Tặng ‘bông’ cho ca sĩ tài tử có từ lúc nào

Ngành Mai
11/7/2018

Tặng ‘bông’ cho ca sĩ tài tử có từ lúc nào
Tại địa điểm sinh hoạt đờn ca tài tử ở Tua 2 ố Ngã Ba Vịnh, Tây Ninh. Một nữ khán giả vừa tặng bông (không có gắn tiền) cho đôi nam nữ tài tử, và cùng chụp hình lưu niệm. (Hình của Ngành Mai)

Một khán giả đi xem đờn ca tài tử tổ chức vào chiều Thứ Năm hàng tuần tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, thấy hình ảnh tặng bông có gắn tiền cho ca sĩ tài tử đã thắc mắc rằng, tặng bông có từ lúc nào mà trước đây ông chẳng hề thấy? Tặng bông có ý nghĩa gì, sao lại gắn tiền trong đó?


Ông khán giả này thắc mắc cũng phải, bởi những ai từng tham gia, hoặc có mặt trong các buổi đờn ca tài tử từ thời thập niên 1960 trở về trước thì không thấy có cảnh tặng bông. Ngay cả tôi cũng là dân tài tử từng đi ca hát nhiều nơi, nhưng trước 1975 đã không thấy vấn đề được coi như tế nhị này, bởi tặng bông bây giờ không có nghĩa là ca hay.

Sự việc trên tôi có hỏi vài khán giả sành điệu, am tường về hoạt động đờn ca tài tử qua các thời kỳ thì được nghe trả lời rằng, mấy lúc sau này trong số ca sĩ tài tử lên ca đã có một số người vốn là nghệ sĩ thất nghiệp đến tham gia cho đỡ nhớ nghề. Những người này rất muốn được cho tiền như lúc còn đi hát, và bà con mộ điệu cũng sẵn lòng, nhưng nếu như cầm tiền cho thì rất khó coi, thành thử ra họ nghĩ ra cách gắn tiền vào cây bông tặng cho lịch sự vậy.

Thấy thế các quán đờn ca tài tử mới bày ra tặng bông để chia tiền với ca sĩ tài tử, thường là chia đôi, riết rồi thành thông lệ hễ tặng bông là có tiền trong đó. Tặng bông khác với tặng hoa, bởi tặng hoa thì phải một bó, mà là hoa tươi, chứ không phải một cành hoa giả.

Vấn đề tặng bông có gắn tiền này đã hạn chế nét tự nhiên của đờn ca tài tử, mất đi bản chất của người tài tử là “tri kỷ tri âm.” Vì nếu tặng bông cho người này, mà người kia không được tặng thì ca sĩ đó sẽ mặc cảm, nghĩ rằng mình thua kém người ta, và sẽ vắng mặt trong những buổi đờn ca tài tử kế tiếp, khiến cho quán thưa dần. Đây là nguyên nhân đưa đến nhiều quán dẹp tiệm. Hiện nay ở trong nước quán đờn ca tài tử mộc lên nhiều mà dẹp tiệm cũng không ít.

Thế nhưng, cái gì cũng có sự khác biệt, bởi có những nơi dân tài tử không đặt nặng việc tặng bông có gắn tiền. Ở Tây Ninh chủ quán để một mớ bông (bông giả) trên bàn gần nơi ca sĩ đứng ca, và khán giả hoặc ca sĩ bạn lên lấy bông tặng mà không có gắn tiền. Do đó mà khi lên ca đã được rất nhiều người tặng bông, có người sau khi ca xong ôm cả bó bông xuống để lại chỗ cũ. Hết người này đến người khác ai ai cũng đều được tặng nhánh bông đã được tặng rồi. Có lẽ nhờ tổ chức tặng bông không có kẹp tiền, coi như ai cũng như ai, nên ở Tây Ninh bà con mộ điệu đến rất đông. Hiện giờ ở Tây Ninh nếu tính chung hết các huyện các xã thì có đến cả trăm địa điểm đờn ca tài tử, mỗi tuần tổ chức 3 đêm, có những nơi tổ chức thêm Chủ Nhật và luôn cả ban ngày. Ở đây dân tài tử và người mộ điệu chỉ trả tiền chai nước ngọt của mình uống với giá chỉ đắt hơn bên ngoài chút ít.

Các nhạc sĩ tài tử bây giờ thường lãnh thêm “đờn đám ma,” dẫn theo vài ca sĩ, và tang chủ trả tiền cho ban nhạc tài tử này. Có những đám ma kéo dài đến mấy ngày, bao nhiêu ca sĩ cũng không đủ, nên mới có hiện tượng nam nữ ca sĩ tài tử bên ngoài tham gia. Các ca sĩ tài tử này ngày đi làm, tối đến thì đi ca kiếm thêm “thu nhập” bằng cách chạy Honda rảo khắp nơi, nghe chỗ nào có tiếng kèn tiếng trống thì nhào vô chớ chẳng ai mời, rồi cũng được lên ca. Khán giả tức người đi đám mà nghe ca hay cũng cầm bông kẹp tiền lên tặng, và tiền ở đám ma này ca sĩ hưởng trọn chớ không chia chác với ai hết.

Riêng ở hải ngoại thì việc tặng bông có khác, người ca sĩ được tặng bông cũng có gắn tiền, nhưng lấy tiền bỏ vào thùng quỹ của ban tổ chức góp phần trang trải chi phí để duy trì sự sinh hoạt hàng tuần. Đây là hình thức tặng bông đầy ý nghĩa, mà người tặng, người ca ai cũng vui vẻ.

Ngoài ra ở miền Tây mà khi xưa gọi là Nam Kỳ Lục Tỉnh, nơi mà đâu đâu cũng có đờn ca tài tử từng nhóm, từng nhóm lớn nhỏ, các địa điểm sinh hoạt mọc tràn lan. Nghe nói nhiều chỗ ở tận vùng xa nông thôn cũng bắt chước tặng bông, nhưng không phải đi mua bông giả ở đâu xa, bởi đã có sẵn những cành hoa dại mọc ở ven sông rạch, chỉ cần bơi xuồng đi bẻ một lúc thì đã có đầy một giỏ bông tươi tha hồ mà tặng.

Trên đây là những nét đặc trưng của đờn ca tài tử, chúng tôi ghi lại và nêu lên, dành sự nhận định phê phán cho người mộ điệu, cho độc giả bốn phương. Tóm lại việc tặng bông cho đờn ca tài tử xuất hiện từ sau 1975, chứ trước đó cả mấy thập niên đã không có vấn đề này.

Ngành Mai

Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/giai-tri/tang-bong-cho-ca-si-tai-tu-co-tu-luc-nao/

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây