Tuổi Nhỏ, Những Cây Đàn Và Đà Lạt

Lê Uyên Phương
1985

Nhạc sĩ Lê Uyên Phương (Lê Văn Lộc) từ trần tại bệnh viện UC Irvine, California hôm 29-6-1999, hưởng dương 59 tuổi.


Nhạc sĩ Lê Uyên Phương (1941-1999)

Vài năm trước biến động mùa thu 1945, Đà Lạt vẫn còn là một vùng đồi núi hoang vu, người ta bắt đầu mở ra những con đường xuyên qua các vùng cảnh trí rất xinh đẹp và cho xây hàng loạt những biệt thự dọc theo những con đường xuyên qua các vùng cảnh trí rất xinh đẹp đó.

Gia đình chúng tôi lúc bấy giờ sinh sống nhờ vào một cửa hàng ăn nấu cơm tháng cho những công chức lục lộ, những thầy thông, thầy phán, những ông cai chánh làm công việc mở đường đó.


Nhà hàng ăn được dựng lên giữa một vùng đồi núi bao la, nhìn xuống một thung lũng đầy mai vàng, mỗi độ xuân về, những cánh hoa mai nở rộ phủ kín cả một vùng đất rộng, từ trên cao nhìn xuống, đôi lúc ta có cảm tưởng như đi lạc vào thế giới thần tiên mà bà ngoại tôi đã đôi lần kể cho nghe để ru chúng tôi vào giấc ngủ.

Hàng ngày, khi mặt trời đã lên cao và những đám sương mù đã đột ngột biến mất trên những ngọn thông xanh, mấy chị em chúng tôi dẫn nhau vào rừng để nhặt những trái thông khô nhét đầy vào chiếc bao lớn đem về để ba má tôi đốt lò nấu cơm tháng và chẻ những khúc ngọn thật nhiều dầu để đêm về đốt lên thay đèn. Vì dầu phụng lúc bấy giờ rất hiếm và đắt chỉ dám dùng để nấu ăn thôi. Những cây khô đó lại quá nhiều khói, cho nên ba má tôi chỉ đốt lên khi nào thật cần thiết và gia đình chúng tôi sau một ngày làm việc cực nhọc thường quây quần bên nhau trước hiên nhà, nhất là những đêm trăng sáng.

Bấy giờ là lúc bà chị cả tôi trang trọng mở một chiếc bao màu xanh dương và lấy cây đàn mandoline của chị ra, những chấm tròn nhỏ viền chung quanh chiếc thùng đàn hình trái tim, mặt đàn màu vàng nâu với những hình kỷ hà chạm trổ trên đó, tất cả đối với tôi là một cái gì hết sức thần thánh, thiêng liêng – những hình kỷ hà chạm trổ và những âm thanh trong trẻo của cây đàn trong ý nghĩ của tôi bấy giờ đã là những biểu hiện hoàn toàn nhất cái mà người ta gọi là nghệ thuật.

Chị tôi bắt đầu những bài hát của một người nhạc sĩ rất được ưa thích lúc bấy giờ – nhạc sĩ Lê Xuân Ái- về sau này cho đến khi tôi lớn lên, tôi đã không bao giờ còn nghe ai nhắc đến tên người nhạc sĩ này nữa, nhưng lúc bấy giờ những bài hát của anh đã là nguồn hạnh phúc rạt rào nhất cho tất cả mọi người chúng tôi.

Giữa cái lạnh thấu tim của Đà Lạt và cái im lặng thiêng liêng của núi rừng, tiếng hát trong vắt của chị tôi đưa chúng tôi đến cái thế giới hết sức tinh khôi của xúc cảm, có lúc chúng tôi sống với tâm trạng của Huyền Trân Công Chúa trên đường đi công Hồ:

Nhìn non nước thêm đau lòng này
Chân bước đi nhưng dạ bùi ngùi…
(Huyền Trân Công Chúa của Lê Xuân Ái)

Có lúc chúng tôi như đang sống giữa cái nắng vàng của một nhà quê mơ hồ nào đó trong trí nhớ:

Quê nhà tôi chiều khi nắng êm đềm
Mẹ già đưa mắt trông về phía trời xa
(Chiều Quê của Hoàng Quý)

Với tâm hồn của một đứa bé mới bắt đầu cảm nhận cái thế giới vây quanh mình. Quả thật, tôi đã quá may mắn được sớm làm quen với những xúc cảm bùi ngùi như thế. Từ những đêm trăng đó, trong đời không còn điều gì khiến tôi ao ước hơn là có một cây đàn. Suốt ngày tôi ôm mãi một khúc củi lượm được đằng sau nhà, miệng nhái tiếng đàn mandoline của chị tôi và tay khảy liên tu trên khúc củi đó, chị tôi đã thấy được sự ưa thích của tôi và bà đã lượm được một miếng gỗ làm nhà đẽo thành hình một cây đàn, cột thêm ba sợi dây cước dọc theo miếng gỗ. Đó là chiếc đàn đầu tiên của tôi trong đời. Ồ! Đó cũng là tặng phẩm tuyệt diệu nhất mà tôi đã từng có được trong suốt cuộc đời tôi.

Chiến tranh bùng nổ. Biến động mùa thu 1945. Gia đình chúng tôi thu xếp để tản cư, tôi còn nhớ hoài đêm đó, ba má tôi và hai bà chị lớn của tôi hì hục đào một cái hầm giữa nhà, lúc đầu chúng tôi tưởng là để làm hầm trú ẩn. Nhưng không phải, ba má tôi dự định sẽ giấu hết tất cả những gì có được của gia đình dưới chiếc hầm đó và với hai bàn tay trắng, chúng tôi sẽ theo đoàn người đi tản cư.

Giữa những nồi niêu, xoong, chảo… nằm ở đó, ba má tôi đặt trên đồ vật những tấm ván và lấp đất lên đó. Ôi! Hình ảnh cây đàn mà tôi đã coi như một vật thiêng liêng đang bị lấp dần dưới lớp đất đen, đã gây cho tôi một ấn tượng không bao giờ phai mờ được. Ấn tượng đó vẫn còn mãi trong tôi cho đến hôm nay, sau đó cứ mỗi lần đi dự một đám táng nào, đến lúc người ta bắt đầu ném những viên đất đầu tiên lên nắp quan tài nằm sâu dưới đáy huỵệt, bao giờ cũng thế tôi không thể nào tránh được cái ý nghĩ là ở trong đó, trong chiếc quan tài đó đang có một cây đàn bị chôn theo cùng với người quá cố.

Không bao giờ, chúng tôi còn trở lại với khu rừng đầy mai vàng đó nữa, tôi cũng không bao giờ còn thấy lại cây đàn gỗ đẽo của chỉ tôi và cây đàn xinh đẹp với những hình kỷ hà chạm trổ của chị tôi. Gia đình chúng tôi đến định cư ở một khu phố gần chợ Đà Lạt, căn nhà nằm trên Rue d’Annam sau này là đường Hàm Nghi. Mỗi đêm tôi thường với những đứa trẻ cùng trang lứa đi bắt dế dưới những cột đèn đường hay các ngõ ngách trong khu chợ.

Một đêm tôi đang hì hục soi một hang dế dưới cửa sổ của một căn nhà hai tầng gần chợ, tôi bỗng nghe những âm thanh rất lạ lùng phát ra từ căn nhà đó, tôi bỏ hang dế, ghé mắt nhìn sát vào mặt cửa kính, xuyên qua bức màn voan trắng, trên bục gỗ trước một ban nhạc nhẹ, một nhạc sĩ người Pháp đang chơi vĩ cầm, những âm thanh réo rắt tôi được nghe lần đầu tiên đó trong đời đã như những giọt mật ngọt lịm dần trong trái tim tôi, tôi có cảm tưởng như mọi thứ trong hộp đêm đêm đó bị cuốn trôi theo tiếng đàn kỳ diệu. Mọi sự là do tiếng đàn đó và vì tiếng đàn đó mà thôi, những cặp trai gái đang dìu nhau trên sàn nhảy từng bước theo tiếng đàn, những ánh đèn màu, những tà áo, những nụ cười, những khăn phủ bàn màu trắng, những người hầu bàn lặng lẽ… tất cả dường như là tiếng đàn, bởi vì khi tiếng đàn vừa dứt và người nhạc sĩ thả cây vĩ cầm xuôi theo thân mình thì mọi người bỗng buông nhau ra và sự ồn ào, lộn xộn bỗng bị tràn ngập căn phòng. Từ đó, mỗi đêm hình ảnh của người nhạc sĩ vỹ cầm vẫn thường trở lại trong giấc mơ của tôi bên cạnh những con dế, những hòn bi và nét mặt lúc đe dọa, lúc tươi cười của ông thầy giáo lớp 4 của tôi lúc bấy giờ.

Những năm sau đó, giấc mơ lớn nhất của tôi là được sờ tay vào một cây vỹ cầm, nhưng điều đó vẫn còn là một giấc mơ cho đến năm tôi 14 tuổi.

*

Hình như trong trí nhớ của mỗi người đều có một con đường, một con đường với những viên sỏi, với những bông hoa dại, với những mái nhà, với những bóng cây… một con đường tình cờ được lót dưới bàn chân của ta và bỗng trở nên thân thuộc, một con đường vẫn thường trở lại trong giấc ngủ của ta và đã đánh thức trong ta biết bao nhiêu điều mơ mộng. Tôi đã có một con đường như thế và với một sự tình cờ kỳ thú, con đường này đã nối liền hai trái tim tuyệt vời nhất của Đà Lạt: hồ Xuân Hương và hồ Than Thở.

Hàng tuần cứ mỗi sáng Chủ Nhật, tôi với người anh họ, anh Bửu Ấn, một người rất tài hoa và mê những nhân vật trong tiểu thuyết của Phi Long lúc bấy giờ. Tôi 11 tuổi và Ấn 13 tuổi, chúng tôi cùng với một người bạn lớn tuổi hơn một chút tên là Bảo, làm nghề thợ may, đẹp trai và dĩ nhiên có tiền hơn chúng tôi..

Chúng tôi thường đèo nhau trên hai chiếc xe đạp, ghé vào chợ mua một ít thức ăn, rồi thong thả đạp xe dọc theo con đường từ hồ Xuân Hương xuống ga Đà Lạt, qua St Benois rồi tiến đến hồ Than Thở. Trên một ngọn đồi cách bờ hồ chừng 100 mét, giữa những cây thông cao vút, chúng tôi dọn sạch một khoảng đất vuông đủ rộng như một cái võ đài, với đôi găng đánh bốc cũ Bảo đã mua lại của một người bạn, chúng tôi bắt đầu so găng với nhau, cho đến khi mệt lả, đổ mồ hôi như tắm, chúng tôi đuổi nhau nhảy ùm xuống hồ, bơi lội thỏa thích. Chiều về chúng tôi nằm dài dưới bóng cây và Bửu Ấn bắt đầu kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện phiêu lưu, mạo hiểm rất kỳ thú trong các tiểu thuyết mà anh đã đọc được, một hôm câu chuyện được kể liên quan đến cuộc đời một nhạc sĩ tài hoa nào đó và chúng tôi bất ngờ đi đến quyết định là bên cạnh việc luyện tập võ nghệ, chúng tôi sẽ bắt đầu luyện thêm nghề đàn.

Chiều ngày hôm sau, một buổi chiều êm ả như mọi buổi chiều ở Đà Lạt, nhưng ba đứa chúng tôi trong lòng như mở hội, tôi nghĩ đến cây đàn sắp được nhìn tận mắt, sắp được ôm tận tay mà không thể nào nén được niềm vui thích, trên con đường đi đến tiệm đàn nằm ở đầu dốc Duy Tân, chúng tôi thêu dệt không biết bao nhiều điều về cây đàn sắp có. Bảo đưa cho cô chủ tiệm mấy trăm bạc và chỉ một cây đàn guitare màu vàng sẫm treo trên quầy hàng, tôi không tin được mắt mình nữa. Ôi! Không có một vật gì làm tôi xao xuyến hơn cây đàn guitare màu vàng lúc đó, mọi sự đều quá tuyệt diệu đối với tôi.

Bảo ôm cây đàn ngồi sau yên xe của anh Ấn, tôi trên chiếc xe đạp của tôi, chúng tôi đổ dốc Duy Tân, đạp thật nhanh qua đường Hoàng Diệu rồi thẳng tiến đến thác Cam Ly. Hai chiếc xe đạp được dựng vội vàng dưới chân một ngọn đồi, chúng tôi ì ạch ôm cay đàn guitare leo lên tận đỉnh một ngọn đồi cao nhất, nhìn xuống khắp cả một thung lũng bao la.

Trong cái thanh vắng của buổi chiều tà với tiếng thác đổ vọng lại từ xa, tôi nín thở nhìn Bảo tháo cái bao giấy bọc ngoài cây đàn, rồi Bảo ngỏ ý muốn giành quyền thử đàn cho người sành sỏi, cây đàn được trao cho Bửu Ấn, anh lúng túng không biết ôm cây đàn ra sao, cuối cùng rồi cây đàn đã ở được vị trí của nó; những âm thanh của 6 sợi dây buông bỗng vang lên và từ trong không gian đầy màu xanh của cây cỏ, núi đồi, của tiếng suối reo, của hơi gió thoảng… và từ trong cái thời gian của những cây bông mai vàng, của những đêm trăng sáng, của những núi rừng lạnh lẽo xa xôi… tất cả đã được khơi dậy trong trái tim tôi một niềm hạnh phúc vừa xa lạ vừa quen thuộc biết bao.

Những âm thanh vụng về đó là của sáu sợi dây buông đã thực sự đánh thức những hoài bão trong tôi, những âm thanh đó đã thực sự giúp tôi tìm thấy con đường của mình, một con đường mà suốt cuộc đời dài, tôi đã đi đi lại lại không biết bao nhiêu lần từ những niềm vui như gió thoảng của hồ Xuân Hương đến những nỗi buồn không bao giờ nguôi của hồ Than Thở.

Lê Uyên Phương

(Trích “Đà Lạt tưởng niệm dưới mặt đất”, nhà xuất bản Thuận Hóa, 1985, California)
Ngày Nay Minnesota số 243 ngày 15.7.1999

Nguồn: http://www.hocxa.com/Nhac/LeUyenPhuong/LeUyenPhuong_TuoiNhoNhungCayDanVaDaLat.php

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây