào đó, tùy theo bằng cấp hoặc tên tuổi của họ.

Tới giờ, nhiều người vẫn còn nhớ, các nhà văn như Đỗ Tốn (tác giả Hoa Vông Vang,) Nguyễn Mạnh Côn, Thanh Nam… Hay các nhạc sĩ như Ngọc Bích, Anh Bằng, Đan Thọ, Nhật Bằng v.v…khi gia nhập quân đội, họ đã được đồng hóa nhiều cấp bậc khác nhau…

Tất cả những văn nghệ sĩ này đều phục vụ tại Nha Chiến Tranh Tâm Lý, thuộc bộ Quốc Phòng, tiền thân của Cục Tâm Lý Chiến sau này.

Khi Nha Chiến Tranh Tâm Lý trở thành Cục Tâm Lý Chiến, cơ quan này không còn trực thuộc Bộ Quốc Phòng, mà nằm trong hệ thống Tổng cục Chiến Tranh Chính Trị, trực thuộc Bộ Tổng Tham Mưu QL/VNCH.

Ở Nha Chiến Tranh Tâm Lý, các văn nghệ sĩ được điều động về một trong hai nơi, Đài phát thanh Quân Đội, hoặc Nguyệt San Chỉ Đạo.

Nguyệt San Chỉ Đạo ban đầu do nhà văn Nguyễn Mạnh Côn trông nom.

Chính nguyệt san này, bằng vào vai trò chủ bút của mình, nhà văn Nguyễn Mạnh Côn đã đăng truyện ngắn đầu tay của nhà văn Duyên Anh, truyện ngắn “Con sáo của em tôi,” trước khi tác giả này nổi tiếng.

Cũng từ nguyệt san Chỉ Đạo (với thời gian được đổi tên nhiều lần như Phụng Sự, Tiền Phong…) đã là diễn đàn giới thiệu tác phẩm của các nhà thơ như Phan Lạc Tuyên, Mạc Ly Châu, Tường Linh…

Riêng nhà văn Thanh Nam được đưa về đài phát thanh Quân Đội, làm biên tập viên cho đài này.

Cùng với nhạc sĩ Ngọc Bích, nhà văn Thanh Nam là đồng tác giả ca khúc “Suy tôn Ngô Tổng Thống” (Thanh Nam phụ trách phần viết lời.)

Hai ông được Tổng Thống khen ngợi và hỏi có muốn xin Tổng Thống điều gì chăng?

Nhạc sĩ Ngọc Bích, từ cấp bậc Trung sĩ, xin được thăng Thượng sĩ. Nhà văn Thanh Nam xin được chính thức giải ngũ, trở lại đời sống dân sự với nghề viết báo.

Chính sách ưu đãi văn nghệ sĩ bằng cách cho đồng hóa một cấp bậc nào đó, khi tham gia quân đội, chấm dứt vào khoảng cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960.

Lý do, khi ấy chương trình quân dịch, động viên, bắt lính ở miền Nam được thi hành chặt chẽ. Hầu hết các văn nghệ sĩ, lần lượt bị gọi nhập ngũ.

Tiếp tục truyền thống ưu đãi văn nghệ sĩ, những nhân vật đứng đầu Cục Tâm Lý Chiến sau này, như các đại tá Vũ Quang, Cao Tiêu cũng đã xin nhiều văn nghệ sĩ về phục vụ đơn vị của mình, ngay khi họ vừa tốt nghiệp ở các quân trường.

Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng nằm trong số những văn nghệ sĩ được tuyển dụng về phục vụ Cục Tâm Lý Chiến, năm 1966, phòng Văn Nghệ – – Mặc dù ông không hề quen biết, hay chạy chọt vận động như một số trường hợp khác.

Tính khí hay bản chất của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng cũng được ghi nhận là một trong những trường hợp ngoại lệ.

Tính theo đa số thì bản chất văn nghệ sĩ thường là những người có cái “tôi” lớn hơn bình thường. Vì vậy, họ ưa chống đối, bất phục tùng, nói nhiều (thường là nói về mình) và khi hứng lên, họ bất cần đời.

Không biết có phải vì có một thời gian dài là một giáo viên (ông tốt nghiệp trường Sư Phạm Cấp Tốc Saigòn năm 1958,) hay bản chất tự trọng, không muốn ai nói năng, rầy rà mình hay không(?) – – Mà, suốt thời gian trong quân đội, tùng sự tại phòng Văn Nghệ cùng với nhiều văn nghệ sĩ khác, như các nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, Phạm Minh Cảnh, Anh Việt Thu, nhà thơ Phạm Lê Phan…Trầm Tử Thiêng luôn lặng lẽ làm tròn bổn phận của mình.

Thời gian này, ông cũng giới hạn sự giao du, đàn đúm với những nghệ sĩ cùng phòng.

Những khi ra khỏi cổng trại Cục Tâm Tâm Lý Chiến, người ta cũng ít thấy ông la cà tại một số địa điểm tập trung nhiều ca nhạc sĩ, như các nhà hàng Thanh Thế, Kim Sơn, hoặc Kim Hoa…

Thời gian phục vụ quân đội của Trầm Tử Thiêng tương đối ngắn, khoảng hơn 4 năm. Nhưng ông cũng đã để lại cho đồng đội, những người lính, và những người yếu quý nhạc ông, một số ca khúc đáng kể.

Tiêu biểu nhất cho giai đoạn này, của sự nghiệp âm nhạc Trầm Tử Thiếng, là ca khúc “Chuyện một cây cầu đã gẫy”.

Trước biến cố kinh hoàng, được biết dưới tên đơn giản là “Tết Mậu Thân Huế, 1968”, một thành phố tựa mối tình đầu của ông, đồng thời cũng là nơi tiếp giáp quê hương Quảng Nam của mình; Trầm Tử Thiêng đã sáng tác ca khúc “Chuyện một chiếc cầu đã gẫy”.

Một ca khúc ra đời từ hơn 40 chục năm trước, nay nghe lại người thưởng ngoạn vẫn còn cảm thấy bùi ngùi. Ngay cả khi người nghe không có một chút ấn tượng, hiểu biết gì về biến cố ghê rợn ấy. 

Có dễ vì âm điệu của ca khúc được xây trên nền của các câu hò, hoặc dân ca Huế, như Nam Bình, Nam Ai… thích hợp với nội dung, khí hậu của bản nhạc(?)

Đã thế, ông còn “vẽ” lại một cách lớp lang, thứ tự như một truyện ngắn cảm động bằng âm nhạc, nên dù ai nghe, cũng khó cầm lòng!

Ca khúc mở đầu bằng sự nhớ lại những ngày đầu tiên, khi chiếc cầu được xây dựng:

“Một ngày vào thuở xa xưa trên đất Thần Kinh – Người bỏ công lao xây chiếc cầu xinh – Cầu đưa lối cho dân nối liền cuộc đời – Khắp cố đô dân lành vui ca thành điệu Nam Bình – Niềm vui bao lâu ước mơ giờ trên xứ thơ cầu nối liền bờ – Thoả lòng người dân hằng chờ có ngày hẹn hò tình đẹp như mơ.

Rồi trải qua hàng trăm năm với mưa, nắng, buồn, vui, những cuộc đời thơ mộng, trưởng thành, qua đi, để bao thế hệ tiếp nối lại được mùa hẹn hò, được sống như thi ca trước sự chứng kiến của chiếc cầu nối liền hai đầu tử, sinh đó.

Trong tác phẩm của Trầm Tử Thiêng, chiếc cầu không còn là một kiến trúc, một vật thể làm phương tiện nối liền đôi bờ một con sông mà, nó còn là chứng nhân tình cảm, trung tín nhất của những người ra đi, gầy dựng tương lai, nhưng vẫn không quên lời nguyện thầm, trở về:

“Từng đoàn người dệt tương lai đi nắng về trưa – Dập dìu trong tay chan chứa tình thương – Cầu êm bóng xa xa nắng tre rập đường – Áo trắng về trắng cầu quê hương – mỗi lần chiều tan trường – Cầu quen đưa bao chuyến xe – Nhiều khi vẫn nghe buồn vui tràn trề – Âm thầm người đi, người về, trót ghi lời thề ngoài miền sơn khê – –

“Ngày nào cầu đã đưa anh qua phố tìm em – Cầu đã đưa ta sang chỗ hẹn nhau – Cầu tha thiết khuyên anh giữ trọn tình đầu – Nước dưới cầu trong veo – Như cuộc tình duyên nghèo…”

Thế rồi, bất ngờ, thảm họa xẩy ra:

“Tình người về giữa đêm xuân chưa dứt cuộc vui – Giặc đã qua đây gây cảnh nổi trôi – Cầu thân ái đêm nay gẫy một nhịp rồi – Nón lá sầu khóc điệu Nam Ai tiếc thương lời vắn dài…” 

Nhân nhắc tới ca khúc “Chuyện một chiếc cầu đã gẫy” của cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, tôi nghĩ có dễ ít người biết cách đây nhiều chục năm, khi được nhạc sĩ Anh Bằng đồng ý cho hát thử trong băng nhạc Dạ Lan (tiền thân của trung tâm băng nhạc Asia,) Nhựt Thanh khi ấy còn rất trẻ, đã chọn ca khúc đó để quyết định vận mệnh đời ca hát của mình…

Kết quả, một sớm một chiều, tiếng hát Trường Thanh (tức Nhựt Thanh) được nhiều thính giả đón nhận.

Thời gian đó, Trường Thanh không chỉ là một tiếng hát ăn khách, mà anh còn tạo lấy cho mình một trung tâm băng nhạc riêng: Trung Tâm băng nhạc Trường Thanh nữa. 

Du Tử Lê

Nguồn: https://dutule.com/a415/tram-tu-thieng-va-ca-khuc-chuyen-mot-chiec-cau-da-gay-

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây