Trận Chiến Nhạc Vàng

Kiva
5/2018

NhacVang1

Trên thị trường ca nhạc hiện nay, có nhiều tên gọi có ý nghĩa hơi tương tự nhau: Nhạc vàng, nhạc Boléro, nhạc trữ tình, nhạc quê hương, nhạc dân ca, nhạc mùi, nhạc sến, nhạc trước 75, nhạc đại chúng… Khán giả thường lẫn lộn vì không thấy khác biệt bao nhiêu giữa các dòng nhạc này. Chúng ta chưa có một Hội Đồng Âm Nhạc hay Hàn Lâm Viện Âm Nhạc để đưa ra những tiêu chuẩn, để phân biệt ranh giới, để thẩm định rõ ràng, chính xác những đặc tính khác nhau của các dòng nhạc. Mỗi người nói theo cách hiểu riêng của mình.


Thông dụng nhất hiện nay là danh từ “nhạc vàng” hay “nhạc Boléro”. Tôi dùng từ “nhạc vàng” ở đây để có thể nói rộng hơn, tránh bị qui đề tài vào một thể điệu duy nhất là Boléro. Nhạc vàng không có nghĩa vàng vọt, ủy mị như đã từng bị gán cho sau 30 tháng 4 – 1975, mà đó là dòng nhạc phổ thông, đại chúng. Dòng nhạc vàng dùng trong bài này là:

– Loại nhạc đa số sử dụng các thể điệu: Boléro, Rumba, Slow Rock, Habanera…

– Những nhạc sĩ quen thuộc của dòng nhạc này như Hoàng Thi Thơ, Trúc Phương, Lam Phương, Duy Khánh, Trần Thiện Thanh, Châu Kỳ, Anh Bằng, Lê Dinh, Minh Kỳ, Hoài Linh, Thanh Sơn…

– Dòng nhạc được phát triển mạnh từ cuối thập niên 50 đến giữa thập niên 70 ở miền Nam. Cho nên có nhiều người gọi đó là nhạc VNCH, dân dả thì quen gọi là nhạc mùi, nhạc sến.

Tôi không đề cập đến dòng nhạc tiền chiến, nhạc thính phòng, nhạc Trịnh Công Sơn, để tập trung nhìn cho rõ số mệnh của dòng nhạc vàng.

Phần I: NHẠC XƯA TRỞ LẠI

30-4-75, VNCH đã thua trên các mặt trận: Quân sự, chính trị, lãnh thổ… Ngay sau ngày 30 tháng 4 – 1975, nhạc đỏ lập tức vang lên khắp mọi nơi. Các giọng ca “xẻ dọc Trường Sơn” như Tô Lan Phương, Anh Đào… tràn ngập trên các làn sóng điện.

Nhưng còn có một mặt trận nữa mà VNCH chưa thua: Mặt trận văn hóa, văn nghệ. Phần vô hình chính là các tư tưởng, ý thức trong mỗi con người mà nhà cầm quyền Cộng Sản chưa đụng chạm vào được. Nó vẫn còn đó và tạm lùi sâu vào ký ức. Phần hữu hình là các sản phẩm văn hóa như sách, báo, phim ảnh, bản nhạc, băng dĩa nhạc… thì bị nhà nước kết án, cấm chỉ, tịch thu, thiêu hủy toàn bộ. Một số văn nghệ sĩ bị bắt, chết trong tù: Nguyễn Mạnh Côn, Minh Kỳ, Thục Vũ… Đảng và nhà nước muốn chính thức kết liễu sinh mệnh của nền văn hóa, văn nghệ miền Nam. Tưởng rằng nền văn hóa đó không làm sao mà sống được. Nhưng văn hóa nói chung, âm nhạc nói riêng đã lui vào bóng tối cố thủ.

Trong trận chiến không cân sức đó, người dân miền Nam đã dùng đúng kế sách mà những người Cộng Sản thường ca tụng, đó là “chiến tranh nhân dân”. Dân chúng miền Nam đã vận dụng “chiến tranh nhân dân” trong mặt trận âm nhạc thật xuất sắc, không có Mỹ, Pháp, Nga, Tàu gì giúp sức cả. Chính nhân dân là người đã che giấu, là nơi ẩn náo cho các tác phẩm văn nghệ, băng dĩa của VNCH. Họ không cần làm địa đạo như Củ Chi, mà họ chôn nó xuống đất, hay giấu kỹ ở những góc khuất trong nhà. Họ âm thầm nuôi dưỡng các tác phẩm đó bằng chính giọng ca của họ. Khi không có cán bộ nhà nước thì họ hát to lên cho đã, lúc có cán bộ thì họ hát nhỏ xuống hay nín lặng. Chờ khi có dịp thì mang băng dĩa cũ ra thích thú nghe lại. Lúc có bóng dáng người lạ thì vội vàng giấu đi. Nếu giấu không kịp thì bị phạt, bị tịch thu băng dĩa, tịch thu luôn cả “cái đài” (để cán bộ đem về nhà nghe một mình). Tình trạng giống y như ở Trung Quốc trước kia, rõ là hai nước anh em.

Còn dân miền Bắc, ngay sau 30-4-75, họ vào Nam (bộ đội, cán bộ, dân thường) vội vã, lén lút gom góp những băng dĩa cũ, bằng mọi cách đem về miền Bắc. Có nhà còn sắm chiếc tủ thật đẹp để chưng trong phòng khách những băng dĩa đem được từ miền Nam ra, xem như tài sản quý.

Trong một đêm sương lạnh trăng mờ vào giữa thập 80, tôi có dịp qua đêm ở một vùng quê nghèo thuộc tỉnh Đồng Tháp. Giữa cái tĩnh mịch, thanh vắng của miền quê, chợt theo tiếng gió đưa từ xa vọng lại một âm thanh quen thuộc. Tiếng hát phát ra từ một máy hát dĩa của một nhà nào đó trong đồng không mông quạnh:

“Ai cho tôi tình yêu, của ngày thơ ngày mộng
Tôi xin dâng vòng tay mở rộng. Người hỡi người…”

Rõ ràng tiếng hát của cô Hoàng Oanh trong nhạc phẩm Ai Cho Tôi Tình Yêu của Trúc Phương. Tim tôi chợt thắt lại. Dù đã xa vắng hằng chục năm rồi, nhưng cô ấy vẫn đang ở đây mà, vẫn đăm đăm bầu bạn với những người dân quê. Nét nhạc của Trúc Phương đậm đà, gần gũi với cỏ nội mây ngàn, với người ở sông nước miền Tây.

Tôi nghĩ có lẽ ở rải rác khắp miền Nam và ở cả miền Bắc, hằng đêm có nhiều người vẫn âm thầm nuôi dưỡng tâm hồn mình bằng những bản nhạc “quốc cấm”, những bản nhạc của người “bại trận”, của một thời đầy ân tình, lãng mạn. Âm nhạc đó vẫn chưa chết.

Tôi lại nghĩ đến người miền thị thành náo nhiệt. Có những anh thương phế binh ngồi xe lăn bán vé số dạo, có những người hành khất rách rưới dưới chân cầu, có những chàng trai trẻ vất vả, ngược xuôi bán kẹo kéo. Hàng ngày họ đều cất giọng ngọt ngào, đôi lúc bi thương như giãi bày tâm sự qua những bản nhạc vàng.

Trong những quán nước ven đường, chung quanh chiếc bàn đơn sơ có mấy ly bia hay trà đá, có những nhóm chừng 5-7 người với một cây đàn guitar thùng. Họ thay phiên nhau cất cao giọng hát những bản nhạc thời cố hỷ cố lai, cái thời chế độ cũ đó mà. Họ hát say quên trời đất, hết bài này tới bản kia, không hay rằng màn đêm đã buông xuống khuya lơ khuya lắc.

Tất cả những người kể trên nắm vai trò mũi nhọn xung kích, gìn giữ và lưu truyền âm nhạc VNCH. Họ xuất thân từ tầng lớp bình dân, hát ca tự phát nhưng vô cùng hữu hiệu trong việc gây dựng lại nền nhạc vàng VNCH (vàng thật sự và rất có giá trị).

Rồi sau một thời gian dài, nhà nước cũng phải “mở cửa” cho dân dễ thở hơn. Không ngờ người dân thừa thế xông lên. Các dĩa hát cất giấu lâu ngày được mang ra, sao chép, lan truyền.

Các dĩa ở Hải Ngoại cũng lướt sóng đại dương cập bến quê xưa để tiếp lửa, thật ồ ạt kể từ thập niên 90. Chúng ta may mắn có Hải Ngoại đóng vai trò hậu phương lớn để lưu trữ, giữ gìn, phát huy di sản văn hóa của ông cha mà nhạc vàng chiếm một phần rất quan trọng. Cám ơn các trung tâm ca nhạc, đồng bào Hải Ngoại đã tìm mọi cách để di sản này “vượt biên” theo cùng và ngày nay kết hợp với quốc nội theo thế liên hoàn vô cùng ngoạn mục.

Rồi Internet phát triển, nào là Youtube, nào là online, nào mạng xã hội… đủ loại tên gọi, đã cung ứng nhu cầu tinh thần ngày càng rộng rãi. Việc tìm một bản nhạc, một giọng ca được yêu thích không còn quá khó, đã giải cơn khát nhạc vàng của người dân vô cùng hiệu quả.

Kể từ năm 2010, phong trào hát nhạc vàng trong nước bùng lên mạnh mẽ. Hình như các cố nhạc sĩ, các cố ca sĩ VNCH hồn thiêng sống dậy. Những cái tên như Trúc Phương, Minh Kỳ, Hoài Linh, Anh Việt Thu, Dzũng Chinh, Duy Khánh, Nhật Trường… ngày càng được nhắc nhở nhiều hơn. Thế hệ trẻ còn lập ra các trang Facebook tưởng nhớ các cố ca sĩ Duy Khánh, Nhật Trường…, tổ chức đi thăm mộ các nhạc sĩ Trúc Phương, Anh Việt Thu…, tổ chức họp mặt để hát nhạc của những nhạc sĩ tài danh cũ. Thế hệ trẻ bắt đầu tìm nghe và tìm hiểu về âm nhạc trước 75.

Các ca sĩ Hải Ngoại về Việt Nam hát ngày càng nhiều: Hương Lan, Elvis Phương, Giao Linh, Phương Dung, Thanh Tuyền, Chế Linh, Tuấn Vũ, Như Quỳnh… Dĩ nhiên, sự trở về nước trình diễn bị một số người lên tiếng phản đối. Những nghệ sĩ trở về cũng tham gia vào phong trào hát nhạc vàng trong nước, càng làm náo nhiệt thêm phong trào hát nhạc xưa vàng son một thuở.

Nhạc vàng đã thoát ra khỏi cái nôi sinh ra nó ở miền Nam để vươn ra mạnh mẽ đến miền Bắc. Có người nói rằng âm nhạc miền Nam đã âm thầm từng bước giải phóng ngược lại Hà Nội. Chưa bao giờ nhạc vàng được người ta say mê khắp cả nước như hiện nay.

40 năm xây dựng XHCN (sau 1975), không xây dựng nổi một nền âm nhạc XHCN vững chắc. VNCH trong vòng 20 năm (1954-1975) đã để lại một gia tài âm nhạc đồ sộ mà cho đến nay chúng ta vẫn dùng chưa hết. Một nhạc sĩ của nhà nước (nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha) cũng phải thán oán: “Hàng trăm hợp xướng của tôi và đồng nghiệp, hàng ngàn ca khúc cách mạng vĩ đại thì cũng chẳng ai nhắc đến hay ca ngợi…”

Sự hồi sinh mạnh mẽ của dòng nhạc vàng cho thấy âm nhạc VNCH lúc xưa chưa có thua. Sau 40 năm chiến đấu cam go, bằng một sức mạnh mềm, nhạc vàng đã lật ngược được thế cờ, giành chiến thắng trên cả nước. Đầu thế kỷ 21, tôi đã thấy được một cuộc chiến tranh nhân dân ôn hòa, lãng mạn, thú vị mà không do những người Cộng Sản điều khiển. Một cuộc chiến tranh không có bom đạn, sắt máu, mà chỉ có lời ca tiếng nhạc du dương, êm đềm, thơ mộng. Nhạc xưa đã trở lại, nhưng không phải là sự thụt lùi mà là sự đáp ứng nhu cầu, phản ảnh tâm thức của người dân muốn hướng đến một xã hội tràn đầy yêu thương, nhân bản, thấm đượm tình quê hương dân tộc.

Phần II: NHỮNG CHUYỂN BIẾN KHÔNG NGỜ

Thời gian nhạc vàng bị cấm, người dân vẫn hát nhạc vàng đó thôi, nhưng hát nhỏ, hát cho khuây khỏa nỗi lòng. Khi nhà nước “mở cửa” cho hát thì cũng mở từ từ và vẫn có những vùng cấm. Những bài hát nhắc tới chiến tranh, người lính thì tuyệt đối không được hát.

Đến khi Internet phát triển, người dân mở máy lên là nghe được thì cấm làm sao. Khi mà cộng đồng Hải Ngoại vẫn còn bảo tồn di sản văn hóa và các trung tâm ca nhạc Hải Ngoại hoạt động rầm rộ, lôi cuốn cả người trong nước say mê hát nhạc vàng, thì cấm làm sao? Cấm cũng như xúi người ta tìm nghe. Muốn cấm cũng không được. Bấy giờ nhà nước mới “ngộ” ra: Chống đối mới đáng sợ, hát nhạc vàng không đáng sợ. Cứ sống với Cộng Sản mà hát nhạc VNCH, mà hoài niệm, mà tiếc nhớ. Có nguy hiểm gì đâu. Khi nào hát nhạc đấu tranh như Việt Khang mới phải vào tù. Còn nhạc vàng hiền khô, đâu có kêu gọi chém giết ai, toàn là thương thương nhớ nhớ. Hễ anh đi thì em nhớ, em thương, rồi em đợi. Mẹ già một nắng hai sương cũng ráng ngồi chờ con trai trở về. Còn nhạc cách mạng thì nhớ bác Hồ là chính, rập theo khuôn mẫu của những tuyên truyền từ miền Bắc.

Cho nên khoảng hai năm trở lại đây, nhà nước mở cửa rộng hơn, cho phép hát nhiều bài trước 75 hơn. Như bài Chiều Mưa Biên Giới của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông cũng đã được cấp phép và cô Thanh Tuyền đã hát ở Hà Nội năm 2017.

Cả nước say sưa với nhạc vàng, làm khuynh đảo luôn các dòng nhạc khác. Nhà nước rút kinh nghiệm, nếu cứ cấm như trước kia thì người ta ấm ức, dễ sinh chống đối. Đã không cấm được thì cho, thỏa mãn lòng say mê của thanh niên, thu hút mọi sự chú ý của thanh niên vào đó, không để “bọn xấu” lợi dụng. Âm nhạc là để giải trí, xoa dịu lòng người, là một thứ thuốc an thần hữu hiệu. Nghe nhạc nhưng miễn bàn chính trị, đó là chủ trương an dân của nhà cầm quyền.

Và đến bây giờ thì sao? Các gameshow về Boléro vẫn còn dày đặc trên sóng truyền hình. Nhạc vàng Boléro vẫn còn là niềm cảm hứng cho các nhà tổ chức các chương trình ca nhạc. Boléro vẫn còn đông người xem. Nhưng lác đác đã thấy người than thở: Nghe nhạc vàng Boléro nhiều quá, muốn bội thực, nhàm chán. Người khác than thở: Nhạc vàng bị lạm dụng, khai thác quá đà trong một thị trường bát nháo, chạy theo lợi nhuận chẳng có ai cầm cương, khiến khán giả hiểu sai về ý nghĩa và thực chất của loại nhạc này. Những người hay lo xa đâm ra hoang mang: Với tình thế như vậy, liệu nhạc vàng còn trụ vững được bao lâu?

Hải Ngoại từng là hậu phương mạnh của nhạc vàng thì nay đã mất dần thế mạnh. Giữa “cơn bão” Internet, các trung tâm ca nhạc lao đao, khốn đốn, khán giả chỉ coi trên mạng, đĩa vắng người mua, nguồn thu không còn dồi dào, cạn vốn làm show. Từ hàng chục trung tâm ca nhạc trước kia, giờ chỉ còn lại hai trung tâm là Asia và Thúy Nga. Cả hai trung tâm này cũng đang chênh vênh vì những chia rẽ, chống đối, tương lai rất khó khăn. Và trong trận chiến nhạc vàng, rốt cuộc ai sẽ thắng ai?

Lịch sử âm nhạc Việt Nam sẽ ghi lại một giai đoạn cực thịnh của dòng nhạc vàng với rất nhiều biến động. Điều nổi bật nhất là tâm hồn người yêu nhạc đã gắn bó bền chặt với những giá trị đã từng theo họ suốt 20 năm chiều dài chiến tranh (1954-1975).

Cái định hướng của đảng về văn nghệ sau 75 đã bị quần chúng “định hướng” lại theo hướng khác. Cho nên nhạc vàng vẫn chiếm lĩnh sân khấu cho đến ngày hôm nay. Trong tương lai còn nhiều bất định. Người thưởng ngoạn sẽ ứng phó ra sao để quyết định con đường đi tới của nhạc vàng?

Đó vẫn còn là một câu hỏi!

Mùa Xuân năm 2018
Kiva

Nguồn: Trang FB của ca sĩ Hoàng Oanh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây