Nghe Chú Cuội của Phạm Duy, qua tiếng hát Ái Vân

Tuấn Khanh
6/4/2018


Ca sĩ Ái Vân

Phạm Duy là họa sĩ bằng âm nhạc. Lăng nghe những ca khúc của ông, đặc biệt là những âm điệu dân ca, người ta cảm thấy như mình bị nhấn chìm vào bức tranh đẹp nhất của quê hương mình.

Quê hương Việt Nam đẹp khôn cùng trong những bài hát của Phạm Duy. Có những bài hát đã hơn nửa thế kỷ, khi cất lên vẫn như thảm lụa ký ức, trãi khắp trong suy nghĩ, để người ngồi mà tự vấn mình yêu đất nước này đến mức nào.


Tôi lớn lên và may mắn được học những bài học về lòng yêu nước, đơn giản qua những cây cầu, bà mẹ, ánh trăng… mà Phạm Duy mô tả. Mà kỳ lạ thay, bao nhiêu giáo điều, bao nhiêu chủ nghĩa, tuyên ngôn học được, mọi thứ luôn trôi đi khi lắng nghe âm nhạc của Phạm Duy, để đọng lại hai chữ Việt Nam.

Một ngày của thập niên 80, bất ngờ tôi nghe được bài Chú Cuội, không phải do tiếng hát huyền thoại Thái Thanh, mà của ca sĩ Ái Vân. Đó là những giờ phút đắm chìm trong tiếng hát đến mức mà nhiều năm sau, khi gặp chị ở miền Nam nước Mỹ, được chị ký tặng cho chiếc CD, tôi vẫn xao xuyến như đứa trẻ được chiếc kẹo đầu tiên trong đời mình.

Chú Cuội – Ái Vân trình bày

Chú Cuội là một bài hát ít người thể hiện. Thái Thanh là sự điêu luyện và tinh tế đến nhấn vào tim mình từng chữ một, còn Ái Vân thì đem lại một không gian ngọt ngào và đẹp đến mức không muốn thoát ra.

Chú Cuội – Thái Thanh trình bày

Vào lúc quê hương đi vào hỗn loạn, dân tộc bị xô vào chốn hoang đàng. Chắc không có an ủi tốt hơn là nghe lại một chút tình quê, để thấy mình vẫn là một người Việt Nam, vẫn còn ôm một niềm hy vọng.

Trò chuyện ngắn với ca sĩ Ái Vân.

1. Trước khi vào Nam, chị đã biết đến nhạc sĩ Phạm Duy chưa?

Trước đây thỉnh thoảng được nghe ba của Ái vân nhắc đến bác Phạm Duy, hoặc ông cậu – nhạc sĩ Canh Thân, bà trẻ Lan Phương là những nghệ sĩ, nhạc sĩ của Hà Thành đã vào trong Nam. Chỉ thỉnh thoảng thế thôi bởi vì đó là những nhân vật “nhạy cảm” thật khó mà được nhắc đến một cách công khai ở miền Bắc trước đây. Chỉ sau này khi ra hải ngoại , qua trung tâm Thúy Nga và một vài trung tâm khác , Ái Vân mới được hát nhạc Phạm Duy, được làm quen với ông và được làm việc với ông trong một album nhạc có tựa đề là “Tình hoài hương “ do Ái Vân thực hiện. Đặc biệt Ái Vân có vinh dự được tham gia ba phần minh họa Kiều của nhạc sĩ Phạm Duy.

2. Là một người hát nhiều thể loại âm nhạc, Chị nhìn thấy sự khác biệt nào giữa khuynh hướng sáng tác theo âm điệu dân ca của nhạc sĩ Phạm Duy với những dòng tác phẩm tương tự mà chị đã trình bày trước đó?

Thông thường các ca khúc mang âm hưởng dân ca chỉ đơn giản dựa theo một làn điệu nhất định. Ở Phạm Duy, những bài hát mang âm điệu dân ca không những rất rõ nét, đậm đà, tha thiết giai điệu quê huơng mà cách chuyển điệu trong mỗi bài khiến nó trở nên như vừa quen, lại vừa rất mới lạ.

3. Chị đã từng chọn một bước ngoặc trong đời mình, là từ vị trí một ca sĩ hàng đầu ở Việt Nam vào ở miền Bắc, và bất ngờ bước ra chọn cuộc sống ở nước ngoài ít tiếp cận sân khấu hơn. Có bao giờ chị hối tiếc vì điều đó không?

Đầu năm 1990 khi sự nghiệp của Aí Vân đang ở độ chín nhất của nguời nghệ sĩ nhưng do hoàn cảnh riêng , mình đã phải dứt bỏ gia đình, quê hương, sự nghiệp ở đằng sau để chọn “one way ticket” cho một cuộc sống mới nơi đất lạ quê nguời. Vào lúc đó, một quyết định như vậy thật sự là điều hết sức khó khăn và đau đớn. Nhưng khi nhìn lại, mình thấy thật may mắn vì đó là quyết định đúng đắn nhất trong cuộc đời .

4. So với những ca sĩ từ nước ngoài trở về Việt Nam và thường quay trở lại sân khấu để biểu diễn, chị là người gần như rất hiếm khi xuất hiện trở lại. Chị có thể giải thích về việc chọn lựa như vậy?

Năm 1999, sau khi trải qua bạo bệnh, Ái Vân muốn được trở về hát trên sân khấu quê nhà, gặp lại những fans hâm mộ ngày xưa và cũng đáp lại uớc nguyện của ba Hà Quang Định là đuợc xem con gái trở về biểu diễn ít nhất một lần… Sau khi về hát lần đầu , mình đã nhận đuợc nhiều lời mời và cũng tham gia thêm một số chuơng trình. Khi ba mất, duờng như nguồn cảm hứng cũng không còn! Lúc này, mình thích cuộc sống hướng nội nhiều hơn vì thế nên đành từ chối tham gia nhiều chương trình trình diễn, làm giám khảo cuộc thi hoặc ngay cả live show riêng cho Ái Vân mà một vài nhà tài trợ đã có nhã ý tổ chức cho mình.

Bài “Chú Cuội “được cô Marie To của Trung tâm Thuý Nga chọn để mình hát thu hình. Ngay từ đầu mình đã bị cuốn hút bởi giai điệu và ca từ đều quá đẹp. Mình nhớ lúc đó đã đề nghị với cô Thủy cho mình được vào cả hai nhân vật : Chị Hằng và Chú Cuội. 27 năm về truớc hình như chưa có kỹ thuật digital như bây giờ nên việc lồng ghép cho hai nhân vật cùng lúc được thực hiện khá thô sơ. Tuy nhiên , đó là một trong những ca khúc của Phạm Duy được thu hình mà mình yêu thỉch nhất.

Tuấn Khanh

Nguồn: http://www.rfavietnam.com/node/4381

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây