Mai Xuân Vỹ
4/2018
Đêm Dịu Dàng Thế Kia
Sáng tác: Mai Xuân Vỹ – Mai Khôi trình bày
Một – Đêm Dịu Dàng Như Sen
Tôi về thăm lại ao sen của bà vào môt ngày cuối hè. Con ngõ nhỏ quanh quất trổ đầy những tàn nắng nhạt nhạt lúc tàn ngày dẫn vào nhà bà thật bình yên lặng lẽ. Những bụi chè với lá xanh sẫm chia nhà bà làm hai nửa không đồng đều. Một nửa là căn nhà ba gian rộng mát với hàng hiên rộng và bộ sập gỗ mun đen tuyền tôi vẫn thường nằm ngủ với cậu những đêm hè xưa. Và sau nhà là vườn ổi vuờn mía và chuồng nuôi gà nuôi heo. Nửa còn lại là ao sen nơi tôi với dì và cậu thường nghịch phá giỡn nước vào những ngày xưa xa thẳm. Tôi rẽ trái ra ao sen và nghe lòng mình nằng nặng khi nhìn thấy ngôi mộ quét vôi trắng nép mình bên cây khế đơm dầy trái chín vàng óng. Mộ của cậu cả. Cậu mất sau mùa hè đỏ lửa và trước ngày hoà bình giả tạo với hiệp định Paris. Cả tiểu đoàn của cậu chỉ còn hơn nửa đại đội trở về sau trận đánh giải vây khủng khiếp ở Thường Đức dọc theo hai bên bờ con sông Yên và sông Vu Gia. Tiểu đoàn trưởng cùng toàn bộ các đại đội trưởng đồng loạt tử trận.
Tôi về Đà Nẵng sau nửa năm theo Ba ở Tuy Hòa và nửa năm ở Kontum. Ở đó tôi đã có lần đi qua đèo Chu Pao trong cái nắng ngút ngàn của miền cao nguyên, nhìn thấy mầu đất đỏ như còn ngời máu của những người lính đã ngã xuống đó năm trước. Bụi đỏ và đồi hoang. Ôi những miền đất thường bỏ hoang chẳng ai ngó ngàng tới rồi bất chợt một ngày hàng hàng lớp lớp những người lính của hai miền kéo tới biến nó thành bãi chiến trường nơi họ phải dành nhau từng tấc đất với sinh mạng của mình. Đó là luật của chiến tranh tàn bạo. Cậu tôi đã ngã xuống với đồng đội cũng một trong những lần phải dành nhau những tấc đất vô tri theo qui luật chiến tranh. Đâu còn người cậu trầm ngâm với sách của Krishnamurti. Với truyện của Kim Dung. Với những câu thơ ngâm nga vào những ngày hè êm ả năm xưa.
Tôi nhìn xuống ao sen, những ngó sen tàn ngơ ngác soi bóng xuống mặt nước phẳng lặng như muốn níu kéo một mùa hè. Tôi như nghe được tiếng cười đùa ầm ỉ của ba đứa trẻ vào những năm xa xưa, và chợt giật mình vì sao nhà lại vắng vẻ đến thế. Ngoài ngôi mộ trước mặt có còn điều gì bất trắc xảy ra cho bà, cho dì và cậu út không?
Tôi quay ngoắt người bước nhanh vào nhà. Cửa mở. Nhà vắng ngắt. Không có ai. Vẫn căn nhà cũ như gần mười năm về trước mà tôi thuộc từng cây cột từng bậc thềm. Lòng hoang mang cực độ tôi bước thẳng ra nhà sau và rồi thở phào nhẹ nhõm khi thấy bóng một thiếu nữ ngồi im lặng an nhiên đan áo. Dì tôi.
Dì quay đầu nhìn người lạ. Anh mắt chợt có nét thảng thốt. Tôi nhận ngay ra dì vì cái ánh nhìn tinh nghịch ở khoé mắt với tròng đen rất đen quen thuộc. Dì không nhận ra tôi. Ít nhất là trước lúc tôi lên tiếng. Tôi loé lên cái ý tinh nghịch bằng cách làm mặt lạ với dì. Dì cũng nhìn lại tôi với ánh mắt dò hỏi. Sau phút thảng thốt hẳn là dì cũng biết đây là người quen. Quen nên mới bước thẳng vào nhà sau như vậy. Nhưng quen như thế nào thì tôi biết dì cũng đang thắc mắc với ánh nhìn dò hỏi ấy. Tôi làm bộ hỏi cậu út. Và ngay lập tức dì chợt la lên Ui chao Vũ đó hả. Lớn quá dì nhận không ra.
Thế thôi. Chỉ trong một khoảnh khắc. Chớp mắt dì lại trở về với cái an nhiên cũ, ngồi xuống bậc thềm, chỉ vào chỗ bên cạnh dì, rồi nhẹ nhàng lập lại. Lớn quá rồi lớn quá rồi. Gặp nhau ngoài đuờng dì nhận không ra đâu. Tôi ngồi xuống cạnh dì. Lòng ấm áp và thân thiết như những ngày xưa cũ.
Tôi ngạc nhiên vì dì lại xinh đến thế. Và dịu dàng đến thế. Cô gái dữ tợn tomboy năm xưa vẫn thường đuối đánh tôi và cậu út nay không còn nữa, thay vào đó là một thiếu nữ nhỏ nhẹ dịu dàng. Dì đang đan một chiếc khăn san cho mùa đông. Bà đi vắng và cậu út đi học thêm tối mới về. Tôi ngồi lặng lẽ nghe dì kể chuyện cậu cả. Nghe dì kể về những mất mát cùng với cái nắng quái chợt ửng lên bên hàng mía với hàng thân thẳng đều mầu tím thẫm trồng sau vườn sát chuồng nuôi heo. Bà không còn nuôi heo nấu rượu nữa. Cái nền xi măng với những tấm đan bằng thép xưa kia nhốt những con heo ồn ào lúc nào cũng tranh ăn giờ sạch bóng.
Cũng như cái hồ thả sen và rau muống trước nhà ngày xưa. Sân trước vườn sau giờ im lặng. Tất cả đều im lặng. Những đứa trẻ ngày xưa đã lớn. Tôi quay về và ngồi đây lặng lẽ nghe dì kể chuyện xưa với cái giọng nhẹ đều đều theo cái nắng nhạt dần cho đến lúc dì bảo phải hâm lại cơm bởi bà và cậu út sắp về rồi.
Buổi tối hôm đó dì dẫn tôi và cậu út ra ngã năm ăn chè hạt sen và chè đậu ngự. Đây là nơi những thiếu nữ như dì vẫn thường tụ tập như một mốt thời thượng ở tỉnh nhỏ như Đà Nẵng. Nơi đây tôi lần đầu nghe được bài hát Ngày Xưa Hoàng Thị và để ý thấy dì chăm chú lắng nghe. Tôi hỏi và dì bảo tôi thơ Phạm Thiên Thư và nhạc Phạm Duy đấy. Rồi nghe dì đọc nho nhỏ. Mười năm rồi Ngọ. Tình cờ qua đây. Cây xưa vẫn gầy. Phơi nghiêng ráng đỏ.
Quán hầu như toàn con gái, hay đúng ra là nữ sinh các lớp 11, 12 hoặc lớn hơn một chút như dì, chỉ có tôi và cậu út và vài thanh niên lạc lõng. Có vài cặp tình nhân thì thầm bên nhau hoặc cùng yên lặng nghe nhạc. Tôi thấy dì đỏ mặt lúng túng quay đi khi anh thanh niên bàn đối diện chăm chú nhìn dì và cười mỉm làm quen. Phải rồi, dì đã là thiếu nữ. Dịu dàng thanh thoát nhẹ nhõm như mây. Không còn một nét tinh ranh nghịch ngợm nào ở dì trừ cái khoé mắt như cười mỗi khi dì nhìn nghiêng và cái tròng đen rất đen như hai hạt nhãn từ thuở nhỏ. Dì là cô Ngọ trong bài hát. Là thiếu nữ tinh khôi. Dì lớn lên trong chiến tranh và sống sót toàn vẹn nhờ sự hy sinh của những người lính như cậu cả. Tôi cũng thế. An nhiên vui sống học hành với các thế hệ cha anh ở các chiến tuyến gần xa. Xa rất xa khi nghe những tin tức chiến sự về những địa danh thật lạ. Và gần thật gần ngay trên những con đường đầy bất trắc của chiến tranh ở ngoại vi thành phố yên bình này. Rồi tôi nhớ cậu cả và những câu thơ cậu thường ngâm nga những sáng hè xưa. Sáng nay nghe tin anh gục ngã nơi chiến trường. Nhưng bên bờ tường, vô tình khóm tường vi vẫn nở thêm một đoá . . .[1]
* * *
Thuở ấy, tôi 6 tuổi, sống an bình với bà, với dì, với cậu. Với mùa hè êm ả, với ao sen tỏa hương, với ngày dài và rộng. Và lòng là trang giấy mới. Tôi viết lên những trang sách tuổi thơ đầu đời bằng nỗi vô ưu, bằng niềm hạnh phúc. Chiến tranh ở rất xa. Cậu cả sắp xong năm cuối đại học. Cậu sẽ lên đường để giữ chiến tranh ở mãi thật xa cho tôi, dì út cậu út sống trong yên bình ngoài những hệ lụy tàn khốc của chiến tranh. Chỉ đến khi cậu ngã xuống, và lớp cha anh của tôi buông súng để lại mình tôi đối diện với hòa bình, lúc ấy tôi mới nhận ra mình mang ơn các thế hệ cha anh thế nào.
* * *
Tôi 6 tuổi. Bé nhất. Hưởng tất cả những nuông chiều của bà dì cậu. Và sống vô tư đùa nghịch trong ngôi nhà ba gian thơm ngát hương sen mùa hạ rồi ngủ những giấc trưa vật vạ ở bậc thềm khi đã hết sức đùa dỡn để bà phải ẵm lên bộ sập lớn ru tiếp giấc nồng cho tôi. Tôi ngủ giấc trưa bình yên như thế cho đến khi dì và cậu lay tôi dậy ra vườn sau nhà hoặc lùng sục sang những vườn hàng xóm tìm tổ chim bắt những con sáo mỏ vàng lông vàng vừa mới chập chựng ra ràng. Đây là những tổ chim dì tôi thường đã “thăm” hết một vòng tự tờ mờ sáng khi tôi và cậu út còn ngủ lăn trên bộ sập. Tôi chỉ thường thức giấc sáng khi bà đã làm xong bữa gọi dậy. Và tôi vẫn thường lơ đãng mắt nhắm mắt mở đánh răng rửa mặt bên bờ giếng vừa hửng nắng hồng sau những cụm mây xa. Và chỉ tỉnh hẳn khi dì bảo các tổ sáo con đã có thể bắt được hôm nay rồi.
Rồi dì sẽ chèo thuyền thúng hái rau muống và hái sen cho bà mang ra chợ bán. Vẫn luôn miệng càu nhàu mi nặng quá tau không cho ngồi sau mô chèo mệt lắm. Nhưng rồi cũng vẫn luôn luôn độ lượng cho phép tôi ngồi sau lưng làm bộ tỉ mẩn xếp những bó sen thành bó, rau muống một bên, và miệng thì nhai lấy nhai để những hạt sen trắng muốt sau khi lột vỏ tách hạt bỏ tim sen bằng răng.
Xong sen rồi đến bèo nấu cám cho bầy heo đang kêu réo ở vườn sau. Đây là lúc tôi thích nhất. Tôi và cậu út mỗi đứa một thuyền thúng ở giữa ao đùa những đám bèo vào sát bờ cho dì vớt. Công việc này thường bắt đầu rất nghiêm túc cho đến lúc bèo dì vớt đã kha khá rồi chợt biến thể thành trò chơi chiến tranh lúc tôi dùng dầm vô tình –hoặc cố ý- hất một đám lớn vào người cậu út.
Lúc ấy hai “chiến thuyền” thúng sẽ xáp lại gần nhau trong tầm khỏa nước văng nước. Trong cuộc chiến này tôi thường thua đậm ngay chính vào lúc tôi cao hứng trổ hết công phu “dầm pháp” và “chèo pháp” lén đập được một cú “trí mạng” vào hông cậu út hất cậu văng xuống ao. Những lúc ấy cậu út sẽ lặn thật sâu rồi bất thần trồi lên chụp vào một bên thúng trầm mình lật tôi nhào lộn đầu xuống nước. Tôi không biết bơi hụp lặn khóc la kêu dì cứu. Thường thì dì chỉ đứng yên vị trên bờ cười ngặt nghẽo cho đến lúc cậu út cặp tôi bơi vào bờ khi cậu đã hả hê nguôi giận vì cú dầm lúc nãy. Nhanh hay chậm tùy vào lượng nước ao tôi nuốt vào bụng.
Mãi rất lâu về sau cũng một mùa hè ở Tuy Hòa, ngày sáng mát và biển xanh dịu vợi trước mặt, tôi ngồi nghe những bài độc tấu cho trung hồ cầm của Bach, lơ đãng nghe tiếng dây ngân giọng mũi lúc nhặt lúc khoan của Pablo Casals hòa với tiếng lá reo vui lẫn vào với tiếng sóng biển, lòng đang rộn rã vui chợt dấy lên chút chán nản dịu dàng. Một nỗi niềm không định dạng mà tôi không biết là vui hay buồn dù có cố gắng lục lọi lòng mình để tìm nguyên cớ. Tôi vẫn thường ngồi thừ hàng giờ lơ mơ bất định như thế tra hỏi lòng mình.
Trong tâm trạng lơ mơ ấy, tôi lười biếng nằm khểnh đọc Thần Điêu Hiệp Lữ rất chán ở những giòng đầu. Rồi chợt tỉnh đọc ngấu nghiến những giòng tả các cô gái nhỏ Trình Anh, Lục Vô Song chèo thuyền hái sen trên hồ Gia Hưng ở Giang Nam. Tôi nhớ dì và cậu út. Tôi nhớ cái không khí trong mát trên ao sen lúc mờ sáng, rồi dần trở nên nóng ẩm hầm hập lúc đang chính ngọ giữa trưa, rồi trở lại cái man mác dìu dịu lúc ngày dần tàn nắng, cho tới lúc trăng in cái bóng vàng óng ả xuống mặt ao cùng với hàng hàng triệu triệu vì sao nhấp nhánh trên cao. Những vòng nhật nguyệt nối nhau kéo mùa hè của tôi rộng dài mênh mang tưởng chừng bất tận.
Tôi nhớ cậu cả. Nhớ những câu Tống từ cậu dạy tôi thuộc lòng mà không nhớ nghĩa. Vụ trọng yên khinh. Ẩn ẩn ca thanh quy trạo viễn. Giờ thì tôi hiểu. Mù thâm. Khói nhẹ. Thấp thoáng giọng hát lúc quay thuyền về. Và lúc này thì tôi đã quá lớn “quá nặng” không còn được ngồi sau lưng dì lúc dì đã hái xong sen miệng hát bâng quơ quày thuyền vào bờ.
* * *
Rồi sau cả một ngày dài nghịch ngợm thỏa thuê với đủ các trò của lũ con nít, tối đến cả nhà ngồi ăn cơm ở ngoài hàng hiên. Hàng hiên rộng chỉ có một bộ bàn ghế ở một bên, một bên kia là bộ sập lớn bằng gỗ mun. Mùa hè bà thường dọn cơm ăn ở ngoài hàng hiên gió mát. Bộ sập gỗ cũng là nơi bà và các bạn làm ăn hay hàng xóm ngồi uống trà ăn trầu. Cũng là nơi cậu cả nằm đọc sách. Cậu học ở Saigon cả năm và chỉ về nhà ba tháng hè. Cậu trầm ngâm ít nói và bao giờ cũng bênh tôi khi bị dì ăn hiếp. Cũng thường cười xuề xòa mỗi khi cậu út đến mách những lần tôi dám đánh lại cậu. Tôi nhỏ hơn cậu út nhưng lại to xác hơn nên cậu út thường lép vế mỗi lần phải động chân động tay với tôi. Mà thường thì chẳng cần đến cậu cả, dì vẫn luôn mau chóng lập lại trật tự bằng cách cho cậu út và tôi mỗi đứa một bạt tai nháng lửa. Và thế là yên.
Đêm mùa hè sao mà êm ả. Trời nhấp nhánh những vì sao. Gió đem hơi nước mát từ ao sen phả lên cùng với mùi hương thoang thoảng của những đoá sen dưới ấy. Bà tắt ngọn đèn măng xông và bắt lũ nhỏ bọn tôi đi ngủ. Tôi ngủ với cậu cả và cậu út ở bộ sập gỗ. Dì và bà ở nhà trong. Tôi nằm ngắm bầu trời được chia làm hai mảnh: mảnh nhỏ là mái hiên và mảnh lớn là một tấm lụa lớn mầu nhung tuyền điểm vô vàn những chấm sáng li ti rồi ngủ thiếp đi trong mùi ngai ngái của bèo dưới ao, mùi thanh khiết của hương sen thoang thoảng.
Những mùa hè bên ao sen khắc đậm vào trí nhớ tôi. Vĩnh viễn không bao giờ phai nhạt. Sen và bà. Sen và dì. Sen và cậu. Sen và những sáng hè êm ái, những đêm hè dịu dàng hương sen.
Và đêm. Mùi hương sen thanh khiết và mùi bèo ngai ngái. Êm ả. Dịu dàng. Thuở ấy tôi thấy đêm dịu dàng như sen.
Mai Xuân Vỹ
[1] Tôi có tìm lại lời bài thơ của Nhất Hạnh. Các phiên bản tôi thấy có hơi khác với những gì tôi nhớ. Cũng đã nửa thế kỷ rồi còn gì?